Chủ Nhật, 17 tháng 8, 2014

“Gái HN thích TK cho bạn trai, gái SG thích tiêu giúp”

“Gái Hà Nội thích tiết kiệm tiền cho bạn trai, gái Sài Gòn thích tiêu tiền… giúp”
Về văn hóa và đặc thù các bạn đừng quên rằng ở Hà Nội, con gái thường nhìn vào số tiền con trai kiếm được để ngưỡng mộ và yêu, sau đó còn tiết kiệm giúp. Còn ở Sài Gòn con gái nhìn cách con trai tiêu tiền để yêu và ngưỡng mộ sau đó sẽ tiêu giúp.

Tràng Tiền Plaza Hà Nội - Ảnh: TL
Trên báo điện tử Tri Thức Trẻ có một bài phản biện rất thú vị của Nguyễn Ích Vinh một doanh nhân trẻ từng du học ở Nhật Bản về một số quan điểm kinh doanh hàng hiệu cao cấp tại Tràng Tiền Plaza Hà Nội của doanh nhân thành đạt Jonathan Hạnh Nguyễn.

Người viết bài này tuy không phải là chuyên gia kinh tế thương mại nhưng cũng rất tán đồng những góp ý rất xác thực, chân tình của doanh nhân trẻ Nguyễn Ích Vinh đối với cung cách tiếp xúc với khách hàng của nhân viên Tràng Tiền Plaza chưa chuyên nghiệp, thiếu cái gọi là văn hóa phục vụ và nghệ thuật moi… tiền.

Anh Vinh cho rằng đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến Tràng Tiền Plaza chưa thu hút được các quý ‎ khách giàu có chịu mở hầu bao mua những món hàng hiệu hàng đầu thế giới. Ngoài những nguyên nhân trên, anh Vinh còn đưa ra một số nguyên nhân nữa trong đó nổi bật là Tràng Tiền Plaza chưa thấu hiểu văn hóa tiêu dùng, nói đúng hơn là văn hóa mua hàng mang tính đặc thù vùng miền của người Hà Nội khác biệt với người Sài Gòn.

"Tràng Tiền Plaza chưa chuyên nghiệp, thiếu cái gọi là văn hóa phục vụ và nghệ thuật moi…tiền" - theo lời của doanh nhân trẻ Nguyễn Ích Vinh

Vâng, tôi chỉ xin luận bàn về luận điểm mang “tính văn hóa” này. Doanh nhân trẻ Nguyễn Ích Vinh viết cho những ông chủ của Tràng Tiền Plaza tất nhiên trước hết là cho doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn như sau: Về văn hóa và đặc thù các bạn đừng quên rằng ở Hà Nội, con gái thường nhìn vào số tiền con trai kiếm được để ngưỡng mộ và yêu, sau đó còn tiết kiệm giúp. Còn ở Sài Gòn con gái nhìn cách con trai tiêu tiền để yêu và ngưỡng mộ sau đó sẽ tiêu giúp.

Với luận điểm này Nguyễn Ích Vinh cho rằng Jonathan Hạnh Nguyễn đã chọn lựa sai địa điểm kinh doanh hàng hiệu cao cấp vì không thấu hiểu văn hóa và đặc thù mua hàng của người Hà Nội khi mà các cô gái Hà Nội theo anh Vinh là đối tượng chính mua hàng hiệu cao cấp lại có “văn hóa và đặc thù” tiết kiệm cho các bạn trai giàu có của mình, khác với các cô gái Sài Gòn có “văn hóa và đặc thù” thích “tiêu giúp tiền” cho bạn trai giàu có của mình.

Tôi có thể nói rằng đây là một phân tích khá độc đáo ở khía cạnh tính cách vùng miền, chỉ có điều Nguyễn Ích Vinh đã trộn lẫn cái gọi là “thói quen - đặc thù” với cái gọi là “văn hóa”. Một sự trộn lẫn hoàn toàn mang tính dễ dãi hồn nhiên nhưng lại diễn ra trong suy nghĩ của một trí thức trẻ rất uyên sâu về kinh tế, kinh doanh lại càng phản ánh một sự thật rằng, khái niệm “văn hóa” mặc dù được trương lên ở mọi hang cùng ngõ hẻm ở đất nước này bấy lâu nay nhưng nội hàm của nó thì hầu như bị tảng lờ đi hoặc xem nhẹ như một…thói quen.

Với những gì Nguyễn Ích Vinh vừa nêu chỉ đơn thuần là thói quen, đặc thù chứ tuyệt nhiên không dính chút gì văn hóa cả. Sự thật không có một thứ “văn hóa tiêu dùng” như thế, đó là chưa bàn tới điều mà doanh nhân trẻ này nêu đúng hay sai và có chạm đến lòng tự ái luôn có đầy ở các cô gái bị cho là hám tiền dù ở Hà Nội hay Sài Gòn hay không.

Tôi không tin rằng một người như Jonathan Hạnh Nguyễn trong những ngày khó khăn của đất nước bị cấm vận kinh tế hơn 20 năm trước đã tìm mọi cách mở đường cho kinh tế Việt Nam ra thế giới với ý chí mạnh mẽ, giờ đây lại chỉ là một doanh nhân nhăm nhăm làm giàu từ việc bằng mọi giá phục vụ nhu cầu của những cô những cậu nhà giàu mới nổi bất chấp đồng tiền của họ được làm ra có dấu ấn của văn hóa hay không.

Tôi tin Hạnh Nguyễn bên động cơ làm giàu có cả khát vọng chính đáng đưa những sản phẩm mang tính thẩm mỹ nghệ thuật cao toàn cầu bao hàm tính văn hóa tiêu dùng cao vào Hà Nội, thủ đô của một đất nước có nền văn hiến, trung tâm văn hóa của một quốc gia đang có nền kinh tế vươn lên để góp phần minh chứng một đẳng cấp, một sức sống không khập khiễng.


Những người giàu có tiền bạc chưa chắc là những người có văn hóa tiêu dùng tức văn hóa tiêu tiền - Ảnh: TL

Chính vì vậy đối tượng những cô những cậu nhà giàu mới nổi mà chỉ yêu nhau, ngưỡng mộ nhau vì cách kiếm tiền, cách tiêu tiền, cách vung tiền dù mang đặc thù gì đi chăng nữa như doanh nhân trẻ Nguyễn Tiến Ích đề cập cũng chỉ là một phân khúc khách hàng nhưng lại đầy rủi ro và thiếu cảm xúc trao gửi các giá trị mang tính văn hóa cao.

Tất nhiên kinh doanh là kinh doanh, mà đã kinh doanh thì lợi nhuận phải trên hết. Nhưng lợi nhuận ấy có bền vững hay không và có đem lại niềm an lạc, hạnh phúc cho nhà đầu tư hay không lại hoàn toàn là việc khác vì nó phụ thuộc ở văn hóa kinh doanh liên thông chặt chẽ với các đóng gói văn hóa hàng hóa và văn hóa tiêu dùng. Những người giàu có tiền bạc chưa chắc là những người có văn hóa tiêu dùng tức văn hóa tiêu tiền, bởi vì văn hóa tiêu tiền muốn có được phụ thuộc ở phông văn hóa nền tảng để có kiến thức và cảm xúc trước một giá trị hàng hóa.

Trở lại câu chuyện Tràng Tiền Plaza nơi mà với ký ức sâu đậm của người Hà Nội là “mậu dịch Tràng Tiền” nó sẽ thân thuộc với người Hà Nội hơn nữa và sẽ trở thành niềm tự hào của người Hà Nội, sẽ trở thành điểm đến náo nức của những ai yêu, ngưỡng mộ sản phẩm văn hóa Việt nếu ở đó một ngày nào đó tràn ngập những sản phẩm hàng hiệu - thương hiệu cao cấp nổi tiếng toàn cầu xuất xứ từ Hà Nội, từ Việt Nam.

Tôi nghĩ rằng trước mắt để chuẩn bị cho một tương lai, chắc chắn cũng là niềm mơ ước của doanh nhân trẻ Nguyễn Ích Vinh và đương nhiên của cả doanh nhân đầy tâm huyết Hạnh Nguyễn như thế, Tràng Tiền Plaza dù có tham vọng cấu trúc theo mô hình nào thì rất nên có một không gian dành cho các sản phẩm thương hiệu mang tính sáng tạo đầy bản sắc hàng đầu của Việt Nam được chính các chuyên gia hàng đầu của thế giới và của Tràng Tiền Plaza đóng gói các giá trị văn hóa và quảng bá.


"Mậu dịch Tràng Tiền" nay là Tràng Tiền Plaza - Ảnh: TL

Không gian này nếu được thiết kế đầy sáng tạo và đầy bản sắc Hà Nội, Việt Nam, với sự vô cùng nghiêm túc lựa chọn các sản phẩm cao cấp tinh xảo, điêu luyện truyền thống nghệ thuật thủ công, thế mạnh của người Việt, chắc chắn sẽ là điểm đến của bất cứ du khách nước ngoài nào khi đặt chân đến Hà Nội.Và đương nhiên các sản phẩm văn hóa niềm tự hào của dân tộc phải được trao cho những người bán hàng mà “văn hóa ứng xử” như doanh nhân trẻ Nguyễn Ích Vinh mong muốn phải là phẩm chất hàng đầu bắt buộc.

Văn hóa tiêu tiền khi thành thói quen thì không hề còn mang tính đặc thù nữa mà là mang tính phẩm chất. Một nền kinh tế chỉ có thể bền vững nếu chúng ta có văn hóa kinh doanh và văn hóa tiêu tiền. Lúc ấy các doanh nhân Nguyễn Ích Vinh và Hạnh Nguyễn sẽ không còn phải quá bận tâm tới thói quen hay đặc thù của các cô cậu yêu nhau chỉ qua cách kiếm tiền dễ dàng và cách tiêu tiền xả láng nữa.

Lưu Trọng Văn
(Một Thế Giới)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét