Chủ Nhật, 17 tháng 8, 2014

Người Trung Quốc hiện diện như là một lời đe dọa

Người Trung Quốc hiện diện như là một lời đe dọa
Chủ nghĩa Thực dân của người Mỹ khác xa Chủ nghĩa Thực dân của người Pháp. Hoa Kỳ cho phép có đảng chính trị và ngay từ những năm ba mươi đã trao trả độc lập lại cho nhiều thuộc địa. Nước Pháp thậm chí còn không cho phép Quốc Dân Đảng hoạt động ở nơi chúng tôi nữa, một đảng mà thật ra chỉ theo đuổi một đường lối dân tộc chủ nghĩa. 

Quân đội Việt Minh ngày càng đạt tới nhiều thành công 
quân sự hơn, như lần giải phóng ngôi làng này năm 1951.
Nếu như người Mỹ là thực dân theo kiểu Pháp thì họ đã tới chỗ chúng tôi ngay từ năm 1945 và đã giúp cho người Pháp rồi. Thế nhưng họ đã không can thiệp cho tới 1950. Điều đó chỉ thay đổi với cuộc Chiến tranh Triều Tiên. Chỉ khi họ nhìn thấy rằng người Bắc Triều Tiên trong vòng có một tuần đã chiếm hầu như toàn bộ miền Nam, họ mới lo ngại rằng nó cũng sẽ diễn ra nhanh như thế ở khắp nơi trong châu Á, rằng họ sẽ mất ảnh hưởng ở khắp nơi. Rồi thì thuyết Domino cũng thành hình từ nỗi lo sợ này chứ không phải là từ suy nghĩ điềm tĩnh và khách quan. 

Tôi tin rằng người Mỹ sẽ không bao giờ tới Việt Nam nếu như không có cuộc Chiến tranh Triều Tiên và không có xung đột với Trung Quốc. Lúc đó, họ nghĩ rằng khối xã hội chủ nghĩa muốn bành trướng và người ta phải dùng mọi sức lực để chống lại việc đó. Thời đó, Hoa kỳ đã hiều hoàn toàn sai chúng tôi, vì chúng tôi không muốn bành trướng, Chúng tôi không muốn tấn công nước khác. Sau khi Việt Nam được giải phóng, sau khi Lào và Campuchia được giải phóng thì cuối cùng rồi người ta cũng nhìn thấy rằng không có thêm đất nước Đông Nam Á nào sụp đổ cả. Tức là thuyết Domino đã sai hoàn toàn.

Cho tới năm 1950, chúng tôi đánh người Pháp với những vũ khí đoạt được từ họ hay là tự sản xuất ra. Mãi từ năm 1950 chúng tôi mới nhận được sự giúp đỡ từ Trung Quốc, cả về chính trị lẫn về quân sự, và từ đó mới có thể khởi động những chiến dịch lớn hơn chống người Pháp. Người Trung Quốc cũng có một phái đoàn cố vấn ở bên cạnh chúng tôi mà người lãnh đạo cuối cùng đã trở thành đại sứ của Trung Quốc ở Việt Nam. 

Tuy chúng tôi cũng có quan hệ ngoại giao với Liên bang Xô viết từ đầu những năm 50, có một đại sứ quán ở Moscow, nhưng phái Xô viết không có đại diện ở chúng tôi. Chúng tôi rất bất hạnh về những căng thẳng sau này giữa Trung Quốc và Liên bang Xô viết, nhưng không đứng về bên nào. Đó là một câu hỏi của lợi ích quốc gia: chúng tôi cố lợi dụng tình trạng đó cho chúng tôi, để chúng tôi có thể nhận được sự trợ giúp từ cả hai phía. Các bất đồng giữa hai nước đã dẫn tới việc không ai trong số họ có thể ép buộc chính sách của họ lên chúng tôi, và vì thế mà chúng tôi vẫn tự chủ phần lớn trong các quyết định của chúng tôi.

Về nước Mỹ thì tất nhiên là chúng tôi luôn dự tính với việc họ sẽ tăng cường sự hiện diện của họ ở Việt Nam. Năm 1962, chúng tôi đã có thể nhận rõ các ý định của Hoa Kỳ. Trong năm đó, cơ quan MACV (Military Assistance Command, Vietnam – Bộ chỉ huy Hỗ trợ Quân sự Mỹ tại Việt Nam) dưới quyền chỉ huy của tướng Harkins được thành lập ở miền Nam Việt Nam, và đã có thể tiên đoán rõ rệt được rằng trong tương lai, bộ tham mưu này sẽ tiếp nhận và tự lãnh đạo các chiến dịch quân sự. Trước đó, người Mỹ đã thiết lập MAAG (Military Assistance and Advisory Group – Nhóm Cố vấn Hỗ trợ Quân sự Mỹ) ở miền Nam. MAAG chịu trách nhiệm huấn luyện quân lính Nam Việt Nam và điều phối các hoạt động trợ giúp của Mỹ ở Sài Gòn. Cùng với MACV, chúng tôi nhìn thấy mối nguy hiểm của một chính sách mới ở Việt Nam. Đối với tôi, lần lật đổ Ngô Đình Diệm cũng đứng trong mối liên quan này.

Trong khi đó, Hoa Kỳ với chính sách của họ ở Nam Việt Nam có một vấn đề hết sức cơ bản: họ muốn ép buộc đất nước này có một chế độ tổng thống như Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ. Nhưng theo quan điểm của tôi thì đó là một điều hết sức phi lý khi dựa trên những người như Diệm hay Thiệu. Những người này hoàn toàn không có được sự tin tưởng của người dân. Vì vậy mà trong thực tế, Hoa Kỳ đã thực hiện một chính sách chống lại người dân, vì toàn bộ quốc gia đều ủng hộ người cộng sản. Nếu như có bầu cử đàng hoàng thì không có ai bầu cho những người đó cả. Ví dụ như tổng thống Ngô Đình Diệm. Người này cai trị giống như một ông quan từ thời xưa. Ông khinh thường người dân, lãnh đạo đất nước như một ông quan phong kiến, đối xử với những người cộng sự như với rác rưởi. Thế nên ông không thể tạo đoàn kết được.

Nhưng hãy trở lại với năm 1962. Từ khi thiết lập bộ chỉ huy MACV dưới quyền tướng Harkins, chúng tôi đã dự tính trước với việc bỏ bom miền Bắc. Chúng tôi nhìn điều đó như là một hệ quả tất nhiên không thể tránh khỏi. Nhưng chúng tôi cố gắng trì hoãn nó càng lâu càng tốt, vì chúng tôi cần thời gian. Rồi xảy ra cái được gọi là sự kiện vịnh Bắc bộ năm 1964. Người Mỹ chỉ tìm một cơ hội để có thể bỏ bom chúng tôi, điều mà họ cũng thực hiện ngay lập tức. Nhưng những cuộc bỏ bom lớn thật sự chỉ diễn ra mãi bốn tháng sau đó. Vì chúng tôi biết điều đó nên chúng tôi ít nhất là cũng đã di tản trẻ em ngay từ rất sớm.


Cuối 1963, ở Nam Việt Nam có 16.300 cố vấn quân sự Mỹ làm việc, có nhiệm vụ trưức hết là đào tạo quân đội Nam Việt Nam.

Thú vị đặc biệt là phản ứng của Trung Quốc. Giữa Trung Quốc và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có một hiệp định mà theo đó lực lượng công binh vũ trang Trung Quốc có nhiệm vụ xây dựng và bảo trì đường xá và đường sắt ở bên chúng tôi. Đó là 40.000 tới 50.000 người, được liên tục thay đổi. Thật ra thì đó là cách thể hiện sự hiện diện cho người Mỹ thấy. Người Trung Quốc luôn nhìn Việt Nam là vùng ảnh hưởng và vùng lợi ích của họ. Có thể nói là họ đến với chúng tôi như một biện pháp phòng ngừa, muốn chuẩn bị trước cho một cuộc xâm lược của Hoa kỳ và đặt nền tảng phòng thủ. Người ta cũng có thể gọi đó là một lời đe dọa. Chính chúng tôi thì không quan tâm tới người Trung Quốc, chúng tôi muốn tự mình tiến hành cuộc chiến.

Mãi tới 1969, người Trung Quốc mới rút lui, vì tổng thống Nixon tiếp nhận quyền lực và bây giờ Bắc Kinh muốn bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Trung Quốc cũng biết rằng cho tới chừng nào mà người ta nói chuyện với nhau thì Hoa Kỳ sẽ không nghĩ tới chuyện tiến quân ra Bắc Việt Nam.

Cuối cùng thì có ba điều có ảnh hưởng quyết định tới chiến thắng của chúng tôi: Thứ nhất, người Việt là những người yêu nước, hy sinh đóng một vai trò lớn ở chúng tôi. Đó cũng là một truyền thống của Việt Nam, là người ta luôn chiến đấu chống những kẻ thù ngoại bang cho tới cùng, phụ nữ cũng như trẻ em. Thứ nhì là chúng tôi có sự lãnh đạo rất, rất tốt. Các lãnh tụ của đất nước đã bắt đầu cuộc đấu tranh giành độc lập ngay từ năm 1930. Cho tới 1975, họ vẫn là những người đó, chỉ Hồ Chí Minh rất đáng tiếc là đã qua đời từ năm 1969. Tức là tất cả các cán bộ lãnh đạo cuộc đấu tranh có kinh nghiệm rất lớn. Trong toàn bộ những năm chiến tranh, lãnh đạo của chúng tôi đã phát triển một chiến lược mang lại cho người Mỹ hết thất bại này tới thất bại khác. Chúng tôi cũng giành được những mục tiêu của chúng tôi trong đàm phán rất tốt, ví dụ như 1973 ở Paris. Yếu tố quan trọng thứ ba cho chiến thắng của chúng tôi là thế giới đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong những năm sáu mươi. Phong trào phản chiến ở Hoa Kỳ và ở châu Âu đã giúp đỡ chúng tôi vượt bực. Tất nhiên là điều đó cũng xuất phát từ sự thông hiểu dân chủ của Phương Tây. Chúng tôi thường không hiểu được tại sao phong trào lại mạnh đến như thế. Và chúng tôi rất cảm ơn tất cả những người đã tham gia vào trong đó.
Lưu Đoàn Huynh là một nhà ngoại giao, nhà phân tích tình báo và sau này là giám đốc của Viện Quan hệ Quốc tế

Mr. Lưu Đoàn Huynh
Phan Ba trích dịch từ “Apokalypse Vietnam”
Đọc những bài phỏng vấn khác ở trang Chiến tranh Đông Dương: http://phanba.wordpress.com/chien-tranh-dong-duong/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét