Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2014

Khám tâm thần ĐBQH hay trả lại quyền bầu cử cho dân?

Khám tâm thần ĐBQH hay trả lại quyền bầu cử cho dân?
Tại sao không bàn tới việc đề ra các điều luật trả lại quyền bầu cử thật sự cho dân, để dân là người “giám khảo” bắt bệnh cho người đại diện của mình thay cho việc khám sức khỏe tâm thần cho ĐBQH?
Ý tưởng đột xuất!
Buổi thảo luận Luận bầu cử Quốc hội ngày 05/11/2014 bất ngờ xuất hiện nội dung đề xuất khám sức khỏe, đặc biệt là “sức khỏe tâm thần” đối với Đại biểu Quốc hội (ĐBQH). 
Khám sức khỏe để ứng cử ĐBQH không phải như khám để thi bằng lái xe. Tôi để nghị phải trắc nghiệm về trình độ, thần kinh, tâm lý. Sau đó đạt chuẩn mới cho ứng cử”. - đại biểu Nghĩa nói..”

Bắt nguồn từ phát biểu của ông Trần Du Lịch: “Tôi thấy tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội đơn giản quá, nếu cứ chung chung thế này thì một người mới từ bệnh viện tâm thần cũng ứng cử được”. Chưa cần chờ ông Trần Du Lịch nói hết ý, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM) đã xin cắt lời: “Tôi đề nghị ứng viên phải khám sức khỏe. Đặc biệt là sức khỏe tâm thần”. Từ đây kéo thêm một số đại biểu hăng hái tham gia góp ý một cách khá nhiệt tình. Đỉnh điểm có thể nói đến việc đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị phải luật hóa về tiêu chuẩn sức khỏe và lý lịch tư pháp.

Nghe qua thì khá hợp lý. Nhưng suy nghĩ kỹ thì thấy các vị ĐBQH tham gia thảo luận về đề tài này hình như đang trong trạng thái bốc đồng!

Khôi hài và … ngược đời!

Theo cơ chế, nguyên tắc bầu cử ĐBQH hiện hành thì ĐBQH là người được nhân dân bầu ra, đại diện cho dân để thực thi việc lập pháp, giám sát các hoạt động hành pháp của nhà nước và Chính phủ, đại biểu cho quyền lợi của dân. Nếu thực hiện đúng nguyên tắc dân chủ thì ĐBQH phải do dân đề cử hoặc tự ứng cử để nhân dân xem xét chấp nhận khi thấy đáp ứng đủ điều kiện. 

Nhưng ở Việt Nam, ĐBQH được Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) chỉ định ứng cử bằng việc đưa ra một danh sách các đại biểu đã được các tổ chức ngoại vi của Đảng chọn trước. Người dân chỉ được quyền bầu đại diện cho mình trong danh sách này. Kiểu bầu cử này áp dụng chung cho cả việc bầu cử các cấp chính quyền trong cả nước. 

Quyền dân chủ được lý giải bằng một khái niệm là “thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ”, cho phép ĐCSVN nắm giữ luôn Quốc hội với tuyệt đại đa số là đảng viên (khóa 13 tỉ lệ này là 91,6%). Nói cách khác: ĐBQH là nhân sự nguồn từ ĐCSVN chứ không phải là đại biểu dân chọn ra để bầu lên.

Quay lại đề xuất khám sức khỏe ĐBQH. Không lẽ ĐCSVN tuyển chọn cán bộ nguồn không đảm bảo sức khỏe, lẫn cả người tâm thần?

Hãy đặt một giả thiết khác. Nếu như bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ, thay bằng nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, đảm bảo người dân được tự do bầu cử một cách dân chủ thực sự thì liệu người dân có bầu cho người có khả năng tâm thần không? Chắc chắn không thể xảy ra trường hợp như vậy! Với người tự ứng cử, chắc chắn người dân cũng không khó nhận ra một kẻ tâm thần khi họ phải trải qua quá trình vận động bầu cử.

Cơ chế nào chắc chắn và điều gì nên bàn?


Từ những dấu hỏi nói trên, rõ ràng vấn đề sức khỏe, tinh thần của ĐBQH có cần phải luật hóa, có cần phải đưa ra nhiều tiêu chuẩn như các ĐBQH đương nhiệm bàn cãi hay không?

Yếu tố sức khỏe để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ thì đương nhiên là cần thiết. Nhưng chỉ cần là tiêu chuẩn theo khám sức khỏe thông thường là đủ.

ĐBQH là người đại diện cho dân. Trình độ cần thiết của ĐBQH là trình độ đủ thuyết phục người dân tin mà trao quyền đại diện chứ không phải là thứ trình độ bằng cấp để đem ra sát hạch như ý kiến ông Nghĩa nêu ra. Hiện thực hàng chục ngàn tiến sĩ được đào tạo nhưng thua cả những nông dân, thợ cơ khí… là một minh chứng cho kiểu sát hạch sách vở để áp dụng làm thước đo trình độ. Nhất là trình độ chính trị, xã hội là những lĩnh vực thuộc về kỹ năng và kinh nghiệm thực tế.

Tại sao không bàn tới việc đề ra các điều luật trả lại quyền bầu cử thật sự cho dân, để dân là người “giám khảo” bắt bệnh cho người đại diện của mình thay cho việc khám sức khỏe tâm thần cho ĐBQH?

Phải chăng các ĐBQH đương nhiệm đang muốn lờ đi vấn đề nóng bỏng là thảo luận về các quyền dân chủ thật sự của người dân? Hay là chính các ĐBQH đương nhiệm cũng đã và đang có vấn đề về “sức khỏe tâm thần” khi đặt ra một biện pháp mà chắc chắn với tình trạng tham nhũng, hối lộ nặng nề hiện nay, biện pháp đó hoàn toàn không thể ngăn được những người tâm thần lợi dụng hoặc ai đó lợi dụng đưa người tâm thần vào làm ĐBQH?

Thiên Điểu
Việt Nam Thời Báo)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét