Phải dạy học sinh... biết nhục
Trong tất cả các nỗi nhục, không có nỗi nhục nào bằng nỗi nhục quốc thể. Sự sỉ nhục đến một dân tộc là điều đáng sợ nhất, thậm chí nó có thể dẫn đến chiến tranh.Còn nhớ, hồi tháng 4 năm ngoái, tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động cầm quyền Triều Tiên (WPK), trong một bài viết đã cảnh báo tình trạng chiến tranh bao trùm trên bán đảo Triều Tiên. Nguyên nhân mà Triều Tiên cảnh báo là vì cho rằng Hàn Quốc đã xỉ nhục.
Triều Tiên qua hành động bôi nhọ giới lãnh đạo Bình Nhưỡng. Bài báo có đoạn: “Những hành động tội lỗi trực tiếp xúc phạm tới nhân phẩm cao quý của các lãnh đạo quốc gia chúng ta từ phía Hàn Quốc có thể được xem là tuyên bố chiến tranh có chủ ý”. Bài viết này nhằm đáp trả động thái biểu tình, đốt hình nộm nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Chủ tịch Kim Nhật Thành và Chủ tịch Kim Jong-il của một nhóm người biểu tình tại Seoul.
To tát thì thế, nhưng nỗi nhục quốc thể đôi lúc lại nằm ở những hành vi ứng xử nhỏ hơn chứ chưa cần đến việc xúc phạm lãnh tụ của dân tộc đó. Như chuyện hình ảnh Việt Nam, quốc thể Việt Nam đang bị làm nhục vì một số cá nhân thiếu giáo dục.
Một vài du học sinh, công nhân Việt Nam ăn cắp vặt tại các siêu thị Nhật Bản để nước này phải dán các cảnh báo bằng tiếng Việt. Rồi nhân viên Vietnam Airlines buôn bán hàng ăn cắp bị phía Nhật tạm giữ để điều tra. Cả việc người Việt đi ăn uống lộn xộn, lãng phí đến nỗi các nhà hàng phải “khuyến cáo” như một sự bêu riếu…
Tất cả điều đó đều là một sự sỉ nhục lớn cho một dân tộc được xem là có bề dày văn hóa và lịch sử. Hành động thiếu giáo dục của một vài cá nhân đã làm cho người ta liên tưởng và nghĩ đến một hình ảnh Việt Nam với rất nhiều…người Việt xấu xí. Cũng từ đó, nhiều người Việt nảy sinh một tâm lý mặc cảm, không dám ngẩng cao đầu khi cầm hộ chiếu của mình đi ra nước ngoài. Đó là một thức tế có thật.
Và, xét đến cùng, cái gốc vẫn là giáo dục. Chúng ta dạy nhiều đến tri thức, kiến thức, kỹ năng mà quên một phần quan trọng là dạy cho người ta… biết nhục. Như dân tộc Nhật Bản, điều đầu tiên người ta dạy con nít là cách cúi chào. Một sự cúi chào khiêm nhường mà không hề làm cho họ trở nên thấp kém.
Từ bé, học sinh nhà ta được dạy phải biết tự tôn dân tộc, biết tự hào dân tộc, biết nhục để tránh xa những hành vi có thể mang lại sự nhem nhuốc cho mình, cho xã hội và cho dân tộc thì hẳn sẽ không có chuyện ra nước bạn đi ăn cắp vặt, đi buôn hàng ăn cắp, hay có những hành vi phản cảm khác. Cũng chính không dạy cho trẻ nhỏ biết nhục nên nhiều nhân cách hình thành để đến khi trưởng thành vẫn mặc định “nhục” cũng là chuyện “bình thường”.
Rồi nữa là câu chuyện Biển Đông đang dậy sóng. Người trẻ tuần hành ôn hòa phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép là việc cần và nên làm để biểu thị lòng yêu nước. Nhưng biến tuần hành thành các hành vi quá khích và gây rối trật tự công cộng, nguy hiểm hơn là một số phần tử lợi dụng để trộm cắp tài sản thì lại làm cho hình ảnh đáng trân trọng ấy trở nên một nỗi nhục quốc thể khi báo chí nước ngoài đăng tải các hành vi hôi của phản cảm.
Rousseau, một nhà triết học thuộc trào lưu khai sáng có một quan điểm về giáo dục mãi mãi còn vẹn nguyên ý nghĩa: “Giáo dục con tim cạnh giáo dục khối óc và bàn tay”. Và, hơn bao giờ hết, sự “giáo dục con tim” về những điều tử tế trong ứng xử mới tạo dựng sự văn minh đúng nghĩa của xã hội loài người. Dạy cho lũ trẻ biết nhục để sau này thành người từ tế, thiết nghĩ là điều chẳng bao giờ thừa!
ThS Trần Ngọc Hà
(Thanh tra)
lanh dao dat nuoc co biet nhuc dau ma day the he tre
Trả lờiXóaĐảng và nhà nước nói láo hằng ngày mà không biết nhục thì làm sao giáo dục được con trẻ .
Trả lờiXóa