Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2014

Thu nhập giảng viên An-nam - Thực sự là bao nhiêu?

Thu nhập giảng viên An-nam - Thực sự là bao nhiêu?
I. Là thế này, có bạn Tag mình bài báo trên VNN của bạn hiệu trưởng trẻ trường FPT rằng:Thu nhập giảng viên (An-nam) cao nhất hơn 1 tỷ/năm. Chuyện thiên hạ, chả muốn chém zó, nhưng thấy mấy bạn liếm láp bơ sữa ở Khoai Tây một thời gian, về nước cứ như người zời, toàn nói chuyện trên mây, y như mấy hội thảo cải cách giáo dục đại học cách đây mấy tháng, nên cũng nên nói cho các bạn í hiểu, để lần sau bớt bi-bô những điều tối nghĩa đi. Đối tượng nói trong stt này là giảng viên, từ to đến bé, không nói đến các đối tượng ngành nghề khác trong xã hội.

 1. Đầu tiên phải xác định cái từ "tỷ", nghe có vẻ rất to, nhưng lại cũng rất bé. Dĩ nhiên là nói về tiền ông Cụ, chứ tiền ông Ô-ba-ma thì chả có ai (sở hữu tỷ Ô-ba-ma) điên và thừa thời gian đi chém zó mấy cái vớ vẩn, lìu tìu của xứ An-nam cả. 
Đại loại những ông mà trả tiền cho buổi chén anh chén chú dăm người 5-7 triệu thì tỷ bạc là chuyện bình thường. Còn mấy ông mua được cái đầu cá tươi chợ chiều về nấu nồi canh chua để vợ chồng con cái xúm xít vào sụp soạp thì trăm triệu đã là to lắm, nói gì đến tỷ.

 2. Đoạn này nói về thu nhập, không nói về lương. Bởi lẽ mấy trường tư trả lương như nào thì tôi chả rành. Nhưng trường công, hệ số lương cao nhất là của giáo sư chỉ là 8.0. Kể cả phụ cấp đương chức, vượt khung 5% và phụ cấp đứng lớp thì thu nhập lương thực tế của giáo sư An-nam chính tắc chỉ tầm 15 triệu đồng/tháng. Nghĩa là một năm thu nhập chả quá 10.000 đô-la. Dạng giảng viên lìu tìu không tính, vì chả vượt qua 200-300 đô-la/tháng.
Ở đây, bài báo nói về thu nhập, nên tôi cũng nói về thu nhập. Bao gồm lương cứng và thu nhập ngoài lượng. Dĩ nhiên, đối với giảng viên các trường công lập. 
Tôi chia ra 5 loại hình thu nhập thêm ngoài lương, bao gồm:
1.1. Thu nhập chính tắc bằng chuyên môn cao: Nói chính tắc là những thu nhập có đóng thuế thu nhập, hay được hưởng theo quy định của Bộ Tài chính (có thêm một tý hệ số thực tế hehe) như thỉnh giảng, hướng dẫn nghiên cứu, tham gia nghiên cứu khoa học (cả cho các bộ ngành, tỉnh thành, các tổ chức ngoài nhà nước và tổ chức quốc tế), tham gia các hội đồng tuyển chọn và thẩm định đề tài khoa học, tham gia hội đồng chấm cao học, tiến sỹ,...
Những giảng viên trong nhóm này thường là các cây đa, cây đề, chuyên gia trong các ngành. Thường có học hàm, học vị cao. Mức thu nhập phụ thuộc vào tần suất được mời tham gia và uy tín khoa học. Tôi tạm chia làm 3 mức: Thường xuyên, thường và thi thoảng.
- Đối với mức thường xuyên, có thể thu nhập ngoài lương trung bình từ 3.000-5.000 đô-la/tháng. Nhóm này có thể chiếm khoảng 2-3% tổng số giảng viên.
- Đối với mức thường, có thể thu nhập ngoài lương từ 1.000-3.000 đô-la/tháng. Nhóm này có thể chiếm khoảng 3-5% tổng số giảng viên.
- Đối với mức thi thoảng, có mức thu nhập thêm ngoài lương khoảng dưới 1.000 đô-la/tháng. Nhóm này có thể chiếm khoảng 15% tổng số giảng viên.
Như vậy, nếu tính thu nhập (cả lương) thì nhóm này có khoảng 3-5% có thu nhập trên 1 tỷ/năm.
1.2. Thu nhập chính tắc bằng chuyên môn thường: Nhóm này chủ yếu là thu nhập do dạy vượt giờ, thỉnh giảng và làm thêm cho các trung tâm, công ty thuộc trường. Lý do tôi gọi là chuyên môn thường vì những giảng viên này phần lớn là "thợ dạy". Đi dạy ngoài chủ yếu là "chạy xô" để kiếm thêm. Chất lượng dạy thỉnh giảng từ mức trung bình đến yếu.
Mức tiền thu nhập thêm do dạy vượt giờ từ 50.000-120.000 đồng/tiết, mức tiền trả cho dạy thỉnh giảng từ 60.000-180.000 đồng/tiết, tùy thuộc vào học hàm, học vị, thâm niên và quy định của từng trường.
Nhóm này, để có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm thì chắc không có, bởi vì nếu trừ lương cơ bản khoảng 120 triệu/năm. Chả ai đủ sức dạy được khoảng 7.500 tiết/năm cả (đó là tính trung bình với mức trả cao là 120.000 đồng/tiết).
1.3. Thu nhập chính tắc liên quan đến chuyên môn: Nhóm này chủ yếu là những người làm thêm ở ngoài liên quan đến chuyên môn như mở công ty, trung tâm,... hay đi làm thêm cho một công ty khác. Chẳng hạn một ông giảng viên dạy xây dựng mở một công ty đi thi công từ công trình vài chục tỷ đến cái nhà 500 triệu. Nhóm này có cả người chuyên môn cao ở nhóm 1, cả chuyên môn lìu tìu ở nhóm 2 (thợ dạy), và cả chuyên môn lìu tìu ở mức chỉ hơn kỹ sư họ dạy ra một tý.
Đối với người làm thuê thì chắc chắn khó có thể vượt qua mức lương 3.000 đô-la/tháng, nên không thể thu nhập trên 1 tỷ/năm được. Đối với người làm chủ thì khoảng 80% thu nhập từ công ty, trung tâm hơn 1 tỷ/năm (chưa tính lương ở trường). Nhóm đối tượng này chiếm khoảng 20% tổng số giảng viên.
1.4. Thu nhập chính tắc không liên quan đến chuyên môn: Nhóm này thu nhập từ các hoạt động ngoài chuyên môn như kinh doanh, buôn bán, môi giới không nằm trong lĩnh vực chuyên môn của họ. Tỷ dụ như một giảng viên dạy tự động hóa đi môi giới địa ốc, hay một giảng viên dạy tin học kinh doanh nhà nghỉ. Thậm chí cả bán giày dép váy áo hay bỉm trẻ con.
Nhóm này cực đông (ước tính 30-40% tổng số giảng viên), nhưng thu nhập khoảng 1 tỷ/năm lại không nhiều, chỉ khoảng 20-30% trong nhóm.  
1.5. Thu nhập bất chính: Tiền thu nhập bất chính có thể từ các công việc như bán điểm, nhận hối lộ của sinh viên, chạy trường chạy lớp, tham nhũng của công... Nhóm này có mặt của cả các giảng viên của 4 nhóm nói trên. Mức thu nhập thì không thể biết được là bao nhiêu, nhưng có thể nói là rất nhiều.

Ví dụ cách đây 5-7 năm, thời tại chức còn là nồi cơm của các trường ĐH. Một giảng viên dạy những môn thuộc loại cực khó hay cực trìu tượng có thể "nhặt" từ 2-5 triệu/1 sinh viên. Một năm lượn chục lớp tại chức thì tỷ bạc chỉ là muỗi.
Chính nhóm này làm tha hóa nền giáo dục đại học của xứ An-nam. Làm cho thầy trò cùng họ nhà tôm. cứt lộn lên đầu tất.
5 nhóm nêu trên chỉ nói đến những người có nhu cầu kiến tiềm phục vụ cho cuộc sống gia đình và làm giàu. Đối với những đối tượng có điều kiện khá giả, không có nhu cầu kiếm tiền thì không tính (tỷ dụ một cô giảng viên lấy anh chồng quan chức hay doanh nhân giàu sụ).
Như vậy, nếu tính đầy đủ ra, thì phải có trên 30-40% giảng viên ở An-nam có thu nhập trên 1 tỷ/năm. Thậm chí nếu nhóm 5 mà nhiều thì tỷ lệ còn cao hơn rất nhiều. Đó là thu nhập, còn trừ ăn tiêu đi họ tiết kiệm được bao nhiêu không tính. Đó cũng là lý do tại sao xã hội vẫn đánh giá, giảng viên đại học giàu đến rất giàu. Đặc biệt là nhóm 3 và nhóm 5.
Thế nhưng, nếu để kiếm được 1 tỷ/năm bằng chuyên môn chính thống lại rất ít. Chỉ có khoảng 3-5% như ở nhóm 1 đã nêu. 
Nếu không có các việc liên quan tý đến chuyên môn. nghề tay trái ngoài chuyên môn và kiếm tiền bất chính thì giảng viên An-nam lại ở mức thu nhập cực thấp so với mặt bằng xã hội.
Còn đám giảng viên là các phó giáo sư chạy hội đồng để được phong, tiến sỹ học online đến bán online, thạc sỹ thợ dạy vừa học thêm buổi tối vừa chạy sô công trình lẫn thỉnh giảng,... Nếu tính thu nhập bằng chuyên môn thì chỉ có nước vác rá đi vay gạo để nuôi con thôi. 
Thực tế là nó như vậy, đám ngẫn ạ. Cứ ở trên zời mà ăn tục nói phét. Khảo sát được mấy chục giảng viên ngồi máy bay đi nước ngoài xoành xoạch rồi kết luận cho gần nửa triệu giảng viên của cái xứ này như chân lý í. 
Hãm!!! 

II. Vẫn chủ đề về thu nhập của giảng viên An-nam, vì các bạn ngẫn ấy có đề cập là tiền dạy thêm (hay mỹ miều là thỉnh giảng) cũng tương đối, góp phần kiếm tỷ bạc/năm của các giảng viên, nên tôi lại phải khai sáng cho các bạn người zời ấy. Toàn chém chuyện trên mây, khổ!

1. Thứ nhất phải rành mạch rằng, chuyện đi dạy thêm của giảng viên đại học khác mấy cô giáo tiểu học luyện bài lẫn mấy thầy phổ thông luyện đại học. Bởi vì nhiều người nói, mấy thầy cô phổ thông dạy thêm nhiều tiền thế thì dạy đại học nhiều phải biêt. 
Ở phổ thông và tiểu học, các thầy cô lùa đám học sinh ngẫn đến, ra dăm bài tập, giảng giải một tý rồi thu mỗi đứa mỗi buổi từ vài chục đến hơn trăm nghìn, tính lìu tìu tuần 3 buổi với khoảng 50 học sinh thì cũng được khoảng 30-50 triệu/tháng. Những đấy chỉ là phần thiểu số, dăm cô giáo ở các thành phố lớn, mấy thầy luyện thi có tý tiếng tăm. Còn cơ bản ở nông thôn và miền núi, mời bọn trẻ đi học còn khó, nói gì tiền. 
Giảng viên đại học dạy nó khác, để có thể chém được 5 tiết, mất khối công sức. Tất nhiên trừ đám thợ dạy lìu tìu, cầm bài giảng hay chiếu PowerPoint để đọc, khi mất điện thì ngẫn ngơ như bò con lạc mẹ. Còn thợ dạy là như thế nào thì mời đọc loạt bài "Thầy dạy hay thợ dạy" của tôi biên trên Tuần Việt Nam.

2. Quy định của bộ Dục là khối lượng giảng tối đa của giảng viên một tuần không quá 40 tiết. Có nghĩa, nếu tuần nào cũng giảng 40 tiết thì mỗi giảng viên cũng chả dạy quá 1.500 tiết/năm (đã trừ nghỉ hè, nghỉ tết, nghỉ lễ,...).
Nếu một thợ dạy được phân công tối đa như thế, thì khối lượng ngoài chuẩn (280 tiết/năm) còn tầm 1.200 tiết. Và thu nhập tăng thêm ngoài chuẩn này khoảng 72 triệu đồng/năm (tính trung bình 60.000 đồng/tiết ngoài chuẩn, và chưa tính quy đổi). Có nghĩa, thu nhập bằng tiền dạy ngoài chuẩn, tối đa chỉ khoảng 100 triệu/năm (tính cả quy đổi).
3. Tuy nhiên, việc dạy 40 tiết/tuần thường bị xé rào. Chuyện giảng viên dạy ngày hơn chục tiết, cả sáng-chiều-tối là chuyện bình thường. Vì sinh viên ngày một đông. Nhưng chắc chắn một điều, không bao giờ tiền dạy ngoài chuẩn gấp 3 lần con số 100 triệu nói trên. Có nghĩa, dù dạy kiểu gì thì dạy, cũng không vượt quá 300 triệu/năm được.
Bởi lẽ, để có thu nhập do đi dạy thêm là 300 triệu/năm, người dạy phải dạy được 5.000 tiết (đã quy đổi). Cứ cho là thợ dạy không quá bận bịu việc họp hành, trừ nghỉ hè, nghỉ tết, nghỉ lễ, trông thi đại học, họp hành cơ quan định kỳ,… là khoảng 2 tháng thì thời gian dạy là 10 tháng.
Chắc chắn, tính trung bình mỗi ngày thợ dạy không thể dạy quá 10 tiết. Vì chả có trường nào sắp xếp cho dạy liên tục ngày này qua ngày khác. Có thể có ngày dạy tới 15 tiết (3 ca), nhưng cũng có ngày chỉ có vài ba tiết. Thêm nữa, các trường thuê dạy theo môn và theo lớp, chỉ có mấy môn cơ bản như toán, triết, tư tưởng,… là lớp nào cũng phải học, còn dạy chuyên môn thì cực ít lớp. Thường một người đi thỉnh giảng môn chuyên môn cho một trường mỗi kỳ dạy trung bình 5 lớp mà thôi (nghĩa là chỉ dạy được từ 200 - 300 tiết).
Cứ tính trung bình 1 tháng 4 tuần, nghĩa là một thợ dạy nếu được dạy tối đa ngày 10 tiết liên tục thì cũng chỉ đạt 2.400 tiết, có nghĩa chỉ thu nhập trung bình được 144 triệu/năm. 300 triệu trên là để nói ở mức tối đa về giá của một giờ dạy vậy.
4. Một số thợ dạy đi chạy "sô" bên ngoài, chủ yếu là dạy cho các trường đại học dân lập và cao đẳng. Tiền dạy có cao hơn tý, nhưng chả quá 30-40%. Đại loại là trên dưới 100.000 đồng/tiết (tùy thâm niên, học hàm, học vị).
Nhưng để chạy xô thì lại mất thời gian đi lại, thế nên cả thợ dạy nào đều đều ngày hơn 10 tiết như nói ở trên cả. Nếu có cũng chỉ một đợt ngắn, thường từ 2-3 tháng mà thôi. Nên cho dù đơn giá dạy có cao hơn, nhưng tiết dạy lại giảm, và cũng chả vượt quá được số tiền nói ở mục (3).
5. Đấy là nói đi giảng ở bậc đại học, còn giảng khác thì thu nhập vô cùng. Tỷ dụ giảng cho mấy tổ chức quốc tế thì mức họ trả từ 20-50 đô-la/giờ là chuyện bình thường. Nhưng chả có mấy người đủ trình để dạy đâu. Và cũng không phải thường xuyên được mời. Những người này trong mức 1 nhóm 1 của bài trước tôi đã biên, rất ít.
Còn có một "đám" đi dạy cho mấy lớp liên kết sau đại học, tầm khoảng 1 triệu/tiết. Một ngày chém gió kiếm tầm chục triệu. Nhưng đám này tôi cực khinh, bởi lẽ họ góp phần vào việc bán bằng giả, bằng dởm đang nở rộ ở xứ An-nam, làm đảo lộn các giá trị về đạo đức học thuật, về bằng cấp, về tôn sư trọng đạo (nên tôi gọi là đám là vậy). Mặc dù phần nhiều trong họ học hàm học vị cao và khả kính. Chỉ có bọn mua bằng mới nhiều tiền để trả cho đám này mức ấy, chứ còn giáo sư đi thỉnh giảng ở các trường công lập chả bao giờ vượt quá 200.000 đồng/tiết, kể cả dạy nghiên cứu sinh.
6. Có câu chuyện của đồng nghiệp trong trường, cách đây cũng đã 5-7 năm, hồi còn dạy theo niên chế.
Có một môn khó (theo nhiều nghĩa), sinh viên học lại cực đông, và thời đó học lại chỉ dạy vào thời điểm hè. Một đồng nghiệp dạy học lại rất nhiều lớp, phần vì sinh viên đông, phần vì giảng viên ngoài Bắc không vào đủ. Thế nên hơn 2 tháng hè dạy cả ngày lẫn đêm, ngày nào cũng từ 10-14 tiết (sáng 5 tiết, chiều 5 tiết, tối 4 tiết).
Tiền dạy học lại hơn hay tháng đó đâu được mấy chục triệu, đồng nghiệp khác xuýt xoa, ông này dạy được nhiều tiền thật.
Gần hết đợt dạy, thấy đau bụng không chịu được, đi khám. Thì ra bị xuất huyết dạ dày. Nghe đâu nằm viện điều trị hơn tháng. Tiền dạy chả biết có đủ tiền thuốc không? Chắc giờ nghe đến chuyện ngày dạy 3 ca thì ớn lên tận óc.
Kể thế để thấy, chả ai dạy được từ ngày này qua ngày khác, ngày nào cũng đằng đẳng hơn chục tiết được. Nên ở trên có nói, thu nhập dạy thêm có thể được đến 300 triệu/năm, nhưng là tính ngày nào cũng dạy. Dạy thế, chả là thần thánh cũng yêu tinh quái vật, vì ngày nào cũng giảng 3 ca thì chắc chả còn thời gian tắm táp ngủ nghỉ ăn ỉa nữa.
Tôi thuộc loại chém gió ổn, bi-bô đôi tiếng không thèm liếm mép. Hành trang đi giảng có mỗi viên phấn, ngoài chuyên môn còn có thể chém từ chuyện Lạc Long Quân ly dị vợ đến chuyện bến Nhà Rồng. Cũng chả phải dạy nhiều, năm nào cũng hơn chuẩn có tý. Vậy mà hôm nào dồn dạy 10 tiết thì về đến nhà cũng oải hết cả người, nhìn thấy cơm như chó nhìn thấy thóc. Đám thợ dạy vừa toét mắt đọc bài giảng, nừa dè chừng sinh viên hỏi câu khó thì có mà dạy bằng mắt.
7. Kể thế, để thấy, tiền dạy thêm hàng năm của giảng viên các trường đại học, cả trong lẫn ngoài, không đáng bao nhiêu cả. Nhiều lắm cũng chỉ trung bình hơn chục triệu/tháng mà thôi. Cộng thêm lương và phụ cấp các kiểu khoảng chục triệu nữa thì cũng mới chỉ khoảng 20 triệu/tháng. Có nghĩa thu nhập 1 năm chỉ tầm 250 triệu.
Với thu nhập này, nếu mà nuôi vợ và 2 đứa con thì không bóp mồm bóp miệng có khi còn thiếu ăn chứ đừng nói đến mua nhà mua xe. Chả góp phần hình thành 1 tỷ đồng/năm được đâu đám ngẫn ạ.

Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên internet.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét