Chủ Nhật, 17 tháng 8, 2014

Đầu tư công - "miếng bánh" dễ cắt?

Đầu tư công - "miếng bánh" dễ cắt?
Năng lượng Mới số 348 (PetroTimes) - Tại diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng phê phán tình trạng xây trụ sở như cung điện, sắm ôtô mới tràn lan và trang trí nội thất, phòng làm việc xa hoa lãng phí. Ai dám bảo đảm rằng, không có gửi giá, chuyển giá trong đầu tư công, mua sắm công?
Nhiều dự án đầu tư công sau nhiều năm vẫn còn dang dở
Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư (KH&ÐT), trong số 35.379 dự án đầu tư sử dụng 30% vốn Nhà nước trở lên đang thực hiện, có tới 12.988 dự án khởi công mới, chiếm 36,63%. Như vậy đầu tư công vẫn tăng dù rằng đã có ý kiến yêu cầu cần phải siết đầu tư công. Ðáng nói hơn, có nhiều địa phương quá nửa dự án đang triển khai là dự án khởi công mới.


Bộ KH&ÐT nêu đích danh, Quảng Ninh có 262 dự án khởi công mới, chiếm 62,98%; Cao Bằng có 302 dự án khởi công mới chiếm 64,53%; Bắc Kạn là 240 dự án, chiếm 49,38%; Lạng Sơn, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Ninh Thuận… và ngay cả TP Hồ Chí Minh cũng nằm trong diện này.

Trong năm 2013, các bộ, ngành, địa phương đã phát hiện 724 dự án có thất thoát, lãng phí. Con số này đã tăng gần như gấp đôi so với con số 368 dự án có thất thoát, lãng phí của năm 2012. Tổng vốn đầu tư của hơn 700 dự án này là 15.963 tỉ đồng và số tiền được xác định bị thất thoát, lãng phí là 74 tỉ đồng.

Theo nhận định của Bộ KH&ÐT, các dự án gây thất thoát, lãng phí chủ yếu là có những chi phí không hợp lý, được phát hiện trong giai đoạn thanh, quyết toán, kiểm toán. Ðây là nghịch lý, bởi trước tình trạng ngân sách khó khăn, việc siết đầu tư công đã không ít lần được đặt ra.

Mới đây tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội lại đặt ra việc siết chặt đầu tư công đã quyết định giảm các khoản chi tiêu chưa thật cần thiết và kém hiệu quả; bố trí vốn bảo đảm tỷ lệ chi cho các ngành, lĩnh vực quan trọng, cấp thiết.

Thế nhưng, như báo cáo của Bộ Kế hoạch - Ðầu tư, số dự án mới vẫn khởi công và không ít địa phương xây dựng trụ sở nguy nga như cung điện. Không chỉ trụ sở UBND tỉnh, tỉnh ủy, mà trụ sở các sở, ban, ngành cũng rất hoành tráng. Phòng khách của cơ quan, phòng làm việc của các sếp đều sắm nội thất đắt tiền thuộc dạng quý hiếm với những bộ salon đồ sộ, chạm khắc tinh xảo, có giá hàng trăm triệu làm bằng gỗ quý thuộc nhóm đặc biệt bị cấm khai thác như trắc, sến, cẩm lai… Có văn phòng còn trưng cả bộ ngà voi thật uy nghi, lộng lẫy.

Theo Bộ KH&ÐT, trong giai đoạn 2001-2010, tổng mức đầu tư toàn xã hội so với GDP tăng từ 35,4% năm 2001 lên khoảng 41% năm 2010. Cơ cấu đầu tư toàn xã hội, đầu tư từ nguồn vốn Nhà nước bình quân giai đoạn 2001-2010 chiếm 46,3%.

Hoạt động đầu tư công chỉ được siết lại từ năm 2011, sau khi Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và tập đoàn, tổng công ty Nhà nước rà soát, hoãn, giãn các dự án chưa cấp bách hoặc kém hiệu quả...

Tại các địa phương, nhờ giãn tiến độ công trình và dự án lớn trị giá hàng ngàn tỉ đồng...

Bộ KH&ÐT đề xuất “khoanh vùng” quyền lực với cơ chế, người có thẩm quyền quyết định đầu tư chỉ quyết định các dự án trên cơ sở cân đối và bố trí được nguồn vốn, tức là thẩm quyền chỉ trong phần vốn được quyết định.

Qua ví dụ trên có thể thấy, khi Chính phủ đặt yêu cầu kiểm soát chặt chẽ hiệu quả đầu tư công lên hàng đầu, thì dù thiếu vốn, nhiều dự án cũng không dám “ngửa tay” nhận tiền, bởi hiệu quả đầu tư vẫn là một dấu hỏi lớn.

Mới đây, khi thảo luận về dự án Luật Ðầu tư công, đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ trách nhiệm của người quyết định chủ trương đầu tư sai, kém hiệu quả, bởi đó là cái gốc tham nhũng, lãng phí mà dường như lâu nay bị bỏ ngỏ. Cho đến nay vẫn chưa có ai bị kỷ luật vì các quyết định đầu tư công lãng phí. Không có thống kê chính xác bao nhiêu công trình xây dựng thủy lợi cấp nước sạch, chợ, bệnh xá, lớp học… xây dựng xong rồi đắp chiếu vì không sử dụng được. Lý do dễ hiểu nhất là chúng ta chưa có luật đầu tư công, luật mua sắm công để điều chỉnh trách nhiệm người phê duyệt và người thực hiện đầu tư.

Tuy nhiên, khi dự thảo Luật Ðầu tư công đã được khởi thảo, các chuyên gia vẫn lưu ý rằng, cần làm rõ khái niệm thế nào là đầu tư công để từ đó mới xây dựng được những thiết chế thích ứng. Có nhiều ý kiến đề xuất, dự thảo Luật Ðầu tư công cần coi các dự án nào được thực hiện bởi ngân sách Nhà nước đều là đầu tư công, không phân biệt quy mô, mục đích đầu tư.

Còn theo chuyên gia: Ðầu tư công bao gồm đầu tư từ vốn ngân sách, vốn tín dụng Nhà nước và đầu tư của DNNN. Ðầu tư công không phải là “miếng bánh”, xin được bao nhiêu dùng bấy nhiêu đã làm nảy sinh nhiều hệ lụy lãng phí, tiêu cực.

Dự thảo luật cần quy định rõ trách nhiệm cụ thể của người có thẩm quyền quyết định chủ trương và quyết định đầu tư. Ðặc biệt, để đảm bảo tách biệt chức năng quản lý Nhà nước (người có thẩm quyền quyết định đầu tư) và chức năng quản lý dự án (chủ đầu tư), Ban soạn thảo đề xuất, quy định các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các cấp không trực tiếp làm chủ đầu tư, trừ dự án đầu tư xây dựng cơ sở cơ quan và các trường hợp đặc thù khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Minh Nghĩa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét