Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2014

(4) “Hai ông anh” và VN: Từ lịch sử đến hiện thực

“Hai ông anh” và Việt Nam: Từ lịch sử đến hiện thực
Lê Mai/Blog Lê Mai: Ý định của các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam là hạn chế chiến tranh ở miền Nam, không để lan ra miền Bắc và thắng đối phương ngay tại miền NamXem phần trước: “Hai ông anh” và VN: Từ lịch sử đến hiện thực / Xem Phần IPhần IIPhần III-

Phương châm chiến lược là đánh lâu dài, dựa vào sức mình là chính, nhưng cố gắng tranh thủ thời cơ, giành thắng lợi quyết định trong một thời gian tương đối ngắn. Và cũng hết sức tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của các nước trên thế giới, đặc biệt là “hai ông anh” Liên Xô và Trung Quốc. Xem ra, chiến lược ấy đã tỏ ra có hiệu quả.

Và Hà Nội cũng giữ tuyệt mật ý định của mình. Phát biểu tại hội nghị Trung ương lần thứ 14 (tháng 1.1968) chuẩn bị cho tổng tấn công Mậu Thân, Lê Duẩn nói: “Anh em ta không hiểu đâu. Không ai biết chuyện này, không ngờ đâu. Ta không dám bàn với ai cả, bí mật lắm… Hôm nay bàn trong Trung ương, lần này rất bí mật… vì nếu lộ ra ngoài thì nguy hiểm. Cái này phải nắm thời cơ, lộ ra nguy hiểm lắm”. “Anh em ta” – dĩ nhiên là nói tới các nước XHCN mà trước hết là “hai ông anh”.

Cuộc tấn công Mậu Thân 68 của Bắc Việt Nam đã đưa đến nhiều hệ quả chính trị, quân sự khác nhau. Cuối tháng 3.1968, Johnson tuyên bố không có ý định tái tranh cử Tổng thống Mỹ.

Vào mùa thu năm 1968 ấy, xẩy ra một sự kiện động trời: Liên Xô đưa quân vào Tiệp Khắc.

Sáng sớm ngày 21.8, trên bầu trời Praha xuất hiện một máy bay dân dụng Liên Xô. Lấy cớ máy móc bị trục trặc, phi công xin hạ cánh khẩn cấp, nhưng khi cửa máy bay vừa mở ra thì chỉ thấy toàn lính dù Liên Xô được trang bị đẩy đủ nhảy xuống và lập tức chiếm ngay sân bay.

Tiếp đó, sư đoàn nhảy dù với những máy bay vận tải hạng nặng chở xe tăng, thiết giáp cứ một phút lại một chiếc tiếp đất. Quân đội Liên Xô lập tức tiến vào trung tâm thành phố, bao vây, khống chế các mục tiêu quan trọng như Ban chấp hành Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, ga xe lửa, nhà bưu điện, đài phát thanh… Một lực lượng vũ trang khác đã tiến hành phong tỏa biên giới Tiệp Khắc.

Với 17 sư đoàn quân Liên Xô, 6 sư đoàn một số nước Đông Âu, hai ngàn xe tăng, 800 máy bay, tổng cộng 25 vạn quân ồ ạt tràn sang, chỉ trong một ngày đã chiếm đóng lãnh thổ Tiệp Khắc.

Mưu kế của “ông anh Cả” làm “ông anh Hai” khá e sợ. Rõ ràng, Liên Xô đang thể hiện sự ảnh hưởng mạnh mẽ của mình ở châu Âu. Bàn về sự kiện này, Kissinger nói với Mao:

- Theo tôi, Liên Xô muốn kiểm soát châu Âu. Nếu họ cứ rắp tâm làm như vậy, thì buộc chúng tôi phải nói chuyện với họ trên chiến trường. Liên Xô định đưa lục quân của họ đến đâu, Tiệp Khắc ư, hay đến nơi mà chúng ta hoàn toàn không có chuẩn bị, đó là điều nguy hiểm lớn nhất.

Mao:

- Nếu cứ xét theo cách làm của họ ở Tiệp Khắc thì rất khó đoán định. Họ thi hành quỷ kế đối với Tiệp Khắc, dùng máy bay dân dụng để chuyển quân.

Kissinger:

- Bằng cách đó kiểm soát sân bay Praha.

Mao:

- Sau đó, quân đội di chuyển đến đâu, người ta cứ tưởng là hành khách đi máy bay chứ có ai biết là quân đội đâu. Họ đã kiểm soát sân bay Praha như vậy. Quân đội của họ đóng ở đâu là kiểm soát tình hình ở đó.

Nhiều nước lên tiếng phản đối Liên Xô đưa quân vào Tiệp Khắc. Tổng thống Titô của Nam Tư, Xêauxescu của Rumani và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đều đã kịch liệt lên án hành động của Liên Xô là “chà đạp lên tự do và độc lập của nước khác”.

Trong khi đó, Brêgiơnép tiếp tục tung ra học thuyết “chủ quyền hạn chế”, “chuyên chính quốc tế, “đại gia đình XHCN”… Liên Xô vẫn luôn thể hiện vai trò người đứng đầu – “ông anh Cả” của mình.


Quay trở lại Việt Nam. 

Sau đợt hai của cuộc Tổng tiến công Mậu Thân, khi không còn hy vọng gì vào một chiến thắng quân sự nữa, Lê Đức Thọ được Hồ Chí Minh gọi ra Bắc để đi Pari làm cố vấn đặc biệt cho phái đoàn VNDCCH tại cuộc hòa đàm Pari.

Việc VNDCCH chấp nhận đàm phán với Hoa Kỳ cho thấy ảnh hưởng của Trung Quốc ở Bắc Việt Nam đã giảm đi rõ rệt. “Hai ông anh”, do xuất phát từ lợi ích của mình, “ông anh Cả” ủng hộ, “ông anh Hai” phản đối kịch liệt cuộc hòa đàm Pari. Trung Quốc nói rằng, chưa phải lúc Việt Nam ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh: “Chúng ta đã quá vội đi đến nhân nhượng”. Thậm chí, khi các cuộc hội đàm đã bắt đầu ở Paris, Bắc Kinh vẫn phủ nhận các cuộc hội đàm này. Báo chí Trung Quốc đều bỏ qua những tin về nó và lớn tiếng phê phán Pháp đã bố trí tổ chức các cuộc hội đàm.

Bắc Kinh còn tiến hành các biện pháp khác nhằm phá hoại một giải pháp có thể đạt được cho cuộc chiến tranh Đông Dương.

Trung Quốc có hai cách gây sức ép đối với Bắc Việt Nam. Thứ nhất, họ có thể cắt cung cấp gạo và bột mì, nhưng Hà Nội có ít nhất ba tuần dự trữ gạo và Liên Xô có thể cung cấp gạo bằng đường biển. Thứ hai, họ có thể rút các lực lượng công binh, đường sắt của họ khỏi Bắc Việt Nam, nhưng việc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc có thể làm những lực lượng này không còn có vai trò quan trọng nữa.

Trung Quốc cũng tiến hành các hoạt động khiêu khích đối với các tàu Liên Xô ghé các cảng của Trung Quốc trên đường đến Bắc Việt Nam; giữ lại trên lãnh thổ của mình khoảng tám trăm toa xe lửa chở vũ khí và trang thiết bị quân sự và khoảng bảy đoàn tàu hoả đặc biệt chở tổ hợp phòng không cho Bắc Việt Nam.

Mối bất hoà giữa “hai ông anh” đã nhanh chóng phát triển thành một cuộc cạnh tranh quân sự vào cuối những năm 60, và cả hai nước đều đã có một loạt những cuộc va chạm dọc đường biên giới Xô – Trung mà đỉnh cao là cuộc chiến tranh trên đảo Trân Bảo. Từ tháng 10.1964 đến tháng 4.1965 đã xảy ra 36 vụ xâm phạm biên giới Liên Xô liên quan tới 150 công dân Trung Quốc. Số vụ xâm phạm như vậy đã tăng lên nhanh chóng và tới tháng 5.1969 đã lên tới 164 vụ. Cả hai nước đều như đang nằm trên bờ vực thẳm của một cuộc xung đột quân sự diện rộng mà không có một cơ hội hoà giải nào.

Ngay một cuộc gọi qua đường dây nóng của Thủ tướng Liên Xô Côxưghin cho Mao Trạch Đông cũng không thành công. Cô báo vụ viên Trung Quốc không nối máy tới Mao, cũng không nối máy tới Chu Ân Lai, lại còn mạt sát Thủ tướng Liên Xô là “một tên xét lại, không có tư cách nói chuyện với Chủ tịch Mao Trạch Đông, lãnh tụ vĩ đại của chúng tôi”. Và “Thủ tướng của chúng tôi rất bận, không có thì giờ để mà nghe ông nói lôi thôi, mà có rỗi chăng nữa cũng không muốn nghe ông lằng nhằng”.

Phản ứng cuồng tín, thô lỗ của cô báo vụ viên Trung Quốc suýt nữa dẫn tới tai hoạ lớn.

“Hai ông anh” đều không nhiệt tình với hành động quân sự trên chiến trường hỗ trợ cho các nỗ lực ngoại giao của Hà Nội. Liên Xô đặc biệt thất vọng về cuộc tiến công Quảng Trị của Bắc Việt Nam xảy ra ngay trước khi có cuộc họp thượng đỉnh Xô – Mỹ ở Mátxcơva.

Dù sao, Hà Nội vẫn giữ được vị thế độc lập của mình.
(còn tiếp)

Theo blog Lê Mai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét