Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

Giết 10.000 con chó trong lễ hội Trung Quốc

Giết 10.000 con chó trong lễ hội Trung Quốc
Thịt chó: 'Truyền thống hay tàn bạo?'
Thịt chó là món ăn truyền thống của người dân Ngọc Lâm, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc trong ngày Hạ chí nhưng việc thảm sát hàng loạt loài động vật này đang bị các nhóm bảo vệ động vật lên án là sự kiện vô nhân đạo.
Ngọc Lâm là một thành phố nhỏ ở miền Nam Trung Quốc. Đã thành thông lệ, người dân ở thành phố này thường tổ chức lễ hội thịt chó vào ngày Hạ chí hàng năm. Đối với người dân thành phố, thịt chó không chỉ là thức ăn mà nó còn là một nét văn hóa, được người dân lưu giữ từ suốt hàng trăm năm qua.

Số lượng lớn chó bị giết thịt để chuẩn bị cho ngày Hạ chí ở Ngọc Lâm.
Vào ngày Hạ chí hàng năm (năm nay là thứ 6 ngày 21/6 dương lịch), có tới 10.000 con chó ở Ngọc Lâm bị giết thịt, chế biến thành các món ăn để người dân thưởng thức cùng rượu mạnh. Tuy nhiên, chưa năm nào bữa tiệc truyền thống của người dân thành phố lại “khó nuốt” như năm nay, khi hàng loạt tổ chức bảo vệ động vật lên tiếng bảo vệ loài chó.

Đa phần những con chó này sẽ bị giật điện tới chết, bị thiêu cháy hoặc bị lột da sống. Hình ảnh được đăng tải trên các trang mạng xã hội Trung Quốc cho thấy, những con chó được thịt sẵn nằm treo trên các móc, chất đống ven đường.

Tờ Bưu điện Hoa nam buổi sáng dẫn lời một nhà hoạt động về động vật kể lại: “Họ sử dụng dao để giết những con chó còn sống. Sau đó, người ta làm đủ mọi cách để biến con vật đáng thương trở thành món đồ ăn”.
Thịt chó là món khoái khẩu ở các nước Á Đông.

Đối với văn hóa Á Đông, thịt chó hoàn toàn không phải là loại thực phẩm xa lạ. Theo đông y, thịt chó được xem là thức ăn bổ dưỡng mùa đông, với tính nóng, nhiều đạm. Thậm chí, các lang y còn sử dụng thịt chó để điều trị các bệnh sinh lý như liệt dương hay bệnh lưu thông khí huyết kém.

Tuy nhiên, đối với phương Tây hay các nền văn hóa khác, ăn thịt chó được coi là hành động dã man và đáng lên án. Đối với họ, chó là loài động vật thân thiết nhất với con người. Ở hầu hết các nước phương Tây, chó được coi là người bạn thân thiết nhất của con người. Ở một số nước, bạo hành hay giết thịt chó bị coi là tội ác, có thể bị phạt tù.

Chính vì lẽ đó, nhiều nhà hoạt động bảo vệ động vật đã nỗ lực ngăn chặn việc thảm sát chó ở Ngọc Lâm trong ngày Hạ chí. Việc gửi thư ngỏ, tuyên truyền hay thậm chí là tuần hành trên đường phố nhằm ngăn chặn nạn thảm sát chó đã được đưa ra nhằm bảo vệ loài động vật này. Thậm chí, một số người còn cầu cứu Chính phủ Anh và Mỹ nhằm tác động tới chính phủ Trung Quốc nhằm hạn chế số lượng chó bị giết thịt ở Ngọc Lâm và trên cả nước.


Người tình nguyện giải cứu những con chó bị vận chuyển trái phép.
Trong một bản kiến nghị được đăng tải trên trang web của Nhà Trắng, Mỹ, những nhà hoạt động bảo vệ động vật cầu cứu: “Xin hãy giúp chúng tôi ngăn chặn lễ hội thịt chó Ngọc Lâm ở Quảng Tây, Trung Quốc. Đó là sự kiện đẫm máu và vô cảm”. Tuy nhiên, kiến nghị này không được chính quyền Obama quan tâm tới bởi nó chưa thu thập đủ chữ ký của 100.000 người ủng hộ.

