Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

Thiếu tự trọng coi như hỏng

Thiếu tự trọng coi như hỏng
TT - Xây dựng hình mẫu một con người không khó, vì đơn giản là tập trung những phẩm chất tốt đẹp của con người lại thì đó là hình mẫu lý tưởng nhất. Nhưng làm sao có con người đó, hoặc giả có thì đó chỉ là cá nhân, cá biệt, không thể là hình mẫu cho số đông đạt tới.
Mặt khác, ở mỗi quốc gia tùy vào văn hóa, dân trí, trình độ phát triển, mục tiêu phát triển mà có thể đặt ra tiêu chí riêng. 

Ở VN, một nước còn nghèo, dân trí chưa cao, tham nhũng còn nặng; tình trạng cậy con ông cháu cha, chạy chức chạy quyền còn phổ biến; lương không đủ sống nên một bộ phận cán bộ công chức còn tranh thủ làm nghề tay trái tay phải, nhũng nhiễu vòi vĩnh; một số nơi kỷ luật chưa nghiêm, che trên chắn dưới, giơ cao đánh khẽ; kẻ giàu có vênh vang, kẻ nghèo hèn nhút nhát; có tâm lý “giàu thì ghét, nghèo thì khinh”... và còn vô vàn thứ nữa. Đặt những điều đó ra để thấy: trước khi hướng tới những phẩm chất cao đẹp, phải biết nhận ra và dần từ bỏ những cái chưa tốt ở chính cơ thể mình, con người mình.
Phần lớn dân ta và thanh niên ta còn nghèo. Nghèo tiền bạc, của cải và nghèo cả về trí tuệ, tầm nhìn. Phải nói thẳng chẳng bao nhiêu thanh niên hiện nay có khát vọng lớn, hoài bão lớn. Số đông chỉ luẩn quẩn với câu hỏi: học gì để có việc làm; làm việc gì đủ sống? Số khác tham vọng hơn thì tính chuyện làm giàu nhanh nhất, kể cả làm bậy.


Ít bạn trẻ nào đặt ra cho mình mục tiêu phấn đấu cống hiến cho đất nước, cho cộng đồng, cho khoa học và cho con người. Nếu có, bạn trẻ ấy cũng... giấu kín vì với tâm lý và thói quen xã hội hiện nay, khi ai đó nói lý tưởng đó ra sẽ bị cho là... hâm hấp. Có chăng những tâm tư ấy chỉ được bày tỏ ở các bài diễn văn, ở các buổi hội hè với những từ ngữ hô khẩu hiệu. Nhiều nơi - rất nhiều nơi - cái kiểu hô to gọi giật ấy trở thành hình thức, sáo rỗng kệch cỡm. Vậy mà cái kiểu dối trá ấy vẫn có đất diễn, như một phần không thể thiếu của các buổi trình diễn lễ lạt, hội hè.

Là thanh niên, phải dám công nhận thực tế đó và từ bỏ thói giả dối đó. Hãy giúp nhau nói thẳng, nói thật. Tôi cho rằng trong một xã hội mà nhiều giá trị xuống cấp, một số mặt cái giả trá lên ngôi, cái thật đang chật vật đấu tranh với cái xấu, cái ác thì trước hết nên cổ động xây dựng trong xã hội và trong thanh niên lòng tự trọng. Tự trọng sẽ là phẩm chất nền tảng quan trọng, là nội lực của bản thân mỗi cơ thể; là nội lực của mỗi quốc gia để phản ứng, đề kháng, loại bỏ cái xấu xâm nhập, tiêm nhiễm.

Chỉ có lòng tự trọng mới giúp con người nói chung - thanh niên nói riêng - có cái nhìn ngay thẳng, trung thực sự vật hiện tượng; mới hiểu đúng giá trị mình và người; mới đủ bản lĩnh từ chối cám dỗ hèn hạ; mới phân biệt được lời nịnh lời thật; mới hiểu đúng khả năng của mình, ngồi vào ghế mà không phải chạy chọt; mới biết từ chối quà cáp cấp dưới, mới biết ngay thật với cấp trên; mới biết xấu hổ khi bị thua sút, biết nỗ lực khi bị tổn thương...

Khi có lòng tự trọng ở mức độ chân chính, thanh niên nước nhà ta mới nhìn ra xung quanh, mới thấy ta còn thua sút nhiều người quá: chẳng nói chi châu Âu, châu Úc, ngay cả loanh quanh các nước láng giềng đây ta đã thua khối người: Singapore, Thái Lan, Malaysia; rộng ra chút nữa là Nhật Bản, Hàn Quốc... Ở các quốc gia đó, nước nào cũng có lao động VN đi làm thuê.

Rất hiếm khi thanh niên VN có phong thái tự tin, ngang bằng khi tiếp xúc với giới trẻ các nước trên, chưa kể thực tế đôi khi còn có sự xun xoe, như vẫn xun xoe với đứa nhà giàu, với người cấp trên. Phải gạt bỏ điều đó, giấy rách phải giữ lấy lề, nghèo chứ không hèn.

Nhưng có lòng tự trọng, không hèn thôi chưa đủ mà phải tiến tới giàu như người ta. Ngang bằng không chỉ là một trạng thái tinh thần, ngang bằng phải đo đếm được bằng giá trị. Một quốc gia Singapore nhỏ bé với chừng 5 triệu dân, đến nước ngọt còn thiếu, vậy mà nhìn họ xem: từ con người đến vị thế quốc gia đều đĩnh đạc, tự tin; khi họ cất lời, tiếng nói đều được ghi nhận ở các diễn đàn quốc tế!

Có lòng tự trọng, xây dựng lòng tự trọng sẽ giúp thanh niên nhận chân ra các giá trị và lòng tự trọng sẽ giúp ta tránh/tiêu diệt cái xấu; hướng thiện, vươn tới điều cao đẹp. Tự trọng cũng giúp ta sống tốt, biết cống hiến; biết nỗ lực, phấn đấu; biết chia sẻ, nhường nhịn; biết công bằng, liêm chính; sống trung thực và có trách nhiệm...

Con người giỏi giang cách mấy mà thiếu lòng tự trọng coi như hỏng. Khơi gợi lòng tự trọng trong thanh niên, trong mỗi con người ở thời buổi này không những cần thiết mà là cấp thiết!

HOÀNG HOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét