Lộ diện thêm doanh nghiệp Việt bị World Bank “cấm cửa”
(GDVN) - Nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa phát đi lệnh cấm thêm một số công ty tại Việt Nam do có hành vi lừa đảo. Các doanh nghiệp bị World Bank (WB) “cấm cửa” lần này bao gồm Hoa Long (Hòa Bình), Mien Tay Branch (Cần Thơ), Công ty TNHH nước Thuận Thành (Thuan Thanh Water - Bắc Ninh). Theo đó World Bank sẽ cấm các doanh nghiệp này trong 29 tháng và bắt đầu có hiệu lực từ 30/9/2013 đến 29/3/2016. Trong thời gian này, công ty trên và các công ty con sẽ bị coi là không đủ điều kiện tham gia bất kỳ hợp đồng nào do WB tài trợ.
Ngân hàng Thế giới "cấm cửa" thêm 3 doanh nghiệp Việt vì gian lận.
Trong thông cáo của World Bank nêu rõ:“Những trường hợp gian lận như thế này nằm trong một lĩnh vực điều tra quan trọng của Văn phòng Phó Chủ tịch phụ trách Liêm chính của Ngân hàng Thế giới. Chúng tôi điều tra các trường hợp gian lận để đảm bảo rằng độ tin cậy của hỗ trợ kỹ thuật do các dự án của chúng tôi cung cấp là một phần của giải pháp phát triển bền vững và hiệu quả”.Đáng chú ý cả 3 doanh nghiệp mới bị World Bank đưa ra lệnh cấm, đều là các đơn vị thành viên của Công ty CP Phát triển hạ tầng Thăng Long (Infra - Thăng Long). Trước đó Infra - Thăng Long đã bị World Bank đưa ra lệnh “cấm cửa”.
Cụ thể, Infra-Thanglong là công ty hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực Tư vấn và Đầu tư phát triển đô thịvà hạ tầng. Được thành lập từ ngày 2/7/2001, lĩnh vực chính của Infra-Thanglong là cung cấp các dịch vụ tư vấn trọn gói cho các dự án về xóa đói giảm nghèo, phát triển đô thị và hạ tầng tại hơn 40 tỉnh thành trong nước.
Hầu hết trong số đó là những dự án ODA được tài trợ bởi Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Bộ Ngoại giao Phần Lan…
Ông Nguyễn Quang Huân, Tổng Giám đốc
Infra - Thăng Long, phân trần về quyết định của World Bank
Qua quá trình phát triển Infra - Thăng Long có thêm 03 Công ty thành viên: Công ty CP Sài Gòn Thăng Long; Công ty CP Hòa Long và Công ty TNHH Nước Thuận Thành và 01 Chi nhánh miền Tây có trụ sở đặt tại thành phố Cần Thơ (đây là 3 đơn vị mới bị World Bank đưa ra lệnh “cấm cửa”).
Bên cạnh những đơn vị này, Infra - Thăng Long còn có 2 văn phòng dự án tại các thành phố Thái Bình, Nam Định để bổ sung, hỗ trợ hoạt động lẫn nhau.
Trước đó Công ty Cổ phần Phát triển Cơ sở Hạ tầng Thăng Long đã bị World Bank vạch trần hành vi nộp văn bản không đúng sự thật trong quá trình tham gia đấu thầu của các dự án Nâng cấp đô thị vùng Đồng bằng Sông Cửu Long-phần do Quỹ Tín thác tài trợ; Dự án giảm nghèo khu vực miền núi phía Bắc giai đoạn hai và Dự án phát triển bền vững Thành phố Đà Nẵng.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quang Huân, Tổng Giám đốc Infra - Thăng Long thừa nhận công ty đã vi phạm cam kết với World Bank khi nộp những văn bản không đúng sự thật trong quá trình đấu thầu tại các dự án: Nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL (phần do Quỹ Tín thác tài trợ), Giảm nghèo khu vực miền núi phía Bắc giai đoạn 2 và Dự án Phát triển bền vững TP Đà Nẵng.
Tuy nhiên theo ông Huân, từ “lừa đảo” được báo chí dùng chưa đúng với thông cáo của World Bank. Ông Huân cho rằng WB dùng từ fraudulent với nghĩa là không thật thà, thiếu trung thực. Vì vậy, việc WB tại Việt Nam dịch ra tiếng Việt thành “lừa đảo” như thông cáo đã gửi cho các cơ quan báo chí là thiếu chính xác. “Hai từ này có ý nghĩa, sắc thái rất khác nhau. Dùng từ “lừa đảo” thì nhiều người lại hiểu khủng khiếp lắm nhưng thực tế không phải thế”.
Những sai phạm của Infra - Thăng Long bắt đầu được World Bank phát hiện khi có đơn kiện, sau đó World Bank vào cuộc xác minh và phát hiện nhân viên Tăng Chí Anh của Infra - Thăng Long đã khai không đúng thông tin về bản thân.
Tăng Chí Anh khai mình là “trưởng nhóm khảo sát hiện trường” nhưng trong quyết định của Infra - Thăng Long, ông này chỉ là “trợ lý kiêm phiên dịch”. Ngay lập tức, Infra - Thăng Long bị loại khỏi dự án.
Lật lại các hợp đồng đã thực hiện với Infra - Thăng Long, World Bank tiếp tục phát hiện 2 vi phạm khác. Tại Dự án Phát triển bền vững TP Đà Nẵng, Infra - Thăng Long khai trong hồ sơ rằng ông Tăng Chí Anh bắt đầu làm việc tại công ty từ năm 2007 nhưng thực tế, hợp đồng lao động được ký chính thức vào năm 2009. Trong giai đoạn 2007-2009, ông này chỉ là cộng tác viên của công ty.
Trong Dự án Nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL, ông Tăng Chí Anh khai mình từng tham gia thực hiện một dự án phát triển nông thôn ở Hải Phòng. Tuy nhiên thực tế không hề có dự án đó.
Trước những vấn đề này ông Huân thừa nhận trong các sự việc này, lỗi của công ty là đã không thẩm định kỹ hồ sơ, lý lịch của nhân viên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét