Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

Có cần uống tiếp liều thuốc đắng?

Có cần uống tiếp liều thuốc đắng?
Liên tục trong các tuần gần đây, tại các cuộc họp, hội thảo, rất nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần mở rộng chính sách tài khóa, tăng bội chi ngân sách để kích cầu hoặc tăng phát hành trái phiếu chính phủ để tăng đầu tư công nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Vậy đâu là cơ sở để đưa ra những đề xuất kiểu như vậy và Việt Nam có thực sự cần đến một gói kích cầu nữa không?
Lạm phát đang ngấp nghé trở lại
Có một điểm chung mà các chuyên gia đều dựa vào để đưa ra đề xuất là tình hình lạm phát đang hạ nhiệt.

Diễn biến CPI qua các tháng (%, CPI tháng báo cáo so với tháng trước) - Nguồn: Tổng cục thống kê
Tại cuộc hội thảo “Diễn biến giá cả, thị trường Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2013” diễn ra hôm 11/7 tại Hà Nội, bà Đỗ Thị Ngọc, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sáu tháng đầu năm nay có tốc độ tăng tương đối thấp trong khoảng 10 năm gần đây.
Và bà Ngọc nhận định, với diễn biến CPI sáu tháng đầu năm cho thấy lạm phát không còn là mối lo ngại lớn trong năm 2013 và hoàn toàn có thể kiềm chế ở mức thấp hơn năm 2012.
Trong khi đó, dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế Vũ Quang Việt trong một bài viết trên báo Đất Việt Online hôm 8/7, có nhiều dấu hiệu cho thấy lạm phát cao đang trở lại. Tính từ đầu năm 2013, lạm phát tuy có giảm, nhưng đến tháng 6 lại có khuynh hướng tăng. Vào tháng 6, tốc độ lạm phát năm là 6,7%, trong khi tháng trước là 6,4% (xem thêm bảng số liệu).
Lạm phát qua các tháng năm 2013 (%)

(Đây là mức lạm phát tính theo năm, tức là so với cùng kỳ năm trước, để tránh những ảnh hưởng của yếu tố mùa vụ. Nguồn: Tổng cục Thống kê).
Còn mới đây, hôm 12/7, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho rằng lạm phát của Việt Nam có thể tăng đến 8,2% vào thời điểm cuối năm. Nhận định này được đưa ra trong bản báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam sáu tháng đầu năm 2013.
Trong báo cáo này, WB cho rằng, việc tăng lương tối thiểu, cùng với việc tăng giá dịch vụ giáo dục, y tế, giá điện,… sẽ là những yếu tố chính đẩy lạm phát năm 2013 tăng cao hơn nhiều so với kỳ vọng của Chính phủ.

Giá cả cứ âm thầm tăng
Mặc cho những dự báo, tính toán của các chuyên gia, các nhà điều hành kinh tế, cuộc sống luôn có những lý lẽ của riêng nó.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá mặt hàng lương thực và thực phẩm (là hai mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong rổ hàng hóa tiêu dùng) chỉ tăng vào hai tháng đầu năm, đến các tháng sau đều giảm.
Tính chung một năm qua (tức là so với cùng kỳ năm trước), giá lương thực giảm 3,23%, còn giá thực phẩm chỉ tăng 1,79%. Nhưng với các bà nội trợ thì tiền chợ cứ ngày một teo tóp dần vì giá cả không dừng bước được lâu, chứ không mong là giá giảm.
Chẳng hạn, nói giá lương thực giảm, nhưng người dân trong nước vẫn phải mua gạo trắng thường với giá 10.000 đồng/kg suốt hai năm qua, hoặc giá một tô bún bò bình dân từ 25.000 đồng hồi đầu năm, nay đã lên 28.000 đồng, tức tăng 12% chứ không phải chỉ tăng 6,2% như báo cáo của Tổng cục Thống kê.
Một chai nước mắm chay mới tháng trước còn mua được với giá 15.000 đồng, nay phải thêm 2.000 đồng nữa, vậy là đã tăng 10% so với giá cũ. Chỉ tính nhẩm đã thấy khoảng mười mặt hàng tăng giá từ đầu tháng đến giờ, bởi vậy khoản tiền chi cho ăn uống hằng ngày của một gia đình trung lưu có bốn người ở TP.HCM cũng tăng từ 200.000 đồng lên 250.000 đồng/ngày.
Tại một số siêu thị nhiều bảng giá mới đã được thay kể từ đầu tháng 7/2013 và đại diện các siêu thị cho biết do áp lực tăng giá đang bao vây nên chuyện cầm cự để giữ giá chưa biết sẽ kéo dài được bao lâu. Còn chuyện tăng giá chỉ còn là vấn đề thời gian.

Niềm tin vào sự phục hồi còn mong manh
Thực ra, nếu nhìn vào những chỉ số thống kê của quý II và sáu tháng đầu năm có thể thấy tình hình kinh tế vĩ mô đang được cải thiện, dù rằng tăng trưởng GDP còn ở mức thấp 4,9%. Tuy nhiên, niềm tin vào sự phục hồi kinh tế là rất mong manh.
Người tiêu dùng vẫn đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Chỉ số tăng chi tiêu thực cho hàng hóa và dịch vụ có dấu hiệu hồi phục trong cả năm 2012, tuy nhiên trong sáu tháng đầu năm 2013 chỉ số này liên tục thấp hơn cùng kỳ 2012.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sáu tháng đầu năm nay chỉ tăng có 4,9% (đã loại trừ yếu tố giá), trong khi cùng kỳ năm trước con số này là 6,5%. Đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.
Về phía nhà sản xuất, chỉ số mua hàng của nhà quản trị (PMI) do Ngân hàng HSBC công bố, mặc dù có sự phục hồi vào tháng 3 và tháng 4 nhưng lại giảm mạnh vào tháng 5 và tháng 6.

Lại kích cầu, tăng đầu tư công
Trong bối cảnh kinh tế vẫn còn suy giảm thì những giải pháp như tăng chi tiêu của Chính phủ và chấp nhận thâm hụt ngân sách để vực dậy nền kinh tế là điều dễ được nghĩ đến.
Bởi vậy, trong bản báo cáo gửi đến Chính phủ hồi cuối tháng 6 vừa qua, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng trong sáu tháng cuối năm, chính sách điều hành cần ưu tiên hơn nữa cho tăng trưởng kinh tế, nhằm đạt mục tiêu 5,5% cho năm 2013 bằng cách tăng tổng cầu mạnh hơn nữa.
Hay như Ngân hàng Nhà nước, trước tình trạng các ngân hàng thương mại dư thừa thanh khoản tiền đồng, cơ quan này đã đề xuất Chính phủ phát hành thêm 100.000 tỉ đồng trái phiếu để mở rộng đầu tư công.
Trước đó, tại kỳ họp Quốc hội hồi tháng 6 vừa rồi, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã phát biểu với báo chí rằng nợ công vẫn đang trong giới hạn an toàn (đến cuối 2012, nợ công bằng 55,7% GDP) nên cũng cần phải xem xét có thể phải huy động thêm nguồn lực để hỗ trợ kinh tế trong khó khăn.

Phải chăng đã hết cách?
Một số chuyên gia kinh tế lo ngại việc bơm tiền ra nền kinh tế trong bối cảnh hiệu quả đầu tư công chưa được cải thiện sẽ gây thêm áp lực cho lạm phát, tỷ giá. Bài học kích cầu năm 2009, với số tiền lên đến 8 tỉ USD, có lẽ vẫn còn nóng đối với các nhà điều hành kinh tế.
Thực ra, mức lạm phát 6 – 7%/năm như hiện nay của Việt Nam cũng không phải thấp so với các nước trong khu vực, hay so với chuẩn mực của thế giới.
Ngoài ra, theo chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, việc tăng đầu tư công bằng cách phát hành thêm trái phiếu chính phủ sẽ tạo ra hiệu ứng chèn ép đầu tư tư nhân do làm tăng mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế. Mà điều này cũng đã xảy ra trong những năm qua và đến nay vẫn chưa dứt.
Để nền kinh tế vượt qua những khó khăn hiện nay, có lẽ trước hết Chính phủ nên khôi phục niềm tin của người dân, của doanh nghiệp vào khả năng điều hành kinh tế của mình.
Nhưng muốn làm người khác tin thì Chính phủ cần hành động. Chính sách, giải pháp để gỡ khó cho nền kinh tế được ban hành trong năm 2012 và sáu tháng đầu năm nay là không ít nhưng thử hỏi việc thực thi đến đâu. Có ai phải chịu trách nhiệm về việc thực thi chậm trễ này hay không?
Vậy nên, nói một cách ví von như chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh “bóng được phát lên nhiều nhưng rất thiếu sự phối hợp ăn ý giữa các cầu thủ nên dù đã hết hiệp một (sáu tháng đầu năm) chưa có trái bóng nào sút tung lưới nợ xấu, bất động sản, đầu tư công…”.
Nếu thực lòng muốn lắng nghe, Chính phủ sẽ tìm thấy không ít những ý kiến góp ý tâm huyết để gỡ khó cho nền kinh tế. Điều then chốt vẫn là vấn đề tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm cá nhân của những nhà lãnh đạo và điều hành kinh tế.
QUỲNH NHƯ/DNSGCT
http://www.doanhnhansaigon.vn/online/kinh-doanh/tai-chinh-chung-khoan/2013/07/1075530/co-can-uong-tiep-lieu-thuoc-dang/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét