‘Tam nông’ bi đát, không ai chịu trách nhiệm
Nông nghiệp, nông thôn, nông dân, vốn vẫn được lãnh đạo Việt Nam gọi tắt là “tam nông” đã trở thành đề tài nóng tại nghị trường. Ðại biểu Quốc Hội đòi phải quan tâm đặc biệt tới “tam nông.”Nông dân chiếm tới 70% dân số Việt Nam. Nông thôn được xem một trong những yếu tố cấu thành nền tảng xã hội. Nông nghiệp được xem là “trụ đỡ cho nền kinh tế.” Tuy “phát triển tam nông” được xem là quốc sách nhưng ít được quan tâm.
Thu hoạch lúa ở Kiên Giang. Càng được mùa, nông dân càng lỗ nặng,
dẫu phi lý nhưng đã trở thành “quy luật” tại Việt Nam. (Hình: Sài Gòn Tiếp Thị)
Ông Trần Hoàng Ngân - một đại biểu Quốc Hội so sánh: Khi các lĩnh vực như ngân hàng, công nghiệp, xây dựng, bất động sản gặp khó khăn, lãnh đạo các ngành có liên quan liên tục tổ chức hội nghị, hội thảo bàn bạc cách hỗ trợ. Chỉ có nông nghiệp, nông thôn, nông dân là gần như chẳng có ai làm gì cả.Nông nghiệp, nông thôn và nông dân càng ngày càng bi đát.
Nếu giai đoạn 1995-2000, tỷ lệ tăng trưởng GDP nông nghiệp là 4% thì đến giai đoạn 2001-2005, tỷ lệ này giảm xuống còn 3.8%. Sau đó, tới giai đoạn 2006-2010, tỷ lệ tăng trưởng GDP nông nghiệp tụt xuống còn 3.3%. Ðến năm 2012, tỷ lệ tăng trưởng GDP nông nghiệp tiếp tục giảm xuống còn 2.72% vào năm 2012.
Tháng trước, ông Cao Ðức Phát - Bộ trưởng Nông Nghiệp - Phát Triển Nông Thôn, thừa nhận thực trạng từ đầu năm tới nay: Thị trường tiêu thụ lúa gạo và cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long đang bế tắc. Hạn hán gây ảnh hưởng tới lúa Hè-Thu và cây cà phê ở miền Trung và Tây Nguyên. Dịch bệnh trên gia súc, gia cầm càng ngày càng phức tạp, sản xuất chăn nuôi giảm, xuất khẩu các mặt hàng nông sản giảm cả về lượng và giá trị.
Ông Ðặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính Sách và Chiến Lược Phát Triển Nông Nghiệp Nông Thôn, lý giải vì sao tỷ lệ tăng trưởng của nông nghiệp Việt Nam liên tục giảm: Ðó là vì các yếu tố chủ quan như vướng mắc về quản lý đất đai, khoa học công nghệ kém, vật tư vừa mắc vừa kém, cơ sở hạ tầng lạc hậu, thiếu sự liên kết. Cộng thêm các vấn đề khách quan tác động như thiên tai, thị trường biến động, kinh tế suy thoái, công nghệ hỗ trợ kém, đầu tư thấp...
Ông Sơn kết luận: Nông nghiệp sẽ khó có thể trở thành trụ đỡ an toàn cho nền kinh tế.
Theo các chuyên gia, hiện nay, năng suất lao động trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam thấp nhất trong khu vực Ðông Nam Á. Thua cả Lào, Campuchia và Myanmar. Vào lúc này, năng suất lao động trong lĩnh vực nông nghiệp của các quốc gia Ðông Nam Á đã vượt qua mức 400 USD/người/năm, trong khi năng suất lao động trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam chỉ dừng lại ở mức 380 USD/người/năm.
Tại diễn đàn Quốc Hội Việt Nam, các đại biểu Quốc Hội nêu ra hàng loạt câu hỏi với bộ trưởng Nông Nghiệp Phát Triển Nông Thôn. Ông Trần Hoàng Ngân hỏi: “Các loại chi phí (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cây giống, con giống, thức ăn chăn nuôi) đều tăng, giá các loại nông sản thì liên tục sụt giảm, nông dân lỗ kép, Bộ trưởng biết không?” Bà Nguyễn Thị Khá thì hỏi ông Cao Ðức Phát có biết là trước nay, mỗi năm, công quỹ chi hàng trăm tỉ để hỗ trợ cho nông dân nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo “hưởng phần gốc,” nông dân chỉ “nhận phần ngọn” hay không (?). Ông Nguyễn Ngọc Hòa, góp thêm: “Nông nghiệp càng ngày càng phụ thuộc vào nước ngoài, từ cây giống, con giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón tới thức ăn gia súc,... bộ trưởng có biết không?”
Ông Cao Ðức Phát bảo rằng ông biết hết và chính phủ Việt Nam đang tái cơ cấu nông nghiệp. Không chỉ tái cơ cấu nông nghiệp, Việt Nam còn chủ trương tái cơ cấu kinh tế. Chủ trương tái cơ cấu kinh tế được đề ra cách nay 5 năm và kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn suy thoái được xem là chưa từng có.
(Người Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét