Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2014

Triết lý Mỹ: Cứ làm mới biết được hay không

Triết lý Mỹ: Cứ làm mới biết được hay không
"Không có có câu hỏi nào ngu ngốc", vấn đề là bạn có thể đưa ra "câu trả lời thông minh" hay không mà thôi.
giáo dục, phát triển, triết lý giáo dục
Các học sinh trung học Mỹ mừng ngày tốt nghiệp.
"Bài của bạn sẽ hay hơn nếu.."
Thời gian học tập ở Mỹ và những lần tiếp xúc với nhiều người nước ngoài đã đem lại cho cá nhân tôi nhiều bài học bổ ích. Xin được phép chia sẻ với bạn đọc một vài trong số đó để cùng suy ngẫm và thảo luận.

Dường như thành thói quen, hay nét văn hóa ứng xử, các giáo viên ở Mỹ thường bắt đầu nhận xét về bài viết hay ý kiến phát biểu của sinh viên bằng lời khen ngợi. "Bài viết của bạn khá tốt", "thật thú vị khi đọc bài của bạn", "đọc bài của bạn cho tôi thấy đây là kết quả của một tinh thần làm việc nghiêm túc",  "tôi thấy thích thú khi đọc bài của bạn" hay "đó là một ý tưởng thú vị" là những cụm từ thường được dùng để mở đầu. Hơn một lần, tôi đã từng hân hoan khi nhìn thấy lời nhận xét "thật thú vị" hay "rất tốt" của giáo sư ở ngay dòng đầu tiên.
Dĩ nhiên, một bài nhận xét thì không bao giờ chỉ bao gồm những lời khen. Thường thì sau một vài câu khích lệ, chỉ ra những điểm ưu của bài viết, bạn sẽ nhận được những góp ý của thầy về điều cần sửa đổi. Cấu trúc này thì không có gì là lạ lẫm quá, ở nhiều nước cũng đã bắt đầu theo mô típ này. Tuy nhiên, cách mà những lời góp ý được đưa ra mới là điều đáng lưu tâm. Thường thì những lời khuyên được đưa tới bạn một cách ẩn qua lối diễn ngôn khá mềm mại: "nếu tôi là bạn, tôi sẽ lưu tâm đến một số vấn đề..."; "bài viết/ý kiến của bạn sẽ hay hơn nếu một số vấn đề sau được bổ sung, làm rõ, điều chỉnh"; "tôi nghĩ bài viết này sẽ thuyết phục bạn đọc hơn khi một số vấn đề sau được làm rõ" hay "có lẽ bạn sẽ muốn xem xét, phát triển thêm bài viết/ý tưởng của mình"...
Một điều hầu như không bao giờ thấy là việc giáo viên dùng bút đỏ gạch toàn bộ hay một đoạn trong bài viết của bạn, dù đó là phần chưa đúng hay hoàn toàn sai theo đánh giá của họ. Thường thì giáo viên trực tiếp ghi nhận xét của mình ngay bên lề, ở những phần mà họ muốn góp ý. Quy định giãn dòng và căn lề trong bài viết ở Mỹ đủ rộng (double) và bài viết luôn chỉ in một mặt để người chấm bài có đủ chỗ ghi nhận xét. Với mỗi lỗi, sẽ có từng góp ý cụ thể để bạn dễ chỉnh sửa. Ở phần cuối bài viết, có thể sau rất nhiều những góp ý, phản biện cụ thể, thường thì bạn sẽ nhận được những kết luận cuối cùng về chất lượng của bài viết. Cách khép lại luôn giống như cách mở đầu, bạn sẽ một lần nữa nhận được đôi lời khích lệ, khen ngợi.
Hiếm khi những bạn nhận được những lời nhận xét theo dạng: "bạn không đúng", "bạn đã sai", "thật kém chất lượng", "phần này phải sửa" hay "tôi không đồng ý với bạn".
Tuy nhiên, dẫu rằng lời góp ý được đưa ra mềm mại, điều đó không có nghĩa là bạn không cần phải tiếp thu những ý kiến đó. Khi bạn muốn bảo lưu quan điểm của mình, bạn sẽ cần chứng minh nó một cách thuyết phục hơn hoặc chỉnh sửa, phát triển theo hướng được gợi ý nếu muốn nhận điểm cao.
Thói quen nói "tôi không biết" hay "tôi xin lỗi"
Không có gì là bất ngờ khi trong tiết học hay cuộc trò chuyện về chuyên môn, giáo sư của bạn hơn một lần nói "tôi không biết", "tôi không rõ" trước câu hỏi hay vấn đề tranh luận nào đó. Tôi từng được may mắn đến thăm đại học Harvard, được trò chuyện với một giáo sư nổi tiếng nghiên cứu về Việt Nam, người mà số công trình xuất bản nếu liệt kê phải hết hàng chục trang giấy A4. Hơn một lần ông trả lời câu hỏi của tôi bằng việc mình không biết hay không có thông tin gì về điều tôi muốn hỏi ông.
Tuy nhiên, bạn hiếm khi phải thất vọng với câu trả lời như vậy bởi ngay sau sự thừa nhận rõ ràng, sòng phẳng ấy, bạn sẽ nhận được lời khuyên nên tìm câu trả lời ấy ở đâu, với ai hay nên tiếp cận vấn đề quan tâm như thế nào, làm thế nào để tìm được thông tin giải đáp. Nếu đó là câu hỏi được đưa ra trong một buổi học, nó sẽ được đặt ra để tất cả các sinh viên khác cùng hỗ trợ, chia sẻ thông tin. Sẽ không có gì là lạ nếu vài ngày sau bạn nhận được email từ giáo sư của mình những thông tin mà họ mới thu thập được, hoặc là thư giới thiệu bạn tới một giáo sư khác, người có thể giải đáp thắc mắc cho bạn.
Việc nói lời xin lỗi vốn phổ biến trong diễn ngôn của nhiều nước phương Tây và vì thế không có gì là lạ khi bạn được giáo sư xin lỗi vì một sự cố nào đó. Đó có thể là việc đến lớp muộn (hiếm khi xảy ra) hay không kịp trả bài theo hẹn (đôi khi, do các giáo sư thường khá bận). Lời xin lỗi cũng được đưa ra khi họ cảm thấy không giúp bạn giải đáp thỏa đáng một vấn đề học thuật nào hay thậm chí ngay cả khi họ không thể phá vỡ quy định của nhà trường, đạo đức nghề nghiệp để nâng điểm hay cho bạn một đặc ân nào đó.
Cũng không ít trường hợp bạn nhận được lời xin lỗi từ giáo sư của mình khi họ nhận ra kiến thức mà họ chia sẻ với bạn có gì đó không chính xác, chưa đầy đủ hay không cập nhật. Họ cũng cảm thấy có lỗi khi thành tích học tập của bạn không được như ý, hay bài giảng của họ không được hiểu thấu đáo, yêu thích dù rằng căn nguyên có thể không xuất phát từ phía họ.
giáo dục, phát triển, triết lý giáo dục
Nữ sinh Việt Nam trong ngày tốt nghiệp trung học. Ảnh: Zing
Tâm thế định vị hành vi
Ở Mỹ, mục đích tối quan trọng của giáo dục trước tiên là học để biết mình có thể làm gì, nên làm gì. Có lẽ vì thế, vai trò của người thầy là khơi dậy những năng lực tiềm ẩn từ người học, giúp họ phát huy chúng và sử dụng chúng một cách hiệu quả nhất chứ không phải là cầm tay chỉ việc hay định khung học trò của mình trong một hệ giá trị khô cứng. Quan niệm phổ biến trong trường học là "không có câu hỏi nào ngu ngốc", vấn đề là bạn có thể đưa ra "câu trả lời thông minh" hay không mà thôi.
Hầu như không có khoảng cách thứ bậc giữa thầy và trò bởi sự bình đẳng trong tranh luận khoa học luôn được đề cao. Người dạy đánh giá sinh viên qua điểm số và ngược lại sinh viên cũng được quyền đánh giá năng lực, phương pháp hay nhiệt huyết giảng dạy của thầy mình. Điểm số có thể ảnh hưởng đến thành tích học tập của sinh viên và ngược lại, nhận xét của họ cũng có thể tác động đến cơ hội thăng tiến, tăng lương của một giáo viên. Chính vì thế, không có một chân lí cứng nhắc, bất biến nào. Quá trình tương tác trên giảng đường là đa chiều: giữa người dạy với sinh viên và ngược lại; giữa sinh viên với sinh viên.
Người dạy thường không được ban đặc quyền đặc lợi nào trong mối quan hệ với sinh viên. Bản thân họ cũng không tự đặt mình ở trên sinh viên, cho mình là chân lí. Họ hầu như không có ý định áp đặt học trò phải theo ý kiến của mình và việc bạn bảo lưu quan điểm của bạn trái ngược với quan điểm của thầy không nhất thiết dẫn đến việc nhận điểm kém. Điều quan trọng là bạn phải chứng minh được tính logic cho mỗi quan điểm của mình. Phải chăng từ bệ phóng ấy mà cách diễn ngôn không có chỗ cho những cụm từ mang tính mệnh lệnh như "phải", "cần", "buộc" mà được thay thế bởi những định đề mang tính gợi mở như đã nói ở trên.
Việc thẳng thắn thừa nhận mình không biết hay không rõ đối với vấn đề được hỏi là bài học cụ thể nhất về tính trung thực, dũng cảm trong khoa học. Nó là thông điệp khuyến khích học trò không chỉ nói những điều mình biết mà cả thừa nhận những điều mình không biết. Không phải ngẫu nhiên mà đạo văn được coi là lỗi nghiêm trọng, có thể chôn vùi nghiệp đèn sách của bất cứ ai, không có ngoại lệ hay bất cứ biện hộ nào được chấp nhận.
Nguyễn Công Thảo (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét