Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

Kinh tế Trung Quốc qua những con số ‘phi chính thức’

Sắc màu kinh tế Trung Quốc qua những con số ‘phi chính thức’
Nghi ngờ về những số liệu chính thức về “sức khỏe” nền kinh tế Trung Quốc đã trải qua quá trình kiểm duyệt gắt gao của chính phủ Trung Quốc đang trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi trên Weibo, Wall Street Journal đã trích dẫn nhiều báo cáo thống kê của các tổ chức khác để từ đó vạch trần sự thật về nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Ảnh: Financial Times
Theo số liệu chính thức của chính phủ Trung Quốc được công bố hôm 15/7, tốc độ tăng trưởng GDP quý II/2013 đạt 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Một con số được coi là đã đạt mục tiêu đề ra của đội ngũ lãnh đạo mới. Tuy nhiên, nếu tính toán tốc độ tăng trưởng GDP theo phương pháp của Mỹ thì bức tranh kinh tế Trung Quốc không giữ được “màu hồng” như vậy.

Theo đó, Cục thống kê Mỹ cho rằng tốc độ tăng trưởng trong quý II của Trung Quốc chỉ dừng lại ở mức 7%, đồng thời ước tính mức độ tăng trưởng nguồn vốn FDI thực sự vào quốc gia này cũng chỉ dừng lại ở mức “khiêm tốn” chứ chưa cao đến mức 20,2% mà Bộ Thương mại Trung Quốc đưa ra.

Hơn nữa, các kết quả khảo sát kinh doanh cũng cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang ngày càng “đuối sức”. Trong khi chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) chính thức tháng 6 của Trung Quốc chỉ giảm nhẹ từ mức 50,8 điểm trong tháng 5 xuống còn 50,1 điểm thì chỉ số PMI theo khảo sát của HSBC đối với doanh nghiệp tư nhân giảm còn 48,2 điểm. Đây là mức thấp nhất trong vòng 4 tháng qua, cho thấy các nhà máy ở Trung Quốc gần như đã ngừng mở rộng. Bên cạnh đó, kết quả khảo sát của Market News International cũng chỉ ra rằng môi trường kinh doanh tại Trung Quốc đang ngày càng tồi tệ.

Với mục tiêu chuyển nền kinh tế từ phụ thuộc vào đầu tư sang tập trung vào người tiêu dùng, chính phủ Trung Quốc hy vọng tiêu dùng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng GDP. Tuy vậy, các con số chính thức của chính phủ đã cho thấy nỗ lực này đã bị thất bại với mức tăng trưởng doanh số bản lẻ trong nửa đầu năm 2013 giảm xuống còn 12,7%.

Thực tế, những báo cáo từ các nhà bán lẻ hàng đầu tại Trung Quốc còn vẽ ra một bức tranh ảm đạm hơn. Doanh thu quý II của Nike đã sụt 1%, còn doanh thu của Yum - nhà cung cấp của KFC - đã giảm 20% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này cho thấy các vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đã ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của các hãng đồ ăn nhanh ở Trung Quốc. Đồng thời, đây cũng là một dấu hiệu minh chứng rõ nét thị trường tiêu dùng Trung Quốc vẫn còn rất lâu mới có thể bùng nổ được.

Không chỉ vậy, lộ trình tăng lương mờ mịt kết hợp với tâm lý bi quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế dường như đang đè nặng lên tâm lý của người tiêu dùng. Theo kết quả khảo sát của Boston Consulting Group được thực hiện trong tháng 4/2013 trên khoảng 1.000 người tiêu dùng tại 12 thành phố ở Trung Quốc, chỉ có 27% người được hỏi có kế hoạch tăng chi tiêu trong năm tới, giảm so với mức 38% trong năm 2012.

Nếu nhìn qua báo cáo của Bộ Nhân lực và An sinh Xã hội về vấn đề thất nghiệp và việc làm, nhiều người sẽ băn khoăn với tỷ lệ việc làm mới tăng cao mà tình hình tiêu dùng vẫn ảm đạm. Nhưng nếu nhìn sang nhận định của FOST - một công ty nghiên cứu hàng đầu ở Trung Quốc – thì sẽ rất nhanh có lời giải đáp: dữ liệu của Bộ rất khó tin bởi chỉ một phần nhỏ những lao động thất nghiệp tìm đến cơ quan công quyền báo cáo về tình trạng của họ cũng như xin lời khuyên giới thiệu việc làm, và cũng là nơi dữ liệu được thu thập.

Rõ ràng khi người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng bi quan, các đối tác của nền kinh tế thứ 2 thế giới tại Mỹ và châu Âu cũng không còn hào hứng. Theo số liệu chính thức của hải quan Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu tháng 6 của nước này giảm 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái, một sự suy giảm mạnh từ mức tăng trưởng 15% trong tháng 4/2013. Con số này được coi là hệ quả tất yếu của việc các nhà chức trách Trung Quốc sử dụng trái phép các tài khoản thương mại để hút dòng tiền “nóng” vào đất nước này. Thực tế, các dữ liệu từ hóa đơn của các doanh nghiệp Trung Quốc đã thể hiện bất nhất giữa dữ liệu xuất khẩu của Trung Quốc sang Hong Kong và dữ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc vào Hong Kong.

Nhu cầu tiêu dùng yếu đã đưa đẩy chính quyền Trung Quốc quay trở lại với chính sách phụ thuộc bấy lâu: đầu tư và chi tiêu công. Một bức tranh đã trở nên quen thuộc với người Việt Nam: Sau một thời gian gò bó thị trường BĐS vì lo lắng tăng trưởng quá nóng, Chính phủ Trung Quốc giờ lại vội vàng “bật đèn xanh” và kết quả là giá nhà, diện tích xây dựng, thiết bị xây dựng bắt đầu tăng lên. Giá nhà tháng 6 đã tăng khoảng 7,4% so với 6,9% hồi tháng 5, còn diện tích sàn bán ra tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, điều này vẫn không đủ sức để giúp thị trường thép và đồng khi giá nhóm hàng này tiếp tục trượt dốc.

Các số liệu chính thức cũng cho thấy nợ chính phủ và đi vay thấp. Nhưng con số này lại không tính đến hoạt động của chính quyền địa phương. Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, thặng dư thâm hụt năm nay có thể chiếm đến 7,2% GDP và tác động của chính sách kích thích tài chính sẽ không lớn như nhiều người vẫn tin hay cố gắng tin.

Chuyên gia kinh tế Paul Krugman nhận định trên New York Times: Một hệ thống dữ liệu hoa mỹ chẳng khác gì một cuốn phim khoa học viễn tưởng nhàm chán, nhưng thống kê của Trung Quốc thậm chí còn vượt trên cả tầm “hư cấu”. Nhưng dù chính phủ có cố giữ đến đâu thì việc kinh tế Trung Quốc đã đụng phải “Vạn Lý Trường Thành” là không thể phủ nhận. Tất cả những nền kinh tế phát triển thành công đều dựa trên tỷ lệ hợp lý giữa đầu tư và tiêu dùng. Nếu 70% GDP của Hoa Kỳ là nhờ tiêu dùng thì ở Trung Quốc, gần một nửa GDP là nhờ đầu tư. Đầu tư hôm nay để sinh tiêu dùng ngày mai, nhưng Trung Quốc hết đầu tư rồi lại đầu tư. Nền kinh tế vẫn sẽ phát triển, nhưng thu nhập người dân lại không gia tăng tương xứng, khi nguồn lợi đã bị đóng băng trong các nhóm lợi ích.

Lục Vân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét