Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2014

Tin lạ: Thủ tướng Dũng thăm chính thức Haiti

Tin này lạ vì không hiểu Thủ tướng sang đó làm gì ? Một đất nước quá xa xôi, dân số vẻn vẹn 9 triệu người; GDP 6,5 tỷ USD, bình quân đầu người chỉ 750 USD, chiến tranh, nội chiến liên miên; an ninh xã hội thường xuyên bất ổn... thì chắc chắn hợp tác giữa VN và Haiti sẽ rất nhỏ. Với những nước nhỏ xíu và xa xôi như vậy, việc các doanh nghiệp hai nước hợp tác với nhau là bình thường nhưng nguyên thủ đi chuyên cơ sang thăm thì có cần thiết không vì mỗi chuyến chuyên cơ đi là một lần tốn kém vô cùng (ngay cả việc liên tục sang thăm Cu Ba cũng chưa chắc đã thực sự cần thiết cho cả hai nước). Nhìn ảnh thấy ngoài Thủ tướng còn bà Kim Ngân, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Y tế Kim Tiến, Phó TT Vũ Đức Đam... Đọc thấy DNVN tặng đoàn thiết bị D-com 3G và điện thoại di động miễn phí, tổ chức chiêu đãi đoàn... thấy thương cho các DN quá (theo luật nhận quà giá trị trên 500.000 đồng không khai báo thì coi như nhận hối lộ) . Hồi mới đi làm những năm 80, mình nghe các bác nguyên thủ dặn nhau hạn chế thăm viếng nước ngoài để tiết kiệm cho đất nước, và các bác cũng ít đi thật. Sang thập niên 1990, số các đoàn nguyên thủ ra nước ngoài tăng lên rất nhanh nhưng là cần thiết vì Việt Nam bắt đầu hội nhập quốc tế, cần thăm viếng để làm quen và thiết lập niềm tin (được Mỹ bỏ cấm vận, viện trợ quốc tế tăng lên ồ ạt, gia nhập ASEAN...). Đến đầu những năm 2000 thì người ta bắt đầu ngán ngẩm vì các bác đi quá nhiều. Cứ xuân thu nhị kỳ, sau mỗi kỳ họp Quốc hội (mỗi năm họp 2 kỳ) là các bác lại ào ào lên đường đi thăm thế giới, đi thăm bất cứ đâu miễn là được họ đồng ý đón tiếp. Mỗi đoàn đi gồm hàng trăm người..., tốn kém thế nào và hiệu quả ra sao chắc ai cũng nhìn thấy.
Hình ảnh Việt ở Haiti
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chụp ảnh lưu niệm 
với lãnh đạo và nhân viên NATCOM.
Nếu chưa đến Haiti mà có người hỏi: Haiti có gì “nhất”, chắc chắn người ta sẽ nghĩ ngay tới: một trong những nước nghèo nhất, thu nhập đầu người thấp nhất, môi trường kinh doanh tệ nhất vùng Carribean. Nhưng có lẽ ít người ngờ tới một Haiti có công nghệ viễn thông hiện đại vào bậc nhất của Vùng.

Quả là trải nghiệm chưa từng có khi đặt chân tới sân bay Toussaint Louveture. Việc đầu tiên mà chúng tôi, nhóm phóng viên tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Haiti, không phải là qua cửa kiểm soát an ninh mà là nhận thiết bị D-com 3G và điện thoại di động miễn phí từ NATCOM, một trong những công ty viễn thông di động hàng đầu ở Haiti.

Niềm tự hào chung

Đối với các nhà báo, việc không gì vui hơn là có thể vào mạng gửi bài vở, lướt web tìm thông tin hay liên lạc với người nhà một cách thuận lợi. Càng vui mừng hơn khi biết rằng thương hiệu viễn thông đó của Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel gần như đã trở thành hình ảnh đẹp của Việt Nam, biểu tượng đáng tự hào về hợp tác giữa Việt Nam với quốc gia Mỹ Latinh này.

Trụ sở của NATCOM là một khu phức hợp ba tòa nhà cao tầng, sơn hai màu xanh dương và trắng rất hiện đại. Đón chào đoàn, nhân viên NATCOM, cả người Haiti và Việt Nam tay cầm cờ hoa, miệng cười lấp lóa. Thật xúc động và tự hào khi nhìn lá cờ đỏ sao vàng phấp phới trên đất bạn và hiểu rằng có một Việt Nam thu nhỏ đang ở đây và làm nên những điều còn lớn lao hơn cả hình hài vóc dáng của nó.

“Nói về NATCOM là nói về Việt Nam, nói về Việt Nam là nghĩ ngay tới NATCOM”, Cường, cán bộ thường trú của Vietel tại Haiti đã bốn năm qua trả lời khi chúng tôi hỏi về cảm nhận của người dân Haiti về Việt Nam.

Tuy hợp tác kinh tế, thương mại còn ít nhưng NATCOM chính là niềm tự hào của cả Việt Nam – Haiti. Đây là công ty viễn thông liên doanh giữa Viettel 60% vốn và công ty viễn thông quốc gia Haiti với 40% vốn, là công ty viễn thông lớn thứ hai nhưng có độ phủ sóng hàng đầu ở đây.

Dù mới “khai sinh” từ tháng 9/2011 nhưng quá trình trưởng thành của nó thật thần kỳ. Chẳng thế mà khi đến thăm và nói chuyện với cán bộ nhân viên công ty, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng không giấu niềm tự hào bởi đây không chỉ là lợi nhuận mà còn là hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Đã có một doanh nghiệp Việt Nam, lại là doanh nghiệp quân đội đầu tư ra nước ngoài thành công!

Giờ đây, người ta không chỉ nhắc tới một Việt Nam với chiến tranh hay phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc mà còn là đất nước đang phát triển mạnh, có những doanh nghiệp công nghệ hiện đại có khả năng cạnh tranh quốc tế.

Còn với Haiti, Thủ tướng Laurent Lamothe rất tự hào vì ở vùng Carribean chỉ Haiti có cáp quang tốt nhất, hiện đại nhất. Sự phát triển này giúp nhân dân nước bạn được hưởng những tiện ích xã hội tốt như cước viễn thông giảm đi hai lần, đưa Internet vào trường học, áp dụng chính phủ điện tử, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, nâng mức thu nhập bình quân…

Sống nơi đất bạn

Cuộc sống của nhân viên NATCOM, những con người đang thầm lặng làm nên giá trị ở nơi đây cũng làm cho chúng tôi ấn tượng không kém.

Do chuyến thăm đến Haiti của Thủ tướng chỉ gói gọn trong một ngày, nên lịch trình dày đặc sự kiện. Cái nắng nóng rát da buổi trưa hè cùng việc di chuyển và thay đổi múi giờ liên tục khiến cho nhóm phóng viên phờ phạc vì mệt và đói khi về đến chỗ nghỉ trưa. Bữa ăn cuối cùng ở nước ngoài, may sao, toàn là những món Việt Nam: cơm trắng, bắp cải luộc, thịt gà rang, phở, mỳ tôm…

Hóa ra, NATCOM đã cử các nhân viên người Việt làm đầu bếp nghiệp dư để “thết đãi” các món ăn quê nhà.


Bùi Quốc Tuấn.

Bùi Quốc Tuấn – cán bộ Viettel sang Haiti được ba năm – vui vẻ chạy đi, chạy lại giữa các bàn phục vụ đoàn những tô phở nghi ngút khói. Theo lời Tuấn kể, những ngày đầu với Tuấn và nhân viên NATCOM rất khó khăn. Năm 2011, khi mới xảy ra động đất và Haiti chưa kịp tái thiết, sân bay của Haiti chỉ là nền đất cứng với một khu nhà lụp xụp. Xung quanh là lều bạt và tràn ngập người tị nạn. Người dân nheo nhóc, đi đâu cũng gặp người xin cứu đói...

Với những người không có ngoại ngữ tốt thực sự là một ấn tượng hoang mang, nhưng rồi dần dần họ cũng quen. Hiện Tuấn và các cán bộ NATCOM đều đang học để sử dụng tiếng Cloen, ngôn ngữ mẹ đẻ của người Haiti. “Khi mình nói được ngôn ngữ của họ, họ rất vui, hợp tác và thân thiện hơn”.

Hiện Tuấn đang làm ở tỉnh, cuộc sống rất thân thiện khi các nhân viên đều được xếp ở chung trong một dãy phòng. Cứ bên này là phòng người Việt, thì bên kia là người Haiti. Công ty có dãy nhà bốn tầng to, toàn bộ người Việt ở đó, buổi sáng đi bộ đi làm và tối có xe chở về.

Tuấn cho biết làm việc ở Haiti cần nhẫn nại một chút và đặc biệt không được nổi cáu. Bởi nếu có hành động nào đó khiến nhân viên địa phương cảm thấy bị xúc phạm, họ sẽ kiện ra tòa.

Khác biệt về văn hóa giữa Haiti và Việt Nam, theo Tuấn, có rất nhiều. Văn hóa Haiti sôi nổi, cứ gặp là chào. Có ngày phải chào nhau đến vài chục lần. Còn người Việt Nam thì kiệm lời hơn...

Theo Tuấn, người dân Haiti rất thân thiện và tốt bụng. Dù đường xá chật chội và cơ sở hạ tầng bị hư hỏng nhiều, song việc tham gia giao thông của người dân trật tự hơn, không có cảnh bấm còi inh ỏi, hay giành giật làn đường.

An ninh ở Haiti bất ổn, nhưng trong suốt ba năm kể từ khi NATCOM được thành lập, chưa có trường hợp người Việt nào bị đánh. Tuấn kể: “Ở đây, người dân biểu tình thường xuyên. Tỉ lệ người mang súng cũng rất lớn, nhưng trong một chừng mực nhất định, họ tôn trọng người nước ngoài. Người Haiti thích màu mè, ưa văn nghệ. Tại các bữa tiệc liên hoan cuối năm của NATCOM, các nhân viên địa phương luôn là cây văn nghệ và trở thành thầy dạy khiêu vũ cho người Việt”.

Tôi vẫn giữ chiếc D-com 3G thương hiệu NATCOM dù mọi người đều bỏ lại vì mang về Việt Nam hoàn toàn không sử dụng được. Chiếc D-com 3G nhắc nhở tôi rằng những con người lạc quan như Tuấn và những giá trị NATCOM mang lại đã tạo nên những ấn tượng tuyệt vời về Việt Nam trong mắt bạn bè Haiti mà không cần một lời quảng cáo, tiếp thị bay bổng nào.

Thành Châu
http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/KinhTe/2014/4/84F411055C268CF5/

2 nhận xét:

  1. Ta đi nghỉ mát một tí….. mà sao các anh làm ùm lên thế…..chuyến tới sẽ đi Hawai, Bali, Saint-Tropez..

    Trả lờiXóa
  2. Những nước nhỏ nghèo thiên hạ không để ý, đi chơi và rửa tiền luôn thể. TT Dũng khôn khéo lắm. Xin bái phục bác Dũng sát đất.

    Trả lờiXóa