Clip xúc động về 1.825 ngày ông Đặng Công Ngữ làm Chủ tịch Hoàng Sa
Clip “Báo chí và những người bạn Hoàng Sa – 1825 ngày đồng hành” do UBND huyện Hoàng Sa thực hiện không chỉ như một sự tri ân vị Chủ tịch đầu tiên, ông Đặng Công Ngữ, mà còn hàm chứa nhiều thông điệp đầy xúc động! Báo điện tử Infonet xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc clip xúc động này:Như tin đã đưa, ngày 5/5, ông Đặng Công Ngữ đã chính thức nghỉ hưu theo chế độ sau 1.835 ngày gánh vác trọng trách Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng, kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa mà Tổ quốc và nhân dân tin tưởng giao phó cho ông.
Trước đó đúng 1 tuần, trưa 28/4, ông Đặng Công Ngữ đã dành cho báo điện tử Infonet cuộc trả lời phỏng vấn “trải lòng” về chặng đường đầy khó khăn, phức tạp, nhạy cảm song rất đỗi tự hào mà ông cùng các cộng sự ở Sở Nội vụ Đà Nẵng và UBND huyện Hoàng Sa đã trải qua trên con đường đấu tranh đòi lại chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo thân yêu đang bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép.
Tối cùng ngày, cuộc gặp mặt tri ân các phóng viên báo chí, cộng tác viên và các cơ quan do UBND huyện Hoàng Sa tổ chức đã trở thành cuộc chia tay đầy xúc động với ông Đặng Công Ngữ trước lúc ông về hưu. Đây có lẽ là lần đầu tiên ở Đà Nẵng có một cuộc chia tay cảm động như thế giữa một vị “chức sắc” sắp về hưu với báo giới và các cơ quan từng cộng tác, phối hợp với mình.
Một cuộc gặp mặt hiếm có, hết sức ấm cúng, chân thành, nhiều sẻ chia với nhau và cả những luyến tiếc, trăn trở của những người có mặt... Không ít người tỏ ra bất ngờ khi hay tin chỉ vài ngày nữa là vị Chủ tịch đầu tiên của UBND huyện Hoàng Sa sẽ về hưu. Ai nấy đều mong muốn ông tiếp tục ở lại, dẫu biết điều đó là không thể!
Chính tại đây, UBND huyện Hoàng Sa đã lần đầu tiên trình chiếu clip “Báo chí và những người bạn Hoàng Sa – 1825 ngày đồng hành” vừa thực hiện trước đó vài ngày. Trong clip này, hẳn nhiên, không thể có những hình ảnh xúc động, những lời đầy tâm huyết của ông Đặng Công Ngữ trong cuộc chia tay tối 28/4. Cũng không thể có hình ảnh ông tặng hoa chúc mừng và trao gửi bao kỳ vọng cho người kế nhiệm là ông Võ Công Chánh.
Nhưng những gì được thể hiện trong clip này cũng đã khái quát một cách khá rõ nét, chân thực và hết sức xúc động chặng đường 1.825 ngày kể từ ngày 25/4/2009, khi Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng lúc đó là ông Trần Văn Minh trao quyết định bổ nhiệm ông Đặng Công Ngữ làm Chủ tịch chính thức đầu tiên của UBND huyện đảo Hoàng Sa, cho đến tận những ngày cuối cùng trước khi ông về hưu.
Trong đó, người xem có thể thấy ông Đặng Công Ngữ trong những lần đứng ra tổ chức các cuộc triển lãm chưa từng có trước đó để công bố các chứng cứ, tư liệu lịch sử khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thu hút sự quan tâm sâu sắc của đông đảo quần chúng nhân dân và bạn bè quốc tế, đủ mọi tầng lớp, độ tuổi….
Đó còn là những chuyến ông ra đảo Lý Sơn, tìm đến với những dấu tích về sự khai phá, chiếm hữu, xác lập và bảo vệ chủ quyền ở Hoàng Sa của cha ông ta từ cách đây hàng trăm năm; là những cuộc gặp gỡ, tiếp nhận các tư liệu lịch sử của đồng bào ta từ trong và ngoài nước, mà nổi bật nhất là anh Trần Thắng, một chàng trai Việt trẻ hiện sống và làm việc tại Hoa Kỳ, đã nỗ lực sưu tập và hiến tặng cho UBND huyện đảo Hoàng Sa để làm phong phú, vững chắc hơn các chứng cứ lịch sử và pháp lý cho cuộc đấu tranh đòi lại chủ quyền đối với Hoàng Sa; cùng cuộc “đấu tranh với TP” (như lời Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến) để tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc và chọn khu đất đẹp nhất để xây dựng Nhà trưng bày Hoàng Sa…
Đó cũng là những lần ông gặp gỡ, tri ân các nhân chứng lịch sử từng sống, công tác và chiến đấu trên quần đảo Hoàng Sa thân yêu trước khi bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép vào ngày 19/1/1974. Hình ảnh vị Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa cúi đầu chào trước bảy nhân chứng Hoàng Sa, tại cuộc triển lãm giới thiệu “Các tư liệu liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa” tổ chức ngày 20/1/2013 ở Bảo tàng Đà Nẵng nhân 39 năm ngày Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa đã khiến không ít người xúc động.
“Vào ngày này của 39 năm về trước, họ đã có mặt trên đảo, đã chứng kiến và đã giáp mặt với kẻ thù. Và chính họ chứ không ai khác đã đau đớn khi thấy Hoàng Sa bị mất về tay Trung Quốc” – đoạn clip không thể hiện câu nói đó của ông Đặng Công Ngữ tại cuộc triển lãm nêu trên, nhưng với những ai từng trực tiếp chứng kiến thì khó lòng quên được. Cử chỉ “cúi đầu” của ông, do vậy, được đánh giá là một hành động đúng mực để tưởng nhớ về những người đã ngã xuống vì Hoàng Sa.
Không dừng ở đó, qua đoạn clip, người ta biết rằng, cho đến tận những ngày cuối cùng trước lúc nghỉ hưu, ông Đặng Công Ngữ còn làm một hành trình dài vào TP.HCM để thăm gia đình cố Trung tá Ngụy Văn Thà - Hạm trưởng Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ-10, đã tử trận khi bị tàu Trung Quốc bắn cháy tại Hoàng Sa năm 1974; và gia đình cố Thiếu tá Nguyễn Thành Trí, bị thương nặng và mất trên đường trở về đất liền bằng bè.
Thắp nén nhang lên bàn thờ người đã khuất và chia sẻ mất mát đối với thân nhân của họ, ông Đặng Công Ngữ đã khẳng định UBND huyện Hoàng Sa luôn ghi nhận, tri ân sự hy sinh của những người lính trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974 để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Ông tâm sự, lẽ ra ông đã phải thực hiện chuyến đi này từ rất lâu rồi chứ không phải đến bây giờ. Dẫu vậy thì hình ảnh ông Chủ tịch huyện Hoàng Sa cúi đầu thắp nén nhang trước di ảnh cố Thiếu tá Nguyễn Thành Trí cũng là nghĩa cử hết sức đáng trân trọng!
Và còn nhiều nữa, những thông điệp tiềm tàng trong đoạn clip ngắn “Báo chí và những người bạn Hoàng Sa – 1825 ngày đồng hành” do UBND huyện Hoàng Sa thực hiện.
“40 năm trôi qua, nhắc lại như một sự kiện buồn, nhưng chúng ta phải nhắc để nhớ, để biết rằng dân tộc đã đứng lên, đã, đang và sẽ tiếp tục đấu tranh bằng mọi cách để đòi lại quần đảo thiêng liêng này!” – câu phát biểu duy nhất của ông Đặng Công Ngữ được thể hiện trong đoạn clip.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét