Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2013

(1) Chế độ cho người thất nghiệp ở Thụy Sĩ: Các vấn đề chung

Chế độ cho người thất nghiệp ở Thụy Sĩ
(Etre au chômage - Canton de Genève)


Người thất nghiệp đang biểu tình
Gần hai năm nay thỉnh thoảng mình lại có người bạn mất việc hoặc chủ động bỏ việc. Khi biết tin sẽ chuẩn bị thôi việc, họ thường liên hệ hỏi mình những điều kiện, quyền lợi... của người thất nghiệp ở Thụy Sĩ vì họ cho cho rằng mình là người thích đọc nên thể nào cũng biết những thông tin này. Nhưng quả đáng tội, mình có bao giờ nhòm ngó tới chuyện này đâu; đọc những tin kinh tế, xã hội, thể thao và xem tranh ảnh hài hước sướng hơn nhiều. Tuy nhiên đôi khi có những người bạn khá thân hỏi, họ lại chỉ biết bập bõm tiếng Pháp (dù rất thạo tiếng Anh), mà mình không giúp họ thì nghe chừng cũng không ổn. Thế là phải mày mò đọc chút ít...
Mấy hôm nay thì sức ép lớn quá vì có cô bạn thân cãi nhau với xếp và tuyên bố sẽ bỏ việc. Thôi thì đành chịu khó đọc, một công đôi việc, vừa để giúp đỡ bạn bè, vừa để phòng xa vì biết đâu tuổi già sức yếu mình cũng có lúc chán làm bỏ việc thì sao; chẳng nhẽ khi đó mới cuống lên tìm hiểu thông tin à ?
Mình đưa thông tin Chế độ cho người thất nghiệp ở Thụy Sĩ lên đây để các bạn mình đọc và cũng là một tài liệu tham khảo cho những ai quan tâm đến bảo hiểm thất nghiệp ở Thụy Sĩ.


Về chế độ đóng bảo hiểm, mình sẽ viết sau. Giờ tập trung vào Chế độ bảo hiểm cho người thất nghiệp đã. Để thuận lợi, mình viết theo chế độ hỏi đáp, có thông tin đến đâu viết đến đấy, không theo hệ thống chính quy, mong các bạn thông cảm nếu có những chỗ khó hiểu. Mình sẽ chỉnh sửa lại các bài này trong quá trình biên dịch.

Một số từ viết tắt trong bài: 

ORP : Sở tìm việc của vùng (Office régional de placement).
AVS : Bảo hiểm tuổi già và bảo hiểm cho người còn sống khi người trợ cấp chết (’assurance-vieillesse et survivants).
AI: Bảo hiểm khi bị tàn phế (assurance invalidité)
LAA: Luật bảo hiểm tai nạn (Loi sur l'assurance accidents)
LACI: Luật bảo hiểm thất nghiệp (Loi sur l'assurance chômage) 
OCE: Văn phòng địa phương về việc làm (Office cantonal de l'emploi)
OCT: Văn phòng địa phương về lao động (Office cantonal du traivail).

1. Trước khi thất nghiệp:


1.1) Trong trường hợp bị sa thải, bạn hãy nghĩ ngay đến thời hạn chủ cần báo trước cho bạn. Nếu không có thỏa thuận trước giữa chủ - thợ và hai bên không cam kết tuân theo một khế ước tập thể nào đó, thì thời hạn báo trước việc sa thải sẽ được thực hiện theo Luật giao ước (Code des Obligations):

- Trong giai đoạn thử việc: Báo trước 7 ngày

- Nếu đã làm việc dưới 1 năm: Báo trước 1 tháng tính từ ngày cuối tháng bắt đầu báo.
- Nếu đã làm việc từ 2 đến dưới 10 năm: Báo trước 2 tháng.
- Nếu làm từ 10 năm trở lên: Báo trước 3 tháng.

Ngoài các quy định chung, còn có các quy định đặc thù ngăn cấm sa thải áp dụng cho những người đang làm việc trong quân đội, hay trong các lĩnh vực dân sự trong trường hợp ốm đau, tai nạn, mang thai...

Nếu người bị sa thải cảm thấy mình không được tôn trọng các quy định trên, cần gửi ngay thư bảo đảm cho người sử dụng lao động để báo và yêu cầu được tiếp tục làm việc.


1.2) Khi bắt đầu biết sẽ mất việc hoặc thôi việc, để được hưởng các quyền lợi một cách thuận lợi nhất, bạn nên bắt đầu tìm kiếm việc làm mới. Mỗi khi liên hệ tới đâu, bạn cần giữ lại các bằng chứng thể hiện những cố gắng tìm việc làm với của bạn.

Đồng thời bạn cần sớm tiếp xúc với Sở tìm việc của vùng (Office régional de placement - ORP) để ghi tên đăng ký thất nghiệp và đang tìm việc làm mới.


1.3) Nếu bạn tự động bỏ việc hoặc bạn bị sa thải vì những lỗi trầm trọng của bạn đối với nơi bạn đang làm việc (ví dụ bạn ăn cắp hay phá hoại tài sản, thanh danh của doanh nghiệp), bạn có thể bị treo quyền được hưởng trợ cấp thất nghiệp của bạn một đến hai tháng.

Để biết tình huống của bạn, bạn có thể đến ORP gặp các nhân viên tư vấn pháp luật (miễn phí) để tham khảo trước khi quyết định bỏ việc...

2. Ngày đầu tiên thất nghiệp

Ở trên đã viết, ngay khi biết sẽ không có việc làm mà muốn nhận trợ cấp thất nghiệp, bạn cần thông báo càng sớm càng tốt cho ORP, muộn nhất là ngày đầu tiên bạn muốn được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tại ORP bạn sẽ được thông báo các bước tiếp theo cần làm để được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Khi đến ORP bạn cần mang theo một số giấy tờ sau:

- Thẻ chứng nhận đã đóng bảo hiểm thất nghiệp (thẻ AVS - AI),

- Giấy tờ thân nhân: Chứng minh thư, hoặc hộ chiếu hoặc bằng lái xe...
- Một số bang đề nghị mang thêm chứng nhận của địa phương nếu bạn không muốn nhận trợ cấp thất nghiệp tại địa phương.
- Giấy tờ của người liên quan trong gia đình.

Trường hợp báo muộn quá 3 tháng kể từ ngày bắt đầu thất nghiệp, bạn sẽ bị mất quyền hưởng trợ cấp thất nghiệp.

3. Ngày gặp tư vấn trình bày thông tin của bạn

Tại lần gặp gỡ đầu tiên để đăng ký thất nghiệp với ORP, bạn sẽ được yêu cầu dành 1 buổi khác đến gặp một chuyên viên tư vấn của ORP. Trước khi gặp, bạn phải mang một số giấy tờ sau:
- Giấy tờ thân nhân và gia đình
- Thẻ chứng nhận đã đóng bảo hiểm thất nghiệp (thẻ AVS - AI),
- Hợp đồng lao động, thư thôi việc hoặc thư báo sa thải,
- Bản sao các bằng cấp, chứng chỉ nghề nghiệp, chứng chỉ đào tạo...
- Bằng chứng đã liên hệ tìm kiếm việc làm mới, ví dụ bạn đã gọi điện đến đâu, đã gặp gỡ doanh nghiệp nào... Chỉ cần cho biết tên nơi bạn liên hệ, số điện thoại, ngày liên hệ... là đủ.
Cuối buổi gặp, chuyên viên tư vấn của ORP sẽ thỏa thuận với bạn một số cuộc gặp khác để tư vấn tiếp cho bạn đồng thời kiểm tra thông tin của bạn cung cấp (ví dụ chuyện bạn giải thích tại sao lại mất việc)...

4. Các cơ quan liên quan:

4.1) Sở tìm việc của vùng (ORP): ORP có nhiệm vụ cùng với bạn và giúp đỡ bạn tìm một việc làm mới thích hợp một cách nhanh nhất có thể. Các chuyên viên ở đây vừa tư vấn cách tìm việc cho bạn, vừa tìm việc và đề nghị bạn chấp nhận. Họ có quan hệ chặt chẽ với hàng loạt doanh nghiệp môi giới việc làm tư nhân. Họ cũng có một ngân hàng dữ liệu các việc làm trống ở khắp Thụy Sĩ liên kết hàng trăm ORP liên quan. Bạn sẽ được giới thiệu tất để tăng khả năng tìm được việc làm mới.

Tuy nhiên, đó là trên lý thuyết, nghe một số người thất nghiệp hàng năm nay nói ORP chẳng tìm được việc gì thích hợp cho bạn đâu. Tốt nhất là bạn phải tự thân vận động mới thấy việc làm hợp với mình, trừ khi bạn cố tình muốn nghỉ ngơi trong khi vẫn nhận lương thất nghiệp.

Trong thời gian thất nghiệp, thường ORP giới thiệu cho bạn một số khóa học nghề, thực tập hay học ngoại ngữ miễn phí. 

4.2) Quỹ thất nghiệp (Caisse de chômage): Quỹ thất nghiệp là nơi sẽ xác định mỗi tháng bạn được hưởng bao nhiêu tiền lương thất nghiệp và hàng tháng cũng chính quỹ này gửi lương thất nghiệp vào tài khoản của bạn.

Mỗi khu vực thường có một số quỹ thất nghiệp. Bạn cần đến tòa thị trấn, ở đó họ sẽ đưa bạn một danh sách các quỹ, của nhà nước hoặc của tư nhân, để bạn chọn quỹ nào thuận tiện đối với bạn.

Trong các bài này tôi dùng từ "lương thất nghiệp" vì đấy là từ nhân viên ORP hay Quỹ thất nghiệp thường dùng khi làm việc với người thất nghiệp. Họ cho rằng tiền trợ cấp thất nghiệp hàng tháng họ cấp cho bạn cũng tương tự như tiền lương, trong đó vẫn gồm đủ các loại bảo hiểm, thuế và các nghĩa vụ tài chính khác tương tự như tiền lương người lao động vẫn nhận... Chỉ có điều thay vì bạn làm việc cho doanh nghiệp để nhận lương thì giờ bạn làm việc cho ORP để nhận, và công việc của bạn trong 8h vàng ngọc hàng ngày là tìm kiếm việc làm mới. Bạn cũng vẫn được hưởng chế độ nghỉ ngơi 6 tuần trong năm như người đi làm, tức là trong 6 tuần đó bạn không phải đi kiếm việc làm.


4.3) Chính quyền bang: Chính quyền bang là nơi tổ chức và giám sát việc thực hiện luật bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, nếu ORP hoặc Quỹ thất nghiệp khó xác định mức lương thất nghiệp cho những trường hợp đặc biệt thì chính quyền bang sẽ can thiệp và là người quyết định cuối cùng.

Ba cơ quan trên có liên hệ chặt chẽ với nhau, đồng thời cũng liên hệ chặt chẽ với các cơ quan khác nhau cơ quan hướng nghiệp, cơ quan cung cấp các dịch vụ xã hội, cơ quan thực hiện bảo hiểm thương tật...

Mọi thông tin liên quan có thể thấy trên trang www.espace-emploi.ch.

Vào trang này bạn sẽ không chỉ thấy địa chỉ các ORP, các quỹ thất nghiệp, chính quyền bang  mà còn thấy cả một ngân hàng dữ liệu cung việc làm, danh sách các tổ chức dạy nghề, hướng nghiệp, nâng cao và nhiều thông tin quan trọng khác.

5. Thông tin cuối cùng nhưng rất quan trọng:

5. 1) Nhắc lại cũng không thừa vì rất quan trọng: Nếu bạn muốn nhận trợ cấp thất nghiệp, bạn phải đến đăng ký đề nghị trong vòng 3 tháng kể từ thời điểm bắt đầu thất nghiệp. Nếu trong vòng 3 tháng bạn không làm thì bạn sẽ mất quyền đề nghị trợ cấp thất nghiệp.

Tôi biết có một số người tự bỏ việc hoặc bị sa thải nhưng không muốn đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp. Có thể họ muốn thực sự được nghỉ ngơi, có thời gian lo việc nhà hoặc đi du lịch, nhưng cũng có thể việc nhận trợ cấp hôm nay sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi mai sau (mức lương hưu lúc về già bị giảm xuống...). Những chuyện này tôi không thạo.

5.2) Trong thời gian hưởng lương thất nghiệp, bạn vẫn được hưởng mọi quyền lợi khác tương tự một người đang đi làm.

Ví dụ nếu bạn có con nhỏ dưới 18 tuổi, mỗi tháng bạn vẫn được nhận trợ cấp 300 CHF cho 1 đứa trẻ. Nếu con bạn đã trên 18 tuổi nhưng dưới 26 tuổi và đang theo học đại học, học nghề... bạn sẽ tiếp tục nhận trợ cấp 400 CHF cho 1 cháu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét