Chủ Nhật, 10 tháng 8, 2014

TQ: Giai đoạn đồng thuận chính trị đến hồi kết

Giai đoạn đồng thuận chính trị ở Trung Quốc đến hồi kết
Chiến dịch “Đả hổ, diệt ruồi” của Trung Quốc đến hồi cao trào với việc điều tra Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Công an. Tuy chiến dịch này đã gây tiếng vang lớn và có thể cải thiện hình ảnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng như của cá nhân ông Tập, song ngoài điều này ra, liệu có điều gì khác? Tạp chí chính trị nổi tiếng Stratfor đã có bài phân tích sâu sắc để đi tìm lý do thật sự phía sau chiến dịch rầm rộ này, xin gửi đến độc giả những điểm nhấn quan trọng trong bài phân tích này.
Dường như chiến dịch chống tham nhũng của
ông Tập Cận Bình chưa có dấu hiệu dừng lại
Mô hình chính trị dựa trên sự đồng thuận mà ông Đặng Tiểu Bình xây dựng để hợp thức hóa quá trình ra quyết định và thúc đẩy sự ổn định chính trị trong suốt thời kì tăng trưởng cao đang bị phá vỡ. Và quá trình chuyển đổi của Trung Quốc mới là mục tiêu cốt lõi đằng sau chiến dịch bài trừ tham nhũng hiện nay.

Chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là nỗ lực sâu sắc và rộng lớn nhất để loại trừ, và tổ chức lại bộ máy lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Trung Quốc kể từ thời điểm tạ thế của Mao Trạch Động năm 1976 và sự nổi lên của Đặng Tiểu Bình hai năm sau đó. 
Chiến dịch này đã điều tra 182.000 quan chức ở mọi cấp độ, khắp các địa phương. 

Chiến dịch này đã tống giam nhiều đảng viên cấp thấp, cấp trung, người đứng đầu các tập đoàn kinh tế nhà nước và các Bộ ngành, cũng như hạ bệ nhiều sĩ quan quân đội cấp cao và thậm chí cả cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất của Trung Quốc, cho đến nay vẫn được xem là không thể đụng đến. 

Như vậy, sau hơn một năm kể từ khi chiến dịch này được thông báo và hơn 2 năm kể từ vụ xét xử Bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, dường như chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình chưa có dấu hiệu dừng lại.

Có thể thấy một điều rằng, chiến dịch của ông Tập Cận Bình khác biệt với các chiến dịch dưới thời ông Giang Trạch Dân và ông Hồ Cẩm Đào. Trong suốt nhiệm kỳ, cả hai ông Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đều triển khai các chiến dịch chống tham nhũng trong năm đầu tiên và rải rác sau đó như một công cụ để nâng cao vị thế trong Đảng, vị thế chính quyền và cũng như hình ảnh đối với công chúng, tuy vậy chúng được xem là thiếu hiệu quả. Chiến dịch lần này của ông Tập Cận Bình thì khác biệt: dài hơn, mạnh hơn, tổng thể hơn và hiệu quả hơn.

Nhưng đến đây, chúng ta tự hỏi: Mục đích cốt lõi của chiến dịch chống tham nhũng này là gì? Trả lời câu hỏi này không những cho chúng ta biết về tương lai nền chính trị của Trung Quốc, mà còn nói lên một vài điều về chiến lược của ông Tập – không chỉ là để củng cố ảnh hưởng của ông trong nội bộ Đảng, chính phủ và quân đội, mà thậm chí còn quan trọng hơn, là để quản lí nhiều áp lực khủng khiếp về xã hội, kinh tế, chính trị và quốc tế có thể xảy ra trong nhiệm kỳ của ông.

Nhìn lại một chút về nhân vật mới bị chính thức điều tra Chu Vĩnh Khang. Ông Chu là một trong những người quyền lực nhất Trung Quốc suốt thập kỷ 2000. Khi còn giữ vị trí Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, ông Chu đã kiểm soát hệ thống an ninh nội địa, một trụ cột trong quyền lực của chính quyền Trung Quốc. Trước đó, ông là Bí thư tỉnh Tứ Xuyên, một trung tâm công nghiệp, một vùng lúa mỳ với nhiều khuynh hướng địa phương mạnh mẽ. Nhưng trước khi về Tứ Xuyên, ông là chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc - tập đoàn năng lượng lớn nhất Trung Quốc. Nhưng tầm ảnh hưởng của ông Chu không chỉ dừng lại ở đó mà còn hiện hữu trong nhiều lĩnh vực khác, biến người này không những trở thành nhân vật rất khó bị đánh bại mà còn là “trở ngại” quan trọng trong tiến trình cải cách.


Sau khi khởi tố Chu Vĩnh Khang, chiến dịch chống
 tham nhũng của ông Tập tiến vào một gia đoạn mới.

Ngoài ra, có một điều chắc chắn rằng, ông Chu và phe cánh của ông như Bạc Hy Lai, từ lâu đã được nhìn nhận là đối thủ của ông Tập Cận Bình trong việc hình thành trục quyền lực trung ương.

Và bây giờ, sau khi khởi tố Chu Vĩnh Khang, dường như chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập bắt đầu tiến vào một gia đoạn khác. Có nhiều dấu hiệu cho thấy nó sẽ hướng vào quân đội, nhưng cũng có những dấu hiệu hiệu khác cho thấy sẽ hướng vào Thượng Hải, căn cứ quyền lực của Giang Trạch Dân và trung tâm trong cải cách lĩnh vực tài chính của Trung Quốc.

Việc giải quyết phe cánh của ông Chu trong lĩnh vực năng lượng và an ninh sẽ là điều cần thiết khi Chính quyền của ông Tập đang nỗ lực thúc đẩy cải cách lĩnh vực dầu khí theo hướng thị trường cũng như cải thiện sức mạnh hệ thống an ninh tại các vùng xa xôi như Tân Cương.

Nhưng câu hỏi là ai hay lĩnh vực nào sẽ là mục tiêu kế tiếp có lẽ không quan trọng bằng câu hỏi Tại sao? Tại sao ở đây nằm ở chỗ vì sao chiến dịch này phải và sẽ được tiếp tục. Mục tiêu cốt lõi của chiến dịch này là gì? Việc triển khai nó kết hợp với những bước đi khác của ông Tập, như thành lập Hội đồng an ninh quốc gia mà ông là chủ tịch, cũng như việc giành lấy quyền kiểm soát tiến trình cải cách kinh tế xã hội từ Thủ tướng Lý Khắc Cường, gợi ý một hướng dịch chuyển sâu sắc hơn đang diễn ra, và chiến dịch bài trừ tham nhũng hiện nay có lẽ giống như một chiếc xe đi song hành hay một biểu hiện ra bên ngoài mà thôi.

Để hiểu đựơc lý do tại sao, chúng ta không chỉ là nhìn về Tập Cận Bình và những gì mà ông đã làm cho đến hiện nay mà còn phải nhìn về những gì sẽ diễn ra trong thập kỷ tới. Điều này sẽ giúp chúng ta có cái nhìn về những ràng buộc bên ngoài cũng như áp lực đối với chính quyền của ông Tập. Những ràng buộc và áp lực này, thậm chí còn quan trọng hơn các yếu tố khác, sẽ định hình hành động của ông Tập và Đảng Cộng sản Trung Quốc trong những năm tới.

Đầy những ràng buộc

Trung Quốc đang trong giai đoạn chuyển đổi kinh tế mà trên nhiều phương diện là chưa từng có trước đây. Cốt lõi của việc chuyển đổi này là từ mô hình tăng trưởng phụ thuộc vào xuất khẩu với chi phí thấp, giá trị gia tăng không cao cũng như phụ thuộc vào đầu tư của Nhà nước vào lĩnh vực xây dựng, sang mô hình mới lệ thuộc nhiều hơn vào các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, dịch vụ và trên hết là tiêu dùng nội địa. Nhưng Trung Quốc không phải là quốc gia đầu tiên phải nỗ lực thực hiện quá trình chuyển đổi mà nhiều nước như Mỹ đã thực hiện từ lâu.

Nhưng Trung Quốc lại đang vấp phải nhiều ràng buộc đặc trưng của nước này về quy mô, hệ thống chính trị, mất cân bằng về kinh tế xã hội và địa lý giữa các vùng miền và đặc biệt là giới hạn về mặt thời gian. Một điều cần lưu ý là nhiều nước nhỏ hơn và đồng nhất hơn Trung Quốc cũng phải mất nhiều thập kỷ để thành công, trong khi Trung Quốc muốn thực hiện trong thời gian chưa đến 20 năm!

Khủng hoàng tài chính toàn cầu 2007-2009 đã khiến chu kỳ bùng nổ xuất khẩu kéo dài nhiều thập kỷ của Trung Quốc đến điểm kết thúc sớm hơn. 6 năm qua, chính phủ Trung Quốc đã duy trì tăng trưởng kinh tế bằng mở rộng tín dụng, tăng đầu tư theo chỉ đạo của chính phủ vào thành thị và hạ tầng giao thông và quan trọng nhất, là bất động sản.

Trong quá trình này, chính quyền địa phương, ngân hàng và doanh nghiệp khắp Trung Quốc đã vay những khoản nợ cao bất thường. Tổng tín dụng hiện tại của Trung Quốc bằng 251% GDP, cao hơn nhiều so với 147% năm 2008. Riêng các khoản nợ của chính quyền địa phương đã lên đến hơn 3.000 tỷ USD. Không thể biết chính xác tỷ lệ nợ xấu, nhưng nhiều khả năng sẽ cao hơn nhiều so với con số 1% mà chính phủ công bố.

Thị trường bất động sản Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại. Dù bất động sản và xây dựng tiếp tục là yếu tố cốt yếu của nền kinh tế trong thời gian tới, nhưng đây không còn là động cơ tăng trưởng như trong giai đoạn 2009-2011.

Như vậy trong vài năm tới, Trung Quốc sẽ chứng kiến sự sụt giảm, nhiều khả năng với tốc độ nhanh, ở hai khu vực từng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và củng cố ổn định chính trị xã hội nhiều thập niên qua: xuất khẩu và bất động sản-xây dựng. Cùng với đó là vấn đề về sự gia tăng quá nhanh các khoản nợ địa phương và doanh nghiệp, lương và chi phí tăng cao, trong khi lợi suất của đầu tư giảm dần. Thêm vào đó, lực lượng lao động tăng nhanh làm xuất hiện những dấu hiệu về khủng hoảng việc làm và suy thoái kinh tế trên diện rộng – điều chưa từng thấy kể từ khi ông Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền.


Dù bất động sản và xây dựng tiếp tục là yếu tố cốt yếu của nền kinh tế trong thời gian tới, nhưng đây không còn là động cơ tăng trưởng như giai đoạn 2009-2011.

Tuy nhiên, những áp lực trên đây chỉ là một phần nhỏ trong những ràng buộc mà chính phủ Trung Quốc đang vấp phải hiện nay. Chúng ta quên chưa nói đến sự giận dữ của công chúng về vấn nạn ô nhiễm, tham nhũng cũng như sự thiếu minh bạch mà nhiều người dân Trung Quốc đánh giá về chính quyền của Đảng Cộng sản hiện nay.

Chúng ta cũng chưa tính đến áp lực từ bên ngoài, cả trên phương diện kinh tế lẫn quân sự, chẳng hạn, những nỗ lực vực dậy kinh tế và quân sự của Nhật bản sẽ tác động thế nào đến lợi ích của Trung Quốc, cũng như niềm tin của người dân Trung Quốc vào sức mạnh của lực lượng quân đội và chính quyền trong nước?

Tập Cận Bình biết và hành động

Hơn ai hết, ông Tập và những chuyên gia của ông biết Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức, khó khăn như thế nào, và cũng biết không có nhiều thời gian, tính chính danh của Đảng đang chịu rủi ro như thế nào cũng như hậu quả sẽ khủng khiếp ra sao nếu không hành động. Và ông Tập cũng biết hậu quả sẽ ra sao nếu thất bại. Vì vậy, cần có những bước đi cẩn trọng vào thời điểm này.

Chiến dịch bài trừ tham nhũng là một trong những bước đi này. Chiến dịch này hướng đến nhiều mục tiêu đan xen nhau: tranh trừng đối thủ chính trị cũng như những người có tư tưởng đối lập; giảm tình trạng quan liêu để thúc đẩy cải cách; nhắc nhở người dân Trung Quốc rằng Đảng Cộng sản thật sự quan tâm đến lợi ích của họ; và cuối cùng, tạo điều kiên thuận lợi hơn trong việc đưa ra những quyết định khó khăn hơn.

Kết hợp tất cả những yếu tố này lại sẽ thấy bức tranh toàn cảnh. Mô hình chính trị dựa trên sự đồng thuận mà ông Đặng Tiểu Bình xây dựng để hợp thức hóa quá trình ra quyết định và thúc đẩy sự ổn định chính trị trong suốt thời kì tăng trưởng cao đang bị phá vỡ. Và quá trình chuyển đổi của Trung Quốc mới là mục tiêu cốt lõi đằng sau chiến dịch bài trừ tham nhũng hiện nay.

Sơn Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét