Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

(2) Công nghiệp Việt Nam: Tăng trưởng và Suy thoái

Bài viết của tôi năm 2000:

Công nghiệp Việt Nam: Tăng trưởng và Suy thoái
Toàn bộ những tiến triển về tăng trưởng sản xuất, thay đổi cơ cấu, đầu tư và xuất khẩu của công nghiệp trong giai đoạn từ khi đổi mới đến nay (tức là đến năm 2000) có thể được lý giải bằng hai lý thuyết kinh tế chính: Lý thuyết tự do hoá kinh tế đi kèm phá giá nội tệ và lý thuyết nhập khẩu vốn kéo theo hiện tượng đánh (định) giá cao nội tệ, trong đó lý thuyết tự do hoá kinh tế đi kèm phá giá nội tệ là cơ sở để giải thích tiến triển công nghiệp giai đoạn trước 1992 và lý thuyết nhập khẩu vốn và đánh giá cao nội tệ là cơ sở để giải thích tiến triển công nghiệp giai đoạn từ sau năm 1992.
B- NGUYÊN NHÂN CỦA QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TRONG GIAI ĐOẠN CẢI CÁCH
1) Tự do hoá kinh tế đi kèm phá giá nội tệ: Nguyên nhân chính của suy thoái công nghiệp giai đoạn trước năm 1992
Đến trước năm 1988, do hậu quả của cuộc cải cách giá lương tiền tháng 9/1985, nền kinh tế Việt nam đang chìm sâu trong cơn khủng hoảng tồi tệ chưa từng có từ trước đến nay. Các mất cân đối vĩ mô ngày càng trầm trọng, đặc biệt là cán cân thanh toán quốc tế. Từ mùa hè đến cuối năm 1988, một mặt, do khan hiếm ngoại tệ, tỷ giá chính thức đã được điều chỉnh nhiều lần, tính chung tới 715,2% trong năm 1988, kéo theo lạm phát tăng trở lại 393,8%. Trong những năm tiếp theo 1989-1991, tỷ lệ phá giá hàng năm luôn luôn cao hơn tỷ lệ lạm phát, dẫn tới kết quả là tỷ giá thực được phá giá ngày càng cao.

Trong thời gian này, việc giảm dần tiến tới xoá bỏ toàn bộ viện trợ của khối Liên xô cũ và sự cạn kiệt các dự trữ nguyên nhiên vật liệu đã buộc các doanh nghiệp nhà nước phải tìm mọi cách xoay xở nguồn ngoại tệ để có thể nhập khẩu đầu vào từ khu vực đồng tiền chuyển đổi, kéo theo tỷ giá đô la trên thị trường tự do tăng vọt. Mặt khác, cũng ngay từ giữa năm 1988 đến đầu năm 1989, chính phủ việt nam đã thực hiện tự do hoá phần lớn giá cả hàng hoá và dịch vụ, nới lỏng kiểm soát các hoạt động ngoại thương, và thống nhất tỷ giá chính thức với tỷ giá hình thành trên thị trường tự do. Từ tháng 3/1989, chính phủ còn nâng lãi suất tiết kiệm lên cao hơn nhiều so với tỷ lệ lạm phát, và nâng lãi suất cho vay lên trên lãi suất huy động. Tất cả những chính sách trên đã có ảnh hưởng rất mạnh tới sản xuất công nghiệp và toàn nền kinh tế.
Trong thực tế, khu vực sản xuất công nghiệp quốc doanh bị ảnh hưởng trầm trọng nhất. Vào thời điểm đó, khu vực này đã được giao khá rộng rãi quyền tự chủ sản xuất kinh doanh nhưng lại phụ thuộc rất nặng nề vào thị trường trong nước được bảo hộ và các đầu vào rẻ tiền nhập khẩu từ khối Liên xô cũ. Hậu quả là các cuộc phá giá mạnh nối tiếp nhau và những bước tự do hoá giá cả, ngoại thương nhanh chóng trong những năm 1988-91 đã không làm tăng sức cạnh tranh của khu vực công nghiệp quốc doanh, ngược lại, chúng còn đẩy khu vực này vào cuộc suy thoái trầm trọng vì phá giá đã làm chi phí sản xuất tăng lên quá nhanh trong khi tự do hoá ngoại thương đã để cho hàng ngoại tràn vào thị trường nội địa, cạnh tranh gay gắt với hàng công nghiệp sản xuất trong nước. Tỷ lệ tăng trưởng sản xuất công nghiệp quốc doanh đang từ 14,3% năm 1988 đã tụt xuống âm: -3,3% năm 1989, và chỉ trở lại dương nhẹ 3,1% năm 1990. Những suy thoái của sản xuất công nghiệp quốc doanh nêu trên còn được giảm nhẹ nhờ việc chính phủ quay trở lại chế độ trợ cấp ngân sách trực tiếp cho khu vực này, dẫn tới hậu quả là tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP tăng lên đến 10,3% năm 1989 và 6,4% năm 1990.
Trái lại, phá giá nội tệ và những chính sách kinh tế hướng theo cơ chế thị trường nêu trên đã có những ảnh hưởng rất tích cực tới khu vực công nghiệp ngoài quốc doanh. Vì khu vực này sử dụng ít vốn, nhiều lao động và chi phí tiền lương chiếm tỷ trọng cao trong giá thành sản xuất nên những đợt phá giá liên tiếp thời kỳ 1988-91 đã làm giảm mạnh chi phí sản xuất của công nghiệp ngoài quốc doanh, cho phép các sản phẩm công nghiệp ngoài quốc doanh có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm của công nghiệp quốc doanh và hàng nhập ngoại dù rằng năng suất lao động của khu vực này còn rất thấp. Kết quả là sản xuất công nghiệp tư nhân, cá thể và hỗn hợp đã tăng trưởng tới 31,8% năm 1988, 34,5% năm 1989, 10,4% năm 1990 và 26,7% năm 1991, những tỷ lệ cao chưa từng có. Phá giá và những chính sách kinh tế kèm theo đã làm tăng nhanh xuất khẩu sản phẩm công nghiệp nhẹ, phần lớn là hàng tiểu thủ công nghiệp và thủ công mỹ nghệ do khu vực ngoài quốc doanh đảm nhận. Rõ ràng tính năng động của khu vực ngoài quốc doanh đã được công nhận rộng rãi, dù rằng các số liệu thống kê chính thức còn chưa đánh giá hết những thành tựu của khu vực này vì nhiều hoạt động của nó còn chưa được đưa vào tính toán tăng trưởng GDP.
Từ năm 1988, công nghiệp Việt Nam xuất hiện một ngành mới là khai thác dầu thô. Nhiều nhà kinh tế đã đặc biệt chú ý đến vai trò của ngành này đối với nền kinh tế việt nam. Thực tế, công nghiệp dầu mỏ đã đóng góp tới 7,2% tổng thu ngân sách quốc gia và 1,1% GDP ngay trong năm 1989. Trong các năm 1990-1991, dầu thô đã đóng góp tới 13,1% và 20,8% tổng thu ngân sách và 2,0% và 2,8% tổng GDP. Thu nhập từ dầu thô cũng đã mở ra những điều kiện rất thuận lợi cho công cuộc đấu tranh chống lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô để công nghiệp dễ dàng phát triển.
Tuy nhiên, trong thời gian này, thu nhập từ dầu thô đã không tạo ra hiện tượng đánh giá cao tỷ giá thực và chưa gây ra cái gọi là "triệu chứng Hà lan[2]" ở Việt nam vì toàn bộ thu nhập từ dầu thô chỉ đủ bù đắp phần cắt giảm viện trợ của khối Liên xô cũ, tương đương với 2-3% GDP[3]. Mặt khác, vì Việt nam đã nhanh chóng tìm ra các thị trường khác để xuất khẩu hàng hoá nên về nguyên tắc, sự sụp đổ của khối Liên xô cũ không có ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế nước ta, song riêng đối với công nghiệp, trên thực tế đã có ảnh hưởng khá mạnh vì thu nhập dầu thô không được nhà nước đầu tư bao cấp cho công nghiệp như viện trợ của khối Liên xô trước đây. Hơn nữa, thị trường xuất khẩu của công nghiệp bị co hẹp mặc dù thị trường xuất khẩu của nông nghiệp được mở rộng rất mạnh.
Như vậy, bên cạnh tác động của sự sụp đổ của khối Liên xô cũ, những diễn biến kinh tế nói chung và công nghiệp nói riêng trong giai đoạn trước năm 1992 chủ yêú phản ánh tác động của các chính sách phá giá nội tệ và tự do hoá kinh tế, gồm cả nới lỏng rất nhanh kiểm soát ngoại thương và thị trường tài chính. Do hậu quả của tự do hoá kinh tế và phá giá cao tỷ giá thực, tỷ trọng khu vực nông nghiệp và dịch vụ đã tăng lên rất nhanh trong khi tỷ trọng công nghiệp giảm đi như đã nêu ở trên.
Trong công nghiệp, tỷ trọng các ngành công nghiệp gắn với khai thác tài nguyên thiên nhiên hoặc sử dụng nhiều lao động đã tăng lên trong khi tỷ trọng các ngành công nghiệp sử dụng nhiều vốn như cơ khí, luyện kim, hoá chất... giảm đi. Những chuyển đổi cơ cấu công nghiệp này đồng thời phản ánh quá trình tự phát điều chỉnh lại cơ cấu đầu tư và phân bổ lại các nguồn lực khác như đất đai, lao động, vật tư, giữa các khu vực trong nền kinh tế và giữa các ngành trong bản thân công nghiệp. Ngoài nguyên nhân bao trùm là phá giá cao tỷ giá thực làm giảm đáng kể chi phí sản xuất, sự phát triển mạnh mẽ của khu vực nông nghiệp, dịch vụ và công nghiệp ngoài quốc doanh còn nhờ mở ra cơ chế kinh tế thị trường, xoá bỏ cấm chợ ngăn sông và tự do hoá giá cả, nhất là nhờ điều chỉnh giá tương đối theo hướng có lợi cho người sản xuất nông nghiệp và nhờ Nghị quyết 10 tháng 6/1988 của Bộ Chính trị Đảng CSVN về giao đất cho hộ nông dân. Tiếp đến, chính bản thân sự phát triển trước đó của nông nghiệp, khai thác dầu thô và các ngành công nghiệp mũi nhọn lại thúc đẩy các khu vực trên phát triển nhanh hơn. Khi lao động, đất đai, vốn và các nguồn lực khác được thu hút vào những khu vực trên[4], các ngành công nghiệp truyền thống, chủ yếu là công nghiệp nặng do khu vực quốc doanh kiểm soát, tất yếu phải suy giảm tỷ lệ tăng trưởng.
Tóm lại, trong những năm đầu chuyển đổi kinh tế, công nghiệp Việt nam bị ảnh hưởng đồng thời bởi nhiều nhân tố khác nhau, trong đó có sự cắt giảm viện trợ của khối Liên xô cũ, tăng nhanh thu nhập từ dầu mỏ, phá giá nội tệ, và tự do hoá kinh tế, trong đó hai nhân tố chính là phá giá nội tệ và tự do hoá kinh tế. Cả hai nhân tố này đều có tác dụng bất lợi cho sản xuất công nghiệp, phần lớn là các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghiệp nặng, và điều chỉnh cơ cấu ngành này theo hướng có lợi cho sự phát triển công nghiệp ngoài quốc doanh. Hậu quả là tỷ lệ tăng trưởng và xuất khẩu công nghiệp rất thấp cho đến trước 1992.
2) Ảnh hưởng của nhập khẩu vốn và đánh giá cao nội tệ tới tăng trưởng công nghiệp từ năm 1992.
Trái ngược hoàn toàn với tình hình diễn ra trước năm 1992, từ năm 1992-93, kinh tế Việt nam nói chung và công nghiệp Việt nam nói riêng đã phát triển theo lý thuyết nhập khẩu vốn nước ngoài và đánh giá cao ngoại tệ. Ngay từ những năm 1991-92, trong bối cảnh thiếu nghiêm trọng nguồn vốn trong nước do tỷ lệ tiết kiệm nội địa quá thấp, thị trường vốn còn sơ khai và chính sách tiền tệ chặt, các nhà đầu tư trong nước đã phải xoay xở tìm kiếm nguồn vốn từ bên ngoài, trước tiên là huy động vốn của người việt tại hải ngoại. Tiếp đó, việc tăng vọt khối lượng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp từ năm 1992-93, sự trở lại của nguồn vốn ODA từ năm 1993 và nhất là chấm dứt cấm vận tài chính của Mỹ chống Việt nam từ năm 1994, đã làm cho một lượng ngoại tệ rất lớn chảy vào Việt nam. Cũng từ năm 1992-93, tác dụng tiêu cực của cắt viện trợ của khối Liên xô cũ đã giảm hẳn trong khi vai trò của công nghiệp dầu thô tiếp tục tăng (thu nhập dầu thô tương đương với 3,8% GDP các năm 1992-1993 và 3,1% GDP năm 1994).
Luồng vốn nhập ngoại này đã cho phép nâng cao Việt nam nâng cao được tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư nôị địa, từ đó tăng nhanh đầu tư cho công nghiệp và toàn nền kinh tế, làm cho tỷ lệ tăng trưởng của công nghiệp và toàn nền kinh tế tăng lên rất nhanh trong những năm 1992-95. Trên thực tế, trong các năm từ 1992 đến 1995, một tỷ lệ quan trọng vốn nước ngoài đã được sử dụng để nhập khẩu máy móc thiết bị tiên tiến, công nghệ mới và các vật tư cần thiết phục vụ cho chiến lược phát triển hướng về xuất khẩu và một phần thay thế nhập khẩu, làm tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp nội địa, đồng thời khai thác, sử dụng được nhiều tiềm năng của đất nước và cơ sở vật chất sẵn có trong công nghiệp. Đây chính là nguyên nhân cơ bản cho phép công nghiệp Việt nam đạt được những tỷ lệ tăng trưởng rất cao trong những năm 1992-95.
Tuy nhiên, chiến lược phát triển công nghiệp dựa quá nhiều vào vốn bên ngoài cùng với những yếu kém trong công tác quản lý kinh tế và đổi mới hoạt động của khu vực kinh tế quốc doanh cũng lại chính là nguyên nhân dẫn đến suy giảm tỷ lệ phát triển sản xuất công nghiệp trong những năm gần đây. Một mặt, vốn nước ngoài sau giai đoạn đầu làm tăng tỷ lệ tiết kiệm nội địa, đã bắt đầu có tác dụng tiêu cực tới tỷ lệ này ngay từ năm 1995, nhất là từ năm 1996, kéo theo giảm tỷ lệ đầu tư trên GDP và giảm nhanh tỷ lệ tăng trưởng đầu tư công nghiệp như chúng ta đã thấy ở trên. Mặt khác, luồng ngoại tệ ồ ạt chảy vào đã làm tăng tiêu dùng nội địa ngoài tầm kiếm soát, kéo theo tăng chi phí tiền lương, tăng thu nhập và tăng các chi phí khác, tức là tăng giá thành sản phẩm và làm cho công nghiệp, nhất là công nghiệp nặng, mất dần sức cạnh tranh ngay trên thị trường nội địa. Tai hại hơn, lạm dụng vốn nước ngoài đã làm tăng giá nội tệ[5], dẫn tới giảm lợi thế so sánh quốc tế của khu vực sản phẩm thương mại quốc tế được (tradable goods) và mở ra những khó khăn ngày càng gay go cho sự phát triển của các ngành công nghiệp quan trọng sống còn của đất nước vì chúng luôn luôn phải chịu sự cạnh tranh rất mạnh của hàng hoá nhập khẩu, nhất là các hàng hoá nhập khẩu bất hợp pháp.
Hậu quả đã đi xa hơn. Dưới sức ép cạnh tranh khốc liệt của hàng nhập ngoại, các nhà đầu tư việt nam và nước ngoài đã không còn dám đầu tư vào những lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, đầu tư lớn nữa, mà chuyển vốn đầu tư của mình vào khu vực hàng không thương mại quốc tế được (non tradable goods), gồm bất động sản, thương mại, dịch vụ và du lịch... Xu hướng này một mặt làm tăng rất nhanh giá đất đai, dịch vụ, bất động sản và tiền lương so với tăng giá các sản phẩm công nghiệp như chúng ta đã chứng kiến trong những năm 1992-1995, mặt khác, khi nội tệ đã lên giá quá cao và vốn, lao động, vật tư, và các nguồn lực khác di chuyển mạnh ra khỏi công nghiệp để tập trung vào các ngành trên thì cũng là dấu hiệu báo trước sản xuất công nghiệp sẽ đi xuống. Thực tế, sản xuất công nghiệp đã chững lại ngay từ năm 1996 và sau đó liên tục đi xuống[6].
Tóm lại, quá trình suy giảm tỷ lệ tăng trưởng sản xuất công nghiệp trong thời gian gần đây có nguồn gốc từ chính sách huy động vốn và hướng dẫn dịch chuyển cơ cấu vốn đầu tư xã hội. Vốn nước ngoài vào quá nhiều trong khi sử dụng kém hiệu quả và duy trì tỷ giá cố định quá dài, đã dẫn đến đánh giá cao nội tệ, làm giảm sút nhanh lợi thế so sánh quốc tế của sản phẩm công nghiệp Việt nam, đưa công nghiệp việt nam đi vào giai đoạn suy giảm. Theo phân tích trên, mặc dù những khía cạnh bất lợi của chính sách công nghiệp đã được che giấu bởi sự phát triển nhanh của ngành này trong giai đoạn đầu nhưng sự suy giảm của nó là không thể tránh khỏi.




[1] Hai trường hợp đặc biệt : Tỷ trọng công nghiệp nhiên liệu tăng vọt là nhờ vai trò của dầu khí, tỷ trọng công nghiệp điện tăng là nhờ đưa vào sử dụng các công trình đă đầu tư trong quá khứ, nhất là nhà máy thuỷ điện Hoà bình do Liên xô giúp đỡ xây dựng.
[2] Xem lý thuyết về triệu chứng này trong : Corden W. M. et Neary J.P. (1982) "Booming Sector and De-Industrialization in a Small Open Economy", Economic Journal, 92, pp. 825-848, United Kingdom.
[3] Fforde A. et De Vylder S. (1996) "From Plan to Market - Economic Transition of Vietnam", Westview Press
[4] Trong thời kỳ này, chúng ta đã chứng kiến những đợt di chuyển lao động từ thành thị về nông thôn để phát triển sản xuất nông nghiệp, những đợt di chuyển vốn từ công nghiệp nặng sang công nghiệp nhẹ, từ công nghiệp quốc doanh sang công nghiệp ngoài quốc doanh, nhất là sang công nghiệp phục vụ nông nghiệp, dịch vụ và sản xuất hàng tiêu dùng. Nhờ những chuyển động trên, sản xuất tư nhân và cá thể đã tăng trưởng rất nhanh so với khu vực quốc doanh.
[5] Theo số liệu trong bảng 3, từ năm 1992 đến 1996, tỷ lệ lạm phát luôn luôn cao hơn nhiều so với tỷ lệ phá giá, tính gộp lại sẽ thấy đồng tiền việt nam đã lên giá rất cao và kéo dài so với đồng đô la mỹ.
[6] Số liệu cũng cho thấy công nghiệp vật liệu xây dựng sau khi giảm sút rất nhanh trong thời kỳ 1988-91 đã tăng vọt lên kể từ 1992, tức là đã bùng nổ xây dựng như lý thuyết về sốc bên ngoài do nhập khẩu vốn ồ ạt gây ra. Tình hình tương tự đã xảy ra trong ngành dịch vụ. Bùng nổ xây dựng và dịch vụ chỉ chậm lại từ năm 1995-96 khi tăng trưởng luồng vốn nước ngoài giảm đi. Như vậy, có thể tin rằng đã xảy ra nhiều dấu hiệu của triệu chứng Hà lan ở Việt nam trong thời kỳ này, tức là những dấu hiệu báo trước nền kinh tế và công nghiệp Việt nam sẽ phải đi vào giai đoạn suy giảm nếu không có những thay đổi lớn về chính sách.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét