Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

Giữ nguyên tên nước CHXHCN Việt Nam

Giữ nguyên tên nước. Không đưa vấn đề luật về Đảng vào Hiến pháp. Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Giữ nguyên cách dùng khái niệm “sở hữu toàn dân” và không quy định đa sở hữu về đất đai. Xem toàn văn dự thảo Hiến pháp mới ở đây.

Giữ nguyên tên nước CHXHCN Việt Nam

- Việc thay đổi tên nước sẽ dẫn đến những hệ quả không có lợi, thậm chí có thể bị xuyên tạc là ta đang xa rời mục tiêu, con đường lên CNXH, làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính, gây tốn kém.
Tại phiên họp QH chiều 20/5, Chủ nhiệm UB Pháp luật, ủy viên UB dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Phan Trung Lý đã đọc báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến nhân dân và chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
tên nước, hiến pháp, đất đai, điều 4
Ngày 3-4/6, QH sẽ thảo luận về dự thảo
sửa đổi Hiến pháp. Ảnh: Lê Anh Dũng
Đã có hơn 26.091.000 lượt ý kiến góp ý của nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp, với hơn 28.000 hội nghị, hội thảo, tọa đàm được tổ chức. 

Thay đổi phát sinh tốn kém

Theo ông Phan Trung Lý, UB ghi nhận hai loại ý kiến chính.

Thứ nhất đa số ý kiến đề nghị tiếp tục quy định tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tên gọi này ra đời trong bối cảnh nước ta vừa hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất đất nước, cả nước đi lên CNXH, khẳng định rõ con đường, mục tiêu xây dựng chế độ XHCN của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

“Việc thay đổi tên nước trong thời điểm hiện nay sẽ dẫn đến những hệ quả không có lợi, thậm chí có thể bị xuyên tạc là ta đang xa rời mục tiêu, con đường lên CNXH và làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính, gây tốn kém, phức tạp” - ông Lý nói.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị lấy lại tên gọi Việt Nam dân chủ cộng hòa vì tên gọi này gắn liền với sự ra đời của chính thể cộng hòa đầu tiên ở nước ta, từng được ghi nhận trong Tuyên ngôn độc lập năm 1945 và Hiến pháp năm1946, 1959, thể hiện rõ thể chế chính trị của nước ta là cộng hòa, bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ.

Ý kiến này cho rằng, việc lựa chọn tên nước là Việt Nam dân chủ cộng hòa không làm ảnh hưởng đến mục tiêu xây dựng CNXH.

UB dự thảo sửa đổi Hiến pháp đánh giá, cả hai tên nước đều thể hiện rõ chính thể của nước ta là cộng hòa, bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ.

“Tuy nhiên, việc giữ nguyên tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhằm tiếp tục khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng và phát triển đất nước lên CNXH, bảo đảm tính ổn định, tránh việc phải thay đổi về quốc huy, con dấu, quốc hiệu trên các văn bản, giấy tờ. Hơn nữa, trải qua 37 năm, tên gọi này đã trở nên quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế” - ông Lý cho hay.

Không đưa vấn đề luật về Đảng vào Hiến pháp

Liên quan điều 4 về vai trò lãnh đạo của Đảng, ông Phan Trung Lý cho hay, các ý kiến tiếp thu cho rằng việc giữ điều 4 là “cần thiết”.

Xung quanh ý kiến này đề nghị cần có luật về Đảng nhằm tạo cơ sở pháp lý cho Đảng thực thi vai trò, sứ mệnh lịch sử của mình đối với Nhà nước và xã hội, tạo sự minh bạch trong hoạt động của Đảng, tạo cơ sở cho nhân dân giám sát hoạt động của tổ chức Đảng và đảng viên.

Ông Lý cho hay quan điểm của UB dự thảo sửa đổi Hiến pháp, đó là Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo thông qua Cương lĩnh, chiến lược, các định hướng và chính sách, chủ trương lớn của mình...

Cách thức, nội dung lãnh đạo được thể hiện linh hoạt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng giai đoạn, từng thời kỳ. Bên cạnh đó, quy định mọi tổ chức Đảng, đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật hiện đã là một bảo đảm quan trọng để nhân dân có điều kiện giám sát, giúp cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn, xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

“Hơn nữa, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng cũng là vấn đề đang được tổng kết, nghiên cứu. Vì vậy, UB đề nghị QH không đưa vấn đề ban hành luật về Đảng vào dự thảo Hiến pháp” - ông Lý phát biểu.

Lực lượng vũ trang

Qua tổng hợp, cơ bản các ý kiến nhân dân tán thành với quy định về bảo vệ Tổ quốc như dự thảo (điều 70).

Theo ông Lý, đã có ý kiến đề nghị đảo cụm từ “lực lượng vũ trang phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân” lên trước cụm từ “trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ quy định này như Hiến pháp hiện hành, không quy định “lực lượng vũ trang phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Trên cơ sở nghiên cứu tiếp thu ý kiến nhân dân, UB dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình QH thể hiện lại điều 70 thành: “Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”.

Không quy định đa sở hữu đất đai


UB dự thảo sửa đổi Hiến pháp đề nghị QH giữ nguyên cách dùng khái niệm “sở hữu toàn dân” và không quy định đa sở hữu về đất đai.

“Vấn đề sở hữu đất đai không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề chính trị - xã hội” - ông Lý cho hay.

Về trường hợp thu hồi đất để phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội, UB cũng nêu quan điểm, đất đai là nguồn lực quan trọng cần được khai thác, sử dụng hiệu quả nhằm mục đích phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Vì vậy, việc thu hồi đất để phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết.

Tuy nhiên, để tránh thu hồi tràn lan, dự thảo quy định các trường hợp thu hồi do luật định. Việc thu hồi phải có bồi thường, minh bạch, công bằng theo quy định của pháp luật.

Linh Thư


http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/121937/giu-nguyen-ten-nuoc-chxhcn-viet-nam.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét