Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

“Trận đánh” lớn của ngành giáo dục có thể thua?

“Trận đánh” lớn của ngành giáo dục không cẩn thận sẽ thua?
(GDVN) - Xung quanh góp ý cho Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, mới đây Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã ví von: đổi mới lần này xem như là một “trận đánh” lớn, quyết tâm và dứt khoát đưa nền giáo dục “lột xác”.
Liên quan tới chủ đề này, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc phỏng vấn với PGS Văn Như Cương – Hiệu trưởng Trường THPT DL Lương Thế Vinh. PGS Cương nói: “Nếu tướng ở mặt trận đổi mới này là những lãnh đạo, người thầy là chiến sĩ trên trận đánh đó thì ở đây hơn 20 triệu học sinh gọi là gì? Hay là vũ khí? Tôi còn băn khoăn, như thế dùng chữ “trận đánh” là không thích hợp lắm. Đánh lần này phải thắng, thua là chết, thua là thất bại”.

Thay đổi từ phổ thông sẽ thất bại hoàn toàn
PV: Quyết tâm của ngành giáo dục trong việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo sắp tới được ví như một “trận đánh”, ông đánh giá như thế nào về “trận đánh” sắp tới của ngành?
PGS. Văn Như Cương: Trận đánh này là đánh ai? Đánh cái lạc hậu, đánh cái trì trệ hay đánh những cái gì yếu kém. Tướng thì rõ rồi, nhưng ai là lính? Học sinh có phải là lính không? Nếu nói học sinh là lính thì không đúng? Vậy giáo viên là lính? Hình ảnh này không hay chút nào.


Theo tôi đây là một công trình lớn, một kế hoạch lớn mà chúng ta phải xây, phải làm, đây không phải là đánh hay là “đập” một cái gì lớn.

PGS. Văn Như Cương.
Theo bạn, đề án đổi mới toàn diện GD lần này của Bộ GD&ĐT sẽ
  •  Có nhiều thay đổi và đạt kết quả tốt
  •  Rất khó đạt được kết quả như mong đợi
  •  Khó thay đổi được nhiều
  •  Ý kiến khác


PV: Trong Đề án đổi mới sắp tới khâu đầu tiên được lựa chọn là đội ngũ giáo viên, quan điểm của ông về vấn đề này?

PGS. Văn Như Cương: Tôi đồng ý với ý kiến này, nhưng ở đây không đề cập rõ ràng tới vấn đề này. Vì mấy lần trước tuy không phải là cải cách, đổi mới, nhưng mấy lần thay đổi chương trình và sách giáo khoa thì một điều tôi hơi ngạc nhiên là các trường đào tạo giáo viên (ĐH Sư phạm, Cao đẳng Sư phạm) hầu như đứng ngoài cuộc trong những lần thay sách.

Khi thay sách ở chương trình phổ thông mà người thầy giáo và chương trình sư phạm lại không thay đổi thì vô lí quá, vì ta đang đào tạo những người thầy để ra thực hiện chương trình và sách giáo khoa đang hiện hành.

Khi chương trình của các trường sư phạm vẫn dạy môn này, môn kia theo kiểu cũ và người thầy tốt nghiệp ra dạy theo chương trình cũ thì không đáp ứng được.

Ví dụ, có môn tích hợp ở cấp hai, Sử và Địa dạy tích hợp với nhau trong một môn gọi là khoa học xã hội, hay các môn Toán, Lý, Hóa thì các thầy đã kêu chết khiếp và mong là không tích hợp. Vì dạy môn Địa đã thấy mệt giờ còn lồng thêm môn Sử nữa, điều đó cực kỳ khó khăn cho giáo viên. Ngay trường đào tạo ra giáo viên cấp hai không chỉ đào tạo dạy môn Sử hay Địa riêng mà phải đào tạo dạy được cả hai thì mới có thể dạy tích hợp được.

Tôi lấy ví dụ này để nói rằng phải thay đổi cả cơ cấu của trường sư phạm, thay đổi môn học, phương pháp và tất cả mọi thứ phải thay đổi. Đào tạo giáo viên mới, nhưng nhiệm vụ của trường sư phạm không chỉ có thế mà còn phải đào tạo lại giáo viên cũ, ra một chương trình, kế hoạch mới, một phương thức giáo dục mới, thầy không phải chỉ là thuyết giảng.

Nhiệm vụ này hết sức quan trọng trong việc đảm bảo cho cuộc thay đổi này. Nhưng nếu chúng ta thay đổi từ dưới phổ thông mà trường sư phạm không thay đổi thì thất bại hoàn toàn.

Ví dụ, ở lớp 12 học ba môn chính Toán, Văn, Ngoại ngữ và ba môn còn lại tự chọn. Ưu điểm tôi tán thành số môn học được giảm đi rất nhiều, đặc biệt lớp 11-12, đó là phân hóa.

Vấn đề đặt ra, nếu cứ để cho học sinh tự chọn, hầu hết các em chọn môn khoa học tự nhiên còn không chọn các môn khoa học xã hội, hiện tượng này đang xảy ra khi chúng ta làm phân ban, chỉ có 2% học sinh học các môn khoa học xã hội, tất nhiên các môn khoa học cơ bản vẫn phải học, nhưng để học sinh đăng ký học nặng các môn Văn, Sử, Địa thì chỉ có 2%. Chủ yếu là khối A và D.

Khi tự chọn thì lên lớp 11-12 học sinh không học Sử, Địa nữa vì không chọn, rất nhiều người như vậy thì thử hỏi phải thay đổi đào tạo lại sư phạm không? Khoa Sử, Địa có cần lấy nhiều sinh viên vào làm thầy như vậy không? Thay đổi này sẽ tác động ngay tới các trường sư phạm về số lượng tuyển sinh như thế nào để ra trường có việc làm?

“Thua lần này sẽ chết hoàn toàn”

PV: Cách nói của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận được hiểu là coi đổi mới giáo dục lần này có sức mạnh, có quan điểm dứt khoát như là một “trận đánh” có quá to tát không thưa PGS?

PGS. Văn Như Cương: Tôi nghĩ không to tát mà nói không phù hợp. Khi nói một trận đánh thì ta nói là đánh cái gì? Khi Bác Hồ nói diệt giặc dốt ta có thể hiểu là một trận đánh, giặc ở đây là đánh sự ngu dốt để làm cho mọi người biết chữ.

Còn ở đây nếu nói một trận đánh của nền giáo dục thì đánh vào sự gì, do đó tướng lĩnh là gì, tướng lĩnh là cấp trên nhưng lính tráng là gì, là học sinh hay là giáo viên?

Nếu tướng ở mặt trận này là những lãnh đạo, người thầy là chiến sĩ trên trận đánh đó thì ở đây hơn 20 triệu học sinh gọi là gì? Hay là vũ khí? Tôi còn băn khoăn ở học sinh, như thế dùng chữ là không thích hợp lắm ở hình ảnh này. Đánh lần này phải thắng, thua là chết, thua là  thất bại.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: "Tôi coi đổi mới giáo dục lần này là trận đánh lớn"


PV: Như ông nói đây chỉ là một cuộc đổi mới giáo  dục, ông có lo lắng điều gì không khi chúng ta đổi mới trong điều kiện hiện nay?

PGS. Văn Như Cương: Lo chứ, vì chúng ta chưa có kinh nghiệm gì về đổi mới căn bản và toàn diện. Từ trước tới nay chúng ta có đổi một phần thôi, vẫn theo lớp cũ như học 9 năm lên học 10 năm, sau đó lên 12 năm. Nếu ở đây chúng ta đánh giá lần này là cuộc đổi mới căn bản và toàn diện, triệt để thì đó là vấn đề lớn. Có người cho rằng phá đi hoàn toàn và làm lại, tôi không nhất trí với quan điểm đó.

Nhưng trên tất cả chúng ta phải xác định lại cho được là; học để làm gì, do đó sẽ học cái gì để sau này ra làm cái đó. Ở đây ta phải biết một số sẽ học tiếp đại học, một số ra làm việc, có thể học thêm 1-2 năm rồi ra làm nghề. Để có kiến thức chung nhưng thế nào ở phổ thông, sau đó lên đại học học như thế nào?

Hiện nay trẻ con học Văn như phải trở thành nhà phê bình văn học, học Toán như nghiên cứu  toán..., như vậy không được. Bây giờ thử hỏi những người lãnh đạo có ai phải làm toán tích phân như tôi phải ngồi làm như bây giờ không?

Sau nữa mới học như thế nào. Học không phải  tiếp cận nội dung kiến thức mà học để tiếp cận năng lực, đó là ý tưởng mới mẻ. Nếu chúng ta rà soát lại thì nhiều cái ở chương trình phổ thông học hết sức vô bổ, không phải ai cũng cần, và người cần cái đó thì lên học tiếp.

Rồi tới phương pháp giảng dạy, phương pháp thi cử rồi cũng phải thay đổi hết để đạt mục tiêu, nên đó là vấn đề lớn, nếu không làm cẩn thận sẽ thất bại.

Đổi mới giáo dục bắt đầu từ vai trò của người thầy. Ảnh minh họa

PV: Bộ trưởng Phạm Vũ Luận có nêu, phương thức giáo dục trong thời gian tới giáo viên không chỉ dạy chữ, dạy kiến thức mà tích cực dạy học sinh làm người? Vậy phương thức này mới hay cũ, vì tới bây giờ chúng ta mới nhận thấy nó là mới và bắt đầu đặt mục tiêu?

PGS. Văn Như Cương: Tôi không thấy quan hệ tương hỗ như thế nào cho phần dạy chữ và dạy người, chúng ta nhìn lại ở cấp ba học sinh suốt ngày học Toán, Lý, Văn, Sử, Địa, còn học làm người được bao nhiêu? Phải chăng là giáo dục công dân? Giáo dục công dân không dạy người mà thường là dạy giá cả, thị trường, cung cầu...(lớp 11).

Vậy dạy chữ và dạy người quan hệ với nhau như thế nào, nên tôi rất đồng ý dạy 12 năm nhưng tôi lại chủ trương là bỏ đi gần một nửa kiến thức vô bổ, nếu bỏ đi thì cần gì học lâu như vậy? Tại sao không học 9 năm hay 10 năm thôi?

Còn lại thời gian dôi ra phải học làm người, học làm người không thể thuyết giảng được, không phải dạy con phải yêu bố, yêu mẹ, mà phải học như thế nào sống ở đâu cũng biết cái thiện, cái ác, cái nào là đúng, là sai, rồi thế nào là phù hợp, quan hệ người với người thế nào.

Quan hệ nữa học và làm, học và thực hành. Chúng ta hiện nay học sinh toàn cậu ấm, cô chiêu, cầm cái chổi quét nhà cũng không biết. Vấn đề là quan hệ giữa học lý thuyết và thực hành, đó phải đổi mới.

Lãnh phí – sự nguy hiểm của giáo dục

PV: Vừa qua, theo Bộ GD&ĐT để phương pháp dạy học sinh tích cực hơn, tăng tính thực hành thì Bộ đã phối hợp với Viện hàn lâm Khoa học Pháp triển khai chương trình “Bàn tay nặn bột”. Đây được coi là bước đầu trong quá trình đổi mới dạy và học?

PGS. Văn Như Cương: Ý tưởng đó đã có lâu, nhưng phải nói tới công nghệ tự học sinh nhào nặn ra để trở thành kiến thức của riêng các em. Phương pháp đó nằm trong việc dạy không áp đặt chứ không như hiện nay làm theo đúng ý thầy, đến kỳ kiểm tra cứ chép đúng ý thầy nói. Bàn tay nặn bột giúp học sinh tự tạo ra kiến thức cho riêng mình.

Muốn có được kết quả thì người thầy phải trở thành một nhà “đạo diễn” và kịch bản có sẵn, học sinh không được biết, và học sinh làm theo ý của thầy và tự đưa ra bài học cho mình.

PV: Có ý kiến cho rằng, đổi mới lần này dứt khoát phải đào tạo lại hàng loạt giáo viên để đáp ứng kịp trình độ cho yêu cầu đổi mới, cấp chứng chỉ để cho giáo viên đi dạy?

PGS. Văn Như Cương: Đây là vấn đề không khả dĩ vì ngay từ đầu sẽ có một tỉ lệ rất ít. Không phải tất cả giáo viên được đào tạo lại, như vậy sẽ lấy sức đâu ra. Chỉ có một số đi đào tạo lại, còn lại phải chờ tới lượt.

PV: Lâu nay nguồn ngân sách cho giáo dục vẫn chỉ là hữu hạn, đổi mới không thể không nghĩ tới nguồn tài chính. Theo ông, giải pháp ở đây là gì?

PGS. Văn Như Cương: 
Ngân sách dành cho giáo dục 20% là lớn, nhiều nước không tới 20%, của ta là quá cao không đòi hỏi hơn nữa mặc dù có eo hẹp. Nhưng nếu biết cách thì cũng đủ, “khéo co thì ấm”.

Cái nguy hiểm nhất của giáo dục không phải là tham ô mà là lãng phí, đừng làm những điều vô bổ thì giáo dục mới có tiền. Vô bổ nhất là những dự án vô tội vạ, dự án 50 triệu đô, 70 triệu đô, 30 triệu đô đều có ở Bộ GD. Thậm chí có thời kỳ mỗi ông Thứ trưởng một dự án, dự án đó là ODA nhưng rồi sau cũng về không hết.

Những thứ đó mà phục vụ cho giáo dục thì vẫn thừa tiền. Và ngay cả cấp tỉnh chúng ta không thiết thực, một lễ khai giảng vài chục triệu đối với một trường học là rất quý.

Giáo dục không có tiền, giờ chúng ta cứ lên trên một số xã, huyện miền núi mà xem lớp học ở đó không có vách, mái tôn, dột nát học sinh học co ro. Ngược lại, một trường Amsterdam 461 tỷ,  trường Nguyễn Huệ 280 tỷ, ừ thì công nhận trường chuyên là một bộ mặt tôi không nói, nhưng thử bớt ra 1 tỷ thôi cho trường ở trên đó xem các em có sướng run lên không?

Tại sao con em ở Hà Nội sung sướng thế, có điện, có xe và làm một trường như cung điện như vậy, trong khi con em ở trên miền núi rét căm căm như vậy. Tôi cho là không công bằng.

Trân trọng cảm ơn PGS!

Xuân Trung (thực hiện)

2 nhận xét:

  1. Lão Đồ nhận thức được điều mà các nhà lãnh đạo ta không dám nói ra. Đó là "nền chính trị nào thì đẻ ra nền giáo dục ấy. Nó đào tạo ra con người theo yêu cầu của nền chính trị...". Nếu chỉ đổi mới giáo dục tức là đi sửa cái ngọn sẽ không thể thành công. Muốn vậy phải thay đổi cái gốc của vấn đề. Đó chính là "nền chính trị".

    Trả lờiXóa
  2. Nền giáo dục cũng như nền khoa học, phải lấy sự thật và lẽ phải làm chân lý để giảng dạy, để nghiên cứu; tức là phải để các nhà giáo dục, nhà khoa hoc được hoàn toàn làm việc theo tinh thần tự do, được thể hiện sự sáng tạo không biên giới của mình. Chính trị phải hoàn toàn nằm ngoài giáo dục và nghiên cứu khoa học, không can thiệp, chỉ đạo, định hướng hoạt động của các ngành này cũng như tới từng nhà giáo, từng nhà khoa học.

    Do đó đồng ý với bác, đổi mới giáo dục trong khuôn khổ hệ thống chính trị hiện nay thì hoàn toàn vô nghĩa, chắc chắn thất bại, chỉ tốn tiền thuế của dân vì đấy là một công trình đầu tư thấy trước là không hiệu quả... Một khi bí thư đảng ủy vẫn to hơn hiệu trưởng, trưởng khoa, cấp trên vẫn áp đặt giáo viên phải giảng y như giáo trình kèm theo các ràng buộc nọ kia, thì chẳng bao giờ nền giáo dục hay khoa học tiến lên được. Dĩ nhiên, giáo dục và khoa học là nền tảng để phát triển dài hạn nên đất nước sẽ tiếp tục đi xuống.

    Đấy là về lý thuyết chung, còn lần này, nhìn người tổ chức xây dựng và thực hiện đổi mới giáo dục là bác Luận thì tôi e rằng tình hình sau đổi mới sẽ hỗn loạn hơn so với thời 2 không rồi thêm 3 không thành 5 không kinh hoàng của bác Thiện Nhân.

    Cám ơn bác thỉnh thoảng ghé qua và bình luận.

    Trả lờiXóa