Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

Sài Gòn ký

Sài Gòn ký
Tôi về Sài Gòn sau gần chín năm lang thang.
Ðã định không viết gì cả sau chuyến đi. Tôi đã đọc không biết bao nhiêu bài viết kiểu "tổng kết một chuyến đi" của nhiều người về Việt Nam sau một thời gian dài. "Toàn là bọn mù sờ voi", tôi nghĩ, "với cái nhìn nhỏ hẹp, phiến diện, qua một lăng kính xã hội và các chuẩn mực khác hẳn". Tôi sống ở Mỹ cả chục năm còn chưa dám nói là "hiểu" xã hội Mỹ, huống gì mới về Sài Gòn vài ngày.
Thế mà cuối cùng tôi lại ngồi xuống viết lăng quăng thế này, dù mới chỉ sờ được chót đuôi voi. Lý do chính là tôi sợ mình sẽ dần quên những xúc cảm ấm áp tôi nhận thấy trong những ngày ở Sài Gòn.
Thay cho những dòng nhật ký mà đã lâu lắm rồi không viết, có cái gì đó vô hình thôi thúc tôi ôn lại các cảm giác của chuyến đi này.
***
Cảm giác số một: cái gì cũng bé, cái gì cũng lạ.
Sài Gòn trong ký ức của tôi to lắm, to hơn gần hai chục năm tôi sống với nó và trong nó, to hơn nghìn vạn kỷ niệm lúc ẩn lúc hiện trong bộ nhớ 10 Megabytes càng lúc càng tệ của tôi.
Tô hủ tíu đầu đường bé tẹo. Tôi "làm" liền hai tô, xém nữa gọi hai ly trà đá nếu mẹ tôi không ngăn lại: "dạo này nước đá tệ lắm, khéo bị ngộ độc thức ăn". Tôi chẳng quan tâm. Suốt mấy hôm sau sáng cà fê, chiều nhậu, tối cà fê, chẳng có ngộ cái gì hết ráo.

Tôi xuống máy bay lúc 11:30 đêm, không nhận ra Tân Sơn Nhứt khi bước ra ngoài quay nhìn lại. Chút xíu nữa là tôi nhận không ra đường Hoàng Văn Thụ. Các góc phố thân thuộc nhìn tôi chăm chú. Cả cây mận tôi thường leo lên ngồi học bài trong góc sân bao nhiêu năm trời cũng nhìn tôi như quái vật hành tinh khác. Chỉ có đôi tình nhân ôm nhau chặt cứng trên chiếc dream Trung Quốc là không để ý đến tôi.

Thế đấy. Ðêm đầu tiên. Tôi nhìn Sài Gòn. Sài Gòn gườm gườm nhìn lại.

Cảm giác số hai: cái gì cũng quen.

Tôi chẳng bị jet-lag gì sất. Ngủ quay một giấc, sáng sớm hôm sau đã xách chiếc 92 lọc cọc chạy một vòng ra cầu Kiệu, qua bờ kè, chợ nhỏ, rồi vòng về. Mẹ tôi cứ bảo: "mày chưa đi được đâu, để vài ngày cho quen đã". Thế mà vài tiếng sau khi xuống máy bay tôi đã chễm chệ, lạng lách, đi ngược chiều, và tôi trở lại thành cái thằng tôi của mười năm trước, thằng tôi của Sài Gòn.

Ðiểm khác biệt duy nhất là trong suốt thời gian ở Sài Gòn tôi không hề bấm còi. Riêng cái văn hóa bấm còi này thì tôi bị Hoa Kỳ hóa.

Cảm giác số ba: đông ơi là đông.

Tôi không biết ai khác thế nào chứ, muốn thành dân Sài Gòn thì cứ vác Honda chạy một vòng là xong.

Các góc đường quen thuộc bận bịu với khói bụi, âm thanh, nắng nóng, chúng không thèm nhìn chằm chặp vào tôi như đêm đầu tiên nữa. Chúng mà có nhìn thì cũng chẳng thể nào tìm được tôi trong cái mớ hỗn độn gọi là Sài Gòn.

Thế mà lại hay! Tôi cũng chẳng có thời gian đâu mà nhìn chúng như đêm trước. Nhỡ lơ đi một tí quẹt vào ai đó thì hỏng kiểu. Tôi làm quái gì còn bằng lái xe, và đám bồ câu trắng thì chẳng còn quen ai nữa rồi. Hay nhất là tôi biến ngay thành dân Sài Gòn, ngoài nước da trắng thì chỉ có trời mới biết tôi ở xa mới về.

Cảm giác số bốn: Sài Gòn vẫn thế.

Nói đúng hơn là tốc độ phát triển bề mặt của nó bằng đúng với trí tưởng tượng của tôi. Không hiểu như thế là nhanh hay chậm, mà có gì quan trọng đâu nhỉ?

Cái bảng ngược chiều ở Nguyễn Phi Khanh vẫn trơ đó, và người ta vẫn đi ngược chiều, còn trơ hơn cái bảng. Tôi vẫn có thể càm ràm cả ngày về những cái xấu và tốt của Sài Gòn. Nó vẫn hừng hực sức sống và đáng yêu như mười năm trước. Ðiểm này có lẽ chỉ "cảm" được mà không tả được. Chính xác hơn là văn tài của tôi vẫn thấp lè tè như nước kênh Nhiêu Lộc, nên tôi chịu không diễn tả thêm được nữa.

Cảm giác số năm: lẩm cẩm đáng yêu.


Hình như có ai đó bảo khi ta yêu các thứ lẩm ca lẩm cẩm là ta bắt đầu già? Tôi không quan tâm. Tôi vẫn còn trẻ chán, và cũng yêu các thứ lẩm cẩm; từ thằng bạn uống bia như nước, câu đầu tiên đã hỏi: "mày đọc kinh Dịch chưa", đến các tranh luận linh tinh của hai ông bác già về Bush và Clinton; từ việc mẹ tôi tỉ mẩn xem con rồng con phượng bên trái hay bên phải, đến bà cô trả giá xuống một nghìn cái buồng cau năm mấy nghìn.

***

“Loay hoay với một chữ tình,
Ngoài ba mươi vẫn thấy mình ngẩn ngơ.”

Hành trang lên đường "đi" Mỹ của tôi chỉ có một chữ "tình". Như kiểu ông bà ta hay nói cái "tình" cái "nghĩa" ấy. Ta cứ gộp chung chúng lại thành chữ "tình" cho tiện nhỉ? Hơi đâu mà ... lẩm cẩm thanh bằng thanh trắc.

Tôi chẳng biết ông bà dùng chữ tình để chỉ cái gì.

Có lẽ nó là thằng bạn già vừa đi kỷ niệm tám năm ngày cưới về, nghe tin tôi, mười hai giờ đêm cũng chạy sang. Nó là thằng bạn khác vợ còn vài ngày nữa là sanh cũng tìm được cả mớ thời gian cho tôi.

Có lẽ nó là lũ nhóc tì N2 LQD thủa nào, bây giờ dù đã tay bế tay bồng công việc tỉ chuyện, vẫn tìm ra một khoảng trống ôn các kỷ niệm tuổi thơ và những trận cười quên sống. Nó là trò “kờ tô ét tờ” oái oăm của đám bạn mười sáu năm chưa gặp.

Chữ tình phải có mấy bà cô ông bác và ngàn lẻ một chuyện tiếu lâm sên sến của các cụ.

Chữ tình cũng có thể là một ánh mắt của mười mấy năm về trước, vẫn trong sáng, tinh tế và bao dung; là tia mặt trời dần nhạt phủ không gian ấm áp của ngôi trường uy nghi một chiều tôi trở lại, thấy lòng chùng xuống mang mang, hẫng một cái thấy mình nhỏ bé, quên sạch tất cả những thứ đã làm trong mười năm qua; là những tối lang thang Ðồng Khởi, Hàm Nghi, Nguyễn Huệ, bóng người hòa bóng đêm.

Tình nhất là tôi đã lôi được Sài Gòn tiềm thức ra thành Sài Gòn ý thức, cưỡng lại sức kéo mãnh liệt của thời gian.

Chỉ với cái chóp đuôi voi thì dĩ nhiên tôi chẳng hiểu Sài Gòn hơn ai cả.

Nhưng tôi biết chắc là Sài Gòn hiểu tôi!

15/01/2004
NQH Ngô Quang Hưng

http://www.cse.buffalo.edu/~hungngo/Vietnamese/SGky.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét