Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

Trung Quốc càng hung hăng càng củng cố chiến thắng của Thủ tướng Abe

Trung Quốc càng hung hăng càng củng cố chiến thắng của Thủ tướng Abe
Nếu như những cuộc biểu tình đập phá doanh nghiệp Nhật vào tháng 9/2012 khiến nội các của ông Noda chao đảo thì đó lại chính là cơ hội cho Đảng Dân chủ Tự do toàn thắng, quay trở lại cầm quyền bằng việc khơi dậy tinh thần dân tộc. Chiến thắng tiếp theo của Thủ tướng Nhật tại Thượng viện tiếp tục cho thấy dù kế sách “3 mũi tên” Abenomics táo bạo và phiêu lưu nhưng dân chúng và doanh nghiệp Nhật vẫn nghiêng về nhà lãnh đạo có đường lối cứng rắn trước Trung Quốc.
Kết quả kiểm phiếu sơ khởi cho thấy đảng cầm quyền đã chiếm ít nhất 71 ghế trong số 121 ghế được bầu và con số có thể lên 80 ghế cho thấy chiến thắng vang dội của ông Abe. Trả lời trên đài NHK ngày 21/7 Thủ tướng 58 tuổi khẳng định “đây là một thông điệp mạnh mẽ rằng tôi sẽ tiếp tục sử dụng quyền lực của mình để kéo nền kinh tế Nhật ra khỏi những thập kỷ suy giảm và tôi muốn chắc chắn rằng mọi người sẽ cảm nhận rõ được ảnh hưởng của sự phục hồi kinh tế đang đến.”

Ba mũi tên phục hưng kinh tế

Hai mũi tên đầu tiên của Abenomics bắt đầu bằng chính sách tiền tệ nới lỏng định lượng, tăng trưởng kinh tế. Một khối tiền tệ 13,1 nghìn tỷ yen được Ngân hàng Trung ương Nhật Bản bơm vào nền kinh tế, tăng lạm phát lên 2% trong 2 năm tới và mỗi tháng mua vào 70% lượng trái phiếu, nhân khối tiền tệ hơn gấp đôi. Chính sách này đã khiến đồng yen giảm 16% so với đồng USD đủ làm hài lòng các nhà xuất khẩu khi có một tỷ giá hối đoái cạnh tranh. Ngay sau khi ông Abe nhậm chức vào tháng 10, chỉ số Topix trên thị trường chứng khoán được đẩy lên 45% (một hình ảnh trái ngược với chỉ số KOSPI của Hàn Quốc hay các chỉ số chứng khoản của Trung Quốc).

Ba mũi tên kích thích kinh tế

Nếu như, thái độ Trung Quốc càng hung hăng, đặc biệt là phòng trào chống Nhật được kích hoạt từ chính quyền Bắc Kinh dù gây thiệt hại cho những tập đoàn ôtô và điện tử của nước này trong tháng 9 nhưng hiệu ứng ngược lại là dân Nhật lập tức hướng về chính phủ và sẵn sàng hỗ trợ cho những cải cách mạo hiểm. Theo Bloomberg, niềm tin của người dân Nhật đã giúp cho mức tiêu thụ tăng lên 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái, hứa hẹn sẽ đưa kinh tế Nhật thoát khỏi suy thoái, khắc phục trạng thái giảm phát diễn ra trong 15 năm qua. Đây cũng là kết quả của mũi tên thứ 2 của Abe khi nguồn lực tài chính sẽ tập trung mở rộng đầu tư công, bất chấp ngân sách hạn hẹp và khoản nợ công trái khổng lồ mà Nhật Bản đang gánh trên lưng (chiếm khoảng 240% GDP). Điều này đồng nghĩa với các chính sách thu thuế gây “đau đớn”, đặc biệt là việc thanh trừng những công ty trốn thuế, cắt giảm nhân sự dư thừa...

Cuối cùng, mũi tên thứ 3 sẽ nhắm vào khu vực kinh tế tư nhân với mục tiêu như: tăng tổng vốn đầu tư cho doanh nghiệp thêm 10% trong 3 năm tới, tăng 3 lần kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng, tăng kim ngạch xuất khẩu nông phẩm lên 2 lần. Trong đó, rủi ro vẫn nằm trong khu vực bất động sản và phản ứng của những nhóm lợi ích nông nghiệp khi chính quyền Tokyo đang xúc tiến tiến trình đàm phán Hiệp định hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Có thể thấy tốc độ tăng trưởng của Nhật Bản vẫn diễn ra chậm chạp (thậm chí giảm 2,8% trong 3 tháng vừa qua theo khảo sát của Bloomberg). “Sẽ không có nhiều điều đáng kể bởi nó không phải là thứ cải cách hào nhoáng mà là từng bước đi nhỏ”, Robert Feldman - người phụ trách nghiên cứu kinh tế Nhật Bản tại Morgan Stanley MUFG - đánh giá trên tờ Business Week.

Từ chủ nghĩa dân tộc đến chủ nghĩa quốc tế?


Vấn đề đối ngoại của nội các Abe cũng nhiều thách thức. Việc chiếm được 2/3 ghế Thượng viện có thể sẽ giúp Abe dễ dàng tiến tới mục tiêu sửa đổi Hiến pháp hòa bình hơn mà ít gặp cản trở từ đảng đối lập, dù sự đồng tình từ phía đồng minh còn là ẩn số. Điều này đương nhiên sẽ tiếp tục khiến mối quan hệ với Trung Quốc, Hàn Quốc thêm phức tạp, tờ Hoàn cầu của Trung Quốc lên tiếng đe dọa. Thậm chí, China Daily còn cho rằng, Abe ngự trị, Nhật Bản sẽ tiếp tục “lập trường hiếu chiến”. Tuy nhiên Trung Quốc chơi rắn sẽ mang lại động lực cho nội các Abe nhìn xa hơn về Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Các chuyến công du dày đặc vừa qua cho thấy rõ chính sách xây dựng kết cấu “kim cương dân chủ” hữu hình của Nhật Bản, trong đó, lõi chính sách là tam giác đồng minh quân sự Nhật - Mỹ - Ấn cùng các nước vệ tinh ASEAN nhằm kiểm chế sự lấn lướt của Trung Quốc tại Hoa Đông và Biển Đông.

Có thể các bước đi quốc tế hóa của Thủ tướng Abe trong đối ngoại được củng cố bằng sách lược đối nội dân tộc hứa hẹn sẽ phá tan sự sơ cứng trong nền kinh tế, thay đổi luồng khí trì trệ trong 2 thập kỷ qua. Hay như theo cách nói sỗ sàng của một chính trị gia bảo thủ Ishihara - nguyên thống đốc Tokyo, nếu không vực dậy, mặt trời Nhật Bản sẽ sớm trở thành ngôi sao nhỏ trên lá cờ Trung Quốc - một quốc gia đầy tham vọng bá quyền và giờ đây cũng đang loay hoay trong chính sách cải tổ kinh tế thừa hào nhoáng và đầy nguy kịch.

Theo Kyodo News, dự kiến ông Abe sẽ gặp Phó Tổng thống Hoa Kỳ Biden tại Singapore, có thể vào ngày 27/7. Chuyến công du Đông Nam Á cho thấy Nhật Bản sẽ vẫn duy trì chiến lược bắc cầu Mỹ - ASEAN trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Biển Đông và Hoa Đông vẫn là chủ đề nóng trong cuội hội đàm sắp tới.

Mạnh Kiên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét