Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

Phương Tây sợ uy của Nga, Mỹ bẽ bàng

(VnMedia) - Mỹ đang tìm mọi cách để thuyết phục Châu Âu về sự cần thiết phải tung thêm các biện pháp trừng phạt mạnh tay và hà khắc hơn nhằm vào Nga vì vấn đềUkraine. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, phương Tây đang khá lưỡng lự vì ít nhiều “sợ uy” của Nga. Điều này có thể khiến Mỹ cảm thấy bẽ bàng.
Liệu Liên minh Châu Âu (EU) có dám trừng phạt Nga?
Mỹ đang kêu gọi Liên minh Châu Âu (EU) cùng "phối hợp tác chiến" để trừng phạt Nga thêm nữa đồng thời cảnh báo Moscow hãy lùi bước nếu không muốn bị những “cú đánh” về tài chính.

Châu Âu rõ ràng đang bị đẩy vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, vừa muốn ủng hộ đồng minh Mỹ trừng phạt Nga nhưng lại vừa lo sợ một cuộc chao đảo về kinh tế gây ra từ hành động áp dụng các biện pháp trừng phạt thương mại nghiêm khắc hơn với đối tác Nga.

Châu Âu vốn là đối tác thương mại hàng đầu của Nga, vì thế Châu Âu có ảnh hưởng khá lớn và có thể gây bất ổn cho nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, cũng tương tự như vậy, Nga cũng nắm trong tay khả năng có thể khiến nền kinh tế EU chao đảo.

Các nhà kinh tế cho biết, Mỹ có nguy cơ rơi vào tình trạng yếu thế vì không có sự ủng hộ của Châu Âu. Và đây là nguy cơ nhãn tiền bởi các nước Liên minh Châu Âu không hề muốn áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh tay đối với Moscow bởi điều đó gây ảnh hưởng chính đến sự ổn định về tài chính đối với Châu Âu và còn có nguy cơ gây nguy hiểm đến nguồn cung cấp năng lượng chính cho họ.

Tổng thống Barack Obama đã ký sắc lệnh cho phép Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt lên các ngành công nghiệp then chốt của Nga. Ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh Châu Âu cũng sẽ có cuộc họp để bàn về khả năng tung ra thêm các biện pháp trừng phạt nếuMoscow tiếp tục phớt lờ cảnh báo của phương Tây.

Biện pháp trừng phạt của Mỹ ảnh hưởng đến EU nhiều hơn Nga

Đề cập đến các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU nhằm vào Nga, một số chuyên gia cho rằng, nó chẳng có ích gì và chẳng gây ảnh hưởng gì đến Nga. Các công ty Nga vốn trong nhiều năm qua đã bị phân biệt đối xử ở phương Tây. Không có sự hợp tác trong lĩnh vực quân sự, tình hình xin cấp visa cũng tồi tệ, vì thế khi Mỹ và EU nói rằng, họ cắt đứt quan hệ quân sự với Nga thì điều đó đồng nghĩa với việc họ chẳng làm gì cả.

Nói đến các biện pháp trừng phạt gây tổn thương đến nền kinh tế Nga, vấn đề nằm ở chỗ những biện pháp mà Mỹ và EU có thể áp đặt sẽ không chỉ gây ảnh hưởng riêng đến Nga mà còn “làm đau” chính các nước phương Tây.

Mỹ không mua bất kỳ vũ khí nào của Nga. EU hầu như không mua các sản phẩm hàng hoá từ Nga. Các nước này gần như đóng thị trường với Nga. Vì thế, Mỹ và EU chẳng thể nói, từ giờ chúng tôi sẽ không mua trực thăng của Nga hay không mua các sản phẩm công nghiệp của Nga.

Họ chỉ có thể nói là không mua khí đốt tự nhiên hay dầu mỏ từ Nga nhưng nếu họ làm thế thì bản thân chính họ sẽ phải đối mặt với những vấn đề kinh tế to lớn. Kết quả là các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU tác động đến nền công nghiệp của Châu Âu nhiều hơn là đối với ngành năng lượng Nga. Điều này đặc biệt đúng khi mà Nga đã sẵn sàng mở cửa thị trường dầu khí cho khách hàng khổng lồ tiềm năng Trung Quốc.

Với những phân tích ở trên, rõ ràng ở đây chúng ta đang rơi vào một tình huống mà Mỹ sẽ có mâu thuẫn với Châu Âu trong vấn đề trừng phạt Nga. Mỹ muốn những biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn nhằm vào Nga và chính quyền Tổng thống Obama đang hối thúc điều đó. Trong khi đó, Liên minh Châu Âu thì chần chừ không muốn theo Mỹ bởi tất nhiên họ hiểu ra rõ rằng, việc theo đuôi Mỹ sẽ khiến các ngành công nghiệp, kinh doanh của họ mất hàng tỉ euro. Điều này chắc chắn sẽ khiến nhiều người dân Châu Âu nổi giận trong bối cảnh khu vực này trong những năm qua đã và đang phải chật vật chống lại sự trì trệ của nền kinh tế. Và ở Đức – một cường quốc mạnh hàng đâu Châu Âu, đang diễn ra một thứ gì đó giống như một mặt trận lớn chống lại chính sách trừng phạt của các nước Châu Âu với những đại gia hàng đầu như Siemens hay Volkswagen tuyên bố sẽ không chấp nhận bất kỳ biện pháp trừng phạt nào nhằm vào Nga. Diễn biến này là điều chưa có trong tiền lệ kể từ sau Thế chiến II. Thực tế này chắc chắn sẽ không khỏi khiến Mỹ cảm thấy bẽ bàng. Siêu cường này phải chấp nhận thực tế, họ không thể điều khiển các nước khác trong những vấn đề có liên quan đến lợi ích lớn của họ.

Hiện tại, mọi người vẫn chờ xem sau cuộc họp của Ngoại trưởng của các nước thành viên EU, phương Tây có theo chân Mỹ tung ra đòn trừng phạt mới với Nga hay không. Trong khi giới chức chính trị đang thảo luận thì giới kinh doanh ở Châu Âu đang kêu gọi bạn bè của họ trên chính trường chấm dứt chính sách trừng phạt ngu ngốc bởi nó chẳng đi đến đâu mà chỉ cướp đi của khu vực hàng tỉ euro.

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang chứng kiến cuộc đối đầu Đông-Tây nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Mỹ và phương Tây ra sức đổ lỗi cho Nga về tình hình bất ổn ở Ukraine và tìm cách gây sức ép, cô lập Nga.

Kiệt Linh - (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét