Có chính nghĩa, nhưng đơn độc thì chỉ... thiệt thân
Thời thế thay đổi thì tư duy mỗi con người cũng phải thay đổi. Ở tầm mức quốc gia cũng vậy... Sự kiện Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ngày 1/5/2014, đã làm dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ của người dân cả nước, của người Việt khắp năm châu và dư luận quốc tế.
Cảnh sát biển Việt Nam làm nhiệm vụ gần giàn khoan 981
(Ảnh: Chụp từ video của Reuters)
Ngày 7 tháng 5 năm 2014, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki tuyên bố: "Quyết định của Trung Quốc trong việc đưa giàn khoan dầu cùng với nhiều tàu của chính phủ lần đầu đến vùng biển tranh chấp với Việt Nam là hành động khiêu khích và gây ra căng thẳng." Phía Hoa Kỳ gọi đây là "hành động đơn phương" của Trung Quốc theo cách "làm giảm hòa bình và ổn định trong khu vực".Ngày 9 tháng 5, sáu thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã gọi hành động của Trung Quốc là "gây hấn", "gây rắc rối" và "đe dọa tự do thương mại toàn cầu".
Trong một cuộc điệm đàm với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry công khai gọi hành động của Trung Quốc là "khiêu khích" và "hung hăng".
Liên minh châu Âu ngày 8 tháng 5, Phát ngôn viên của Đại biểu Cao cấp của Liên minh về Chính sách Ngoại giao và An ninh và của Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu ra tuyên bố: "Liên minh châu Âu quan ngại rằng các hành động đơn phương có thể ảnh hưởng đến môi trường an ninh của khu vực, bằng chứng là các báo cáo về va chạm gần đây giữa các tàu Trung Quốc và Việt Nam."
Nhật Bản ngày 9 tháng 5, trong cuộc họp báo tại Văn phòng Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Kishida Fumio phát biểu rằng "căng thẳng trong vùng gia tăng là kết quả của hành động Trung Quốc đơn phương thăm dò một diện tích biển với các ranh giới không xác định".
Ai cũng thấy rõ là Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế, mà cụ thể là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và ASEAN.
Thế nhưng, trên thực địa, ai cũng thấy là Trung Quốc dường như bất chấp dư luận và luật pháp quốc tế. Họ vẫn hung hăng, ngang ngược không chịu rút giàn khoan 981, theo yêu cầu chính đáng của Việt Nam. Trái lại, họ còn điều thêm nhiều tàu hải cảnh, hải giám, tàu cá… thậm chí là tàu chiến và máy bay chiến đấu, để ngăn cản và uy hiếp các lực lượng chấp pháp của Việt Nam.
Điều đó cho thấy, dù Việt Nam có chính nghĩa nhưng việc đấu tranh với hành động sai trái của Trung Quốc vẫn rất khó khăn, phức tạp. Đó là chưa nói nếu tình hình căng thẳng kéo dài thì rủi ro xảy ra những biến cố không lường trước là không nhỏ.
Việt Nam có chính nghĩa. Điều đó, tự bản thân nó, là một sức mạnh. Nhưng chỉ có chính nghĩa là chưa đủ.
Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Những bằng chứng lịch sử và pháp lý đều khẳng định điều đó - kể cả các tài liệu, bản đồ cổ của chính Trung Quốc. Thế nhưng, Trung Quốc đã lợi dụng cơ hội, dùng vũ lực để cưỡng chiếm hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1974.
Chính nghĩa đã không giúp Việt Nam bảo vệ được Hoàng Sa. Vậy liệu là, bây giờ, Việt Nam có thể bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình chỉ bằng chính nghĩa hay không? Chắc là rất khó để mỗi người dân Việt Nam tìm cho mình câu trả lời thỏa đáng.
Chính nghĩa là một giá trị quý giá phải gìn giữ. Nhưng chỉ chính nghĩa thôi thì chưa đủ để bảo vệ mình. Chính nghĩa tạo cho Việt Nam cái ‘thế’ của bên có lẽ phải, được nhiều người ủng hộ. Nhưng ‘thế’ phải kết hợp với ‘lực’ mới tạo nên sức mạnh hoàn chỉnh.
Trong những năm qua, Việt Nam đã đầu tư mạnh để hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là không quân và hải quân. Sức mạnh chiến đấu tổng hợp của Quân đội nhân dân Việt Nam đã có một bước tiến vượt bậc. Nhưng tương quan lực lượng trên Biển Đông vẫn là khó khăn đối với nhiệm vụ bảo vệ các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
Lâu nay, Việt Nam theo chiến lược ‘ba không’: Không liên minh quân sự; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình; không liên minh với một nước để chống lại nước thứ ba.
Nhưng vụ giàn khoan 981 đã cho thấy một thực tế là nếu đứng riêng lẻ một mình – theo chính sách ‘ba không’ – Việt Nam sẽ gặp khó khăn rất lớn trong việc phòng thủ, trước sự bành trướng ngày càng mạnh của Trung Quốc trên Biển Đông. Do vậy, tất yếu là Việt Nam phải điều chỉnh chính sách đối ngoại, phải tìm đối tác, đồng minh để tăng cường khả năng phòng thủ của mình.
Thời thế thay đổi, tư duy con người cũng phải thay đổi. Tư duy của một quốc gia cũng phải thay đổi.
‘Việt Nam không liên kết với một nước để chống lại nước thứ ba’. Nhưng Việt Nam có quyền liên kết để bảo vệ chủ quyền đất nước, bảo vệ người dân. Việt Nam không nên tự cô lập mình, tự ‘trói mình’, với hy vọng rằng Trung Quốc sẽ ‘để yên’ cho. Về mặt chiến lược sẽ là ngây thơ khi tự tước bỏ quyền tự vệ tập thể của mình, rồi ngồi chờ kẻ khác… rủ lòng thương!
Một đất nước giàu mạnh như Nhật Bản, với một lực lượng quân sự hiện đại bậc nhất thế giới, mà họ vẫn xác định phòng thủ tập thể với Hoa Kỳ là chiến lược then chốt. Điều đó cho thấy, trong thời thế hiện nay, một quốc gia vừa nhỏ, tiềm lực kinh tế, quân sự hạn chế, lại ở trong thế đơn độc đối phó với Trung Quốc, là điều cực kỳ khó khăn. Nhật Bản (và cả Philippines) cũng đang ở vào hoàn cảnh tương đồng với Việt Nam, có quan hệ tốt với Việt Nam (về thực chất chứ không chỉ dựa theo các ‘chữ vàng’). Việt Nam – Nhật Bản – Philippines hoàn toàn có thể ‘nương tựa’ vào nhau, tạo thành một liên minh để bảo vệ cho nhau trước sự gia tăng hung hăng và tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc.
Người Việt có câu:
Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại thành hòn núi cao.
Trần Nghĩa Sơn
(GDVN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét