Thứ Năm, 3 tháng 4, 2014

Người Việt chưa có chút văn hóa giao thông tối thiểu

Người Việt chưa có chút văn hóa giao thông tối thiểu
(VTC News) – Một Việt kiều Canada có tiếng ở Canada đặt câu hỏi, thế giới đã tiến quá xa, sao người Việt vẫn chưa có nổi chút văn hóa giao thông tối thiểu? Xin giới thiệu bài viết dưới đây của Anthony Chim, một trong những Việt kiều có tiếng ở Canada (phần giới thiệu về tác giả ở cuối bài viết):

Anthony Chim - tác giả của bài viết này. 
Ông bà ta có câu “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Đây là khuôn vàng thước ngọc của nền văn hóa Việt Nam mà ta cần gìn giữ, tức là làm bất cứ việc gì, từ việc to lớn như “ăn nói” đến việc cực kỳ đơn giản như “gói mở” thì đều phải có nề nếp, toát ra được nét thanh lịch của một người có “học”, có “văn hóa”. 

Tiếc thay, có lẽ giao thông ngày xưa đơn giản lắm hay sao mà ông bà ta quên dạy câu “học đi, học đứng, học lái, học chờ”, để đến ngày hôm nay, văn hóa giao thông Việt Nam đã đến mức báo động đỏ. Là một người Việt xa xứ được chu du nhiều nơi, nhưng mỗi lần đến Việt Nam, tôi luôn cầu nguyện cho mình được “toàn vẹn thân thể” để trở về Canada. 

Tôi biết viết bài phiếm luận này sẽ có người đồng tình vì đó là nỗi ưu tư chung, nhưng cũng sẽ có vài độc giả cho rằng, gớm, sao “bôi bác Việt Nam” như thế?! Ở Canada thì lo cho Canada đi!. 

Thật ra giao thông Canada thuộc loại an toàn bậc nhất thế giới cho nên tôi chẳng có gì phải “lo” cả. Tôi chỉ muốn viết lên “những điểu trong thấy mà đau đớn lòng” của văn hóa giao thông Việt Nam.

Tôi vẫn nhớ mãi lần đầu về nước vào năm 1995, vừa ra khỏi phi trường Tân Sơn Nhất thì trái tim tôi dường như ra khỏi lồng ngực bởi vì có cảm giác các xe sẽ đâm đầu vào nhau. Người chạy xe hai bánh thì chạy tứ tung.

Người chạy xe ba bánh thì làm nghẽn giao thông khi qua đường mà không thèm nhìn ai. Kẻ chạy xe bốn bánh thì lái xe không theo làn quy định. Người bán hàng thì chiếm hết vỉa hè, thỉnh thoảng tạt nước bẩn vào người đi bộ, rồi còn bảo “ngu quá, thấy sao không tránh?”.

Rồi mọi người bóp còi inh ỏi, tạo nên một không gian hỗn loạn về âm thanh cũng như về hình ảnh, cứ như trong một bộ phim chiến tranh vừa mới được xem. Và tôi phải sống trong nỗi sợ hãi này hết hai tháng. Tuy rất vui khi gặp lại người thân, bạn bè, nhưng nỗi sợ hãi về “văn hóa giao thông” này làm tôi không được thoải mái.


Cảnh giao thông thông thoáng ở Athabasca (Canada)
Ngày càng tụt lùi

Tôi đã cầu nguyện cho “văn hóa giao thông” Việt Nam sẽ ngày càng tiến bộ hơn. Tiếc thay, nhưng lần về kế tiếp (cứ khoảng 2-4 năm một lần), tôi thấy văn hóa giao thông Việt Nam không những không tiến bộ mà còn… bị thụt lùi đến báo động đỏ.

Điều trớ trêu là trong những năm qua, đường sá rộng rãi hơn, các phương tiện giao thông thô sơ dường như được giảm nhiều.

Gần đây, khi đọc và chứng kiến những vụ tai nạn giao thông ở Việt Nam, tôi thấy rất sợ bởi vì nạn nhân là những người “thụ động” khi tham gia giao thông như: đi xe bus, xe ôm, người qua đường…

Xe bus thì không biết cách dừng trạm an toàn để đụng người chờ xe. Đấy là thiếu văn hóa. Xe máy vẫn chạy toán loạn, có người còn luồn lách nguy hiểm. Đó là thiếu văn hóa!

Người đi đường thản nhiên đi mà chẳng màng đến tính mạng. Đó là thiếu văn hóa. Nạn xe ô tô chạy không đúng làn là điểu rất vô lý. Rồi tại các bến phà, điển hình là phà Cát Lái, các loại xe đua nhau đến trước để khỏi “chờ” phà. Đó là thiếu văn hóa.

Rồi đang chạy trên đường với vận tốc khá cao (không nhất thiết là phải trên đường cao tốc hiện đại) tự nhiên có một con trâu hay con bò đi qua cùng với người chăn!!! Đó là thiếu văn hóa, quá nguy hiểm! Biết bao lần tôi và các bạn đồng hành phải lắc đầu vì chuyện này, và suýt bị lật xe mấy lần. Những đoạn đường này tuyệt đối không nên có thú vật qua lại.

Tôi nghĩ mọi người phải cùng nhau nghĩ cách giải quyết chứ, sao cứ đổ lổi cho “cuộc sống cơm áo gạo tiến”? Chính vì sự thiếu văn hóa này mà biết bao người bị chết oan ức! Đặc biệt hơn nữa, tôi cảm thấy rất lo lắng về sự an toàn của người nước ngoài đến Việt Nam sinh sống hoặc đi du lich, bởi họ khó thích nghi với nó.

Đa số đường sá ở Việt Nam nhỏ, nhưng lượng phương tiện tham gia giao thông quá cao, cộng thêm sự “thiếu văn hóa” giao thông, tạo nên thảm cảnh. Đó cũng là lý do trước khi đến Việt Nam, hầu hết khách du lịch đều được cảnh báo về sự “phức tạp, nguy hiểm” của giao thông tại Việt Nam để biết cách thích nghi và xử lý.

Lượng người đi lại trên đường phố Việt Nam, đặc biệt là Sài Gòn hay Hà Nội quá đông đúc. Vào lúc trời mưa, giao thông lại càng hỗn loạn hơn. Thế nhưng, đáng buồn là mọi người không biết chạy xe chậm lại để khỏi tạt nước vào nhau.

Nếu khách du lịch đi bộ đang thích thú chụp ảnh, quay phim trong mưa thì coi chừng bị một “cơn hồng thủy” do các xe tải chạy nhanh tạt vào! Vậy là hết vui! Tôi đã có nhiều cuộc trò chuyện với bạn bè quốc tế. Hai vấn đề “khó chịu” mà họ đề cập nhiều nhất khi đến Việt Nam đó chính là: “Ý thức bảo vệ môi trường và tham gia giao thông”.

Phải chữa bằng văn hóa!


Cảnh giao thông hỗn loạn ở Việt Nam (Ảnh: Internet)
Ông Chua Chin Khee (Singapore) phát biểu: “Văn hóa giao thông Việt Nam quá tệ. Ở Singapore chúng tôi cũng đông người, nhưng đâu có hỗn loạn như vậy? Xin đừng đổ thừa do đất chật người đông!”. Trong khi đó, anh Thonsing (Lào) nói: “Tại sao từ bốn làn xe mà có đến sáu xe chạy? Ở Lào mà như thế là bị phạt cao lắm!”.

Chị Nancy (Mỹ) nêu quan điểm: “Hình như người Việt Nam không có văn hóa xếp hàng và nhường nhịn. Bữa mình đi thử xe bus xem sao. Ai ngờ bị chen lấn xém nữa là bị xe đụng. Sợ quá!”.

Cùng cảnh ngộ với Nancy, chị Vân (Việt Kiều Canada) tâm sự: “Ba mươi mấy năm mình mới về lại Việt Nam. Phát khiếp vì có khi đang đi bộ trên đường tự nhiên có một người ném con chuột cống đã chết trúng người, và còn bảo “chuột chết thôi mà, bộ chưa bao giờ thấy sao?”.

Rồi ngoài Bắc xe taxi chạy ẩu vô cùng. Đi xe khách thì nhồi nhét quá chừng và các xe cứ đua nhau đón khách, giống như mình đang xem phim “Fast and Furious” vậy”.

Ông Kyo (Mỹ), đang làm việc tại Việt Nam kể: “Tôi đã bị tai nạn khi chạy xe ở Buôn Mê Thuột và có một phụ nữ chở 3 đứa con nhỏ trên một xe gắn máy, không ai đội mũ bảo hiểm. Họ đã chạy băng ngang đường và lao vào xe tôi.

Tôi rất hoảng loạn vì sợ xảy ra chuyện không tốt với những đứa bé, nhưng may mắn là tôi chạy rất chậm nên va chạm nhẹ. Sau đó, người phụ nữ tiếp tục chở 3 con nhỏ đi như không có gì, trong khi tay tôi bị chảy nhiều máu vì bị ngã xuống đường.

Lần thứ hai, khi băng qua đường, tôi thấy đèn báo hiệu ưu tiên cho người đi bộ sáng nên tôi đã đi chậm lại. Bất chợt, từ phía xa có một thành niên vượt lên đụng vào chân tôi. Anh ta còn chửi: “Đi chết đi nhé, thằng Tây…”. Anh ta đang vượt đèn đỏ mà? Tôi may mắn được người dân đưa vào bệnh viện.

Ba tháng trong bệnh viện, tôi phải tự chăm sóc mình vì không có người thân ở đây. Tôi tiếp tục lo sợ! Mất văn hóa đến thế là cùng!!”.


Nhiều khách du lịch nước ngoài phát hoảng khi tham gia giao thông ở Việt Nam (Ảnh minh họa: Internet) 

Viết bài này tôi đau lắm chứ! Bạn thử nghĩ xem, nếu báo chí liên tiếp đưa tin chuyện người nước ngoài bị tai nạn giao thông tại Việt Nam, liệu còn có du khách nào dám đến với đất nước của các bạn, dù có rất nhiều điều thú vị đang chờ đón.

Thêm nữa, mỗi lần tận mắt thấy những tai nạn thương tâm ở Việt Nam, tôi càng đau thêm. Tại sao ra nông nỗi? Ở Việt Nam rõ ràng có luật giao thông, nhưng dường như mọi người không muốn chấp hành. Vậy ta phải làm sao đây?

Bệnh nào thì chữa bằng thuốc đó. Bệnh “mất văn hóa” thì phải chữa bằng “văn hóa”, chứ dựa vào “xử phạt phân minh” thì không phải là cách, bởi nhân viên thi hành công vụ đâu có mặt hết khắp nẻo đường đất nước.

Đường sá có rộng thênh thang cấp mấy mà “văn hóa ngõ hẹp” thì cũng buồn lắm! Năm 1969, người Mỹ đã lên được tận cung trăng kia mà. Chẳng lẽ 45 năm sau, người Việt Nam chúng ta không có được một “văn hóa giao thông” tối thiểu hay sao?

Xin chia sẻ đôi dòng: Nếu thương Việt Nam, thì mỗi người dân Việt Nam cần có ý thức an toàn giao thông, tôn trọng mạng sống của nhau, biết tuân theo luật lệ, lái đúng làn xe, tốc độ, biển báo, nhường người đi bộ, giữ gìn vệ sinh, tránh đưa thú vật ra ngoài đường cao tốc...
Anthony Chim là hiệu trưởng gốc Việt đầu tiên tại thành phố Calgary, Canada, nơi diễn ra Thế vận hội mùa Đông năm 1988. Ông hiện đang cộng tác với Hiệp hội Giáo chức Alberta thuộc Bộ Giáo dục Canada, là diễn giả có tiếng. 

Ông là Công dân Ưu tú Canada 1998, Huân chương Thiên niên kỷ Canada 2005, Ngôi sao lãnh đạo tương lai 1994. Anthony đặt chân đến 96 quốc gia và tất cả 7 châu lục (kể cả Nam Cực và Bắc Cực). 


Calgary, Canada, 20/3/2014
Anthony Chim

6 nhận xét:

  1. Vài lời ngỏ cùng ông "...Chim".
    Thưa ông, những điều ông nêu trong bài viết này tôi thấy KHÔNG CÓ GÌ SAI. Và do đó, tôi không dám phản bác. Tuy nhiên, cũng phải có đôi lời ngỏ cùng ông để làm rõ câu chuyện mà như ông nói. Đó là cái... "Văn hoá" (về giao thông, môi trường, xếp hàng...) của người Việt Nam.
    Thưa ông, Hẳn nhiên là về trình độ cũng như cơ hội được đi đây đó như ông thì so sánh giữa hai bên, tôi chỉ là cái vực sâu hun hút, còn ông là cả một vòm trời thoáng rộng. Cơ may, hồi tháng 6, tháng 7 năm 1013 vừa qua tôi có dịp được đi vài nước trong khối EU. Những gì tận mắt chứng kiến khiến tôi hơi bị... ngạc nhiên vì nó không như nhiều lời đồn đãi, ca tụng tưởng như nếu thiên đường có thật thì cũng chỉ đến thế là cùng (mà bài viết của ông phần nào cũng toát lên ý đấy).
    Trước hết, xin lỗi các nhà nước mà tôi nêu lên ở đây vì đó hoàn toàn là sự thật. Tôi thấy một Paris đầy rẫy những rác rưởi, những cảnh người ăn xin, gái bán hoa ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Tôi chứng kiến những chiếc xe máy phân khối lớn bốc đầu lao như tên bắn trên một ngã tư ở thành phố Florecia (Ý) bất kể lúc đó đang đèn đỏ. Cũng tại đây, tôi đã bị móc túi 2 lần, 1 trên xe bus và 1 trên tàu điện ngầm (thủ phạm trên xe bus là một người không thể gọi là thanh niên, mặc comple rất lịch sự hẳn hoi; Còn thủ phạm trên tàu điện ngầm là một đoàn trẻ cỡ chừng 12 đến 15 tuổi mà cầm đầu là một phụ nữ tay bế 1 đứa bé chắc cũng chưa đầy tuổi tôi). Trong một lần xếp hàng để chờ đến lượt vào thăm quan Thánh địa Vaticane, tôi cũng bị mấy cháu gái (người Âu) chen ngang; Do không thạo tiếng nên tôi không thể nói điều phải quấy với những cô nàng da trắng, tóc vàng ấy mà chỉ biết lắc đầu nhường nhịn. Ngay trong trường hợp với nước Áo; Một nước mà tôi đánh giá là tuyệt vời hơn cả (so với mấy nước kia), vào một chập tối nọ khi vừa từ khu vui chơi ở một công viên ra về, tôi "lạc" vào một con phố nhỏ mà dọc hai bên lề, cứ cách quãng chừng dăm mét lại thấy có một "thím... gà móng đỏ" mắt xanh, mũi lõ chính hiệu con nai vàng đứng chèo kéo khách làng chơi.
    Trong bài viết của ông không thấy mô tả về những hình ảnh ấy. Tôi cho đó là một sự đối xử không công bằng với những con người quê gốc của ông. Vì thế, tôi phải lên tiếng ở đây. Và tôi nghĩ rằng, những gì ông viết không sai Thay mặt họ, tôi xin cám ơn ông về điều đó. Bài viết ấy sẽ khiến những người Việt có lương tri phải cúi đầu suy ngẫm và như ông bảo: Bệnh “mất văn hóa” thì phải chữa bằng “văn hóa”. Tuy nhiên, căn bệnh này không chỉ riêng người Việt Nam chúng ta mới có. Phải không ông

    Trả lờiXóa
  2. Thưa bạn Nặc Danh, tôi cũng có du lịch đến Paris và bị móc túi môt lần nhưng bọn móc tuí đến từ các nước đông âu (Rom v.v.).Khi CS sụp đổ, họ nghèo quá nên chạy qua các nước EU để làm đỉ, móc túi. Văn hoá CS là thế.

    Tai tiếng nhân viên hàng không Việt Nam ăn cắp bên Nhật, Singapore v.v đủ đánh giá nên văn hoá VN hiện đại. Một cán bộ việt hải quan phi trường .. có lần nhậu cao hứng tuyên bố « khi nào còn tệ nạn ăn cắp của Hàng không VN thì bà con cứ an tâm và an toàn đi máy bay chúng tôi ». Câu này có nhiều ý nghĩa và Đãng nhà nước hiểu rỏ hơn ai hết, nhắm mắt làm ngơ dù biết là quốc nhục. Làm mạnh tay quá nếu một vài chiếc máy bay Hàng không VN mất tích dưới biển thì ai còn dám đi nửa. Yếu tố tâm lý phi công rất quan trọng.

    Trả lờiXóa
  3. Nháp
    Tôi năm nay tuổi đã quá sáu chục, sống qua 2 chế độ, có đủ trình độ để nhìn rỏ sự việc và phê phán về văn hoá giao thông, môi trường, xếp hàng...của người VN. Tôi cũng đã có dịp ra nước ngoài đủ để biết người biết ta. Nhưng chỉ cần so sánh văn hoá 2 miền Nam Bắc trước và sau 75 là thấy rõ nét, vì đã qua 39 năm xây dựng Thiên đường XHCN.
    Trước 75, trong chương trình Giáo dục của miền Nam có môn học bắt buộc từ lớp đệ thất (lớp 6 bây giờ) là môn Công Dân Giáo Dục, dạy cho các công dân tương lai của VN từ việc ăn nói, đi đứng, chào hỏi, giúp đỡ người tàn tật ...đúng như văn hoá của VN mà Cha Ông đã dạy: học ăn, học nói, học gói, học mở.
    Sau 75, Việt cộng giải phóng miền Nam, cùng lúc giải phóng luôn môn học này, đưa môn học "chín chị" vào lớp, dạy học sinh coi thằng bá vơ nước ngoài nào đó là ông :...Ông Lê-Nin ở nước Nga - mà sao em thấy như là Việt Nam. Rồi thì một thằng thơ (lẫn) thẩn nổi tiếng"...khóc cha khóc một, khóc Ông khóc mười !"
    Và kể từ đó, Việt cộng đưa văn hoá 'Cải Kách Ruộng Đất' của lũ Bần Cố Nông - con đấu tố cha mẹ, trò tố giác thầy vào lớp học, hình thành nền Văn hoá 'Đéo' (có nghĩa là 'đéo có VH) cho dân Việt từ Bắc chí Nam. Đảng đưa những thằng thiến heo vô văn hoá lên nắm đinh hướng Văn hoá, Cải kách môn Công Dân Giáo Dục trước 75 thành môn Công Dân Giáo..."đục", để ngày hôm nay nhan nhãn trên báo chí bao nhiêu là vụ trò..."đục" thầy u đầu chảy máu.
    Và dĩ nhiên là nền văn hoá 'đéo' này bao gồm các văn hoá đi đứng, sắp hàng...văn hoá ăn cắp từ quan chí dân.

    Trả lờiXóa
  4. Nhiều bạn viết bình luận thì tốt, nhưng không nên dùng các từ ngữ bất lịch sự, chướng tai, nhất là trong các bài bình về văn hóa; giáo dục như thế này. Tại sao các bạn không thể viết một cách có văn hóa ? Dfu bức xúc, tức tối, nhưng người có văn hóa không thể dùng ngôn ngữ vô văn hóa để đối lại những thứ vô văn hóa được.

    Trả lờiXóa
  5. Vài năm nửa dân số Việt Nam lên 100 triệu, ai dám đảm bảo người dân chấp hành luật giao thông, chết chết mấy bác ơi.

    Trả lờiXóa
  6. Văn hoá giao thông ở VN không an toàn phần lớn là lổi của qúi vị lãnh đạo từ đời này sang đời khác. Xây dựng xe điện ngầm, CS giao thông thi hành đúng đắn luật giao thông xử phạt nghiêm minh v.v là những việc cần phải làm.Những chuyện nhỏ như thế nhưng mà Đảng ta thấy khó quá.

    Trả lờiXóa