Tuy là nét văn hóa nhưng thực tế, thịt chó ở Ngọc Lâm chưa hẳn đã an toàn. Do nhu cầu thịt chó tăng đột biến trong ngày Hạ chí nên số lượng không nhỏ loài động vật này được đưa tới từ những khu vực khác. Phần lớn trong số đó là những con chó không rõ nguồn gốc, bị thất lạc hoặc bị bắt trộm. Giá thành thấp khiến chúng dễ dàng được tiêu thụ trong các nhà hàng hoặc cho người dân, với nguy cơ truyền nhiễm bệnh dại và mất an toàn thực phẩm.

Hồng Duy
Theo Infonet
http://news.zing.vn/kham-pha/giet-10000-con-cho-trong-le-hoi-trung-quoc/a328864.html#home_noibat2


Thịt chó: 'Truyền thống hay tàn bạo?'


Thư kiến nghị của tổ chức "Nói không với thịt chó" được gửi tới ngoại giao Trung Quốc.
Một lễ hội ăn thịt chó thường niên ở Trung Quốc vẫn sẽ diễn ra dù gặp phải nhiều phản đối mạnh mẽ từ các nhóm bảo vệ động vật.
Theo báo South China Morning Post, lễ hội thịt chó ở xã Ngọc Lâm, tỉnh Quảng Tây sẽ được tổ chức vào dịp Hạ chí 21/06/2013.



Theo các nhà hoạt động bảo vệ động vật, có ít nhất 10.000 con chó bị giết trong mỗi mùa lễ hội.
Các nhà hoạt động cũng lo sợ, nhu cầu lớn về chó có thể dẫn đến việc bắt trộm chó nuôi hoặc chó hoang.
Tuy nhiên, phía chính quyền nói toàn bộ số chó tiêu thụ trong lễ hội là chó được nuôi trong các trại địa phương.
Nhóm bảo vệ động vật đã nỗ lực ngăn chặn lễ hội này, từ việc biểu tình phản đối cho tới gửi kiến nghị công khai tới chính quyền Ngọc Lâm và thư kiến nghị tới tòa Bạch Ốc.
Nhưng một người dân địa phương, xưng là Annie, nói rằng, cô ủng hộ lễ hội ăn thịt chó vì đây là một phần truyền thống của Ngọc Lâm.
“Thật không công bằng khi gọi người Ngọc Lâm là tàn ác chỉ vì truyền thống ăn thịt chó này. Những ai gọi chúng tôi là thiếu văn minh và ác nên tự mình bỏ ăn thịt trước thì hơn,” Annie nói với South China Morning Post.
Trong lá thư kiến nghị của tổ chức chuyên vận động chính phủ các nước để ngưng ăn thịt chó, No to Dog meat (Nói không với thịt chó) gửi đại sứ Trung Quốc tại Anh có đoạn viết:
“Chúng tôi trân trọng nhắc ông rằng, việc hành hạ, đánh đập, mổ thịt và luộc sống chó, mèo trong một lễ hội trước dân chúng là không thể chấp nhận được trong thiên niên kỷ này, và giờ là lúc đưa sự khác biệt văn hóa sang một bên trong vấn đề này...
...Thịt chó, mèo là loại thực phẩm không được phân loại, không được kiểm soát và sức khỏe cũng như tỷ lệ mắc bệnh là mối đe dọa có thực đối với công dân của ông.”
Phía chính quyền Ngọc Lâm từng hứa trước bức thư ngỏ của nhà hoạt động bảo vệ động vật Trung Quốc Du Yufeng, rằng họ sẽ giám sát chặt chẽ vệ sinh an toàn và không cho phép giết mổ chó trước dân chúng trong lễ hội năm 2013.
Lễ hội truyền thống của người dân Ngọc Lâm được cho là sẽ có hàng ngàn người tới thưởng thức các món ăn đường phố làm từ thịt chó, như lẩu chó, thịt chó ăn kèm quả vải và uống rượu quê.
Tuy nhiên, đồng hành với Trung Quốc, Việt Nam và Hàn Quốc cũng bị các tổ chức bảo vệ động vật lên án mạnh mẽ về việc ăn thịt và cách đối xử với chó mèo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét