“Cắm mặt” xin chứng nhận, hậu “di sản” ra sao… không cần biết!
Vài năm trước đây, Việt Nam hân hoan rùm beng với việc 10 hồ sơ xin UNESCO chứng nhận là di sản thế giới, đã mang lại kết quả mỹ mãn. Nào Hạ Long, nào Huế, Hội An… đến nhã nhạc cung đình, ca trù, quan họ… Nhưng rầm rộ là thế khi nhận bằng công nhận, rồi sau đó các di sản ấy bị “đối xử” thế nào sau khi mang danh về cho đất nước?. Có lẽ không nói ai cũng biết, đến nỗi nhiều người phải xót xa thốt lên rằng: “cứ cái gì được công nhận di sản xong đều xuống cấp hơn xưa”. Điều này cũng được ông Cục trưởng cục di sản thừa nhận: Chúng ta đang còn có quá nhiều thực hành văn hóa xấu trong bảo tồn di sản.Đáng lẽ được chứng nhận rồi thì anh phải có kế hoạch bảo tồn cho những di sản này khiến nó phát triển nhưng Việt Nam lại coi việc chứng nhận di sản như những “trận đánh”, giành “chiến thắng” xong là để lại một “bãi chiến trường”, ai dọn mặc kệ, ta lại kéo quân đi đánh tiếp. Trong khi đó, UNESCO rất quan trọng việc thực hành tốt trong bảo tồn di sản. Thậm chí, họ còn hỗ trợ chuyên gia và tiền bạc nhiều hơn số tiền mang về từ việc di sản được công nhận, bởi cứu di sản là điều UNESCO quan tâm hơn cả. Đáng tiếc là Việt Nam không quan tâm đến vấn đề này.
Theo GS.Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, cho hay thực chất việc bảo tồn di sản và phát triển không hề mâu thuẫn nhưng chính cách quản lý đã làm nảy sinh xung đột. Nhà quản lý “xăm xăm” thâu tóm di sản, di tích, gạt người dân đang sinh sống và làm việc dựa trên di tích qua một bên. Và tệ hơn cả là sau khi “khẳng định chủ quyền”, họ không làm gì để khiến di sản tốt lên mà trái lại ngày càng khiến sức sống của di sản èo uột, xuống cấp mà làng cổ Đường Lâm là một ví dụ rõ nhất.
Bên cạnh đó, những di sản văn hóa phi vật thể cũng nằm trong tình trạng tương tự. Ca trù là một ví dụ cụ thể nhất trong việc di sản bị “nhốt tủ kính” và chẳng còn cơ nào phát triển trong cộng đồng. Dù L’Espace (Trung tâm văn hóa Pháp) đã cố bảo tồn giúp Việt Nam trong việc tổ chức nhiều cuộc hội thảo và biểu diễn ca trù tại trung tâm, song ca trù vẫn như một “vật thể lạ” được bày trong tủ kính, chỉ để người xem chiêm ngưỡng chứ không cảm nhận được sự quý giá của loại hình nghệ thuật này. Ca trù có thể đi nước ngoài, hoặc được biểu diễn trong chương trình “Viet Nam’s got Talent” như một “vị” đặc biệt, xong đối với người dân, ca trù vẫn xa lạ như để dành cho người hoài cổ.
TS. Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng cục di sản cho biết, Việt Nam đã 2 lần bị UNESCO “nhắc nhẹ” về việc quản lý di sản văn hóa Huế và Hạ Long tại các cuộc họp hội đồng di sản. Thế nhưng ngoài 2 di sản trên, chúng ta cũng còn có những di sản có vấn đề trong quản lý, mà thông tin chưa lộ ra ngoài. Nói như ông Hùng là chúng ta đang “đóng cửa bảo nhau” để chưa bị nhắc nhở thôi, lấy ví dụ như quan họ đang ngày càng xô bồ, chính nhà quản lý văn hóa ở Bắc Ninh cũng chưa nhận thức đúng về giá trị di sản này và vẫn làm như cũ, thậm chí còn kém hơn cũ. Còn Xẩm – đang được nỗ lực đệ trình UNESCO để công nhận là di sản văn hóa phi vật thể - hiện cũng đang héo mòn vì những buổi diễn mà nghệ sĩ đeo kính đen giả mù, rất xúc phạm người hát xẩm, bởi đôi mắt hỏng không phải là đặc trưng của nghệ thuật này...
Và khi mà các nhà quản lý còn chẳng hiểu cái thứ nghệ thuật mình đang xin bảo tồn và chẳng có ý thức với các thắng cảnh xin được công nhận di sản, thì mãi mãi việc lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận các di tích khác trở thành di sản thế giới chỉ là chuyện các vị chạy theo thành tích, hơn nữa hình như điều này cũng có thể mang lại cả lợi ích tiền bạc vì nghe đâu cũng tốn hơn 50 tỷ đồng cho một hồ sơ xin chứng nhận.
Có thể nói, việc chứng nhận di sản thế giới hình như dành cho ai chứ không phải dành cho người dân vì quả thực, họ chẳng được hưởng lợi gì trong việc được công nhận di sản cả, và vì thế sự tự hào chắc cũng không có nốt. Ngay cả đến người dân làng cổ Đường Lâm cũng khóc ròng khi mới được chứng nhận di tích mà cuộc sống đã khổ cực rồi, “bây giờ mà Đường Lâm được UNESCO công nhận di sản thế giới thì… chúng tôi chết!”.
Toàn Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét