Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

Video thăm nghĩa trang Mai Dịch Hà Nội

Thăm nghĩa trang Mai Dịch Hà Nội
Nghĩa trang Mai Dịch được xây dựng năm 1956 cạnh đường Quốc lộ 32 từ Hà Nội đi Sơn Tây thuộc địa phận phường Mai Dịch quận Cầu Giấy Hà Nội với tổng diện tích là 59.053 m2. Đây là một nghĩa trang liệt sĩ, là nơi an nghỉ dành cho những nhân vật có đóng góp to lớn cho đất nước: các ủy viên trung ương Đảng trở lên; các nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà văn, nhà thơ được giải thưởng Hồ Chí Minh; các tướng lĩnh xuất sắc; anh hùng lực lượng vũ trang v.v... Không nằm ngoài tình trạng chung của các nghĩa trang trên địa bàn Hà Nội hiện nay, nghĩa trang Mai Dịch sẽ bị lấp đầy và phải đóng cửa trong một vài năm tới.


Xem video sẽ thấy giữa mộ ông Hoàng Quốc Việt và ông Lê Văn Lương, có một ô mộ còn trống chưa sử dụng. Người quay video không nói song có thể đoán ô đấy được chuẩn bị sẵn cho ai ?


Nghĩa trang Mai Dịch nằm trên tuyến đường Hồ Tùng Mậu nối quốc lộ 32 đi thị xã Sơn Tây là nơi an nghỉ của những người có đóng góp lớn cho đất nước trong thời kỳ sau cách mạng tháng 8. 

Nghĩa trang tập trung các nhân vật từng là ủy viên trung ương Đảng trở lên, các nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà văn, nhà thơ được giải thưởng Hồ Chí Minh, các tướng lĩnh xuất sắc, anh hùng lực lượng vũ trang v.v... Những năm qua, các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước sau khi từ trần phần lớn đều được an táng tại đây. 

Bên trong, các dãy mộ được xây thẳng hàng, lát đá sạch đẹp, có người quét dọn trông nom hàng ngày.

Nằm ở chính giữa trung tâm của nghĩa trang là hai hàng mộ dành cho các lãnh đạo Đảng và nhà nước các đời như Tổng bí thư Lê Duẩn, Tổng bí thư Trường Chinh...

...chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng... và nhiều lãnh đạo cấp cao khác.

Trên mỗi lư hương của các nhà cách mạng đều được gắn ngôi sao vàng quyết thắng.

Cách đó chỉ vài chục mét là hàng mộ của các nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà văn, thơ được giải thưởng Hồ Chí Minh.

Vào thăm nghĩa trang, người dân sẽ có cảm giác như vào
một công viên nhiều cây cỏ và hoa, mát mẻ, thanh bình.

Mộ của nhà thơ Huy Cận nằm ngay gần lối đi tại hướng Đông Bắc của nghĩa trang.

Nhiều ngôi mộ được trang trí cầu kỳ.

Bia mộ thậm chí được khắc ảnh nổi.

Mộ thường rộng hơn 2 mét, dài gần 3 mét, có thảm cỏ xanh đặt chính giữa.

Ngoài ra, nghĩa trang còn có những khu riêng biệt dành cho các liệt sĩ vô danh an nghỉ.

Tượng đài liệt sĩ tại trung tâm nghĩa trang.

Theo Quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, trước 2015 Hà Nội sẽ từng bước đóng cửa 6 nghĩa trang Yên Kỳ 1, Sài Đồng, Mai Dịch 1, Hà Đông, Xuân Đỉnh, riêng Văn Điển đã đóng cửa hung táng từ tháng 7/2010. 

Để thay thế cho nghĩa trang Mai Dịch đã chật hẹp, mới đây Bộ Xây dựng đã đề xuất một số vị trí để Chính phủ xem xét xây dựng nhà tang lễ quốc gia mới, như địa điểm thuộc xã Tây Mỗ (Từ Liêm) và xã Song Phương (Hoài Đức), rộng khoảng 5,5 hecta ở phía bắc đại lộ Thăng Long, theo tuyến kết nối nghĩa trang tại xã Yên Trung. Theo quy hoạch chung xây dựng thủ đô, địa điểm ở xã Song Phương nằm trong khu vực đất cây xanh. Đây cũng là nơi mà Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng phù hợp nhất để xây dựng Nhà tang lễ quốc gia.

Theo giai đoạn quy hoạch dự báo nhu cầu phát triển nhà tang lễ xây mới đến năm 2020 là 32 nhà tang lễ, năm 2030 là 38 nhà tang lễ và đến năm 2050 là 44 nhà tang lễ.Dự toán kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống nghĩa trang, nhà tang lễ các giai đoạn là hơn hơn 29.715 tỷ đồng.

Nam Khánh
Theo Tri Thức

*********

Một số người nổi tiếng được chôn cất tại đây:



6 nhận xét:

  1. Mình thấy rất đẹp, hoành tráng nhưng cho rằng Đài Liệt sĩ chưa xứng với tầm vóc Nghĩa trang và khó hiểu nơi dành cho các liệt sĩ vô danh.

    Trả lờiXóa
  2. Nghĩa trang Mai Dịch được xây dựng từ năm 1956 nên lúc đầu chỉ có vậy thôi. Sau này có nhiều ý kiến chuyển đi nơi khác, rồi sau đó làm Đài tưởng niệm Bắc Sơn, các bác lãnh đạo không phải xuống Mai Dịch làm lễ mỗi dịp họp hành nữa, mà làm ở Bắc Sơn, nên không có nhu cầu làm hoành tráng cả Đài liệt sĩ lẫn Nghĩa Trang.

    Có các liệt sĩ vô danh và có danh (như họa sĩ Tô Ngọc Vân) ở đó vì năm 1956 Mai Dịch chỉ là một nghĩa trang liệt sĩ của huyện Từ Liêm (Hà Nội), hồi đó các bác nhà ta đều trẻ, đã ai nghĩ tới chết đâu mà cần làm ngay 1 nghĩa trang hoành tráng. Sau đó vài năm mới có bác to chức chết, mới đặt vấn đề chuyển thành nghĩa trang dành cho lãnh đạo cấp cao và các đối tượng có nhiều công trạng đặc biệt.

    Bác Tô Ngọc Thanh khi kể về cái chết của Bố, họa sĩ Tô Ngọc Vân, đã viết:

    "Cuộc đời người cha - họa sĩ tài danh Tô Ngọc Vân và ông đã hy sinh ngay sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ vừa kết thúc, không còn bao lâu nữa là miền Bắc hoàn toàn giải phóng.

    Hôm ấy ở Bắc Giang, tôi đang chuẩn bị hành trang để vượt đường 39 vào địch hậu hoạt động - GS Tô Ngọc Thanh kể - thì nhận được tin cha tôi bị trúng bom trên đèo Lũng Lô, Yên Bái. Đó là trưa 17/6/1954. Do một toán dân công sơ ý đun nấu để lộ khói, một đàn gồm 6 chiếc "Bê Vanh-xít" và 12 "Hen-cát" quần thảo, giội bom hủy diệt. 139 dân công hỏa tuyến chết tại chỗ, sau chôn chung một hố. Cha tôi đang ngồi vẽ trong một ngôi nhà người Tày ở lưng đồi thì bị một tảng đá lớn do bom nổ dưới suối văng lên đập trúng người, các ký họa bay tung tóe xung quanh.

    Có một chuyện đáng buồn lúc đó, có hai người đồng nghiệp cùng đi, có lẽ do quá hoảng mà lặn mất tăm, chính người chủ nhà ngồi mẫu cho cha tôi vẽ đã lo liệu việc chôn cất riêng một nơi bên bờ suối.

    Tôi ngày đêm đạp trên chiếc xe Lincon từ Bắc Giang về đến nơi thì đã qua hơn mười ngày rồi. Không thể để mộ bên bờ suối, đến mùa lũ sẽ bị cuốn trôi, vả lại lúc đó tôi vẫn bán tín bán nghi về cái chết của cha. Cha tôi là con trưởng dòng họ Tô ở làng Xuân Cầu (Văn Giang, Hưng Yên) cần nhận diện thi hài cho chính xác. Khi khâm liệm trong tôi cảm nhận một nỗi đau thương vô hạn, sự căm thù lũ giặc xâm lăng đến xương tủy. Tôi bọc Người trong tấm vải dù chiến lợi phẩm, còn chẻ tre nẹp xung quanh, rồi vác lên đỉnh đồi, táng vào một đống mối. Một năm sau, Hội Văn nghệ cho chiếc xe tải Molotova lên bốc mộ đưa về chôn ở một nghĩa trang nhỏ ven nội, chỗ nhà máy Cao-xà-lá bây giờ.

    Đến năm sau nữa ở đấy chuẩn bị khởi công khu công nghiệp, mộ cha tôi lại chuyển về nghĩa trang Mai Dịch. Lúc đó Mai Dịch chỉ là một nghĩa trang liệt sĩ của huyện Từ Liêm (Hà Nội), cha tôi nằm cạnh các liệt sĩ vô danh.

    Cha tôi mất ở tuổi 49 giữa lúc tài năng đang độ chín. Cái số cha tôi vất vả thế đấy, trong 3 năm phải bốn lần di dời mộ! Mới rồi, lãnh đạo tỉnh Yên Bái có yêu cầu tôi chỉ cho chỗ đã chôn cụ trên đỉnh đồi Lũng Lô để sẽ xây ở đấy một tấm bia tưởng niệm"

    Nguồn: http://ca.cand.com.vn/News/PrintView.aspx?ID=75874

    Trả lờiXóa
  3. GS Tô Ngọc Thanh: Tôi đau đớn đào mộ lên, nhận diện đúng cha mình và lấy tấm vải dù chiến lợi phẩm bọc cả thi thể lại, còn chẻ cây tre làm nhiều nẹp buộc xung quanh cho cứng. Tôi sức vóc nhỏ, vậy mà lúc đó nỗi thương cha vô hạn đã cho tôi sức mạnh vác cha chạy một mạch từ suối lên đỉnh đồi, âm thầm táng Người vào một đống mối đùn.

    Một năm sau, Hội Văn nghệ kháng chiến cho chuyến xe tải Molotova lên Lũng Lô bốc mộ cha tôi đưa về Hà Nội, chôn tại một nghĩa trang cạnh đường đi Hà Đông, chỗ gọi là Cao-Xà-Lá bây giờ.

    An táng chưa được lâu, người ta dọn mặt bằng xây nhà máy, hài cốt cha tôi lại chuyển lên nghĩa trang Mai Dịch thuộc huyện Từ Liêm. Lúc đó nơi này chỉ là một nghĩa trang nhỏ của địa phương, cha tôi nằm cạnh các liệt sĩ vô danh. Một thời gian sau đó Mai Dịch xây mới thành nghĩa trang quốc gia, mộ cha tôi lại đặt ở chỗ khác trong khu cho hợp với quy hoạch.

    http://diendan.lyhocdongphuong.org.vn/bai-viet/12558-tam-linh-mot-coi/

    Trả lờiXóa
  4. Không có ông lớn mả nhưng có mả ông lớn. Nhưng mả cũng chỉ là mả thôi mà! người viết ới tưởng ông lê đức thọ (xin lỗi không cần viết hoa) không ở đây à? Tôi muốn chạy huân chương độc lập hạng nhất để vào đây có đc o? bao nhiêu tỷ? tôi từ trước đến nay chỉ làm ruông và nuôi vịt thôi, chưa già lắm nhưng khi chết cũng muốn vào đây, quan trong là vào đây không sợ trẻ con căn trâu ỉa lên mộ. Đơn giản thế thôi, chào thân ái và quyết thắng!

    Trả lờiXóa
  5. Đối với người sống thì hô hào: "KHÔNG PHÂN BIỆT GIAI CẤP".
    Vậy mà đối người chết thì lại cố làm sao để chứng tỏ đẳng cấp siêu phàm của họ, tách hẳn họ khỏi đám dân đen khố rách áo ôm, đặt họ lên địa vị ngất ngưởng, ngay trong cõi chết.
    Hay thật là hay!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

      Xóa