Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng đã lừa gạt như thế nào?
(Saobongda) - Như đã trình bày trong các số trước, gọi hồn hoặc áp vong chỉ là sự lừa gạt và con số hàng ngàn ngôi mộ mà giới ngoại cảm khoe khoang hoàn toàn không đáng tin cậy. Vậy tại sao chúng ta rất dễ tin những chiêu trò lừa gạt nhiều khi rất thô sơ của “nhà ngoại cảm”, giới đồng cốt, thày bói hoặc thày cúng?
Theo Michael Shermer, người mê tín có khả năng sinh tồn cao hơn
Nói một cách tổng quát hơn, tại sao con người có xu hướng mê tín, khi rất ưa thích các câu chuyện về thánh thần, ma quỷ, thiên đường hay địa ngục, cũng như các sự biến có vẻ nằm ngoài hiểu biết hiện hành? Trong phần này người viết sẽ cố gắng đưa ra những lý giải mới nhất của khoa học hiện đại, chủ yếu dựa trên lý thuyết Tiến Hóa của Darwin.Các con số bất ngờ
Năm 1997, tờ tuần báo Thời đại (Time) đưa ra số liệu thăm dò tại Mỹ, quốc gia dẫn đầu thế giới về khoa học và công nghệ. Theo đó, trong số những người được thăm dò ngẫu nhiên qua điện thoại, 81% tin thiên đường có thật, trong lúc chỉ 16% không tin; 63% tin có địa ngục so với 30% không tin.
Trả lời câu hỏi: “Điều gì xảy ra sau khi chết?”, 61% tin là được lên thiên đường, 5% tin sẽ luân hồi, 4% cho rằng đó là dấu chấm hết và 1% sợ bị đầy xuống địa ngục. Như các con số đã thể hiện, ở đây đức tin cảm xúc đạt tới tỷ lệ 70%, trong khi sự tường minh trí tuệ chỉ có 4%!
Những thăm dò gần đây cũng cho kết quả tương tự. Chẳng hạn kết quả của Gallup năm 2005 cho thấy, 73% số người được hỏi tin ít nhất một trong mười hiện tượng lạ. Trong đó 41% tin ngoại cảm có thật; 37% tin có những ngôi nhà bị ma ám; 25% tin thuật chiêm tinh; 20% tin có luân hồi; và đặc biệt vẫn có tới 21% số người tin phù thủy có thật!
Nghiên cứu đối tượng trên toàn thế giới qua mạng của Đại học Monash, nước Úc, năm 2006 cũng cho thấy, 70% tin có các hiện tượng không giải thích được làm thay đổi cuộc đời của họ, thường là theo hướng tích cực; 80% tin có linh cảm và 50% tuyên bố đã từng gặp kiếp trước của chính mình.
Điều đáng quan tâm là các kết quả đó rất bền vững và không hề suy giảm theo thời gian, cho dù khoa học và công nghệ ngày càng phát triển, giúp con người khám phá nhiều các bí ẩn của tự nhiên. Người viết hoàn toàn tin rằng, nếu tiến hành thăm dò tại nước ta, tỉ lệ người dân tin những chuyện lạ như ma quỷ, linh hồn, ma quỷ… còn cao hơn rất nhiều.
Tỉ lệ 85% trong số 200 sinh viên y khoa năm thứ nhất tin có linh hồn mà người viết đã đưa ra trong kỳ 1 của loạt bài viết này là một dẫn chứng cụ thể. Đó là một điều khá kỳ lạ trên khía cạnh nhận thức, vì đã có lúc người ta tin rằng, khoa học càng phát triển thì sự mê tín càng suy giảm; trong khi các số liệu thu thập được không cho thấy sự suy giảm như vậy. Vậy đâu là căn nguyên của nghịch lý đó?
Lời giải thích dựa trên thuyết Tiến Hóa của Darwin
Đứng trước các con số mang đầy tính nghịch lý nói trên, các nhà khoa học đã cố gắng đi tìm lời giải đáp. Và như mọi vấn đề khác liên quan với bản chất sinh học và xã hội của con người, ngay cả ở đây, thuyết Tiến Hóa của Darwin, một trong một vài lý thuyết có ảnh hưởng nhất tới tư duy nhân loại, cũng có thể đưa ra lời giải đáp thỏa đáng.
Nói một cách ngắn gọn, lý thuyết Tiến Hóa khẳng định khả năng sinh tồn của những đặc tính và những cá thể sinh học phù hợp nhất với môi trường sống. Nói một cách nôm na, theo Darwin, cái gì phù hợp thì tồn tại; và cái tồn tại là cái phù hợp nhất (với môi trường sống; ở con người là môi trường tự nhiên và môi trường xã hội).
Áp dụng cho bài toán ngoại cảm và tâm linh, các nhà khoa học cho rằng, niềm tin vào sự huyền bí là bản năng sinh học của con người. Theo Shermer, người giữ chuyên trang Nghi ngờ (Skeptic) của nguyệt san Người Mỹ khoa học (Scientific American), do tự nhiên quá phức tạp so với hiểu biết của loài người nên chúng ta có thể mắc sai lầm khi giải đoán hiện thực.
Có hai loại sai lầm: dương tính giả và âm tính giả. Dương tính giả là tưởng một vật hoặc một sự biến có thật trong khi thực tế không có, chẳng hạn tưởng có ma xó ẩn nấp trong nhà. Còn âm tính giả thì tưởng vật hoặc sự kiện không có trong khi nó có thật, nên chúng ta cứ hiên ngang đi qua bụi cây có sư tử đang rình mồi!
Trên quan điểm sinh tồn, hệ lụy của hai loại sai lầm đó hoàn toàn khác nhau: Trong khi những người mắc sai lầm dương tính giả sống sót mà chỉ phải chịu “tác dụng phụ” là trong đầu đầy những quan niệm siêu hình về thánh thần, ma quỷ hoặc các thế lực siêu nhiên khác, tức sự mê tín; thì những người thuộc nhóm sai lầm âm tính giả phải trả giá bằng chính mạng sống của mình: họ bị thú dữ ăn thịt!
Và chúng ta là hậu duệ của những người sống sót, với sự say mê những điều huyền diệu đã lặn sâu vào gien để trở thành bản chất sinh học. Nói cách khác, mê tín là một đặc tính di truyền có chức năng sinh tồn do được chọn lọc tự nhiên khuyến khích.
Nhà thiên văn Carl Sagan tin rằng ma quỷ cũng
không đáng sợ bằng các sợ hãi không tên
Nhiều nhà khoa học đồng ý với cách nhìn nhận này. Chẳng hạn trong cuốn Vũ trụ nghệ thuật (The Artful Universe), do Đại học Oxford lừng danh xuất bản từ 1995, nhà vật lý và thiên văn người Anh Barrow cũng cho rằng người nguyên thủy xưa không thể biết có ma quỷ hay không.
Vậy tốt nhất hãy cứ thừa nhận nó có thật và tổ chức thờ cúng. Đó là một việc tuy mất khá nhiều tâm sức nhưng cũng còn hơn trường hợp ngược lại: Nếu không tin mà nó có thật thì nguy to! Theo Barrow, đó là căn nguyên sinh tồn của sự mê tín.
Còn theo cố thiên văn gia Carl Sagan thuộc Đại học Cornell (Mỹ), cha đẻ chương trình tìm kiếm các nền văn minh trong vũ trụ SETI, trong cuốn Thế giới quỷ ám - Khoa học như ngọn nến trong bóng tối, năm 1996, thì ngay cả ma quỷ cũng không đáng sợ bằng nỗi những sợ hãi không tên; do đó người ta cứ thích tin vào ma quỷ.
Hai nhà tâm lý Singer và Benassi thì cho rằng, việc thừa nhận thế giới huyền bí giúp con người có cảm giác làm chủ số phận tốt hơn. Bằng cách đó họ giảm được sự bất định của cuộc sống, ít nhất trong tâm tưởng. Vì thế khi có một “lý thuyết” giản đơn cho phép biết trước tương lai vốn không thể biết trước, chúng ta có xu hướng tin theo một cách không phê phán.
Đó chính là nhu cầu quy hoạch trong một vũ trụ vốn không thể quy hoạch, một nhu cầu rất con người và rất chính đáng! Do đó, chúng ta tin vào tử vi, chiêm tinh, xem chỉ tay, tướng số… mà không hề băn khoăn xem chúng có đúng hay không. Các kết luận đó được đưa ra sau một nghiên cứu năm 1981, khi hai ông bố trí một nhà ảo thuật trình diễn trước hai nhóm sinh viên tâm lý đại cương.
Một nhóm được thông báo trước rằng, đó là một nhà tâm linh có các khả năng “kỳ diệu” như nhìn cong thìa hoặc làm đồ vật biến mất; trong khi nhóm còn lại biết trước rằng, đó chỉ là sự khéo tay. Sau buổi trình diễn, hai phần ba số sinh viên thuộc nhóm thứ nhất tin rằng, đó chính là khả năng tâm linh huyền diệu.
Tuy nhiên, hai nhà khoa học rất ngạc nhiên khi thấy, hơn một nửa số sinh viên thuộc nhóm thứ hai, dù biết trước đó chỉ là ảo thuật, vẫn khẳng định rằng, đó không phải là ảo thuật, mà là “tâm linh”! Cũng có người cho rằng, do khoa học hiện hành không thể lý giải mọi hiện tượng tự nhiên, nên nhiều hiện tượng lạ như ngoại cảm hoặc cũng có thể nằm ngoài sự giải thích của con người đương đại.
Người viết bài này thì cho rằng, ngoài các lý do kể trên, nguyên nhân chủ yếu của niềm tin vào sự huyền bí nằm ở bí ẩn của bộ não, cấu trúc phức tạp nhất tự nhiên. Bộ não phức tạp đến mức, số khả năng kết mạng của các tế bào thần kinh - yếu tố quyết định khả năng tư duy và nhận thức - lớn hơn tổng số hạt cơ bản có trong toàn vũ trụ.
Nhà tâm lý Susan Blackmore cho rằng,
chúng ta luôn tin ngoại cảm một cách mù quáng
Tại sao? Đó là do trước những bí ẩn của tự nhiên, người vô thần thường cố gắng tự đi tìm câu trả lời, có thể đến mất ăn mất ngủ. Trong khi đó người hữu thần chỉ cần cả quyết “Trời sinh ra thế” là có thể ăn no ngủ kỹ! Do đó họ khỏe hơn, săn bắt thú giỏi hơn và có thể nuôi vợ con tốt hơn. Kết quả là hệ gien của họ có khả năng di truyền xuyên thế hệ tốt hơn. Và đa số chúng ta là con cháu của những người chiến thắng (trong cuộc đấu tranh sinh tồn) đó.
Cũng không nên quên nhu cầu giải trí của công chúng và sức ép đối với giới truyền thông. “Bạch tuộc Paul không có khả năng tiên tri” không phải là tin (vì đó là sự thật hiển nhiên); nhưng “Bạch tuộc Paul dự báo đội tuyển bóng đá Tây Ban Nha vô địch thế giới” thì đích thị là một tin mà tuyệt đại đa số chúng ta đều muốn nghe!
Chúng ta ai chẳng thích xem cảnh ảo thuật gia lừng danh David Copperfield bay lượn trong không trung hơn cảnh một vị giáo sư khẳng định, điều đó trái với quy luật tự nhiên? Vì thế khi các nhà khoa học Mỹ lập một kênh truyền hình để giải thích các hiện tượng lạ bằng khoa học vào năm 1988, chỉ sau ba buổi phát sóng, họ phải đóng kênh do không có người xem.
Trong khi đó, hàng chục kênh chuyên kể chuyện lạ thì phát sóng năm này qua năm khác mà không bao giờ sợ thiếu người xem! Một số đài truyền hình nước ngoài đã tới Việt Nam để làm phóng sự về ngoại cảm tìm mộ chính là vì vậy. Đó không hề là sự bảo chứng cho Phan Thị Bích Hằng và các nhà ngoại cảm nổi tiếng (và tai tiếng) khác tại nước ta!
Chính vì vậy, sau gần nửa thế kỷ nghiên cứu xuất hồn và các hiện tượng dị thường khác (do đã từng xuất hồn khi còn trẻ), nhà nữ tâm lý học Susan Blackmore đã phải đưa ra một định luật vào năm 2004: “Niềm tin vào các hiện tượng dị thường của con người lớn hơn mọi chứng cớ phản bác”! Đó chính là định luật Blackmore thứ nhất lừng danh trong lĩnh vực dị thường học.
Để kết thúc, người viết xin nhấn mạnh rằng, trong số các hiện tượng dị thường, niềm tin vào linh hồn bất tử bao giờ cũng có tỉ lệ cao nhất, lên tới khoảng 80 - 90%. Điều đó thực ra rất dễ hiểu trên quan điểm tiến hóa. Bản năng sống là bản năng cao nhất của mọi đối tượng sinh học, trong đó có con người.
Cho nên nỗi sợ hãi lớn nhất của con người chính là nỗi sợ hãi trước cái chết. Và do đó linh hồn bất tử cũng chính là niềm an ủi lớn nhất và là chỗ dựa cuối cùng giúp chúng ta chống chọi với nỗi sợ hãi khủng khiếp đó. Khi lớn tiếng tuyên bố có thể tìm thấy hài cốt bằng cách gọi hồn liệt sỹ, Phan Thị Bích Hằng và giới “nhà ngoại cảm” tinh ranh đã đánh trúng hai điểm yếu lớn nhất trong mỗi chúng ta: chỗ dựa cuối cùng để chống chọi với cái chết và nỗi tuyệt vọng khi không còn khả năng tìm kiếm người thân.
Với cách nhìn nhận như vậy, niềm tin vào cái gọi là “ngoại cảm tìm mộ” trở nên rất dễ hiểu và cần được thông cảm. Sau hai cuộc kháng chiến vĩ đại và bi tráng của dân tộc, hiện chúng ta còn khoảng 200.000 hài cốt liệt sỹ chưa xác định được danh tính và khoảng 300.000 hài cốt cần tìm kiếm.
Chính vì vậy người viết cho rằng, có lẽ “ngoại cảm tìm mộ” chính là liều thuốc phiện, tuy có thể giảm đau tức thời nhưng vô cùng độc hại về lâu về dài, cho nỗi đau vốn chưa có thể hóa giải đó. Vậy chúng ta có thể kiểm tra một “nhà ngoại cảm” như thế nào trước khi nhờ tìm mộ? Mời các bạn đón đọc kỳ cuối!
Tiến sĩ, Đại tá quân đội Đỗ Kiên Cường
http://saobongda.vn/Ky-an/Ky-3-Nha-ngoai-cam-Phan-Thi-Bich-Hang-da-lua-gat-nhu-the-nao.aspx
Thứ bảy, 22/06/2013 09:11 CH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét