Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2013

Những tấn bi kịch đời


Thưa quý bạn, trên đời có những sự ngẫu nhiên kỳ lạ. Sự ngẫu nhiên đó có thể hay nhưng cũng có thể dở. Nếu hay, người ta gọi đó là sự may mắn, còn nếu dở, người ta gọi đó là sự thiếu may mắn. Do không thể giải thích được tại sao lại may mắn hoặc thiếu may mắn như thế nên người ta nói chung chung, do số mệnh đã an bài.
Vậy, số mệnh là tiếng dùng để giải thích những gì đã xảy ra mà người ta không thể giải thích được. Ví dụ, anh Nguyễn Phước Bảo Tài cháu nội vua Thành Thái trúng xổ số, người ta bảo tại cái số anh ấy đã qua cơn vận bĩ nên trúng số. Còn giả sử nếu anh Bảo Tài không trúng xổ số, người ta bảo tại cái số của anh ấy nghèo, phải chạy xe ôm, vợ đi bán vé số, trời mưa vần vũ, bị ế cả đống mà không trúng được lấy một vé nào cả. Dù A hay B, đằng nào “cái số” cũng giải thích được. Nhưng, con người có số hay không có số? Xin thưa, đúng là có số thật, bởi vì cỡ chừng 45-50 tuổi trở lên, người ta đã trải qua nhiều sự việc, may mắn cũng có mà thiếu may mắn cũng có, càng lớn tuổi càng cảm thấy đúng là con người có số. Sau đây, xin mời quý bạn coi qua những câu chuyện có thật, mang dáng dấp của số mệnh, đã xảy ra đối với một độc giả tên N.T.H.L.vàdo chính chị kể lại. Xin mời quý bạn xem xét.I. Câu chuyện của tôi
Kính thưa quý vị độc giả,

Tôi đã đắn đo suy nghĩ mãi, cuối cùng là đặt bút viết ra câu chuyện của gia đình mình để chia sẻ với quý vị, trước hết để giải tỏa tâm lý cho bản thân tôi, sau nữa quý vị có thể giúp tôi một lời khuyên trong tình cảnh hết sức đáng buồn của tôi hiện tại. Sự thực, từ xưa đến nay tôi chưa bao giờ ngờ được có ngày gia đình tôi lại rơi vào những tấn bi kịch bẽ bàng như vậy. Câu chuyện bắt đầu như sau…

Mẹ tôi là một phụ nữ tội nghiệp. Bà lấy chồng từ năm 17 tuổi, ở với chồng vỏn vẹn được có 3 tháng trời thì chồng bị kêu đi quân dịch rồi ra mặt trận hồi trước năm 75, khi còn đang chiến tranh ác liệt. Bà có thai, sinh ra chị tôi. Một mình chờ chồng, nuôi con. Bà chờ suốt 7 năm trời, khi tuổi xuân và những khát khao của một thiếu phụ trẻ xa chồng chưa tàn thì mẹ tôi nhận được giấy báo tử của người chồng mà bà rất mực yêu thương.

Hai mươi bốn tuổi với đứa con gái nhỏ và vành khăn tang trên đầu, mẹ tôi kể rằng không biết có phải do linh hồn của ba linh thiêng dun dủi hay không mà trong khi buồn bã như thế, một hôm, mới buổi sáng sớm, khi vừa mở cửa bước ra ngoài thì bà bỗng thấy một cái bọc đang ngọ nguậy trong cái chăn cũ ở ngay trên hiên.

Bà ngạc nhiên mở ra coi thì thấy đó là một đứa trẻ còn đỏ hỏn, cuống rốn mới cắt sơ sài, đã được ai đó bọc trong cái chăn đặt trước bậu cửa nhà bà. Đứa trẻ đó chính là tôi bây giờ. Mẹ tôi kể lại, lúc ấy tôi không khóc, hai mắt đang lim dim ngủ trông rất dễ thương. Bà bế tôi lên, trong lòng vừa thương xót vừa mừng rỡ vì có thêm được một đứa trẻ, nhưng cũng lo lắng do hoàn cảnh mình nghèo, sống với việc buôn bán rau cỏ lặt vặt ở chợ, không biết lấy sữa đâu mà cho nó bú.

Nhiều người khuyên mẹ tôi nên đem đứa trẻ đến viện mồ côi hay cho những gia đình hiếm muộn vì mẹ tôi còn trẻ, chưa đầy 25 tuổi, hết tang chồng còn có thể bước đi bước nữa. Nhưng mẹ tôi nói, đang tự nhiên trời cho thêm một đứa con gái, vậy là quá đủ rồi, chẳng cần bước đi bước nữa làm gì.

Hằng ngày, mẹ tôi đi bán rau cỏ, chị tôi mới 8 tuổi nhưng đã biết chăm sóc em, hễ đi học thì đem em sang gửi ở bên bà nội, về đến nhà thì bế sang cho bú nhờ bên bà hàng xóm cũng có con thơ, ở quê tôi ngoài Quảng Trị kêu là “bú rình”, trong Nam kêu là “bú thép”. “Em tôi đói bụng bú tay. Ai cho bú thép ngàn ngày tôi mang ơn…”. Còn đa số là tôi sống bằng nước cơm pha với đường phèn do mẹ tôi mua của bà hàng xén quen ở chợ. Cứ thế tôi lớn lên trong sự yêu thương của bà nội, của mẹ, của chị và của hàng xóm láng giềng, không hề biết rằng mình là con nuôi. Rồi chị tôi lập gia đình và sau đó tôi cũng lập gia đình. Tôi sinh con trai đầu lòng trong khi chị tôi đã sinh được hai con, một gái, một trai.

Ngày thôi nôi của con trai tôi thì cũng là ngày trước mặt mọi người, mẹ tôi xin phép bà nội rồi cho tôi biết một sự thật mà đối với tôi, đó là một cú sốc tinh thần hết sức đau đớn. “Mẹ đã đắn đo suy nghĩ kỹ trong bao nhiêu năm và đã bàn với bà nội rồi mới nói ra cái sự thật này. Bà nội bảo không thể giấu con mãi được. Nếu giấu, khi biết con sẽ coi thường mẹ, cho rằng mẹ là người ích kỷ, giấu giếm gốc tích của con. Bây giờ con đã có gia đình và đã làm mẹ, con đủ can đảm để biết chuyện đó. Mẹ nghĩ, con thấy con mang nặng đẻ đau như thế nào thì ngày xưa, khi sinh ra con, mẹ ruột của con cũng mang nặng đẻ đau như thế. Phải có lý do nào đó đứt ruột, không thể giải quyết được, người sinh ra con mới phải bấm bụng đem con đến đặt trước bậu cửa nhà mình nhờ mẹ nuôi giùm. Vậy mẹ không có lý do gì để cứ giấu mãi chuyện đó. Con phải biết rõ đặng sau này, nếu trời phật dun dủi cho con có dịp gặp lại mẹ ruột thì đã biết trước để sống cho phải đạo. Cho dù mẹ ruột của con không có công nuôi dưỡng thì cũng có công chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau…”

Mẹ tôi còn giải thích thêm nữa nhưng tôi hết sức kinh hoàng, hai tai ù đặc. Tại sao mẹ tôi lại cho tôi biết chuyện đó? Phải chi bà cứ im lặng để tôi không biết gì hết có phải hơn không? Đối với tôi, có bà nội, có mẹ, có chị và các bà con, họ hàng thân thuộc là đủ, tôi không cần biết tới một người đàn bà nào đó lạ hoắc đã nỡ vứt bỏ tôi từ lúc lọt lòng.

Té ra ngày đầy năm của con trai tôi hôm ấy lại là một ngày đáng buồn đối với tôi. Nhưng thôi, câu chuyện của tôi còn dài và còn nhiều ly kỳ, quái gở, tôi xin tạm ngừng ở đây để kể chuyện đứa con gái của chị tôi trước đã cho có thứ tự thời gian, sau đó sẽ kể về cuộc gặp gỡ kỳ lạ giữa tôi với người mẹ ruột đã từng bỏ tôi từ thời thơ ấu, đấy cũng là một tấn bi kịch chứ chẳng vui vẻ gì. Tôi đã nói từ đầu rằng chuyện trong gia đình tôi là những tấn bi kịch chúng tôi không hề mong muốn. Như quý vị đã thấy, từ bà nội tôi, mẹ tôi, chị gái tôi cho tới tôi nữa, có ai làm điều gì không nên không phải đâu mà đến đời con của chúng tôi lại sinh ra những chuyện kỳ cục như vậy? Bây giờ tôi xin kể tiếp…

II. Câu chuyện của con gái chị tôi
Mẹ tôi tuy nghèo, góa chồng từ năm 24 tuổi nhưng đã cố gắng nuôi dạy hai chị em tôi khôn lớn và cũng được ăn học như người ta. Sau 1975, chị tôi thi vào trường Cao đẳng Sư phạm thị xã Đông Hà của tỉnh Quảng Trị, rồi trở thành giáo viên cấp II, dạy tại quê nhà. Chị tôi sinh được hai con, một gái một trai rất xinh xắn, thông minh, ngoan ngoãn.

Chúng tôi ở Quảng Trị nhưng các cháu con của chị gái tôi khi lớn lên, học xong lớp 12 lại thích thi vào các trường đại học ở trong Sài Gòn, với mong muốn sau này ra trường sẽ sinh sống trong đó.

Con gái của chị tôi đậu vô khoa Anh văn trường Đại học Khoa học Xã Hội & Nhân Văn, tức Đại học Văn Khoa cũ. Sau 4 năm học, lúc tốt nghiệp cháu đạt loại giỏi nên xin được việc làm trong một công ty hợp tác với người nước ngoài. Có thể nói, đứa con đầu lòng của anh chị tôi là niềm vinh dự của cả gia đình. Đặc biệt là mẹ tôi – tức bây giờ là bà ngoại của các cháu – quý và cưng chiều các cháu vô cùng. Kể cả các con của chị gái lẫn con của tôi đều do bà ngoại trông nom, chăm sóc từ nhỏ.

Tuy nhiên, cuộc sống thật khó nói trước. Mọi éo le, bi kịch cũng bắt đầu từ cuộc hôn nhân của cháu gái tôi. Cháu tôi tên V, hết sức ngoan ngoãn, xinh đẹp nhưng xem ra tình cảm có điều gì đó hơi lạ, khác với những cô gái trời cho có nhan sắc khác. Suốt 4 năm học tại Đại học KHXH & NV, kể cả mấy năm sau khi đi làm, gia đình không hề thấy cháu nói chuyện gì về tình yêu hoặc đưa bạn trai ra Quảng Trị chơi, giới thiệu với gia đình. Con gái đẹp, lại có chữ nghĩa, có nghề nghiệp đàng hoàng, theo tôi nghĩ, khi con trai đã mê thì không phải chỉ ra Quảng Trị mà lội suối trèo đèo thế nào họ cũng làm.

Bố mẹ cháu – đặc biệt là bà ngoại – sốt ruột vô cùng. Ngày trước bà ngoại lấy chồng từ năm 17 tuổi kia mà! Mỗi lần cháu về chơi, bà dò hỏi, nhắc nhở thì cháu chỉ cười xòa: “Ngoại đừng lo, con đâu có “bóng” (tức gayhay lesbian - ĐD) mà không có người yêu hay không lấy chồng. Lúc nớ con sẽ đem người yêu ra ngoài ni giới thiệu rồi mời ngoại với ba mẹ con cùng mọi người vô trong Sài Gòn dự đám cưới thiệt lớn”.
Thấy cháu nói như vậy mọi người cũng mừng, nhưng rồi thời gian qua đi, chưa thấy tăm hơi gì hết.

Cuối cùng thì cháu gái tôi cũng thỏa tâm nguyện của bà ngoại, của ba mẹ khi báo tin sẽ dẫn chàng rể tương lai ra Quảng Trị ra mắt gia đình. Khỏi phải nói, mọi người trong gia đình tôi mừng thế nào khi được tin đó. Cháu còn cho biết người yêu của cháu là con trai của một ông tổng giám đốc, biết 3 ngoại ngữ, từ nước ngoài về và chính cậu ấy cũng là giám đốc của một công ty dưới quyền của cha. Cháu cũng cho biết sau khi K – người yêu của cháu – ra mắt xong, lễ cưới sẽ được cử hành ở trong Sài Gòn.

Anh chị tôi rất mừng, còn bà ngoại cháu thì không thể nói hết được sự hân hoan. Đi đâu bà cũng khoe cháu gái của bà sắp được làm dâu trong một gia đình danh giá, chú rể tương lai từ nước ngoài về, có bằng cấp lớn nên được làm giám đốc, dưới quyền của cha.

Anh chị tôi thu dọn, sơn phết nhà cửa. Nhưng chờ mãi chẳng thấy gì cả. Đến hôm, trong dịp Tết, cháu về thì lại về một mình. Hỏi, cháu nói tết nhất anh ấy bận lắm, nào lo tiền thưởng Tết, nào lo lương tháng 13 cho công nhân, lại còn phải tính tới chuyện quà cáp, biếu xén các “VIP” và những đơn vị vẫn làm ăn với công ty mình nên không thể bỏ công việc đấy mà đi được. Chúng tôi hơi thất vọng nhưng cũng thông cảm, người ta còn trẻ mà biết đặt công việc lên trên hết như vậy cũng là điều tốt.

Sau Tết ít lâu, cháu gửi tiền ra cho gia đình làm tiệc mừng ở ngoài này, còn đám cưới thì sẽ tổ chức trong Sài Gòn. Chuyện đó cũng hơi giống với các đám cưới mà cô dâu chú rể ở nước ngoài còn gia đình thì ở trong nước. Tại quê nhà chỉ đặt tiệc mừng, bố mẹ cô dâu sẽ tuyên bố lý do của bữa tiệc là con gái mình đi lấy chồng, đám cưới sẽ cử hành vào ngày…, tháng…, tại…, vậy là đủ, không cần phải có mặt cô dâu chú rể. Điều đặc biệt là đối với các đám cưới theo kiểu “rì-mốt” như vậy (remote: điều khiển từ xa -ĐD) thì chỉ có bên nhà gái tổ chức tiệc tùng mà thôi, nhà trai không cần tổ chức; và một điều đặc biệt khác nữa là bà con đến dự các đám cưới “rì-mốt” thường không đưa quà mừng.

Sau bữa tiệc đó, đến ngày đã định, anh chị tôi thuê một chiếc xe đưa cả đại gia đình vào Sài Gòn dự đám cưới của con gái.

Tôi hơi ngỡ ngàng và thất vọng khi thấy đám cưới của cháu tôi hết sức đơn giản, diễn ra tại một trong những nhà hàng chuyên làm các đám cưới thuộc hạng bình dân cho những cặp cô dâu chú rể ít tiền. Hỏi ra mới biết đấy là khu Ngã tư An Sương thuộc quận 12 hay quận Gò Vấp gì đó. Hầu như chỉ có bạn bè cô dâu và họ hàng bên ngoại từ Quảng Trị vào chứ không có bố mẹ chồng hoặc họ hàng của phía bên nội. Chú rể cũng mặc com-lê, mang cra-vát nhưng mặt mũi trông có vẻ ít học, “bói không ra được một chữ” chứ không phải người có học.

Tôi rất thắc mắc, định hỏi chị gái tôi nhưng thấy anh chị có vẻ trầm tư nên lại thôi, không tiện hỏi nữa.

Thế rồi đám cưới cũng xong, chúng tôi lại trở về Quảng Trị để tiếp tục cuộc sống hằng ngày. Chỉ có bà ngoại của các cháu là vui vẻ, ngồi trên xe cứ chuyện trò như pháo ran. Tôi hiểu, từ nhỏ tới lớn bà chưa được vào Sài Gòn bao giờ nên tưởng đám cưới như vậy là khá lắm, rất xứng đáng với cháu gái bà.

Mấy tháng sau, nghe tin con gái mang thai song sinh và sắp đến ngày ở cữ, mặc dầu cháu sinh như vậy là sớm tới mấy tháng nhưng anh chị tôi cũng lấy vé máy bay, bay vào Sài Gòn. Khi hai cháu ngoại đều là cháu trai được gần một tháng, đã khá cứng cáp anh chị tôi mới quay trở lại Quảng Trị.

Chị đến nhà tôi, nằm bẹp gí cả buổi rồi khóc nức nở, tâm sự riêng với tôi rằng con gái chị đúng là có làm thư ký trong một công ty lớn tại Sài Gòn thật, nhưng nó mê thằng cha giám đốc công ty, lớn hơn nó 20 tuổi, đã có vợ con. Hai người cứ “đi công tác”, nay Vũng Tàu, mai Đà Lạt nên nó có bầu với lão giám đốc đó. Lúc biết thì cái thai đã lớn, lại song sinh, lão giám đốc bảo phá nhưng nó không dám phá. Cuối cùng, lão đành phải giải quyết bằng cách làm cái đám cưới giả ở mãi Ngã tư An Sương cho vợ khỏi biết, thuê người đóng vai chú rể rồi mua cho nó một căn nhà, không đi làm nữa, ở nhà nuôi con…

Chị tôi khóc rưng rức, cứ than thở với tôi rằng cái số chị chẳng ra gì, nuôi con bằng bấy nhiêu tuổi đầu, có ăn có học đàng hoàng lại xinh đẹp trông cứ như người mẫu nữa, vậy mà nó ngu dại, có bầu với thằng cha giám đốc bốn mươi mấy tuổi, bây giờ đành phải làm vợ nhỏ của thằng cha đó, chẳng có hôn thơ hôn thú gì cả, không hiểu rồi giấy khai sinh của hai đứa nhỏ sẽ ra sao, có tên cha hay không. Tôi nói bây giờ họ làm giấy khai sinh đâu cần có tên cha, cứ khai theo họ mẹ còn tên cha thì đề là vô danh. Chị tôi nói, nhục, chẳng thà nó là đứa vô học, cùng đinh xã hội đã đành, đằng này nó có ăn có học, gia đình đàng hoàng… Tôi nói tại họ giàu, giám đốc giám điếc nọ kia… Chị tôi nói giám đốc cái gì, bố vợ nó là tổng giám đốc rồi phong cho nó cái chức giám đốc một công ty con trong doanh nghiệp của gia đình nhà vợ chứ cái bản mặt nó mà làm được chuyện gì. Hễ vợ nó mà biết thì cứ gọi là nó giết!...

Nói xong chị tôi lại khóc vì lo cho con gái. Cuối cùng, chị dặn tôi giữ kín vì sợ mẹ biết mẹ buồn.

Trong khi anh chị tôi và tôi đã rõ mọi chuyện thì cháu gái tôi lại tưởng chẳng ai biết gì cả nên mỗi lần đem hai con về chơi, nó cứ nói xạo đủ thứ, nào là khoe nhà chồng thế này, nhà chồng thế kia nghe đến chán cả lỗ tai. Tại sao cháu tôi lại tự đeo cho mình cái mặt nạ kỳ cục như vậy? Hồi còn đi học cháu đâu có thế? Bây giờ cháu “nổ” còn quá lựu đạn, nói dóc không thể tưởng tượng được, đến nỗi nhiều khi thấy cháu xạo quá, tôi với chị gái tôi cứ đưa mắt nhìn nhau, tự nhiên cảm thấy mắc cỡ...

Chị gái tôi than phiền với tôi rằng cháu V gần như một đứa ngu xuẩn, chẳng bao giờ nghĩ lại cái thân phận bé mọn, sống không hôn thơ hôn thú hiện tại. Đã vậy nó còn huênh hoang, lúc nào cũng tỏ ra rất mãn nguyện và hạnh phúc. Khi bà ngoại cho biết tuổi bà tuy đã lớn nhưng vẫn còn khỏe, muốn vào Sài Gòn trông coi giúp cháu hai đưa chắt ngoại; cháu tôi vui vẻ nhận lời ngay lập tức. Cháu nói rằng chồng cháu có công việc đang phải sang bên Mỹ chắc lâu lắm mới về, có ngoại vào chơi thì lại càng vui.

Mẹ tôi vào Sài Gòn trông nom hai đứa chắt được hơn 6 tháng. Do sức khỏe mỗi ngày một kém nên lại đòi về. Trở lại quê nhà, cụ vui lắm, cái gì cũng khen lấy khen để: “Trong ấy nhộn nhịp lắm, tiệm nào tiệm nấy bày la liệt, chả thiếu thứ gì. Chỉ có điều là mẹ vào đấy hơn sáu tháng mà không thấy thằng cháu rể chồng của con V. Tuần nào nó cũng gọi điện thoại từ bên Mỹ về chuyện trò với vợ hàng tiếng đồng hồ, hỏi thăm cả mẹ nữa. Mẹ thấy nó tử tế, biết thương yêu vợ con nên quý nó lắm. Hồi trước mình vào Sài Gòn dự cái đám cưới, trông nó có vẻ quê mùa, xấu xí vậy mà không ngờ nó thông thạo, đi khắp thế giới, tiền bạc không để đâu hết. Các cụ ta có câu: “Củi tre dễ nấu, chồng xấu dễ xài”, kể ra con V nhà mình được như vậy cũng là có phúc”. Tôi với chị tôi nhìn nhau. Mẹ tôi mái tóc đã bạc, cái lưng đã còng và sức đã yếu, hai chị em tôi xót xa tự hỏi tại sao chúng tôi lại cứ phải che giấu cái tội của đứa cháu gái để đồng lõa với nó mà đánh lừa mẹ như vậy? Từ nhỏ tới lớn mẹ tôi đã dạy đói cho sạch, rách cho thơm, dù nghèo thì nghèo, trong hoàn cảnh nào cũng phải sống cho trung thực, không bao giờ lừa dối người khác. Hiện tại, chúng tôi đang lừa dối mẹ, cái bi kịch này đến bao giờ mới chấm dứt hay phải đợi cho đến khi mọi việc vỡ lở, người vợ của lão “giám đốc” đánh ghen, kêu người nện cháu gái tôi nhừ tử, cạo trọc đầu hoặc tạt át-xít, bấy giờ bà cụ mới biết thì sự việc sẽ ra sao, liệu cụ có sống nổi được hay không? Chúng tôi cứ bị dằn vặt bởi ý nghĩ đó.

Một hôm, cả nhà đi vắng, mẹ tôi không được khỏe, tôi sang chăm sóc, xoa bóp trên vai và hai cánh tay cho cụ. Nhìn chung quanh không thấy ai, cụ hạ thấp giọng, thì thầm nói chuyện với tôi: “Này, H.L. ạ, mẹ kể cho con nghe chuyện này nhưng con phải giữ bí mật, đừng cho ai biết”. “Chuyện gì vậy mẹ?”. Cụ lại thì thầm: “Con cháu V nhà mình là vợ nhỏ của người ta chứ không phải vợ lớn đâu”. Tôi giật mình, cực kỳ ngạc nhiên dù đã biết chuyện đó từ trước: “Sao mẹ lại nói như vậy?”. Mẹ tôi vẫn thì thầm, kể lại rằng hồi cụ ở trong Sài Gòn, hôm ấy cháu V đi vắng, chỉ có cụ ở nhà trông coi hai đứa chắt, tự nhiên có một bà trông đã đứng tuổi, ăn mặc rất sang trọng, đến chơi và tự giới thiệu mình là vợ của anh Th. chồng của cô V, cháu ngoại của cụ. Cụ sững sờ hỏi sao lại thế, cháu tôi lấy chồng có cưới hỏi đàng hoàng, sao bây giờ lại có người khác cũng nhận là chồng? Người đàn bà nói rằng đó là cái đám cưới giả, cháu cụ chẳng có hôn thơ hôn thú gì cả, sống như vợ nhỏ mà cũng chẳng phải vợ nhỏ, gái bao chẳng phải gái bao, chính bà ta mới là vợ chính thức. Bà ta biết rõ tất cả nhưng vẫn im lặng, cố gắng chịu đựng bởi vì bà ta chỉ sinh được có hai đứa con gái trong khi phía bên nhà chồng lại cứ mong muốn có đứa con trai nối giõi tông đường. Nay, nhân có cụ vào đây, bà ta định đến nhờ cụ khuyên nhủ cô V hãy trở về Quảng Trị và giao lại hai đứa con trai cho bà ta nuôi. Với thế lực và tiền bạc sẵn có, bà ta dư sức làm giấy khai sinh cho hai đứa là con chính thức của bà ta và ông Th. Nếu cô V đồng ý trở về Quảng Trị, không bao giờ trở lại Sài Gòn nữa, cô muốn có nhà cửa hoặc tiền bạc thế nào bà ta cam đoan sẽ làm theo ý cô muốn. “Rồi mẹ có nói gì không?”. “Không, mẹ có biết gì đâu mà nói. Lúc con V về, mẹ hỏi nó thì nó khóc và thú nhận là đúng như thế”. “Bây giờ mẹ tính ra sao?”. “Mẹ không tính gì cả vì mẹ già rồi, đầu óc mệt mỏi lắm rồi, mọi chuyện là ở các con. Mẹ định kể với con rồi con kể lại cho anh chị Hai nghe. Tùy anh chị ấy với con V thôi, đời cua cua máy, đời cáy cáy đào, mẹ không cần biết tới nữa. Một vài năm nữa mẹ chết, xuôi tay nhắm mắt, vậy là hết chuyện”.
Mẹ tôi chưa xuôi tay nhắm mắt thì lại xảy ra chuyện của con trai tôi có liên quan đến tôi. Bây giờ xin mời quý vị độc giả nghe tiếp…

III. Câu chuyện của con trai tôi


Kính thưa quý vị độc giả,
Như quý vị đã biết, tôi là một đứa con nuôi nhưng mẹ nuôi của tôi không hề phân biệt, coi tôi và chị tôi – người chị do bà sinh ra – y hệt như nhau.

Cho đến bây giờ, dù đã được mẹ kể lại chuyện cũ nhưng tôi vẫn nghĩ rằng không nhất thiết tôi phải tìm lại người mẹ ruột – một người đã bỏ tôi từ lúc lọt lòng. Mà dù có muốn cũng chẳng biết người phụ nữ ấy ở đâu mà tìm.

Thời gian trôi qua. Khi con trai tôi đã đậu vào trường Đại học Bách Khoa TP.HCM tức trường Kỹ sư Phú Thọ ngày trước và đã trở thành một kỹ sư xây dựng, cháu yêu một cô gái kém cháu 6 tuổi, sinh viên năm thứ ba trường Đại học Kinh tế Sài Gòn. Tình yêu của các cháu rất đẹp và hai đứa hò hẹn với nhau khi nào cô bé ra trường sẽ làm đám cưới vì lúc đó con trai tôi đi làm đã để dành được chút ít tiền.

Tuy nhiên, khi người yêu của cháu tốt nghiệp thì một sự ngẫu nhiên giống như số mệnh đã xảy ra không ai có thể tưởng tượng được.

Đại lược là con trai tôi mời tôi vào Đà Nẵng xem mắt cô dâu tương lai đồng thời thăm gia đình bên đó để nói chuyện cưới hỏi. Tôi rủ chị tôi đi cùng và chúng tôi được phía bên nhà gái đón tiếp hết sức nồng hậu, coi như là người trong một nhà.

Trong bữa cơm thân mật, nghe chị em chúng tôi nói giọng Quảng Trị, bà nội của cô gái tò mò hỏi Quảng Trị vậy thì chúng tôi ở về huyện nào, xã nào hay ở thành phố Đông Hà? Tôi nói chúng tôi ở xã Thạch Hãn, tức phường 2 thị xã Quảng Trị, gần Cổ thành Quảng Trị chứ không phải ở thành phố Đông Hà. Bà cụ nhíu mày suy nghĩ rồi hỏi chi tiết là gia đình tôi ở đấy đã lâu chưa, từ năm nào và cách Cổ thành Quảng Trị khoảng chừng bao xa v.v... Tôi cũng trả lời chi tiết gần như vạch rõ chỗ chúng tôi ở và thấy cụ trầm tư nét mặt, từ đấy cụ im lặng không nói gì nữa, đầu óc như để tận đâu đâu.

Lúc ra về để sẽ nghỉ tại khách sạn Đà Nẵng, mọi người tiễn chúng tôi ra cửa, tôi nghe như có tiếng bà cụ nói với ai đó ở trong nhà: “Tau lo quá bay à. Hồi trẻ tau cũng ở gần đấy”.

Chỉ nội tuần sau là bà cụ tự động tìm đến khu chúng tôi ở, nay đã được xây dựng lại khác hẳn với trước và hỏi thăm để gặp mẹ tôi. Bà ngoại các cháu không nhận ra khách là ai nhưng khách thì hiểu. Bà hỏi mẹ tôi có phải là bà đã ở góa từ năm 24 tuổi không và đã thấy chiếc mền cũ trong đó có “con bé” ở chỗ này không? Mẹ tôi nói đúng như vậy và chỉ chỗ nhặt được tôi. Bà ôm chặt lấy mẹ tôi mà khóc…

Thưa quý vị độc giả, cái oan nghiệt đối với tôi không phải ở chỗ tôi bị bỏ rơi từ nhỏ mà ở chỗ tôi là con ruột của bà cụ; tức con trai tôi là cháu ngoại của bà cụ. Nó yêu cô gái cháu nội của bà cụ. Hai đứa thương nhau nhưng có thể lấy nhau được không? Không được. Nếu lấy sẽ là loạn luân. Cái đáng thương cho các cháu là ở chỗ đó. Nay, tôi kể lại chuyện này để xin quý vị cho biết ý kiến, tôi phải giải quyết chuyện con trai tôi như thế nào, chị gái tôi phải giải quyết chuyện con gái của chị ấy như thế nào cho hợp tình hợp lý. Tôi rất biết ơn quý vị.

Kính thư,
N.T.H.L, Cổ thành, Quảng Trị
Đoàn Dựghi chép
http://www.thoibao.com/chuyen-muc/chuyen-ben-nha/11699-nhung-tan-bi-kich-doi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét