Thứ Năm, 22 tháng 5, 2014

Một "gọng kìm lịch sử" khác

"Bắc Kinh sẽ không chiếm đất chiếm biển Việt Nam. Một Việt Nam trôi dạt, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn, với một tập đoàn lãnh đạo phân rẽ, dật dờ là mục đích tối thượng của Bắc Kinh. Bắc Kinh sẽ làm bất cứ điều gì có thể để duy trì một Việt Nam trong trạng thái đó". Việt Nam đang trong hai gọng kìm: Của một số thế lực tư bản quốc tế và của chính nước cộng sản anh em.
Một "gọng kìm lịch sử" khác
"...Đảng Cộng sản Việt Nam đã bị phân hoá và tê liệt. Những người lãnh đạo Đảng ngay cả khi muốn cũng không thể làm được gì ngoài việc duy trì tình trạng hiện có và hy vọng nhóm lãnh đạo mới ở Bắc Kinh không quá tay làm khó thêm nữa. Xã hội Việt Nam vẫn lẳng lặng bước tới. Và họ đang phải đối diện với một tương lai tắc ách...."
Giàn khoan HD-981 đến Biển Đông không để thăm dò dầu khí mà để thăm dò một thứ khác: Nó nắn gân và dằn mặt tập đoàn lãnh đạo ở Hà Nội. Nó phơi bày toàn bộ những yếu kém của giới lãnh đạo cũng như của xã hội Việt Nam: lãnh đạo tê liệt và phân rã; xã hội bất ổn và đầy nguy cơ bạo loạn. Nó nhằm nhắc nhở những người lãnh đạo Việt Nam một cách công khai rằng quyền lực chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn còn phụ thuộc rất lớn vào Đảng Cộng sản Trung Quốc.



Tại sao Bắc Kinh phải làm điều này ngay lúc này? Động thái này của nhóm lãnh đạo mới ở Bắc Kinh gợi ý sự lo lắng trước nguy cơ Việt Nam tuột khỏi tầm ảnh hưởng trực tiếp của nó. Một Việt Nam ngã về với các quốc gia tự do, hoặc tồn tại một ấn tượng như thế, là thất bại mà Bắc Kinh không thể nào chấp nhận được. Bắc Kinh sẽ làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn điều đó.

Xã hội Việt Nam, trong khuôn khổ Đông Nam Á, đang lẳng lặng dịch chuyển lại gần với các quốc gia tự do. Những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam hiểu là họ không thể chống lại sự dịch chuyển này. Họ không còn lựa chọn nào khác hơn là thuận theo chiều gió. Họ cũng hiểu rõ rằng điều này sớm muộn cũng đưa họ đến sự đối đầu không thể tránh khỏi với Đảng Cộng sản Trung Quốc, tập đoàn quyền lực đang nuôi dưỡng và cưu mang họ ngay từ những ngày đầu. Không có sự nuôi dưỡng của Đảng Cộng sản Trung Quốc thì Đảng Cộng sản Việt Nam không thể thâu tóm quyền lực ở Việt Nam bằng cuộc nội chiến quốc cộng đẫm máu vừa qua. Giờ đây việc phải đối đầu với Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt họ trước những lựa chọn rất khó khăn.

Nội bộ lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam lúc này không có đủ đồng thuận để có một bước đi quyết đoán. Tệ hơn, giả sử lãnh đạo Đảng có đủ ý chí đi nữa thì một bước đi dứt khoát, như Miến Điện, ra khỏi quỹ đạo của quyền lực chính trị ở Trung Quốc sẽ đưa đến bạo loạn không thể tránh khỏi: Bắc Kinh sẽ không để yên. Việt Nam không có điều mà Miến Điện có: một xã hội dân sự và những lãnh đạo dân sự có thẩm quyền đạo đức để dàn xếp chuyển tiếp và chống lại nguy cơ tạo loạn từ bên ngoài. Xã hội Việt Nam ở thời điểm này ẩn chứa quá nhiều ung nhọt và có nguy cơ bùng nổ bất cứ lúc nào. Đảng Cộng sản Việt Nam đang nhận lấy hậu quả tại hại của quyền lực toàn trị của chính nó: nó không thể có một bước đi quyết đoán, ngay cả khi nó muốn.

Nếu không có những biến chuyển chính trị nội địa mà qua đó Bắc Kinh có nhu cầu hướng sự quan tâm của dân chúng Trung Quốc ra bên ngoài bằng cách gây hấn ở Biển Đông, tình huống nhùng nhằng này có lẽ sẽ kéo dài thêm một thời gian nữa. Sau sự kiện giàn khoan HD-981, lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam cũng sẽ phải lần lượt sang Trung Quốc hoà hoãn mong làm nguôi đi sự nóng giận của Bắc Kinh. Sau đó mọi chuyện sẽ lập lại. Bắc Kinh sẽ lại gây hấn để dằn mặt Hà Nội trước một động thái nào đó của Hà Nội mà nó cho rằng có nguy cơ tuột khỏi tầm kiểm soát của nó. Giới trí thức Việt Nam sẽ lại xuống đường bày tỏ lòng yêu nước. Bắc Kinh lại tiếp tục thao túng xã hội Việt Nam và phân hoá giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam. Bắc Kinh sẽ không chiếm đất chiếm biển Việt Nam. Một Việt Nam trôi dạt, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn, với một tập đoàn lãnh đạo phân rẽ, dật dờ là mục đích tối thượng của Bắc Kinh. Như đã nói, Bắc Kinh sẽ làm bất cứ điều gì có thể để duy trì một Việt Nam trong trạng thái đó.

Nhưng, có hai xu hướng không thể đảo ngược và không phụ thuộc vào ý chí của bất cứ tập đoàn phe nhóm nào: 1. Việt Nam càng lúc càng gắn chặt với Đông Nam Á và dịch chuyển về phía các quốc gia tự do, và 2. Cùng lúc với tiến trình dân chủ hoá.

Cả Hà Nội và Bắc Kinh hiểu rằng họ chỉ có thể trì hoãn chứ không thể chặn đứng tiến trình này. Hy vọng của lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc là vẫn có thể dùng Đảng Cộng sản Việt Nam cho mục đích trì hoãn này. Tuy nhiên, lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam cũng tự nhận ra rằng, để tiếp tục duy trì quyền lãnh đạo, họ chỉ có thể trì hoãn ở một mức độ mà xã hội Việt Nam có thể dung thứ. Những khó khăn kinh tế trong thời gian qua làm họ sốt ruột và buộc có những động thái mà dưới cái nhìn của Bắc Kinh họ đã không làm tròn phận sự của mình. Bắc Kinh nổi giận.

Hai mươi năm trước, Bùi Diễm, cựu đại sứ Việt Nam Cộng Hoà ở Mỹ và là một thành viên kỳ cựu của Đảng Đại Việt, người có mặt trong những ngày đầu tiên của các lực lượng không cộng sản ở thập niên 40, có viết một cuốn hồi ký với cái tựa đề Trong Gọng kìm Lịch sử. Ông mô tả cái thế bị mắc kẹt của các lực lượng chính trị không cộng sản này trong gọng kìm của các thế lực quốc tế. Lần này đến lượt những người cộng sản: họ đang bị mắc kẹt trong một gọng kìm khác của lịch sử.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã bị phân hoá và tê liệt. Những người lãnh đạo Đảng ngay cả khi muốn cũng không thể làm được gì ngoài việc duy trì tình trạng hiện có và hy vọng nhóm lãnh đạo mới ở Bắc Kinh không quá tay làm khó thêm nữa. Xã hội Việt Nam vẫn lẳng lặng bước tới. Và họ đang phải đối diện với một tương lai tắc ách.

Trần Minh Khôi
Theo FB Trần Minh Khôi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét