Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

Cạnh tranh gay gắt vì tài nguyên nước

Cạnh tranh gay gắt vì tài nguyên nước

Một tỷ hai trăm triệu người, tức là 1/5 dân số thế giới, đang sống ở các khu vực bị thiếu nước. Thêm 1,5 tỷ người buộc phải hạn chế tiêu thụ nước do thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết.
"Vấn đề sông Mekong" làm phức tạp mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á mà một trong những con sông lớn nhất thế giới chảy qua lãnh thổ của họ. Trung Quốc đã xây dựng hai nhà máy thủy điện trên sông này và có kế hoạch xây dựng thêm năm cơ sở mới. Trên hai cơ sở trong số đó đang tiến hành các công việc xây dựng. Các quốc gia nằm ở hạ lưu sông Mekong - Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam - lo ngại rằng, các đập thủy điện sẽ gây ra những thay đổi bất lợi trong dòng chảy của Cửu Long. Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Vladivostok, Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang nhấn mạnh rằng, việc quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước của sông Mekong đã trở thành một vấn đề khẩn cấp tác động trực tiếp và gây ảnh hưởng xấu đến các vựa lúa gạo lớn nhất của Việt Nam.

Vấn đề này xuất hiện ở những khu vực khác nhau trên hành tinh, bao gồm cả ở Trung Á. Các bên tham gia cuộc xung đột ở đây là Uzbekistan, Kyrgyzstan và Tajikistan. Trên lãnh thổ hai nước cộng hòa Kyrgyzstan và Tajikistan có nguồn nước lớn nhất trong khu vực - các sông băng của dãy núi Tien Shan và Pamir. Amu Darya và Syr Darya - hai con sông lớn nhất ở vùng Trung Á đều bắt nguồn ở đây. Kyrgyzstan muốn xây dựng mấy nhà máy thủy điện với mục đích tự cung cấp điện. Uzbekistan và Tajikistan lo ngại rằng, họ sẽ mất nguồn nước sau khi thực hiện dự án này. Cần phải nói thêm rằng, giữa Uzbekistan và Tajikistan cũng có vấn đề nước.

Ở những khu vực khác cũng có các cuộc tranh chấp như vậy. Ví dụ, Bắc Kinh và New Delhi có mâu thuẫn xung quanh sông Brahmaputra. Con sông này bắt nguồn từ Trung Quốc và đổ vào Ấn Độ Dương, chảy qua lãnh thổ Ấn Độ. Bắc Kinh có kế hoạch xây dựng các nhà máy thủy điện trên sông Brahmaputra, mà theo ý kiến của New Delhi, dự án này đe dọa lợi ích kinh tế và môi trường của Ấn Độ.

Tài nguyên nước của sông Nile là nguyên nhân của tình trạng căng thẳng giữa Cairo và Addis Ababa. Ethiopia dự định xây dựng trạm thủy điện lớn ở thượng lưu sông Nile. Cairo lo ngại rằng, sau khi hoàn tất dự án này, Ai Cập sẽ bị mất một phần tư tài nguyên nước. Đối với một quốc gia mà 96% lãnh thổ là vùng sa mạc, đó sẽ là thảm họa. Phương án duy nhất cho một giải pháp hòa bình là việc thu hút một trọng tài trung lập. Và Liên Hiệp Quốc có thể đóng vai trò này. Chuyên gia về chính sách đối ngoại của Trung tâm nghiên cứu chính trị Nga Evgeny Voyko nói: “Cần phải thu hút các tổ chức quốc tế, bởi vì các nước đó không thể tự giải quyết vấn đề. Các quyết định của họ sẽ có lợi cho một bên và gây hại cho bên khác. Đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc có tranh chấp không chỉ vì tài nguyên nước mà còn vì ảnh hưởng trong khu vực nói chung. Vì vậy, vấn đề nước chỉ là nền tảng trong bối cảnh chung của cuộc đấu tranh chính trị và địa chính trị giữa các quốc gia”.

Theo dữ liệu của Viện Thái Bình Dương ở Oakland, trong những năm 2010-2013, trên thế giới đã ghi nhận 41 cuộc xung đột vũ trang vì tài nguyên nước. Một cuộc xung đột đã bùng nổ ở Châu Đại Dương, 6 cuộc xung đột đã được ghi nhận ở châu Á, 8 - ở châu Mỹ Latinh, 11 - ở châu Phi, và 15 - ở Trung Đông. Dù những vụ đụng độ đó đã bùng nổ vì những nguyên nhân khác nhau: tôn giáo, chính trị và kinh tế, nhưng, cuối cùng dẫn đến cuộc đấu tranh vì nguồn nước. Ví dụ, trong những năm qua, quân ly khai Kashmir phá hoại các dự án xây dựng công trình cấp nước, vì đó là một phần trong cuộc đấu tranh chính trị của họ. Còn các chủ sở hữu đất Brazil đã đầu độc các nguồn nước thuộc các bộ lạc địa phương trong khu vực Mato Grosso để chiếm lấy các khu đất của họ. Các nhà khoa học cho rằng, trong tương lai, những cuộc xung đột như vậy sẽ tiếp tục tăng lên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét