Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

Học để làm người

Học để làm người
Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, dọc những con đường từ ngoại ô vào nội thành, hàng hàng lớp lớp biển quảng cáo nối tiếp nhau đập vào mắt chúng ta, dù không muốn nhìn cũng phải thấy.Đôi khi chúng làm ta mỏi mắt, khó chịu. Nhưng mới đây, đi qua cầu Sài Gòn, từ phía quận 2 sang Bình Thạnh, tôi thật bất ngờ khi nhìn thấy tấm biển quảng cáo rất thú vị ngay trên sông với hàng chữ thật lớn: 
Học để biết - Học để làm - 
Học để cùng chung sống - Học để làm người.
Trên tấm biển còn có logo UNESCO. Thì ra đây là thông điệp của UNESCO (Cơ quan Văn hóa - Khoa học - Giáo dục Liên hiệp quốc). Thông điệp này lần đầu tiên xuất hiện tại một nơi công cộng ở Sài Gòn như một lời kêu gọi, nhắn nhủ có chủ ý nhắm vào giới trẻ Việt Nam hôm nay.


“Học để biết” - hẳn nhiên rồi. Nhưng “biết” như thế nào chứ không chỉ chăm chăm học thi lấy mảnh bằng để tìm việc và vốn kiến thức học được ở trường dần rơi rụng mất! “Học để làm” - đúng là như thế. Nhưng phải là làm những việc chân chính, có ích cho mình và cũng có ích cho xã hội. Mệnh đề “học để chung sống” thì không phải ai cũng hiểu và thực hiện được. 

Thông điệp nhắc nhở mọi người hãy chung sống, nương nhau mà tiến lên. Nhất là một bộ phận lớn giới trẻ hiện nay sống rất ích kỷ, ít quan tâm tới những người xung quanh, thậm chí vô cảm. Những thói hư tật xấu này không phải tự dưng mà có mà nó bắt nguồn từ gia đình ra xã hội. 

Ở nhiều gia đình tương đối khá giả, con cái từ nhỏ đã được cha mẹ nuông chiều, muốn gì được nấy, chẳng cần biết tới ai thì làm sao khi vào đời có thể “chung sống” với mọi người? 

Trong thời đại mà chủ nghĩa thực dụng lấn át, các phương tiện thông tin truyền thông thường xuyên ca tụng những thành công về tiền bạc, quyền lực bất chấp bằng phương cách gì thì thông điệp“học để chung sống” thật có ý nghĩa. 

Và cuối cùng,“Học để làm Người” tưởng như đơn giản nhưng thật ra không dễ đạt đến. Muốn “học làm Người” cần phải thoát ra khỏi những quan niệm hẹp hòi, ích kỷ và vượt lên những tham vọng thấp hèn.

Thông điệp về sự học của UNESCO như thế đã bao hàm những ý nghĩa tốt đẹp nhất, cả tri và hành. Cũng gần với thuyết “tri hành hợp nhất” của Vương Dương Minh.

Đọc và ngẫm nghĩ về ý nghĩa của thông điệp trên xong, giật mình nghĩ tới những tệ trạng trong nền giáo dục Việt Nam hiện nay, trong đó có nạn hối lộ chạy trường mà trong bản báo cáo khảo sát về“Tham nhũng trong giáo dục phổ thông” của Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã công bố ngày 1-10 vừa qua. 

Theo báo cáo này thì tình trạng “chạy trường” hiện rất phổ biến tại các thành phố lớn. Qua những đường dây môi giới, phụ huynh học sinh tiểu học muốn cho con vào một trường danh tiếng, trường điểm, trái tuyến, phải hối lộ 3.000 USD, còn trường trái tuyến trung bình phải mất từ 300 đến 800 USD! Điều đáng nói thì đến 67% phụ huynh học sinh coi việc tốn tiền để con vào trường tốt là chuyện bình thường.

Cùng thời điểm Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố bản khảo sát về tệ trạng tham nhũng trong giáo dục nói trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố đề án Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. 

Chúng ta hy vọng trong một tương lai không xa, với những đổi mới, thay đổi tận gốc, nền giáo dục nước nhà sẽ thoát khỏi tình trạng tụt hậu so với các nước trong khu vực, nhất là đẩy lùi tình trạng tham nhũng, chạy trường, học giả bằng thật... làm nhức nhối cả xã hội lâu nay. 

Thế nhưng trả lời phỏng vấn của báo điện tử Dân Trí, GS-TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cho rằng phải “dẹp được tiêu cực hãy đổi mới”.

PHẠM CHU SA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét