Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

3 tháng xử xong 10 vụ đại tham nhũng làm liều

Đọc những bài chém gió gần đây, thấy rất mừng và hy vọng đất nước sẽ sớm có những thay đổi lớn theo hướng tích cực. Cách đây 5 năm, 10 năm, trong số những người có chức có quyền, có ai dám nói những lời như bác Đương nói dưới đây đâu; báo chí lề phải có bao giờ dám đăng những lời đanh thép này đâu. Vì những lời này phê phán thẳng thừng như "Xin đừng vay tiền để nuôi… tham nhũng!", “Nhà văn, nhà báo, giám đốc thì phong tướng làm gì ?", "Sao cứ phải nâng bội chi ngân sách?", Nâng trần bội chi và tồn kho thể chế", "Vì sao lòng dân chưa an", "Đừng đẩy đất nước đến nguy cơ vỡ nợ" mà mình vừa lưu chỉ trong 2 ngày qua đã nhằm trực diện vào những người vừa yêu cầu Quốc hội cho phép vay nợ thêm để tiếp tục nuôi bộ máy tham nhũng, phá hoại đất nước trong giai đoạn hiện nay và đời con cháu các thế hệ tiếp sau, vào những người vừa lên tiếng khẳng định phong nhiều tướng giữa thời bình là cần thiết...
Chúng không phải là "tham nhũng làm liều" như trong thập kỷ 90, mà trong chục năm gần đây đã và đang thản nhiên tham nhũng, chẳng sợ bất cứ cái gì, từ luật pháp, đạo đức đến tâm linh, coi như tham nhũng là quyền đương nhiên của chúng. Khi đã không còn biết sợ thì còn điều thất đức gì chúng chẳng không dám làm. 
Khi lòng dân đã vô cùng căm phẫn, cộng thêm sự ủng hộ của một bộ phận tinh hoa trong đám có chức, có quyền, thì đất nước có thể có những thay đổi đầy bất ngờ. Thực tiễn khủng hoảng 1985 đã chứng minh điều đó: Sự sục sôi của dân chúng và nhận thức lại của một bộ phận tinh hoa, có quyền lực trong bộ máy (đứng đầu là Tổng Bí thư Trường Chinh) đã dẫn tới cuộc đổi mới lần thứ nhất. Dân đang trông chờ cuộc đổi mới lần thứ hai chắc chắn sẽ phải sâu sắc hơn rất nhiều.
Về 10 đại án tham nhũng, ĐBQH Đỗ Văn Đương: “Phải tay tôi, 3 tháng là xử xong”

Đại biểu Đỗ Văn Đương

Tuần này, Quốc hội sẽ thảo luận về báo cáo phòng, chống tội phạm của các cơ quan tư pháp với điểm nhấn là 10 vụ “đại án tham nhũng”. Lao Động trao đổi với Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của QH - ông Đỗ Văn Đương.
Có cả tình trạng “bán hình phạt”
Thưa ông, có thể giải thích thế nào về tình trạng các vụ án tham nhũng kéo dài quá lâu, vì tế nhị hay do án tham nhũng thường phức tạp?

Vụ án nào cũng phải có giới hạn của nó, thời hạn điều tra luật đã quy định. Đối với vụ án ít nghiêm trọng là 4 tháng, đặc biệt nghiêm trọng là 16 tháng, nếu gia hạn nữa là khoảng 24 tháng. Trong hơn 2 năm là phải kết thúc.

Nếu cứ khởi tố, điều tra rồi để đấy, thỉnh thoảng lại giở ra, nay đi xác minh một chút, mai đi điều tra một chút thì thời gian cứ thế dài ra. Các cụ nói “để lâu cứt trâu hóa bùn”, khi dư luận bớt bức xúc rồi thì dễ dàng chuyển tội danh, ví dụ từ tham ô chuyển sang cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm... Những hình phạt cho các tội này rất nhẹ; còn nếu tham ô, hối lộ thì hình phạt lên tới tử hình.

Như vậy là người dân đã nói đúng về tình trạng “đầu voi đuôi chuột” của các vụ án tham nhũng?

Chính xác, người dân phản ánh đúng. Chúng tôi là những người chuyên môn trong cuộc cũng thấy đúng như vậy. Lúc đầu khởi tố điều tra bằng tội đặc biệt nghiêm trọng, tội tham ô, hối lộ, nhưng trong quá trình xử lý vụ án lại mượn những quy định pháp luật chưa rõ ràng để chuyển tội danh nhẹ hơn như thiếu trách nhiệm, cố ý làm trái... để được áp dụng  hình phạt rất nhẹ. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “đầu voi đuôi chuột”.

Ông có thấy đang xảy ra mâu thuẫn giữa quyết tâm xử lý tham nhũng của Đảng, Nhà nước với thực tế xét xử?

Có mâu thuẫn, mâu thuẫn không chỉ với cả đường lối chính sách của Đảng ta, mà còn mâu thuẫn với chính các quy định của pháp luật. Pháp luật quy định khi xét thấy cần thiết thì được hưởng án ''treo'', nhưng giờ dư luận bức xúc như thế, nhân dân bức xúc như thế, Đảng, Nhà nước có nhiều nghị quyết như thế mà anh lại bảo cho hưởng án ''treo'', có phải là mâu thuẫn không? Như vậy là tổ chức thực thi của Nhà nước không nghiêm.

Phải nói thẳng, trong cơ chế thị trường, bản thân cán bộ, nhân viên tư pháp cũng có tiêu cực, cũng dựa vào án để sống. Bây giờ đặt vấn đề là có việc “bán hình phạt” không? Có vấn đề lợi dụng quyền lực tư pháp nhà nước để tham nhũng không? Có chứ. Tôi giao anh quyền tư pháp, quyền thực thi công lý, anh lại bán công lý đi để lấy tiền thì mới thành ra thế.

Chỗ nào có nhiều tiền, nhiều quyền lực thì dễ bán, mà như thế thì rất nguy hiểm. Người dân không tin pháp luật nữa, không tin vào đường lối chính sách của Đảng. Không phải đường lối chính sách của Đảng sai, mà trong quá trình thực hiện cứ rơi vãi dần dần, biến thành con số không, làm cho dân mất niềm tin, hết sức nguy hiểm.

“Đánh” tham nhũng mới chỉ mơn man

Liệu có sự mà người dân gọi là “tế nhị” trong các vụ án tham nhũng, thưa ông?

Dân nói đúng. Thông thường người có chức, có quyền thường gắn bó với người ở trên nữa; vì người ở trên mới bổ nhiệm được người ở dưới. Thực sự có điều gì đó như bảo vệ, bao che, nương nhẹ.

Trong nhiều vụ án, tôi thấy chủ yếu xử những người ở cuối “dây” thôi, như thủ quỹ, kế toán, trong khi trong vụ ấy phải đưa hiệu trưởng, giám đốc ra xử lý, hoặc đưa chủ tịch ủy ban ra mà xử lý thì mới đúng, vì ông ấy mới là người quyết định; thế nhưng ở đây lại cứ đưa ra xử cho xong, nên không đáp ứng được yêu cầu.

Như tôi đã nói nhiều lần, “đánh” tham nhũng mới chỉ mơn man, “đánh” bên ngoài. Tham nhũng phải đánh vào những người có chức có quyền, và phải “đánh” vào những người có chức, có quyền cao. Chính sách của Đảng là phải “đánh” vào chủ mưu, cầm đầu.

Trong những vụ việc như mua tàu Hoa Sen, ụ nổi..., một cá nhân khó có thể tham nhũng được. Thế nhưng những vụ án tham nhũng, khi xử thường cắt đoạn ở  một vài cá nhân, vì sao lại như vậy, thưa ông?

Vì thế như tôi đã nói, phải truy đến cùng người có quyền quyết định. Bởi làm sao có thể tham nhũng được một cái lớn như thế, có phải cái kim, sợi chỉ đâu mà là rất nhiều tiền. Phải có sự kiểm soát rất chặt chẽ của các cơ quan chức năng khi nhập khẩu những tài sản như vậy. Việc truy cứu đến cùng là rất cần thiết, nhưng hiện nay thực sự để làm việc đó là không dễ.

Phải tập trung vào khối tiêu tiền nhà nước

Ông nói 10 đại án tham nhũng, nếu vào tay ông 3 tháng là xong, ông sẽ làm thế nào?

Ba tháng là xong là vì các vụ án này đã kéo dài 3-4 năm. Nếu tôi làm, hành vi rõ đến đâu, xử đến đó, không “hầm bà lằng” tất cả các loại hành vi vào rồi để kéo dài vài năm, vì cứ bảo nhiều hành vi, nhiều người, cuối cùng chả cái gì kết thúc được cả. Giống như xây dựng, phải làm từng công đoạn. Kinh nghiệm trước đây tôi chỉ đạo vụ án, những trường hợp nào rõ thì đem ra xử trước, chứ không thể chờ kết thúc một cục mới mang ra xử.

Cùng đó là phải kịp thời phát hiện, phong tỏa, thu hồi tài sản. Hiện tỉ lệ thu hồi rất thấp. Thanh tra phát hiện 9.000 tỉ đồng, nhưng thu hồi chưa được 10%, hỏi còn 90% kia đi đâu, chắc chắn là vào túi cá nhân. Vào túi cá nhân rồi, phải móc ra chứ. Người ta đánh bạc vài triệu đồng bằng tiền túi thì xử phạt 6-7 tháng tù, không cho hưởng án ''treo'', trong khi tham nhũng là tiền của ngân sách nhà nước, tiền thuế của người dân, đấy thực sự là tội ác.

Tôi cho rằng nếu ta không mạnh mẽ tử hình đối với loại tội này thì tính răn đe không cao. Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, ta xử lý rất nhiều trường hợp, răn đe rất lớn. Bây giờ cứ chuyển tội danh, tránh tử hình, tù chung thân, đi vài năm rồi được giảm án, đặc xá.

Theo tôi, trong năm 2014 phải kết thúc 10 vụ. Mà 10 là quá ít, phải xem lại các vụ có dấu hiệu sai phạm lớn về kinh tế, thất thoát hàng trăm tỉ.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Đào Tuấn
Lao Động

2 nhận xét:

  1. Có vẻ như Ông nghị Đương này không thể làm lãnh đạo được. Xử thế nào được khi đến BCT còn chưa làm nổi. Bộ ông muốn chết hả?

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn bác. Ông nghị Đương là bác nhỏ, nhưng nhiều bác nhỏ gộp lại thành một bác lớn. Nhưng đến cả những vị như Chủ tịch Sang, Phó Chủ tịch Doan, trước còn bảo xã hội ta vạn lần dân chủ... giờ cũng thấy bức xúc lắm rồi. Rồi một số vị TW khác, mới nhất là chị Quyết Tâm chủ tịch Sài Gòn. Nghe họ nói thì tin chắc là họ đều không muốn chết, và muốn thay đổi để không phải chết cả lũ nếu cứ duy trì như cách làm hiện nay.
    Xem vài bài mới lưu để giải thích cho bác:
    SÀI GÒN XUẤT HIỆN BÀ QUYẾT TÂM
    Bà Quyết Tâm: Lòng dân chưa an
    http://toithichdoc.blogspot.ch/2013/10/vi-sao-long-dan-chua-an.html

    Trả lờiXóa