'Chúng tôi đã làm tất cả để trạm xăng không phát nổ'
'Dưới sức nóng 1.000 độ c, toàn bộ lực lượng chữa cháy của Hà Nội đã khống chế để xe bồn không phát nổ", Giám đốc Sở cảnh sát PCCC Hà Nội Nguyễn Đức Nghi trao đổi với báo chí chiều 4/6.Nghi vấn nguyên nhân gây cháy xe tiếp xăng / Xe tiếp xăng bốc cháy suốt 5 tiếng
Cảnh sát nỗ lực khống chế đám cháy, tuy nhiên phải 5 tiếng sau khi vụ cháy xảy ra, ngọn lửa mới được dập tắt. Ảnh: Bá Đô |
- Thưa ông, khi biết tin có hỏa hoản tại trạm xăng, cảnh sát Hà Nội đã điều động lực lượng như thế nào?
- Khoảng 13h30 chiều 3/6, chúng tôi nhận được tin báo cháy. Nhận định đây là vụ hỏa hoạn nghiêm trọng, dễ xảy ra nổ, Sở Cảnh sát PCCC đã huy động hơn 1.000 cán bộ chiến sỹ, gần 20 xe chữa cháy, trong đó có một xe thang 32 m và 3 xe của Bộ Tư lệnh Thủ đô tăng cường. Lực lượng chữa cháy được triển khai thành 4 mũi. Ngoài việc sử dụng bọt, 2 tấn bột, lực lượng cứu hỏa còn phun nước làm mát cho các công trình xung quanh, cho xe téc đang cháy, văn phòng làm việc của cửa hàng và đặc biệt là 3 miệng hố gas của 3 bể ngầm bên dưới với dung tích chứa khoảng 75 m3.
- Gần như toàn bộ lực lượng chữa cháy đã được huy động nhưng vì sao đám cháy vẫn kéo dài tới 5 giờ đồng hồ?
- Do khối lượng xăng dầu tại thời điểm xảy ra cháy quá lớn, khoảng 100 m3 nên lực lượng cứu hỏa vừa phải khống chế đám cháy, vừa phải nghĩ cách ngăn chặn cháy lan và làm mát xe bồn để không gây ra nổ.
Nhiệt độ liên tục tăng cao, bức xạ nhiệt lớn, các chiến sỹ PCCC tiếp cận đám cháy khó khăn, đặc biệt điểm cháy sâu nhất, lớn nhất là 4 họng xuất ra của xe téc. Do đặc thù xăng nhẹ hơn, nổi trên mặt nước, nước chảy đến đâu, xăng theo đến đấy nên càng phun nhiều nước làm mát thì diện tích cháy lại càng lan hơn, ra cả hè phố.
Chúng tôi đã phải huy động 32 xe chở cát để quây lửa lại, đồng thời, dùng ống hút đặt trên mặt đường ngăn chặn không cho xăng chảy xuống hệ thống cống ngầm của thành phố. Đây là những sáng kiến thực sự phát huy hiệu quả mà trong trường không có ai dạy. Trong vòng 1 giờ đồng hồ đầu tiên, đám cháy đã cơ bản được khống chế.
Miệng 3 bể ngầm chứa xăng chỉ cách xe téc đang cháy có 2,5m, các chiến sỹ PCCC đã dùng hết sức mình mở van thở, đồng thời lấy chăn đậy kín, dùng cát chốt đầy. Trong nền nhiệt độ nóng như vậy, nếu xảy ra vụ nổ thì sẽ thực sự là thảm hoạ. Chúng tôi đã làm hết sức mình.
2 tiếng chữa cháy, ngọn lửa được khống chế, tuy nhiên khi lực lượng cảnh sát đang dọn dẹp thì ngọn lửa tiếp tục bùng lên. Ảnh: Bá Đô |
- Có ý kiến cho rằng, chính việc cảnh sát dùng nước dập xăng cháy khiến đám cháy trở nên khó khống chế. Ông lý giải điều này thế nào?
- Về nguyên tắc, để dập tắt đám cháy xăng phải sử dụng bọt, khí co2 và cát thậm chí nhiều biện pháp khác. Tuy nhiên trong trường hợp này, do khối lượng xăng trong xe bồn quá lớn, sức nóng trong bồn lên tới 1.000 độ c, bồn có thể nổ bất cứ lúc nào. Để ngăn chặn việc bồn xăng phát nổ như bom, ngoài việc phun bọt để dập tắt đám cháy, lực lượng cứu hỏa bắt buộc phải bơm nước làm mát xe bồn. Trong vòng gần 5 giờ đồng hồ, tổng cộng khoảng 600 khối nước đã được phun liên tục
- Sau 2 tiếng dập lửa đám cháy đã được dập tắt, nhưng chính việc cảnh sát dọn dẹp và đưa xăng vào bể đã khiến lửa lại bùng lên lần thứ hai. Điều này cần được giải thích như thế nào thưa ông?
- Đám cháy được khống chế khoảng 10 phút, anh em cùng nhau reo vui và chuẩn bị dọn dẹp rút quân. Tuy nhiên lúc này số lượng xăng ở trong bồn vẫn còn quá nhiều, hơn nữa, một lượng lớn xăng chảy ra ngoài. Để tránh khỏi việc hỏa hoạn bùng cháy trở lại, cảnh sát phải dọn dẹp và múc xăng chảy ở ngoài để cho vào can và vừa bơm nước vào xe bồn để cho xăng loãng vừa xả xăng xuống bể.
Nhưng do nhiệt độ xe bồn vẫn còn cao, hơn nữa nhiều xăng chảy trên đường chưa kịp dọn, ngọn lửa đã bùng cháy trở lại. Nhiều chiến sỹ đang dọn dẹp, múc xăng đổ vào can không kịp chạy đã bị bỏng. Sau đó cảnh sát chữa cháy tiếp tục nỗ lực dùng mọi biện pháp để khống chế và cho đến 18h ngọn lửa đã được dập tắt.
Tôi cũng muốn nói thêm rằng, chữa cháy xăng dầu là loại khó nhất, đòi hỏi chiến thuật liên tiếp phối hợp giữa nước, cát và bột. Ngăn không cho lượng xăng khoảng 20 m3chảy xuống hệ thống cống của thành phố cũng là một thành công lớn.
- Thiệt hại trong vụ cháy này như thế nào thưa ông?
- Rất may ngọn lửa được khống chế an toàn và không xảy ra nổ. Tuy nhiên vụ cháy cũng đã gây ra thiệt hại hàng tỷ đồng. Trong đó một quán cơm, một cửa hàng sửa xe, 6 xe máy và một ôtô đã bị thiêu rụi
9 chiến sĩ cứu hỏa bị bỏng, trong đó có 2 chiến sỹ bị bỏng độ 3, còn lại bỏng độ 1. Ngoài ra 2 nhân viên của quán cơm cũng bị bỏng ở chân.
- Theo ông, đâu là nguyên nhân của vụ hỏa hoạn chưa từng có này?
- Theo điều tra ban đầu, có thể do tài xế xe bồn bất cẩn, trong quá trình tiếp liệu đã không có mặt để theo dõi, khiến xăng bị rò rỉ rồi chảy xuống rãnh nước, bắt vào bếp than tổ ong, cạnh quán cơm gây cháy mà không hề hay biết. Cây xăng 2B Trần Hưng Đạo đã vi phạm nhiều quy định như: cho phép nhập xăng vào buổi trưa, trong điều kiện thời tiết nắng nóng nên khi gặp sự cố dẫn đến vụ hoả hoạn nghiêm trọng. Tuy nhiên, Sở Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy Hà Nội, đang đợi kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra hình sự quân đội, Công an thành phố cũng như các ban nghiệp vụ của Bộ Công an.
- Hiện cảnh sát đã xác định những ai có liên quan đến vụ cháy này thưa ông?
- Cây xăng dầu trên thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng nên Sở Cảnh sát PCCC đã phối hợp với cơ quan điều tra hình sự quân đội để sớm điều tra, xác định nguyên nhân và tìm ra những người có liên quan và sớm công bố trước dư luận.
"Trên địa bàn quận Hoàn Kiếm hiện có 11 cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Theo quy định, khoảng cách an toàn giữa cửa hàng này với các công trình công cộng xung quanh phải bảo đảm 50m, cách đường điện cao thế 1,5 lần chiều cao cột điện và cách các điểm có tính chất nguy hiểm, cháy nổ 100m. Tuy nhiên, đa số các cửa hàng này đều vi phạm quy định về khoảng cách". Thượng tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng cảnh sát PCCC quận Hoàn Kiếm. |
Bá Đô - Tuấn Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét