Thứ Ba, 13 tháng 5, 2014

Trung Quốc sẽ làm gì tiếp theo ở Biển Đông?

Trung Quốc sẽ làm gì tiếp theo ở Biển Đông?
Sau những phát ngôn ngoại giao cùng hành động điều máy bay, tàu chiến ra trợ giúp cho giàn khoan HD-981, Trung Quốc sẽ làm gì ở bước tiếp theo?
Giàn khoan HD-981 của Trung Quốc đang hoạt động 
trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trung Quốc đang làm gì?
Những ngày này, tình hình xung quanh vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tiếp tục nóng lên. Mới đây, hội nghị Ngoại trưởng ASEAN họp tại Myanmar đã ra tuyên bố lo ngại tình hình phức tạp đe dọa hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông vào chiều 10/5.

Chỉ vài giờ sau, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã có đáp trả ngay. Theo Kyodo News, bà Hoa Xuân Doanh – người phát ngôn Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: "Biển Đông không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN. Bà này còn nhấn mạnh rằng “Một số nước đã lợi dụng biển Đông để chia rẽ đại cục hợp tác hữu nghị giữa Trung Quốc với ASEAN”.

Hành động này của Trung Quốc rõ ràng nhằm chia rẽ khối ASEAN. Bởi lẽ không phải tất cả các nước ASEAN đều liên quan trực tiếp đến tranh chấp biển đảovới Trung Quốc nhưng các thành viên ASEAN đều có quan hệ kinh tế ngày càng mật thiết thậm chí phụ thuộc vào Trung Quốc.

Tuyên bố nói trên của Trung Quốc có thể được ngầm hiểu rằng nếu ASEAN cứ đoàn kết với nhau phản ứng về vấn đề biển Đông thì Trung Quốc sẽ “trừng phạt” bằng kinh tế.

Đây thực chất là một phản ứng rất logic của Trung Quốc. Từ khi xuất hiện các tranh chấp về chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc với một số nước Đông Nam Á, nước Trung Quốc đã luôn tìm cách gây chia rẽ các thành viên trong khốiASEAN đồng thời không tán thành đưa vấn đề ra quốc tế mà chỉ khăng khăng đàm phán song phương với từng nước.

Tuy nhiên, một điều dễ hiểu là nếu đàm phán song phương, các nước Đông Nam Á không tránh khỏi thiệt thòi vì trong quan hệ song phương mọi lợi thế đều thuộc về Trung Quốc.

Ở mặt trận ngoại giao là vậy còn trên thực địa, theo tin tức các báo Việt Nam, lực lượng hộ tống giàn khoan của Trung Quốc rất đông đảo gồm hàng chục tàu hải giám, hải cảnh và cả tàu hải quân. Thêm vào đó còn có cả các máy bay hỗ trợ. Theo tường thuật của phóng viên báo Tuổi trẻ có mặt tại thực địa, hàng ngày các lực lượng tàu Trung Quốc thường xuyên tìm cách va chạm, đâm các tàu kiểm ngư và cảnh sát biển Việt Nam. Họ còn dùng loa công suất lớn gây tiếng ồn và đèn cực mạnh chiếu vào tàu Việt Nam để quấy rối.

Cũng phải nhìn nhận rằng hành động đặt giàn khoan HD 981 của Trung Quốc mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn là ý nghĩa kinh tế. Nó là một phép thử để đo phản ứng của các nước liên quan cũng như cộng đồng quốc tế. Duy trì hoạt động của một giàn khoan có giá trị tới 1 tỷ USD trong một vùng biển sâu trong khi chưa chắc chắn có dầu mỏ hay không rõ ràng là một hành động không “kinh tế”. Nhưng nếu để cho Trung Quốc tự do với giàn khoan thì sẽ mang lại một hậu quả tai hại.

Trung Quốc sẽ căn cứ vào đó để tuyên truyền rằng họ đã có hoạt động khai thác ở vùng biển đang tranh chấp và các nước khác không phản ứng gì thì đương nhiên là công nhận chủ quyền của Trung Quốc.

Trong Biển Đông, Trung Quốc không chỉ có tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam mà còn tranh chấp với Nhật Bản, Philippines… Nếu “kịch bản” đặt giàn khoan thành công, nó sẽ tiếp tục được thực hiện tại các vùng biển khác. Do vậy, đây là một “kịch bản” rất nguy hiểm.

Họ sẽ làm gì tiếp theo?


Liên quan đến vụ căng thẳng biển Đông hiện nay, tin tức mới nhất về động thái của Trung Quốc là Tổng tham mưu trưởng quân đội nước này sẽ thăm Mỹ từ ngày mai 13/5.

Đài NHK Nhật Bản đưa tin: Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc – ông Phòng Phong Huy sẽ thăm Mỹ từ ngày 13/5 và dự kiến sẽ thảo luận với ông Martin Dempsey – Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân vào 15/5. Cũng theo NHK, vụ giàn khoan HD 981 sẽ là một trong những vấn đề được đem ra thảo luận giữa hai nhân vật cao cấp của quân đội Mỹ và Trung Quốc.

Trong khi đó, một nhân vật cấp cao của quân đội Trung Quốc cũng vừa có chuyến thăm 4 ngày đến Campuchia. Theo Petrotimes, ông Hứa Kỳ Lượng – Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc vừa có chuyến thăm Campuchia từ 8 đến 12/5.

Ông Hứa Kỳ Lượng có bàn bạc gì về vấn đề biển Đông nói chung và vụ việc giàn khoan HD-981 với phía Campuchia hay không cũng như ông Phòng Phong Huy sẽ thảo luận như thế nào với Mỹ về vụ giàn khoan HD 981 là điều chưa biết được. Tuy nhiên, hai chuyến thăm này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng của vụ giàn khoan HD-981 khiến báo giới Việt Nam cũng như những nhà quan sát thế giới đặt câu hỏi.

Cuối cùng vụ việc sẽ đi tới đâu? Đối với Việt Nam, với những chứng cứ rõ ràng về chủ quyền ở Hoàng Sa cùng với các căn cứ pháp lý mạnh mẽ về đặc quyền kinh tế và ảnh hưởng sâu sa của sự kiện này sẽ không cho phép Việt Nam nhượng bộ. Thực tế những ngày qua dư luận Việt Nam phản ứng rất mạnh mẽ đồng thời ở cấp Nhà nước cũng có những tuyên bố phản ứng rõ ràng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Myanmar đã có bài phát biểu 10 phút về vụ việc Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đồng thời kêu gọi khối ASEAN cùng dư luận thế giới lên tiếng mạnh mẽ về vấn đề này.

Còn Trung Quốc, có khả năng họ tự rút đi hay không? Về vấn đề này, nhà phân tích Gregory Poling trong khi trả lời đài DW (đã dẫn ở trên) phân tích rằng Trung Quốc chỉ thoái lui khi vẫn giữ được sĩ diện. “Điều đó là chưa rõ ràng và phần nhiều sẽ phụ thuộc vào sự ủng hộ dành cho Việt Nam của các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế. Bắc Kinh sẽ chỉ thoái lui nếu họ có một cách thoái lui mà vẫn giữ được thể diện. Tốt nhất là dùng áp lực phối hợp trong khu vực và quốc tế để thuyết phục Trung Quốc rút giàn khoan trước tháng 8, là thời điểm mà Bắc Kinh nói họ sẽ di dời giàn khoan đi. Làm như vậy, Bắc Kinh có thể hợp lý hóa sự thoái lui của mình mà vẫn giữ được thể diện", nhà phân tích Gregory Poling bình luận.

Trần Vũ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét