Thứ Tư, 5 tháng 11, 2014

Líp ba ga

Buồn nhất là vì văn hóa thấp, vì sợ hãi nên toàn dân cứ “líp ba ga” mặc kệ cho đám lãnh đạo vừa tham vừa dốt đang đua nhau tác oai tác quái tàn phá đất nước.
Líp ba ga
“Líp ba ga”, một từ lóng bình dân Nam bộ, thường dùng với ý khôi hài. Người ta vẫn nói chơi líp, xài líp, làm líp… (“líp” được phiên âm từ tiếng Pháp libre, có nghĩa chính: tự do, không bị ràng buộc). Nhưng để nhấn mạnh hơn, thì phải nói líp ba ga. Từ lóng này có lẽ xuất hiện trong… thời Tây. Theo cố học giả Vương Hồng Sển, nó có nguồn gốc do “giới xe đò quen chở dư hành khách và hàng hóa, nay cò lính nhắm mắt cho chở dư, không tra xét phạt vạ nữa nên người lơ xe mừng mà đẻ ra thành ngữ này” (1). Cũng ý cụ Vương, văn phạm tiếng Pháp không nói “libre bagage”, đây chỉ là kiểu nói lóng mượn tiếng Tây bồi.
Thực lòng, xét tâm lý ở đời, ai chẳng muốn được líp ba ga, tức muốn được thả cửa, tha hồ, tùy thích! Nhưng muốn được như vậy, thì luôn luôn phải có điều kiện, có sự bảo đảm, để không là một phút bốc đồng mà gây ra hậu quả, hệ lụy phải gánh chịu lâu dài. Trong hưởng thụ tiêu xài đã thế, trong công chuyện làm ăn lại càng chẳng sai.

Hãy lấy ngay cái sự xe đò chở dư hành khách và hàng hóa mà cụ Vương đã kể. Điều kiện trước tiên phải là “cò lính nhắm mắt cho chở dư, không tra xét phạt vạ”. Còn chuyện làm sao cho cò lính nhắm mắt dài dài, thì các chủ xe, lơ xe tự hiểu, tự rành rẽ đường đi nước chạy. Không chỉ một chuyến, mà cho nhiều chuyến. Không chỉ một thời, mà cho đến… hôm nay. Việc chở dư đang được báo chí đưa lên thành vấn đề thời sự nổi cộm, với cách gọi mới: chở quá tải, tức vượt quá tải trọng cho phép. Nhiều loại xe chở dư đạt đến mức siêu – siêu trường, siêu trọng. Có thứ đã được phong “xe vua” hay “hung thần”, qua mặt hết trạm cân này đến chốt gác nọ như chốn không người, bất kể dọc đường gieo rắc tai họa.


Còn có những vụ líp ba ga khác nữa.

Tỷ như chuyện mới đây. Bạn đọc bất ngờ đến sửng sốt trước những thông tin chung quanh việc đầu tư các dự án đường sắt đô thị, theo đó, các công trình hàng chục ngàn tỉ đồng của mỗi dự án đều bị chậm tiến độ và bị đội giá có khi đến 2,6 lần. Trong số nhiều nguyên nhân, không thể không xét đến một vấn đề được nêu ra xác đáng: Có những người không đủ trình độ chuyên môn và kinh nghiệm nhưng vẫn đặt bút ký biên bản thẩm định để các dự án được thông qua (2). Cũng có lời bàn, do những kẻ là con ông cháu cha, năng lực không đáp ứng yêu cầu song vẫn giành được ghế quản lý dự án. “Chúng ta không biết, nên họ (đối tác) nói gì nghe vậy”!

Tài nguyên đất nước là hữu hạn, tiền đầu tư không phải vô cùng, nợ vốn vay rồi dân cũng phải oằn lưng gánh trả. Vậy mà người ta cứ làm líp, xài líp ba ga! Những chuyện tương tự xảy ra, vấn đề tương tự đặt ra, đâu chỉ trong ngành giao thông vận tải.

Chừng nào và ở đâu, lĩnh vực nào, cấp nào cũng vậy, hễ còn có sự nhắm mắt cho qua, không tra xét trừng phạt đến nơi đến chốn, thì tình trạng líp ba ga cứ còn tái diễn. Tái diễn với nguy cơ “năm sau cao hơn năm trước”, bởi máu tham thường tăng cùng với sự liều, quyền hành thường dính đeo lợi lộc.

Vâng, tâm lý ở đời, ai chẳng muốn được thả cửa, tha hồ, tùy thích! Nhưng có thể yên lòng chăng, khi chúng ta trên một cỗ xe đang luôn ở trạng thái… líp ba ga, lại chạy theo một đường hướng mù mờ ngổn ngang mà chính người cầm lái cũng khó bề liệu định.

Trung Nhân
(Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn)
(1) Xem Tự vị tiếng nói miền Nam – NXB Trẻ, TPHCM 1999.
(2) Xem mục Ý kiến, TBKTSG số 38-2014.


http://www.thesaigontimes.vn/122000/Lip-ba-ga.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét