Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013

Chiến tranh biên giới 2.1979: Trung Quốc đã thương vong bao nhiêu?

Trong cuộc chiến tranh biên giới tháng 2 năm 1979: Quân đội Trung Quốc đã thương vong bao nhiêu?

Nghĩa địa lính Trung Quốc ở Malipo (Ma Lật Pha) --
Tam Dương tóm lược và giới thiệu
Tháng 2 năm 1979 quân đội Trung Quốc bất ngờ tấn công vào 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta. Chúng đã bị các đơn vị quân đội, dân quân du kích và đồng bào ta anh dũng đánh trả, và bị thiệt hại nặng nề. Gần đây phía Trung Quốc đã nửa kín nửa hở công bố một vài con số cụ thể. Dưới đây là một số tư liệu lấy từ hai bài viết của người Trung Quốc giấu tên nhưng lại được đăng tải trên các mạng chính thức của Trung Quốc về sự thiệt hại này.
“Trước tiên cần làm rõ số thương vong của quân ta là bao nhiêu? Truyền thông Việt Nam nói đã tiêu diệt hơn 3 vạn quân ta, con số này rõ ràng là phóng đại. Tổng số quân đội tham chiến của chúng ta là 20 vạn người, trong tình hình tiêu diệt gần 1/6 quân ta mà lại để mất Việt Bắc, cho thấy rõ sự khiếp sợ, yếu kém của quân đội Việt Nam. Con số 3 vạn người rõ ràng là nói quá. Báo “Quân giải phóng” của quân đội ta nói, chúng ta thương vong 4000 người, con số này cũng rõ ràng là đã bị bóp nhỏ. Con số thương vong cụ thể của quân đội ta luôn luôn là một câu đố không giải được trong tôi. Nhưng gần đây trong một dịp may được gặp nhà văn già Lý Tồn Bảo (tác giả cuốn “Vòng hoa dưới chân núi” có thể coi là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Trung Quốc về cuộc chiến này và đã được dịch giả Dương Danh Dy chuyển ngữ sang tiếng Việt) câu đố trên mới được giải.

“Lý Tồn Bảo là phóng viên chiến tranh, năm 1979 đã từng theo bộ đội ta sang đánh Việt Nam. Để viết cuốn “Vòng hoa dưới chân núi” ông đã được Phó Chủ tịch quân ủy TƯ lúc đó là Diệp Kiếm Anh cho phép tiếp xúc với nhiều tài liệu tuyệt mật, vì vậy những điều ông kể là khách quan chân thực.

“Theo Lý Tồn Bảo số thương vong chân thực của quân đội ta trong cuộc đánh trả tự vệ Việt Nam phải là 27000 người, trong đó số sĩ quan và binh lính bị chết là hơn 6000 người, số bị thương là hơn 21.000 người. Điều đáng lưu ý là trong số hơn 6000 người chết đó có tới hơn 500 người chết vì vũ khí quá kém của chúng ta lúc đó.

“Trong tiến trình chiến đấu, tỷ lệ tử vong mấy ngày đầu khá cao, cá biệt có đại đội bị hy sinh tới 90% quân số. Nhìn chung thương vong ở tuyến phía đông (do Hứa Thế Hữu chỉ huy đánh vào 3 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh-ND) lớn hơn tuyến phía tây (do Dương Đắc Chí chỉ huy đánh vào mấy tỉnh còn lại-ND), xe tăng và thiết giáp bị bắt sống, bắn hỏng khá nhiêu, cũng ở mặt trận này đã có 1 đại đội bị bắt làm tù binh, có đại đội khi về nước chỉ còn mươi người, có tiểu đội không còn tới một, hai người (nghĩa là gần chết hết-ND).

“Một trong mục đích của cuộc chiến tranh này là “vây Ngụy cứu Triệu”, tức là đánh ở đây nhằm kéo quân đội Việt Nam đang ở tại Cămpuchia về để tiêu diệt, nhưng Việt Nam không mắc mưu.”

Một nguồn tin khác nói là lấy tư liệu từ bản “Tổng kết công tác đánh trả tự vệ Việt Nam” do Cục Hậu cần quân khu Côn Minh biên soạn cho biết:

“Từ ngày 17 tháng 2 đến ngày 16 tháng 3 quân ta tổng cộng hy sinh 6954 người, bị thương hơn 14.800 người, chỉ riêng hai ngày 17, và 18 đã thương vong 4000 người, khiến bộ phận hậu cần trở tay không kịp nhiều người bị thương vì không được cứu chữa kịp thời nên đã chết.”

Xin lưu ý:

- trên đây là số thương vong do người Trung Quốc nói,

- chưa kể số thương vong trong các trận đánh từ sau đó đến khi hai nước bình thường quan hệ.
Tam Dương (tóm lược giới thiệu)
*Nguồn mạng “Hán hồn” và “luzhou”

http://viet-studies.info/kinhte/QuanTrungQuocThuongVongBaoNhieu.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét