Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

Sao cứ phải nâng bội chi ngân sách?

Bài này anh Ngọc đặt vấn đề và kết luận thì hay, tôi rất đồng tình, nhưng phân tích ở trong thì quá chán, cũng chỉ ở dạng cảm tính. Xem chi tiết bình luận của tôi ở cuối bài.
Sao cứ phải nâng bội chi ngân sách?
Phan Minh Ngọc: Thay vì nâng trần thâm hụt ngân sách để tăng nợ công, điều cần làm là phải thắt chặt kỷ luật thu chi ngân sách, đồng thời xây dựng các mục tiêu, kế hoạch mang tính thực tiễn, khoa học hơn, và quan trọng hơn, không buộc chúng phải đạt được bằng mọi giá, bất chấp hoàn cảnh khách quan và chủ quan.

Chính phủ đang trình Quốc hội nâng trần thâm hụt ngân sách để phát hành bổ sung 170.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016. Lý do xin phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ, theo giải trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, là: bổ sung nguồn lực đầu tư toàn xã hội và thúc đẩy đầu tư các thành phần kinh tế khác; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa Việt Nam thành nước công nghiệp vào năm 2020; tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là tái đầu tư công, huy động vốn đầu tư xã hội (gồm ODA); bổ sung nguồn để thực hiện các dự án đầu tư bằng trái phiếu Chính phủ dang dở.


Tuy nhiên, lý do sâu xa, nói ngắn gọn, là do giảm thu trong khi chi ngân sách vẫn tăng, dẫn đến khả năng thâm hụt ngân sách lớn hơn dự kiến, và tình hình này có thể kéo dài sang một vài năm sau trong bối cảnh kinh tế trong (và ngoài) nước đã và sẽ tiếp tục có nhiều bất ổn. Vậy, lẽ ra biện pháp chủ đạo cần phải làm trước tiên, trước khi xem xét và phê chuẩn chấp nhận cho Chính phủ tăng trần thâm hụt và phát hành thêm trái phiếu Chính phủ, là cắt giảm chi tối đa, nhất là các khoản chi lãng phí, không hiệu quả, đồng thời tăng cường thu tối đa từ các nguồn hiện có và các nguồn có thể bổ sung.

Biện pháp trên thoạt nghe tưởng chừng quá hiển nhiên, ai cũng nói được, cũng biết được, và cũng... làm được (và đã làm được). Nhưng xem xét lại báo cáo giải trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách mới thấy thực ra tình hình thực tế hoàn toàn không phải vậy.

Về thu ngân sách, báo cáo thẩm tra đã chỉ ra được một loạt những khoản thất thu, những bất cập trong công tác thu ngân sách, ví dụ như thất thoát và gian lận thuế, những khoản để ngoài ngân sách..., và kết luận rằng vẫn còn dư địa tăng thu. Về chi ngân sách, báo cáo thẩm tra cũng xác định được một loạt bất cập. Ví dụ, trong khi thu NSNN giảm nhiều, chi đầu tư phát triển vẫn tăng; phân bổ, bố trí vốn xây dựng cơ bản chưa khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, thi công kéo dài, gây lãng phí nguồn lực; vẫn còn nhiều dự án triển khai chậm tiến độ, phân bổ vốn không đúng cơ cấu, chương trình hỗ trợ được giao; còn tình trạng một số cơ quan, đơn vị thiếu kiên quyết trong cắt, giảm đầu tư công; khởi công dự án mới trái quy định; một số chính sách, chế độ hỗ trợ cho các địa phương còn bất cập...

Trong bối cảnh trên, không khó hiểu tại sao bội chi lại có khả năng tăng mạnh so với mục tiêu kế hoạch đặt ra ban đầu. Lẽ ra Chính phủ phải tập trung khắc phục những bất cập này, còn Quốc hội cần phải nghiêm khắc hơn với Chính phủ về kỷ luật tài chính thay vì thông qua kế hoạch tăng bội chi của Chính phủ. Nếu thực hiện nghiêm túc quá trình thực hiện và giám sát thực hiện kỷ luật tài chính của cả Chính phủ và Quốc hội thì chắc chắn thâm hụt ngân sách không lớn như hiện tại và dự toán cho năm nay và những năm sau như trong các báo cáo của Chính phủ và Quốc hội, và hoàn toàn có khả năng không cần thiết phải nâng trần thâm hụt và nợ công. 

Còn nếu cứ để mọi việc trôi theo đề xuất của Chính phủ như hiện nay thì bội chi ngân sách khó có khả năng cải thiện trong những năm sau, nếu không muốn nói là sẽ tệ hơn, vì bao giờ Chính phủ cũng có những lý do nghe rất xác đáng (như hiện tại) để biện minh cho sự không hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Biện pháp thứ hai cần làm là xem xét lại và thay đổi toàn bộ quy trình lập, trình và phê chuẩn các kế hoạch, mục tiêu phát triển KT - XH của Chính phủ và Quốc hội. Bản thân Quốc hội cũng (nên) nhận ra rằng các con số kế hoạch mục tiêu không gắn bó chặt chẽ với nhau và bản thân các con số đó được đưa ra chủ yếu bởi cảm tính, định tính (dựa theo các năm trước, theo nghị quyết, hoặc cảm thấy cần phải ở mức đó thì mới là hợp lý v.v...). Và kể cả có một cơ sở nào đó khi đưa ra những kế hoạch này nhưng đôi khi chúng sẽ thành mục tiêu ảo, đơn giản vì hoàn cảnh kinh tế (trong và ngoài nước) lúc đó đã thay đổi, không đúng như dự tính ban đầu. Lúc đó, nếu cứ khăng khăng phải đạt được mục tiêu kế hoạch thì hoặc là duy ý chí, hoặc là có hại nhiều hơn lợi.

Hãy lấy một ví dụ minh họa. Tăng trưởng năm nay ước đạt 5,4%, so với mức 5% của năm trước. Nhưng người ta sẽ giải thích làm sao khi tăng trưởng tín dụng và tỷ trọng đầu tư trên GDP năm nay lại giảm rất mạnh so với năm trước? Nghịch lý gì chăng? Không phải vậy. Nếu loại trừ khả năng các con số thống kê này là tạo dựng, thì đơn giản là chẳng có mối quan hệ rõ ràng và ổn định nào như kiểu, ví dụ, tăng trưởng tín dụng và đầu tư phải là x% để GDP tăng được y%. 

Trên nghĩa này, xin đừng “quyết tâm” với “quyết liệt” và “phấn đấu” để đạt được một con số mục tiêu vô căn cứ, duy ý chí nào đó, chẳng hạn tăng trưởng GDP phải là 6%, hoặc tỷ trọng vốn đầu tư trên GDP phải là 30%, hoặc tăng trưởng tín dụng phải là 12%, hoặc thâm hụt ngân sách phải là 5,3% GDP... bằng mọi giá để rồi nền kinh tế phải trả giá trong trung và dài hạn, vì sự những sự quyết tâm, quyết liệt và phấn đấu này không được dựa vào, không tuân theo các nguyên tắc của kinh tế thị trường.

Tóm lại, thay vì nâng trần thâm hụt ngân sách để tăng nợ công, điều cần làm là phải thắt chặt kỷ luật thu chi ngân sách, đồng thời xây dựng các mục tiêu kế hoạch mang tính thực tiễn hơn, khoa học hơn, và quan trọng hơn, không buộc chúng phải đạt được bằng mọi giá, bất chấp hoàn cảnh khách quan và chủ quan.


(Bài đăng trên Đại biểu Nhân dân)
http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=75&NewsId=296367

Tôi viết bình luận dưới đây trong trang của anh Ngọc:

Bài này anh Ngọc đặt vấn đề và kết luận thì hay, tôi rất đồng tình, nhưng phân tích ở trong thì quá chán, cũng chỉ ở dạng cảm tính. Đặc biệt đoạn anh nói về quan hệ giữa các chỉ tiêu, tạo cảm giác nghiên cứu các quan hệ kinh tế vĩ mô, dự báo, làm chính sách... là vô nghĩa vì chẳng có mối quan hệ rõ ràng và ổn định.

Các đồng chí bí thư/chủ tịch tỉnh không ủng hộ anh Ngọc đâu vì họ cần tiền cho địa phương mình và cho cả nhóm lợi ích của mình nữa. Vả lại nhận thức của họ về kinh tế vĩ mô không cao; họ cũng không chịu trách nhiệm về đảm bảo các cân đối vĩ mô như chính phủ trung ương.

Bộ KHĐT, Bộ tài chính năm nào chả có công văn yêu cầu rà soát các công trình đầu tư, các nhiệm vụ chi... để kiểm soát chặt chi. Rồi công văn khoán thu để đảm bảo vượt thu mấy % nữa. Nhưng đến luật, nghị định địa phương còn chẳng sợ nữa là công văn.

Chỉ một số lãnh đạo Bộ, ngành trung ương hiểu được chuyện anh Ngọc nói, quan trọng nhất là tăng hiệu quả sử dụng tiền chi, nhưng họ thở dài bất lực vì:

(1) Vẫn buộc phải chi để hoạt động kinh tế diễn ra suôn sẻ, không thì sụp đổ kinh tế, dẫn đến khủng hoảng xã hội (giống Mỹ cũng phải liên tiếp nâng trần nợ công dù kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt và hiệu quả), dần dần hy vọng hiệu quả sử dụng tiền tăng lên;

(2) Phản đối cũng không được, vì cấp dưới phải chấp hành lệnh cấp trên, Thủ tướng đã quyết thế, họp Chính phủ thống nhất như thế, cấp dưới (Bộ, ngành) phải chuẩn bị phương án trình QH và thuyết trình bảo vệ quan điểm của Thủ tướng.

Mỗi lần bình luận vào đây, đều phải bấm mã, phiền quá vì mã khó đọc, nhầm lẫn có khi mất luôn cả đoạn vừa viết nên chán, đành bỏ.



Tôi cũng làm một số nghiên cứu định lượng nên cũng biết sơ sơ chuyện kết quả thay đổi thế nào khi một biến giải thích thay đổi chút it, nên nói thật là tôi chẳng thấy có mấy giá trị trong các nghiên cứu định lượng. Nhiều khi người ta làm cho vui, dọa thiên hạ thôi, chứ cũng chẳng để làm gì. Vì thế trong bài tôi mới nói một cách rất định tính (mà thực ra là không phải, vì rút ra từ kinh nghiệm nghiên cứu định lượng) là rất vớ vẩn khi cứ phải mù quáng chạy theo con số, tỷ như sống chết cũng phải đẩy tỷ lệ vốn đầu tư trên GDP lên 30% để đạt được tăng trưởng GDP, ví dụ, là 6%, vì căn cứ theo một nghiên cứu xyz nào đó v.v... Anh có đồng ý thế là vớ vẩn không?


Đúng ở ta thì rất vớ vẩn. Làm định lượng nhưng lại là định lượng cảm tính, cảm tính qua kinh nghiệm hoặc bằng mấy phép nhân chia tỷ lệ quá đơn giản chứ không nghiên cứu gì cả. Hoặc nghe ai đó nói mấy quan hệ tỷ lệ, cảm thấy đúng thế là tin, họp hành lúc nào cũng áp đặt thế. Ví dụ thập kỷ 90 thấy cứ muốn GDP tăng thêm 1% thì xuất khẩu phải tăng thêm 4%, đến bây giờ trong óc mấy bác ấy vẫn tỷ lệ 1:4 mà áp đặt.

Thứ hai, phương Tây không có khái niệm đặt ra 1 kế hoạch hay một mục tiêu cố định phải đạt bằng được như ở ta. Họ làm các dự báo, rồi đặt mục tiêu định hướng đối với vài chỉ tiêu quan trọng (lạm phát, việc làm), còn lại là họ liên tục theo dõi xem diễn biến kinh tế tốt xấu thế nào và điều chỉnh chính sách để hướng nền kinh tế phát triển theo trục tăng trưởng cân bằng (GDP tăng theo tiềm năng, lạm phát, thất nghiệp theo các tỷ lệ tự nhiên, các thâm hụt trong giới hạn...).

Nhiệm vụ của chính phủ là giữ cân bằng trung và dài hạn, còn thực hiện là các doanh nghiệp, hộ gia đình và bị tác động của môi trường. Khi hoạt động của các doanh nghiệp, hộ gia đình và môi trường quá biến động, thì để đảm bảo cân bằng trung, dài hạn và giữ các thâm hụt trong giới hạn, chính phủ phải chấp nhận không đạt mục tiêu ngắn hạn (dự báo, định hướng) tăng trưởng, lạm phát hay việc làm, và chính phủ sẽ đưa ra các dự báo mới về các chỉ tiêu này... Quốc hội không có luật, nghị quyết bắt chính phủ làm nọ kia, chỉ có luật cho phép chính phủ được thu bao nhiêu tiền (các sắc thuế), được chi bao nhiêu tiền, được làm chính sách trong phạm vi gì...

Ở ta Đảng, Quốc Hội có chiến lược 10 năm, kế hoạch 5 năm và hàng năm, với các mục tiêu cụ thể, bằng chữ và bằng số, giữa kỳ (giữa năm, giữa 5 năm, 10 năm) đều có kiểm điểm xem có đạt không, làm căn cứ khen chê chính phủ, bất chấp những thuận lợi, khó khăn. Vì thế chính phủ bằng mọi giá phải đạt khoảng 20 chỉ tiêu này, toàn là lăng nhăng, đồng thời hy sinh các cân đối trung và dai hạn, ví dụ phá vỡ cân đối ngân sách như đang làm hiện nay, nâng trần nợ công, tăng vay nợ, tăng phát hành trái phiếu... Đây chính là mù quáng chạy theo từng con số rời rạc (20 chỉ tiêu), bỏ qua các trụ cột của nền kinh tế là các cân đối trung và dài hạn. Không chỉ đối với chính phủ trung ương mà ở cấp các địa phương, tình hình cũng như thế.

Do đó tôi nhất trí phải xem xét lại và thay đổi toàn bộ quy trình lập, trình và phê chuẩn các kế hoạch, mục tiêu phát triển KT - XH của Chính phủ và Quốc hội. Quốc hội không lập và phê chuẩn kế hoạch kinh tế xã hội nữa, để cho nền kinh tế thị trường tự do hoạt động, QH (ngoài việc làm luật) chỉ tập trung vào phân bổ, giám sát thu, chi ngân sách, làm sao thu mà nuôi dưỡng được nguồn thu, chi sao để chi có hiệu quả. Còn Chính phủ thực hiện việc thu chi.
ReplyDelete

Replies
  1. Phần bổ sung này của anh rất hay và hợp với bài chính. Cám ơn anh đã bỏ công comment.

1 nhận xét: