Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Myanmar 'mở cửa' văn học

Mừng cho văn học Myanmar: 

(Thethaovanhoa.vn) -
Chính phủ mới, đại hội nhạc rock đầu tiên, cuộc thi chạy việt dã đầu tiên... và giờ là đại hội văn học quốc tế đầu tiên sau hàng thập kỷ. Đại hội Irrawaddy tại Yangon, Myanmar được đánh giá là dấu hiệu hồi sinh của nền văn học nước này. 
Theo AP, đại hội diễn ra từ ngày 1 đến 3/2. Có hơn 25 tác giả quốc tế và 120 tác giả bản địa được mời đến dự, bên cạnh đó còn có chủ nhân Giải Nobel Hòa bình 1991 Aung San Suu Kyi, một nhân vật chính trị quan trọng của Myanmar.
"Văn học luôn là một phần quan trọng của cuộc đời tôi và tôi hy vọng đại hội này sẽ quy tụ những tài năng văn học lớn nhất Myanmar, Vương quốc Anh và nhiều nước khác, khuyến khích người dân Myanmar khám phá văn học thế giới và xa hơn là tiếp cận được nền văn học tiếng Anh", bà Suu Kyi, phát biểu trong một văn bản tại hội nghị hôm 1/2.

Bà Aung San Suu Kyi phát biểu trong cuộc họp 
truyền thông trước Đại hội văn học Irrawaddy
Hầu hết các lĩnh vực của Myanmar đều đang tái thiết với tốc độ ấn tượng. Với Đại hội văn học Irrawaddy, hàng chục nhà văn Myanmar sẽ là nhân vật chính. Họ là những người đã sáng tác lặng lẽ hàng chục năm trời, tự nuôi dưỡng niềm đam mê của mình trong khi hoàn cảnh không cho họ nhiều hy vọng lắm.

Các tác giả có tiếng gồm Jung Chang - nhà văn Anh gốc Trung Quốc, tác giả cuốn Wild Swans hay nhà văn Ấn Độ Vikram Seth, sử gia Anh Timothy Garton-Ash, nhà văn Anh đang sống ở Ấn Độ William Dalrymple. Đây là những tên tuổi đã làm nên thành công của Đại hội văn học Jaipur của Ấn Độ từ 24 đến 28/1 vừa qua.

Myanmar đã nới lỏng luật kiểm duyệt với văn học, báo chí, blog và phim ảnh. Nước này cũng có vài thay đổi với văn phòng kiểm duyệt truyền thông, đổi tên thành “Ban Giám sát bản quyền và đăng ký” hồi tháng 8 năm ngoái.

Hiện tại, xuất bản một cuốn sách ở Myanmar dễ dàng hơn trước đây rất nhiều. Hầu hết tác phẩm nộp lên cơ quan giám sát đều nhanh chóng được thông qua, xuất bản có thể xem là tự do, theo các nhà văn bản xứ.

Văn học thế giới không chỉ là vài ba tác giả kinh điển

Bên cạnh đại hội văn học, có nhiều sự kiện văn hóa xã hội "đầu tiên" khác diễn ra ở Myanmar từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay. Tháng 12 năm ngoái là cuộc thi chạy việt dã quốc tế thu hút 1000 vận động viên từ khắp nơi trên thế giới. Cũng giữa tháng 12 là đại nhạc hội quốc tế có ngôi sao Jason Mraz. Hôm 31/12 là sự kiện đếm ngược mừng năm mới đầu tiên.

Nền văn học Myanmar lâu nay không có tiếng tăm gì trên trường quốc tế do hàng thập kỷ dài biệt lập và số tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Rất khó nếu như không muốn nói là bất khả thi nếu độc giả nước ngoài muốn tiếp cận một tác phẩm văn học nào đó từ Myanmar, kể cả những tác giả hàng đầu như các tiểu thuyết gia và các nhà thơ lớn đã làm nên bộ mặt nền văn học Myanmar. Một số tác giả được biết đến ở nước ngoài thì không gắn bó với nền văn học Myanmar, có người đã chuyển sang làm chính trị hoặc không còn sáng tác bằng tiếng Myanmar mà là bằng tiếng Anh.

Ngược lại, lâu nay, độc giả Myanmar cũng khó tiếp cận với nền văn học quốc tế, nhất là văn học quốc tế đương đại. Chủ yếu họ vẫn đọc văn chương kinh điển Nga và phương Tây như Anton Chekhov, Leo Tolstoy, George Orwell (Anh) và John Steinbeck (Mỹ).

Sinh viên Myanmar khá nhanh nhạy trước những đổi mới. Sáng thứ Sáu 1/2, tại đại hội Irrawaddy, nhiều sinh viên đã có mặt để bán và trao đổi sách cũ.

"Sự kiện này rất quan trọng với sinh viên Myanmar bởi đây là nơi chúng tôi có thể tiếp xúc với người nước ngoài" – Arker Kyaw, một sinh viên ngành tiếng Anh 18 tuổi, nói với AP - "Nhà văn nước ngoài duy nhất mà tôi biết là Leo Tolstoy".

Trong số các nhà văn nước ngoài tham dự và được mời phát biểu tại đại hội, Kyaw không nhận ra một ai.

Giám đốc tổ chức của đại hội là Jane Heyn, phu nhân của đại sứ Anh tại Myanmar. Mục đích của Heyn chính là tạo ra cầu nối giữa độc giả và các nhà văn khi có vẻ hai bên đã bị chia cắt quá nhiều trong mấy chục năm qua.

"Khi tôi thấy độc giả gặp khó khăn thế nào khi mua một cuốn sách, nhất là sách mới hoặc sách văn học đương đại, điều đó khiến tôi nảy ra ý tưởng này" - Heyn nói với AFP. "Đại hội mong muốn tạo ra một diễn đàn để các bên tham gia trao đổi ý kiến bằng văn bản và thảo luận trực tiếp".

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa
http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-toan-canh/myanmar-mo-cua-van-hoc-n20130202070626320.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét