Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

Kho dữ liệu kinh tế và…

Kho dữ liệu kinh tế và…
Đầu quý 3/2013, lần đầu tiên ở Việt Nam, Kho dữ liệu kinh tế quốc gia chính thức đi vào hoạt động. Kho dữ liệu trực thuộc Bộ Công thương, chuyên sâu về việc cập nhật các nguồn số liệu công nghiệp và thương mại của quốc gia. 
Thông tin có trong kho dữ liệu bao gồm 74 chỉ tiêu và văn bản phản ánh đa dạng về các lĩnh vực công nghiệp, thống kê thị trường trong và ngoài nước, tiềm lực thương mại và công nghiệp…Nguồn thông tin có trong Kho dữ liệu được cập nhật từ các ngành chuyên trách như Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính… Trên cơ sở cập nhật đầy đủ và chính xác, Kho dữ liệu có nhiệm vụ góp phần nâng cao chất lượng công tác điều hành quản lí của các cơ quan quản lí nhà nước và phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất của cộng đồng doanh nghiệp cũng như nền kinh tế nói chung. Kho dữ liệu kinh tế quốc gia là một dự án được khởi động từ các năm trước, đi vào hoạt động đầu quý 3/2013 với tổng số vốn đầu tư ( giai đoạn đầu ) hơn 25 tỉ đồng.

Đưa vào sử dụng Kho dữ liệu kinh tế quốc gia là rất cần thiết, thậm chí quá muộn so với nhu cầu đang đặt ra trong cuộc sống. Số liệu vênh nhau, thiếu thống nhất giữa các ngành, các lĩnh vực đang là thực tế đáng buồn và gây ra hệ lụy không nhỏ cho công tác điều hành quản lí nền kinh tế. Hiện thời cũng như các năm trước, trên một số lĩnh vực quan trọng, số liệu báo cáo tạo ra "độ vênh” thật sự đáng lo ngại. 

Cùng vấn đề và cùng thời điểm như nhau, mỗi ngành đưa ra số liệu khác biệt nhau. Kết thúc 2012, Hiệp hội Lương thực Việt Nam báo cáo số lượng gạo xuất khẩu đạt hơn 7,5 triệu tấn. Trong khi đó, số liệu từ Tổng cục Hải quan đưa ra con số hơn 8 triệu tấn gạo được xuất khẩu trong năm 2012. Nợ xấu đang là " cục máu đông” của nền kinh tế, vấn đề này được phản ánh bằng những số liệu khác nhau. Cùng một lĩnh vực nhưng số liệu nợ xấu do Ngân hàng Nhà nước công bố có mức khác biệt so với chỉ số do các ngân hàng thương mại báo cáo. Nợ xấu được phản ánh bằng những con số "di động” mang tính chủ quan: hơn 5%, gần 10%, thậm chí trên 15%. Tỉ lệ nợ công cũng trong tình trạng "biến hóa” theo kiểu như vậy, mức chênh nhau lên đến gần gấp đôi. Chỉ tiêu giải quyết việc làm và tỉ lệ thất nghiệp. Số doanh nghiệp phá sản và ngừng hoạt động. Lượng hàng tồn kho của các ngành sản xuất chủ lực. 

Những vấn đề này đều có số liệu báo cáo nhưng, thật đáng buồn và khó hiểu, chưa có con số chính xác và thống nhất từ phía cơ quan chủ quản cũng như các ngành liên quan. Tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp đã phải thốt lên : " Độ tin cậy của các số liệu rất thấp, dẫn đến không thể dự báo chính xác các xu hướng, không thể đưa ra các quyết sách, giải pháp đúng và sẽ gặp nhiều rủi ro”. Ở các địa phương cũng đang xảy ra tình trạng tương tự, thậm chí không ít nơi còn có dụng ý đưa ra những "con số đẹp” trái ngược với thực tế. Thành tích khai tăng, yếu kém cắt giảm, đó là "nguyên lí” tạo ra những số liệu sai lệch thực tế. Dư luận xã hội gọi đó là hành vi báo cáo láo. Dối trên, lừa dưới là thủ phạm đẻ ra các số liệu báo cáo láo.

Hi vọng sau khi Kho dữ liệu đi vào hoạt động, các số liệu báo cáo sẽ chuẩn xác hơn, góp phần loại bỏ tình trạng phản ánh sai thực tế đang diễn ra ở nhiều nơi.
Bá Tân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét