Bộ trưởng Bộ GD&ĐT:
"Tôi coi đổi mới giáo dục lần này là trận đánh lớn"
(GDVN) - "Bước vào trận đánh, từ tướng lĩnh đến binh lính phải quyết tâm, tin vào chiến thắng, sẵn sàng trả giá. Tôi coi thực hiện để án đổi mới giáo dục lần này là một trận đánh lớn", Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Thi cử đã trở thành nỗi ám ảnh đầy
sợ hãi không chỉ của thế hệ trẻ mà là của cả xã hội. Ảnh:Hoàng Thuỳ
- Để có một hình dung ngắn gọn về những hạn chế của giáo dục hiện nay, ông nói gì về 3 việc: dạy, học và thi cử?
- Trong thời gian qua, ngành Giáo dục đã có nhiều cố gắng đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhưng so với đòi hỏi thì còn nhiều bức xúc mà ngành phải giải quyết. Nhìn thẳng vào một số hạn chế của ngành, có thể nói gọn như thế này: Việc dạy - kiến thức nhiều, kỹ năng ít; Việc học - Thầy dạy gì, trò học nấy; Thi - Đó là cuộc chạy đua căng thẳng với số phận chứ không phải là kiểm tra chất lượng. Thi cử đã trở thành nỗi ám ảnh đầy sợ hãi không chỉ của thế hệ trẻ mà là của cả xã hội. Tôi nói điều này để thấy, đổi mới giáo dục là cấp bách.
- Vậy Bộ trưởng sẽ chọn khâu nào để bắt đầu cải cách?
- Đề án này không phải là cải cách mà là Đổi mới giáo dục. Tôi không quá nghiêng về câu chữ nhưng thực tế chúng ta cần một cuộc đổi mới toàn diện và căn bản. Trở lại với câu hỏi về điểm bắt đầu. Tôi chọn việc đào tạo giáo viên bởi đó chính là "máy cái" để tạo ra các sản phẩm. Hiện nay, người thầy là trung tâm của quá trình giáo dục; kiến thức người thầy cung cấp cho học sinh luôn luôn là “chân lý tuyệt đối đúng”. Học sinh ở vị trí bị động của người tiếp nhận tri thức, cố nhớ thật nhiều để khi thi thì viết hoặc nói lại cho thầy chấm. Nhiều học sinh thiếu kỹ năng vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Phương thức giáo dục mới tới đây sẽ thay đổi căn bản điều này: Thầy giáo không chỉ là người truyền thụ kiến thức, mà nhiệm vụ chính sẽ là tổ chức, hướng dẫn học sinh tự học, tự khai thác kiến thức, vận dụng kiến thức để hình thành năng lực và phẩm chất của mình.
- Tại sao điểm bắt đầu là giáo viên mà không phải nội dung chương trình dạy và học?
- Đúng, xét trong cả quá trình đổi mới giáo dục, chương trình và nội dung giáo dục phải là điểm khởi phát. Nhưng tôi không đề cập vấn đề này ở đây, vì từ nhiều năm qua Bộ đã chuẩn bị khá công phu việc này. Chúng tôi đã tìm hiểu khoảng 40 chương trình của các nước để tham khảo những tinh hoa của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, đánh giá lại một cách nghiêm túc chương trình và nội dung giáo dục hiện nay của nước ta. Trên cơ sở đó, một bộ khung chương trình đã được định hình và đang hoàn thiện. Tôi có thể tóm tắt như sau:
Chương trình học đang bị quá tải. Việc có môn khoa học nào thì trong nhà trường có môn học ấy dẫn đến kiến thức của học sinh mang tính hàn lâm, nhiều kiến thức không gắn với cuộc sống.
Chương trình và nội dung sách giáo khoa mới sẽ thiết kế theo hướng tích hợp cao ở các lớp dưới và phân hóa mạnh ở các lớp trên. Các nội dung học không rập khuôn theo từng môn khoa học mà có sự lựa chọn, tích hợp cho phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh và thực tiễn đời sống.
Tổ chức lớp học cũng không phải thầy giảng cho cả lớp nghe như bây giờ. Học sinh của mỗi lớp sẽ được tổ chức thành nhóm. Mỗi nhóm được thầy, cô giao nhiệm vụ, hướng dẫn và tư vấn cách giải quyết, các em sẽ chủ động thảo luận, phân tích, tranh luận với nhau tìm ra phương án giải quyết vấn đề.
- Một số ý kiến mới đây đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp. Lý do nào khiến Bộ đưa ra kiến nghị bỏ kỳ thi đại học và giữ kỳ thi tốt nghiệp?
- Đến thời điểm này các phương án đổi mới thi cử mới chỉ là dự kiến. Đây là vấn đề lớn, liên quan đến hàng chục triệu người nên Bộ sẽ tiếp tục thảo luận kĩ và sẽ xin ý kiến rộng rãi trong xã hội trước khi quyết định. Tuy nhiên, tôi khẳng định, cách thi sẽ thay đổi vì hiện tại có quá nhiều bất cập. Mặc khác, khi thay đổi cách dạy, cách học mà không thay đổi cách thi là không ổn. Khi việc học chú trọng để phát triển năng lực thì phải đánh giá kĩ năng chứ không chỉ đánh giá kiến thức như hiện nay.
Tôi đã được gặp GS. Hoàng Tụy một số lần. Lần nào thầy cũng gửi gắm với tôi là phải thiết kế việc kiểm tra, đánh giá học sinh trong nhà trường như kiểm tra chất lượng trong nhà máy: sản xuất xong từng chi tiết của sản phẩm phải kiểm tra ngay, khi lắp ráp xong sẽ kiểm tra tổng thể, chứ không kiểm tra lại từng chi tiết.
Như vậy, phải đổi mới cả việc kiểm tra, đánh giá và thi một cách đồng bộ tổng thể. Việc thay đổi cả nội dung, phương pháp dạy, học đó đòi hỏi phải đào tạo lại, đào tạo mới và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Ở phần trên, tôi nói phải bắt đầu từ khâu giáo viên là vì vậy.
- Hình dung của ông về kết quả cuối cùng sau đổi mới là gì?
- Sau một vài niên học từ khi thực hiện đổi mới sẽ thấy kết quả rõ nét. Tuy nhiên, hồn cốt của chương trình thì không phải chờ đến 12 năm mới đổi mới. Ngoài lớp 1 học sách mới, các cháu học những lớp khác… cũng sẽ nhận được những thay đổi như: tiếp tục giảm tải nội dung, phương pháp dạy và học, vị trí của thầy và trò... Như vậy, cả hệ thống không phải chỉ một góc động, mà tất cả đều động theo những mức độ khác nhau.
Tôi hình dung công cuộc đổi mới lần này như một đoàn tàu khổng lồ đang chạy với hành khách là hơn 22 triệu thầy, cô giáo và học sinh, sinh viên. Không thể dừng lại để triển khai việc thay đổi, mà phải vừa chạy vừa điều chỉnh, tự đổi mới. Nếu tăng tốc đột ngột hay cua gấp thì dễ bị tai nạn. Những sự thay đổi phải được thực hiện theo một qui trình hợp lý để không gây sốc. Đó là cả một thách thức lớn.
- Đâu là điều lo lắng nhất nhất của ông khi thực hiện đề án này?
- Cái lo lắng nhất là làm sao tạo được sự đồng thuận - đó là yếu tố quan trọng đảm bảo thành công. Đề án này sẽ có hàng chục triệu người tham gia thực hiện. Chúng tôi rất cần sự chia sẻ, tin tưởng từ người dân, sự đồng lòng, quyết tâm của đội ngũ các thầy, cô giáo. Khi bước vào trận đánh, từ tướng lĩnh đến người lính đều phải có quyết tâm cao, có niềm tin chiến thắng và chấp nhận cả trả giá, hy sinh. Tôi hiểu, muốn được nhân dân tin tưởng thì toàn ngành giáo dục phải chứng minh được bằng hành động thực tế.
Nhưng cũng cần hiểu rằng, sự nghiệp đổi mới giáo dục cần có thời gian dài nhất định. Vì vậy, người làm giáo dục không thể tư duy theo nhiệm kỳ. Có những việc làm hôm nay thì các nhiệm kỳ sau mới có kết quả rõ ràng. Vì thế cần một sự ủng hộ và tham gia tích cực của toàn xã hội.
- Bộ trưởng nghĩ thế nào về việc đánh cược sinh mạng chính trị của mình cho thành công của đề án đổi mới giáo dục lần này?
- Tôi không có ý nghĩ gì về chuyện đánh cược. Những thuận lợi và khó khăn khi thực hiện đề án đã được lường trước; nên chúng tôi tự tin và chủ động khi thực hiện nhiệm vụ được giao phó. Đề án là một công trình trí tuệ tập thể. Tới đây, Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ thảo luận và ra nghị quyết về các nội dung của đề án. Đó là cơ sở cho niềm tin của chúng ta vào thắng lợi trong “trận đánh” lớn và quan trọng này.
Theo Vnexpress
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét