Để Việt Nam là điểm dừng của FDI
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) luôn chiếm một vị trí quan trọng trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, các doanh nghiệp FDI cũng góp phần gia tăng xuất khẩu, thế nhưng thời gian gần đây, xuất hiện nhiều dự án FDI bị thu hồi, tiến độ chậm, dòng FDI bị chững lại. Phải chăng Việt Nam chỉ là điểm đến mà không phải là điểm dừng cho các nhà đầu tư nước ngoài?
Khu đầu tư nước ngoài Đại Tứ ở Hà Nội, RFA photo
Việt Nam đang mất dần lợi thếBáo cáo ra ngày 10/7 của Ngân hàng thế giới (WB) cho thấy dòng vốn FDI của Việt Nam trong khoảng 5 năm vừa qua vẫn ở mức cao, số vốn FDI thực hiện luôn dao động trong khoảng trên dưới 11 tỷ đô la mỗi năm, đây được xem là dấu hiệu cho thấy sự cam kết của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam, dù cho vẫn còn những vấn đề bất ổn kinh tế vĩ mô hay quá trình tái cấu trúc diễn ra chậm chạp.Tuy nhiên, báo cáo lại cho thấy tỷ lệ đóng góp của FDI trên GDP liên tục suy giảm trong vòng 6 năm qua, từ mức đỉnh cao 12% năm 2008 xuống chỉ còn 7% vào năm ngoái 2012.
Trong chương trình Dân Hỏi – Bộ Trưởng trả lời diễn ra tối hôm 7/7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thẳng thắn nhận xét “Việt Nam đang mất dần lợi thế thu hút FDI” so với các nước láng giềng như Thái Lan, Indonesia, do mất dần lợi thế về nhân công, tài nguyên và chính sách ưu đãi.
Theo phân tích của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh hiện tại Việt Nam đang phải chọn lựa những dự án đầu tư có công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, và ít ô nhiễm môi trường hơn, khiến FDI trở nên khó khăn. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng Việt Nam không tốt, thủ tục hành chính chưa được cải thiện nhiều vì thế môi trường đầu tư của Việt Nam bị giảm sút. Vì lẽ đó, việc thu hút FDI thời gian qua chưa đạt được một số mục tiêu như kỳ vọng.
Nhận xét về việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, chuyên gia kinh tế P.G.S, T.S Ngô Trí Long cho rằng hiện tại Việt Nam mới chỉ là điểm đến chứ chưa thực sự hấp dẫn, để giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài về lâu về dài, ông phân tích:
Thu hút đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam mới chỉ là điểm đến thôi, chứ chưa có một lực hấp dẫn hút đối với các nhà đầu tư bởi rất nhiều những cản trở và rào cản của nó, đặc biệt là môi trường đầu tư nhiều khi còn bất cập, vì thế hiện tại Chính phủ đang tập trung vào cải cách, hoàn thiện môi trường đầu tư.
Trong bối cảnh thời gian vừa qua, nguồn lực thu hút lớn, nhưng so với môi trường đầu tư hiện nay, hoặc do những chính sách, hoặc do những rào cản cải cách hành chính, thủ tục hành chính hoặc môi trường đầu tư hiện còn rất nhiều bất cập, chính vì thế, nó chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư.
Theo PGS, TS Ngô Trí Long nếu nhìn vào bức tranh tổng thể GDP hiện tại có thể thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam dựa vào 3 nhân tố: nguồn lực Nhà nước, khu vực ngoài quốc doanh và đầu tư nước ngoài. Trong 3 phần này, đầu tư nước ngoài là một tiềm lực hết sức quan trọng giúp nền kinh tế Việt Nam bứt phá và phát triển, vì lẽ đó, nếu Chính phủ Việt Nam không thực sự cải cách, tạo môi trường thu hút vốn FDI tốt hơn thì đó sẽ trở thành lực cản đối với dòng vốn này.
Hiện tại, các dòng vốn đổ vào Việt Nam được chia thành 3 lĩnh vực chủ yếu: vốn đầu tư gián tiếp (thông qua hình thức mua cổ phiếu của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán), nhưng dòng vốn này không ổn định, còn nguồn ODA (hỗ trợ phát triển chính thức) lại có xu hướng giảm dần, vì vậy, FDI là nguồn lực quan trọng cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế và nhất là để đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.
Việt Nam sẵn sàng cạnh tranh?
Đánh giá về dòng vốn nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, ông Earnest Z. Bower, Cố vấn cao cấp, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoa Kỳ người dành nhiều thời gian tìm hiểu về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam đưa ra nhận xét:
Rất nhiều các nhà đầu tư muốn đến Việt Nam trước khi lạm phát của Việt Nam bùng phát mạnh và nền kinh tế bắt đầu suy giảm. Rất nhiều tiền đã được đầu tư vào Việt Nam, hiện giờ thì những khoản đầu tư này vẫn đang nằm đó. Đã có rất nhiều nhà đầu tư hàng đầu thế giới hiện thay đổi chiến lược, ngoài đầu tư vào Trung Quốc, họ muốn tìm đến các thị trường mới năng động, có tiềm năng tăng trưởng và Việt Nam là điểm đến cho họ.
Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam đã sẵn sàng đối mặt để cạnh tranh hơn nhằm thu hút nhiều nhà đầu tư có chất lượng hơn, với số vốn lớn hơn gấp nhiều lần hay.
Để trả lời câu hỏi này, Việt Nam cần phải đầu tư nhiều hơn cho giáo dục, cơ sở hạ tầng, cần tiếp tục đổi mới và cải thiện chính sách để các nhà đầu tư cảm thấy yên tâm hơn và từ đó, họ có thể mang thêm đến Việt Nam nhiều công nghệ và vốn hơn. Tôi nghĩ rằng, nếu làm được như vậy, Việt Nam sẽ trở thành một điểm thu hút rất lý tưởng với cộng đồng đầu tư quốc tế.
Lời phân tích trên của ông Earnest Bower rằng Việt Nam cần chuẩn bị để thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư có chất lượng hơn là chỉ nhắm đến số lượng vốn cũng phù hợp với các định hướng mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề ra. Cụ thể, Việt Nam không chạy theo số lượng mà chuyển sang lựa chọn các dự án có chất lượng, dần chuyển từ lợi thế giá nhân công rẻ sang cạnh tranh bằng nguồn lực chất lượng cao.
Nếu cách đây 25 năm, khi Việt Nam bắt đầu thực hiện thu hút đầu tư nước ngoài, là “điểm nóng” đối với các nhà đầu tư quốc tế, thì giờ đây, sau một phần tư thế kỷ, Việt Nam đang phải đối mặt với một người bạn trong khối ASEAN, đồng thời cũng là một đối thủ -- Myanmar, sau khi quốc gia này chính thức chuyển đổi sang chế độ dân sự.
Khi so sánh giữa Việt Nam và Myanmar, ông Earnest Bower, một lần nữa cho biết quan điểm của ông:
Myanmar hiện là một thị trường hoàn toàn mới, một quốc gia rộng lớn với khoảng 55 triệu dân, thế nhưng Việt Nam lại lớn hơn và có chính sách mở cửa để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trước đó một thời gian dài. Mặc dù, Myanmar hiện đang là một điểm nóng, nhưng thực sự vẫn còn rất khó để có thể đầu tư tiền bạc ngay lúc này vì cơ sở hạ tầng cũng chưa có gì, chính phủ dân sự vẫn còn khá mới.
Bởi Việt Nam có một thời gian dài hơn thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam nên tận dụng cơ hội đi trước này bởi nếu không, Myanmar sẽ rất nhanh chóng theo kịp. Vì vậy, trong khoảng 10 năm tới, Myanmar sẽ là một đối thủ mạnh đối với Việt Nam và Việt Nam ngay lúc này cần phải tận dụng những lợi thế đang có để thu hút vốn FDI mạnh mẽ hơn.
Rõ ràng, để Việt Nam trở thành điểm dừng chân và phát triển lâu dài cho các nhà đầu tư quốc tế đòi hỏi Chính phủ phải có những chiến lược và định hướng rõ ràng và hơn hết cần phải nhận thức môi trường thu hút đầu tư sau 25 năm đã thay đổi rất nhiều và các đối thủ cạnh tranh cũng hoàn toàn khác.
Vũ Hoàng, phóng viên RFA, 2013-07-22
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét