Thứ Tư, 21 tháng 5, 2014

Bạo loạn đang đe dọa đầu tư Việt Nam?

Bạo loạn đang đe dọa đầu tư Việt Nam?
Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok: Sự ổn định an ninh trật tự của một quốc gia là tiêu chuẩn hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài cho kế hoạch lâu dài của họ. Qua các cuộc bạo loạn vừa rồi sự ổn định ấy đã bị phá vỡ và mặc dù nhà nước đang cố gắng tái lập lại vẫn không thể giữ niềm tin hoàn toàn như trước đây. Mặc Lâm phỏng vấn luật sư Nguyễn Trần Bạt, giám đốc công ty InvestConsult để tìm hiều thêm về vấn đề này.
Hàng ngàn người biểu tình dẫn đến xô xát và đập phá khởi nguồn từ cuộc đình công, phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Mặc Lâm: Thưa ông, Bộ trưởng bộ kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh vừa nói trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội là ông ấy lo lắng hình ảnh môi trường đầu tư kinh doanh của nước ngoài tại Việt Nam ngày càng xấu đi, đặc biệt tại Bình Dương và Vũng Áng. Là một người có quan hệ nhiều với những doanh nghiệp và trong tư cách cố vấn với họ, ông nhận thấy các lo lắng này của ông bộ trưởng có nghiêm trọng lắm không?

LS. Nguyễn Trần Bạt: Tôi nghĩ rằng Bộ trưởng Bùi Quang Vinh là một người rất có kinh nghiệm, có trách nhiệm lớn trong chính phủ về vấn đề đầu tư với nước ngòai. Cho nên nỗi lo lắng của ông chắc chắn là có cơ sở, tôi cũng có chung cái nỗi lo với bộ trưởng Bùi Quang Vinh.

Mặc Lâm: Vâng, cái nỗi lo đó theo ông thì biện pháp nào cần để làm ngay, để vớt lại uy tính của Việt Nam đối với doanh nghiệp quốc tế, thưa Ông?

Nguyễn Trần Bạt: Tôi nghĩ là nỗi lo của Bộ trưởng Vinh không những chỉ đơn thuần liên quan đến việc một số các hiện tượng phá phách diễn ra ở trong khu công nghiệp Bình Dương cũng như là khu công nghiệp Vũng Áng, mà cái nỗi lo của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh còn liên quan đến tình hình căng thẳng ở khu vực biển Đông nữa, bởi vì hiện tượng tạo ra những nỗi lo của ông bộ trưởng chuyên trách về vấn đề đầu tư nước ngoài và đầu tư nói chung. Những cái gì diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam tôi nghĩ rằng là chắc chắn chính phủ có đủ khả năng và khống chế để kiểm soát, vãn hồi lại trật tự ở các khu công nghiệp liên quan đến các hiện tượng vừa rồi.

Tôi chắc chắn một vài ba hôm nữa hiện tượng phá phách như vậy sẽ chấm dứt nhưng  tình hình căng thẳng nói chung ở khu vực biển Đông rất khó làm chủ ở một phía, vì thế cho nên nguy cơ mất mát, hoặc nguy cơ ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư ở Việt Nam là một nguy cơ có thật, nó kéo dài hơn so với những gì diễn ra bạo động tại các khu công nghiệp

Mặc Lâm: Trong tình hình biển Đông như ông nói, chắc chắn sẽ không yên tĩnh. Như vậy thì tình hình kinh tế tài chánh của Việt Nam nó biến động đến mức nào? Và theo ông nhận xét đến mức độ nào thì Việt Nam sẽ chịu đựng nỗi?

Nguyễn Trần Bạt: Tôi nghĩ là người Việt Nam phải nói rằng có sức chịu đựng lớn lắm cho nên điều tôi lo ngại là sức chịu đựng của các nhà đầu tư nước ngoài, hơn là sức chịu đựng của người Việt Nam. Có lẽ chính phủ phải làm gì đó để phân biệt những căng thẳng ở biển Đông với những căng thẳng diễn ra bên trong lãnh thổ trong lúc tình hình như thế này ở Việt Nam.

Cần phải khống chế như thế nào đó để cho tình hình căng thẳng ở biển Đông không ảnh hưởng một cách trực tiếp gây rắc rối trong đất liền, trong các khu công nghiệp. Phải nói rằng đây là một việc rất khó, và sau đó phải gỡ khó theo một tiêu chuẩn nhất định nào đó. Tôi nghĩ rằng chắc cũng phải tìm ra một cách gì đó để hạn chế các tác hại của vấn đề biển Đông đối với đầu tư nước ngòai trong đất liền và chính phủ có lẽ rằng phải buộc bổ sung những giải pháp cũng như những chính sách nào có tạm thời để giải quyết và bù đắp, họ còn phải tạm tạo ra một không khí yên tĩnh hơn cho đầu tư nước ngoài.

Mặc Lâm: Trong vai trò giám đốc một công ty tư vấn về tài chánh, ông có cơ hội tiếp xúc những công ty trong hơn hai tuần qua khi liên lạc với ông thì câu hỏi họ mà quan tâm nhất là gì, thưa ông?

Nguyễn Trần Bạt: Các công ty thì chưa bộc lộ sự lo lắng của họ, trừ trường hợp những công ty bị thiệt hại trong quá trình bạo loạn một chút. Các quan tâm từ các chính khách, các sứ quán họ quan tâm nhiều hơn. Các nhà ngoại giao phản ánh một cách rõ ràng hơn, đặc biệt là các hiệp hội, các phòng thương mại, các xí nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, có lẽ là họ quan tâm cụ thể hơn.

Các công ty cá lẻ thì tất nhiên, công ty nào thiệt thòi thì họ sẽ có các quan tâm riêng của họ, họ phản ánh riêng. Tôi chưa thấy có cá nhân nào trong khách hàng của tôi chưa có anh nào bị phá phách gì lắm cho nên cũng chưa có anh nào bày tỏ với chùng tôi nỗi lo gì. Nhưng các nhà ngoại giao, các hiệp hội các phòng thương mại thì chắc chắn là họ rất quan tâm.

Mặc Lâm: Vâng, ông cũng biết rằng Trung Quốc chắc chắn là họ không bỏ cuộc, họ phải giữ thể diện, theo ông thì Việt Nam có cần biện pháp gì cụ thể hơn? dưới cái nhìn của một luật gia ông có ủng hộ một vụ kiện như Philippines đã và đang làm đối với Trung Quốc không?

Nguyễn Trần Bạt: Phải nói thật với anh là, Việt Nam và Philippine có những hoàn cảnh chính trị và quan hệ quốc tế rất khác nhau, không thể lấy các kinh nghiệm Philippines để áp dụng ngay cho Việt Nam được. Tôi không phải đối tượng nghiên cứu kỹ lưỡng cho nên việc nói chính xác về giải pháp cho vấn đề biển Đông thì tôi chưa nói với anh được ngay. Nhưng tôi nghĩ rằng, chắc chắn chúng tôi không ứng dụng được ngay các kinh nghiệp của Philippines cho các vấn đề của Việt Nam về biển Đông. Tuy nhiên, tôi là một công dân, tôi rất thích. Chính phủ làm như thế thì chúng tôi hoan nghênh,

Mặc Lâm: Vâng, với tư cách là một công dân có theo dõi chính trường rất kỹ,  ông có ý kiến gì về cuộc biểu tình vừa qua ở Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội của người dân, thưa Ông?

Nguyễn Trần Bạt: Tôi có cả buồn và vui lẫn lộn, chúng tôi vui vì người dân Việt Nam vẫn không mất đi bản năng yêu nước vốn có của mình. Người Việt Nam không sợ hãi vẫn dám làm, vẫn dám đưa những cuộc biểu tình thể hiện lòng yêu nước của mình thì tôi phải nói rằng với chuyện ấy, bằng những quan điểm hiện hành thì tôi rất vui. Tuy nhiên các tiêu cực của những người biểu tình như là phá hoại các cơ sở thì đấy là việc xấu, cái đó nó thất thiệt cho khách hàng của tôi, thất thiệt cho đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cho nên buồn vui lẫn lộn. Tuy nhiên niềm vui vẫn là cơ bản nhiều hơn, vì Việt Nam chúng tôi không sợ.

Mặc Lâm: Cảm ơn ông

RFA 20-5-14
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/riot-treat-vn-investors-05202014053559.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét