Nghịch lý con số thất nghiệp
Anh Thư(TBKTSG) - Tỷ lệ thất nghiệp là một trong những chỉ số quan trọng trong kinh tế vĩ mô. Khi được đo lường chính xác, tỷ lệ thất nghiệp cho chúng ta thông số về sức khỏe nền kinh tế và là một trong ba thành tố quan trọng đóng góp vào tăng trưởng GDP, bên cạnh vốn đầu tư và năng suất lao động.Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sáu tháng đầu năm 2013, tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước là 2,28%. Tỷ lệ thiếu việc làm là 2,85%. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước tại thời điểm 1-7-2013 là 53,3 triệu. Như vậy, con số thất nghiệp là 1,2 triệu người và có 1,5 triệu người thiếu việc làm. Trước đó, năm 2012 tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 1,99%, so với mức 2,8% và 2,2% lần lượt của các năm 2010 và 2011.
Tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước kinh tế phát triển nhất như Mỹ và Đức (7%). Các nước châu Âu khác mà tình hình kinh tế đang rất khó khăn như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, con số này còn cao hơn nhiều, lần lượt là 27,2%, 27% và 17,6%.
Với con số tỷ lệ thất nghiệp nêu trên thì lẽ ra nền kinh tế nước ta chưa đến mức đình đốn như thực tế đã diễn ra. Nghịch lý này cho thấy cần xem xét lại con số, cách tính tỷ lệ thất nghiệp, và có lẽ không thể không đề cập đến những người trong lực lượng lao động, có việc làm nhưng chưa được toàn dụng lao động.
Đơn cử như ở khu vực nông thôn, trước hết là lao động trong nông nghiệp, tỷ lệ lao động chưa toàn dụng là rất cao. Ở nhiều vùng, nông dân chỉ làm việc vài tháng trong năm trên mảnh đất nhận khoán của mình. Thời gian còn lại là nông nhàn, họ phải tìm kiếm việc làm khác để tăng thu nhập. Chỉ một số ít có nghề phụ tại chỗ, phổ biến là nghề truyền thống, làm gia công các mặt hàng thủ công đơn giản. Những người không có tay nghề, phải ly hương ra thành phố kiếm sống, làm đủ mọi nghề từ phụ hồ, giúp việc gia đình, thu mua phế liệu đến lao động cơ bắp… và cũng chỉ chủ yếu là ở Hà Nội và TPHCM. Số người và thời gian nông nhàn không có việc làm, nghĩa là chưa toàn dụng lao động, phải được tính vào tỷ lệ thất nghiệp.
Chưa toàn dụng lao động là lãng phí lớn nhất về vật chất và con người. Thực tế cho thấy, người lao động trong nông nghiệp đang rất thiếu việc làm, điều đó cũng nói lên chính sách và môi trường xã hội chưa đủ sức tăng cầu lao động. Con số thống kê vừa được công bố chưa nói hết góc cạnh về toàn dụng lao động. Từ đó, chưa thấy hết được sự cấp bách phải có những chính sách đột phá hợp lý để tăng tỷ lệ toàn dụng lao động.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét