Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014

Báo TQ: Vẫn giữ giàn khoan ở vùng biển Việt Nam

Báo Trung Quốc: Không có chuyện ngừng đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam
(TNO) Tờ Thời báo Hoàn cầu của đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 6.5 đăng tải bài xã luận tựa đề “Trung Quốc nên có thái độ cứng rắn với Hà Nội”, khẳng định Bắc Kinh sẽ không bao giờ ngừng đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam.
Giàn khoan biển sâu "khủng" của Trung Quốc - Ảnh: Tân Hoa xã
Bộ Ngoại giao Việt Nam vào ngày 4.5 đã lên tiếng phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981, do Tổng công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) sở hữu, ra vùng biển Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: "Vị trí tọa độ hoạt động của giàn khoan HD-981 nêu trong thông báo hàng hải của Cục Hải sự Trung Quốc nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý. Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển của Việt Nam khi chưa được phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị, Việt Nam kiên quyết phản đối", theo TTXVN.

Chiều 5.5, trả lời báo chí, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết Bộ đã chỉ đạo Tập đoàn dầu khí quốc gia VN (PVN) và PVN đã có thư chính thức gửi CNOOC, yêu cầu phải đưa giàn khoan HD-981 bất hợp pháp ra khỏi vùng biển VN.

Nhưng Thời báo Hoàn cầu ngày 6.5 tin rằng chính quyền Trung Quốc sẽ không bao giờ thỏa hiệp với Việt Nam.

Tờ báo này cho rằng giàn khoan HD-981 được đưa đến vị trí nằm gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nằm trong “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Trung Quốc lâu nay ngang nhiên tuyên bố chủ quyền phi lý “đường lưỡi bò”, nuốt trọn gần hết biển Đông.

Thời báo Hoàn cầu còn cho rằng Trung Quốc nên có thái độ cứng rắn với Việt Nam.

“Hoạt động giàn khoan này không bao giờ ngừng lại như Việt Nam muốn. Nếu ngừng lại, đây sẽ là một thất bại lớn đối với chiến lược biển Đông của Trung Quốc”, Thời báo Hoàn cầu khẳng định.

Các chuyên gia quốc tế nhận định, động thái mới nhất này nằm trong chiến lược cứ tiếp tục lấn tới của Trung Quốc, với những chiêu bài khiêu khích để thăm dò động thái của các nước tranh chấp và qua đó, tiếp tục thể hiện tham vọng thôn tính biển Đông.

Tiến sĩ James Holmes (Trường Chiến tranh Hải quân-Mỹ) nhận định với Thanh Niên Online: "Trung Quốc luôn có tham vọng viết lại luật pháp quốc tế nhằm phục vụ cho những tuyên bố chủ quyền của mình. Nếu sức kháng cự, chống đối của các nước nhỏ hơn không đủ mạnh, những luật lệ Bắc Kinh tự đặt ra sẽ vô hình trung dần dà được thừa nhận. Tôi không tin luật pháp quốc tế hiện nay công nhận những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc; nhưng Bắc Kinh luôn có tham vọng tạo riêng cho mình một vùng ngoại lệ".

Điều đáng lưu ý là bài xã luận được Thời báo Hoàn cầu tăng tải lúc 0 giờ 43 phút 01 ngày 6.5 (tức 1 giờ 43 phút 01 sáng giờ Việt Nam). Đến 8 giờ 36 sáng ngày 6.5, Thanh Niên Online vẫn có thể truy cập vào bài xã luận, nhưng sau 9 giờ sáng ngày 6.5, bài xã luận này không thể truy cập được.




Tờ Thời báo Hoàn cầu của đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 6.5 đăng tải bài xã luận tựa đề “Trung Quốc nên có thái độ cứng rắn với Hà Nội” - Ảnh chụp màn hình lúc 8 giờ 37 phút sáng ngày 6.5

Giàn khoan HD-981 được biết với cái tên Haiyang Shiyou-981, gọi theo tiếng Việt là Hải Dương-981 (HD-981) hay CNOOC 981, chính thức được Trung Quốc đưa vào hoạt động vào ngày 9.5.2012, theo Tân Hoa xã.

CNOOC 981 bắt đầu tiến hành khoan trên biển lần đầu tiên tại một khu vực trên biển Đông, cách Hồng Kông 320 km về phía đông nam, ở độ sâu 1.500 m.

Trung Quốc đã đầu tư 6 tỉ nhân dân tệ (952 triệu USD) cho CNOOC 981, còn được gọi là “siêu giàn khoan”. Tập đoàn đóng tàu quốc gia Trung Quốc đã mất trên 3 năm mới hoàn tất giàn khoan CNOOC 981 - vốn nằm trong tham vọng khai thác dầu khí ở Biển Đông của Bắc Kinh.

CNOOC 981 dài 114m, rộng 90 m, cao 137,8 m và nặng 31.000 tấn, với diện tích boong của giàn khoan có kích thước bằng một sân bóng đá chuẩn. Giàn khoan này có khả năng khoan sâu tối đa 12.000 m.

“Những giàn khoan biển sâu lớn là vũ khí chiếc lược của chúng tôi trong việc xúc tiến phát triển ngành công nghiệp dầu mỏ xa bờ”, chủ tịch CNOOC Wang Yilin cho biết vào năm 2012.

Biển Đông ước tính có 23 - 30 tỉ tấn dầu mỏ và 16 nghìn tỉ m3 khí đốt tự nhiên, theo Tân Hoa xã.
Phúc Duy
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140506/bao-trung-quoc-khong-co-chuyen-ngung-dua-gian-khoan-vao-vung-bien-viet-nam.aspx
>> HD-981 chính là giàn khoan ‘khủng’ của Trung Quốc
>> Đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam: Trung Quốc vi phạm DOC
>> PVN yêu cầu CNOOC rút giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam
>> Phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan xâm phạm thềm lục địa Việt Nam
>> Phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan đến vùng biển Việt Nam

3 nhận xét:

  1. Muốn tránh hiểm hoạ anh láng giềng Trung Quốc : Tốt nhất là giải thể đãng CS, trưng càu dân ý để thay thế quốc kỳ và quốc huy, quốc ca VN đồng thời tư bản hoá theo Mỹ và các nước Tây phương. Đó là ý muốn của dân ta hiện nay.

    Trả lờiXóa
  2. Chỉ còn cách bán nhà đi chổ khác ở.

    Trả lờiXóa
  3. vừa rồi Obama đi thăm Nhật và Phi, ít nhiều có cam kết và có ký kết luân chuyển quân gì đó. TQ sợ quậy mấy nước đó, tình hình có thể đụng trực tiếp Mỹ và có thể vượt ngoài kiểm soát.

    Sau khi Nhật có cam kết của obama, TQ liền mở đối thoại với Nhật. Phi cũng vậy, TQ phải nhắn nhó là bạn bè thì không nên kiện cáo. TQ tạm dừng tay đối với mấy nước này.


    Mỹ không thăm VN và VN im lặng chiều theo TQ. Do đó TQ chọn VN ra oai vì VN yếu nhất hiện nay. VN không có cơ chế đáp trả hiệu quả hành động của TQ. Đây là kết quả của sách lược của VN. hiện nay chỉ còn mấy cách:

    1. im lặng, nín thở chờ nó chán rồi thì nó bỏ đi. Chỉ sợ nó ở luôn không đi.

    2. như trước đây, bay ra tàu sân bay Mỹ tham quan, mời tàu chiến Mỹ vào đà nẵng, tổ chức hội nghị về biển đông. Hù TQ là cho Mỹ vào Cam ranh. Chỉ sợ Mỹ không chịu làm chuyện không công hoài và TQ cũng không sợ cái trò này nữa.

    3. bật đèn xanh cho đám trước đây biểu tình chống TQ mà bị bắt, nay thả ra cho nó biểu tình lại. Nhưng không biết còn nhiệt tình biểu tình nữa không?

    4. đem tàu ngầm mới mua của Nga mắc quá trời ra ngăn chặn. Nhưng cách này VN chắc không dám làm vì sợ bùng nổ xung đột (nếu vậy không biết mua tàu ngầm để làm gì?)

    5. cách khác chưa biết...

    Trả lờiXóa