Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

Ðầu Xuân, ghé cà phê Starbucks Sài Gòn

Ðầu Xuân, ghé cà phê Starbucks Sài Gòn

Trần Tiến Dũng / Người Việt
Ngay khi khai trương ở Sài Gòn, cà phê Starbucks đã tạo nên dư luận rôm rả của cả dân ghiền và không ghiền cà phê. Sáng Mùng Năm Tết Quý Tỵ, chúng tôi phóng xe đến góc đường Nguyễn Thị Nghĩa-Phạm Hồng Thái, quận 1, quán cà phê đầu tiên của Starbucks ở Việt Nam chiếm một góc đẹp nhìn ra bùng binh ngã sáu Phù Ðổng, Sài Gòn.


Hàng người xếp hàng dài từ trong ra ngoài và ly cà phê có ghi tên người uống.

(Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)  
Ði cùng chúng tôi là những người bạn quen uống “cà phê pha đậu nành,” giá bèo; thế nên nhìn thấy cảnh xếp hàng rồng rắn là có người muốn quay về làm một ly đen đá của vỉa hè cho khỏi mất công. Nhưng với tánh tò mò ham thích cái mới, người Sài Gòn nào cũng muốn nếm thử hương vị của thứ cà phê nổi tiếng toàn cầu của Mỹ.
Một nét độc đáo thú vị của cà phê Starbucks là khiến cho người Sài Gòn nhất là dân có tiền phải chịu khó bước vào xếp hàng và chờ dài cổ. Liệu thương hiệu cà phê này có giúp cho người Sài Gòn thêm thói quen văn minh xếp hàng trật tự hay không, điều đó phải chờ xem thứ cà phê đắt tiền đựng trong ly nhựa, ly giấy này có sống nổi qua vài “con trăng” hay không?

Ðứng trong hàng trước chúng tôi là một người phụ nữ khoảng năm mươi tuổi. Chị nói: “Bữa nay ít người hơn hôm trước Tết. Chắc là khoảng nửa giờ là có cà phê.”

Chúng tôi hỏi vì sao chị lại chịu khó xếp hàng, chị chỉ nói, “Tôi chịu cà phê này, thơm ngon mà không mệt tim.”

Sau chúng tôi vài người có một anh giọng Bắc càu nhàu, “Xếp hàng như mua gạo bao cấp thế này thì chán thật.”

Ðể có thể thưởng thức ly cà phê Starbucks, người Sài Gòn phải trải qua hai chặng xếp hàng. Một là xếp hàng ở sân của quán chờ người bảo vệ hé cửa mỗi lượt vào bên trong chừng năm người, vào được bên trong lại xếp hàng nhưng được phục vụ máy lạnh và nhất là được ngửi mùi cà phê thơm lừng nên cũng đỡ khổ hơn.
Sau khi hàng người đùn đẩy nhau đến chỗ chọn thức uống và trả tiền, phục vụ người Việt sẽ hỏi bạn tên gì để ghi tên bạn vào ly nhựa hoặc ly giấy.

Khi thắc mắc vì sao phải ghi tên thì người đứng bên cạnh giải thích là vì đông khách quá chắc sợ giao lầm cà phê, nhưng với người ngoại quốc thì nhân viên Starbucks không có chuyện ghi tên.

Nhận xét về chuyện ghi tên trên ly cà phê Starbucks có người nói đùa là gần giống như chuyện trình passport có họ tên để được cảnh sát di trú cửa khẩu cho nhập cư vô Mỹ.

Cà phê Starbucks ngay khi xuất hiện ở Sài Gòn đã rôm rả dư luận. 
(Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)  

Các loại cà phê và các loại đồ uống khác của thương hiệu Starbucks được phục vụ với ba cỡ, ly nhỏ, vừa, và bự.
Tôi chọn cà phê Cappuccino ly cỡ vừa, bạn tôi chọn Caramel Frappuccino Blended Beverage cũng cỡ vừa và số tiền phải trả cho hai ly là 180,000 đồng Việt Nam, khoảng 9 đô la.

Với dân nhà giàu hay dân trung lưu thì giá cà phê Starbucks so với các quán cà phê sang trọng khác cũng chỉ bình thường, nhưng với dân lao động muốn nếm thử cà phê này thì chắc nhịn cà phê cả tháng để dồn tiền uống một lần cho biết.

Theo tìm hiểu riêng của chúng tôi, thì từ ngày khai trương cho đến nay mỗi ngày trung bình Starbucks bán ra từ 1,500 ly đến 2,000 ly; tất nhiên chỉ cần làm toán nhân thì sẽ biết lợi nhuận thu vào cũng như đoán biết rằng rồi đây sẽ có thêm dân Hà Nội và dân ở các đô thị lớn khác của Việt Nam sẽ rồng rắn xếp hàng trước hiệu cà phê Starbucks.

Chúng tôi mang cà phê Starbucks ra trước sân ngồi thưởng thức và cũng để tiện hút thuốc. Quan sát hàng người xếp hàng chờ mua cà phê chúng tôi thấy đa phần là người trẻ tuổi. Ở bàn cà phê bên cạnh, một nhóm gần mười người trẻ, họ không uống cà phê mà uống những thức uống khác của Starbucks và họ cùng hẹn với nhau là sẽ không uống trà sữa trân châu loại thức uống của Ðài Loan nữa mà chỉ là Starbucks.

Người bạn đi cùng chúng tôi kể rằng, khi món gà rán KFC nhập vào Sài Gòn rất nhiều người cho rằng với nguyên liệu thịt gà công nghiệp và khẩu vị xa lạ chắc món này sẽ chết yểu, nhưng bây giờ đến cả con nít mẫu giáo cũng ngọng nghịu đòi cha mẹ dắt đi ăn “gà gán.”

Trước hiện tượng đắt hàng của cà phê Starbucks và các thương hiệu thực phẩm danh tiếng du nhập từ Âu-Mỹ, câu hỏi đặt ra là: Người Sài Gòn nhất thời tò mò hoặc sính đồ ngoại mà ưa chuộng hay có lý do nào khác?
    


Cà phê Starbucks hấp dẫn giới trẻ Sài Gòn. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)  

Câu trả lời dễ được đồng tình nhất là trong tình trạng mất kiểm soát toàn diện về an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay ở Việt Nam thì tìm, chọn sử dụng một thương hiệu danh tiếng là cách đơn giản nhất để phòng tránh.
Với việc cà phê Starbucks có mặt ở Sài Gòn đầu năm 2013, dân trung lưu Sài Gòn ít ra cũng yên tâm vì tin rằng mình cũng được như dân chúng ở các nước phát triển, tốn tiền cho một ly cà phê thơm ngon và an toàn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét