Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

Genève và Thụy Sĩ

Xem lại bài cũ sưu tầm trên mạng, có sửa chữa và viết thêm cho phù hợp:
Genève và Thụy Sĩ
Nếu hỏi 100 người đâu là thủ đô của Thuỵ sĩ thì có đến 95 người trả lời là Genève. Thực ra, câu trả lời nên là Béc-nơ (Bern), một thành phố nhỏ nằm ở miền Trung Thụy Sĩ. Genève là một thành phố  lớn, là nơi đóng đô của Trụ sở Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác như WTO, Hội chữ thập đỏ, WHO ... nên được nhiều người biết đến hơn. Có lẽ Genève là thành phố được nhiều người biết nhất so với các địa danh khác của Thụy Sĩ.


Genève có 85% biên giới tiếp giáp với Pháp.
Thành phố Geneve nằm trong bang Genève, bang này cũng có khoảng 80% biên giới tiếp giáp với Pháp. Ngoài Jet d'Eau (vòi phun nước khổng lồ), phun nước quanh năm cao tới 142m, Genève có khá nhiều điểm đáng chú ý:


1. Là một trong 22 bang của Thuỵ sĩ, Geneva nằm lọt trong lãnh thổ nước Pháp giống như một cái lưỡi của con kỳ đà. Ba phía đều giáp Pháp nên dân ngoại kiều ở đây suốt đời vượt biên. Thuỵ sĩ có mức sống khá cao nên giá cả khá đắt đỏ. Nên phần lớn dân ngoại kiều khoái dùng euro hơn franc swiss vì chỉ cần thoắt một cái là sang bên kia biên giới để mua hàng cho rẻ. Ở biên giới, trước năm 2009 hầu như chỉ có trạm biên phòng và Duane (phòng thuế) của phía Thuỵ sĩ là hoạt động để kiểm tra luồng nhập cảnh và hàng lậu từ Pháp vào. Từ năm 2009, Thụy Sĩ tham gia hiệp ước Shengen nên trạm biên phòng cũng được giải tán luôn. Riêng xuất nhập cảnh thì gần như vô tư, qua lại biên giới chẳng ma nào quan tâm.

Trong thời gian ở đây, cứ chiều tối, mình lại tham gia đạp xe với các em xinh tươi chạy trên đường phố. Nếu mải ngắm bóng hồng phía trước mà quên không bóp phanh là tọt sang Pháp ngay.

2. Vào mùa hè, 7 giờ tối mà nắng chang chang như 3 giờ chiều. Phải đến 10PM mặt trời mới chịu lặn nên các đôi yêu đương rủ nhau ăn tối thường vào lúc 12 giờ đêm mới gọi là lãng mạn. Còn mình thì cứ lượn xe sau đó mới là lãng mạn.

3. Ngay sát bên kia biên giới có làng Ferney-Voltaire. Đó chính là nơi ở của nhà đại thi hào người Pháp Von-te. Bây giờ vẫn còn tượng ông này ở đó. Dân ở đây tự hào lắm. Mấy năm trước, căn nhà của ông Voltaire gần sập. Chính quyền địa phương kêu gọi Trung ương cho tiền sửa lại nhưng mấy ông Trung ương chậm trễ quá thế là họ rao bán luôn. Một đại gia người Nhật xung phong bỏ tiền ra mua và sửa sang lại. Thế là Chính quyền Paris thấy vậy cuống lên và cấp tiền mà không dám xét duyệt gì.

4. Sân bay quốc tế của thành phố này đồng thời cũng là sân bay nội địa của Pháp. Hai ông giàu này tính toán kiểu gì mà chia nhau mỗi người một nửa để xây một sân bay bé tí nằm ở giữa đường biên giới. Trước năm 2009, muốn đi lại tự do trong sân bay thì phải có visa của cả 2 nước. Vậy nên, các đồng chí An nam từ nhà sang mà đặt vé máy bay đi qua đường Paris - Charle de Gaulle thì mời xin thêm một cái visa transit của Pháp nhé nếu không thì đừng hòng lên máy bay bay chặng Paris - Genève. Từ năm 2009 đến nay thì vô tư.

Sân bay Genève

5. Dân du lịch sang đây nhất quyết phải chụp được cái ảnh ở Đồng hồ Hoa, Công viên kiểu Anh, Vườn hồng nơi có nhà nghỉ của Hit le xưa kia, lên đồi triệu phú nhìn xuống toàn cảnh hồ Lac Leman. Mình thì thích nhìn từ phía bên kia. Phi xe đạp lên tận ngọn đồi đối diện (đồi nghìn phú) ngắm xuyên qua mặt hồ sang bên này. Đồi triệu phú nổi lên trên bức phông tự nhiên là rặng Alps có đỉnh Mont Blanc nổi tiếng. Cảnh Genève ở khu này quá tuyệt vời.

6. Từ đồng hồ hoa, phi qua cầu, vượt qua đảo Rút-xô, nơi đặt tượng ông Rút-xô người phát minh ra học thuyết không tưởng, rẽ phải sang đường Lausane là ta gặp ngay khách sạn Hoà Bình (Hotel de La Paix) nơi Hiệp định Genève năm 1954 được ký để phân định Vĩ tuyến 17 tại Việt Nam. Vượt lên một chút nữa là tới Bảo tàng Đồng hồ (thực ra chẳng cần cái bảo tàng này làm gì - thừa!!! Cả Genève là một bảo tàng đồng hồ quá lớn rồi). Khắp nơi là cửa hàng đồng hồ và biển quảng cáo đồng hồ. Rồi trụ sở WTO, UN… rồi dấn quá lên một tí là .... sang Pháp ngay.

7. Dân ta sang đây thường rủ nhau đi chơi tối ở rue de Bern xem Peep Show, rồi Sex Show, rồi hơn nữa... Các cô gái bán hoa ở đây to như con bò mộng mặc bộ quần áo làm bằng lưới bắt cá loại trên 5 kg dắt theo một con chó nhỏ như ... con bê. Trông kinh hoàng!!! Vào peep show, ta phải chuẩn bị đồng xu 5 francs (120k tiền mình, tỷ giá cuối năm 2011) sau đó chui vào một ca bin, nhét tiền vào. Thế là chiếc rideaux (rèm) được từ từ kéo lên lộ ra một cô gái hoặc người Đông Âu hoặc người châu Phi đang nhảy múa theo nhạc và dần bỏ bớt quần áo ra ... cho mát. Bọn này rất ghê, cứ chậm trễ câu giờ thế nên ta chưa xem được mấy tí thì cái rideau khỉ gió lại sập "rụp" xuống thế là lại phải nhét tiền vào. Xem xong được một màn đó thì dân ta mất đứt ... bữa lẩu ở nhà rồi. Lần sau, thay vì đi xem mất tiền vào buổi tối, dân mình lại rủ nhau bỏ họp đi chơi ban ngày. Vào mấy hôm nắng chói chang, cứ ra cầu tàu ngoài hồ thì tha hồ các em tuổi teen đẹp đẽ nằm phơi nắng ở đó. Vừa mỹ quan lại vừa miễn phí. hehehhehehe!!!!

Báo 20 phút: Từ 16 tuổi là gái có quyền làm gái điếm.

8. Hồ Genève trong suốt, ven bờ nhìn thấu tận đáy. Dưới lòng hồ, họ xây một bãi xe 3 tầng chứa được mấy ngàn chiếc xe. Mấy ông kiến trúc ở Hà Nội nên sang đây mà học tập cách làm của họ. Hồ Le Man nằm giữa hai dãy núi nên rất sâu. Người ta hút nước ở độ sâu 54m đưa lên để làm mát thành phố trong mùa hè và sưởi ấm trong mùa đông.

9. Cứ vào khoảng 17 - 21/6 hàng năm, dân chơi nhạc trên thế giới lại đổ về quảng trường PlainPalais tham gia Fête de la music (Đại nhạc hội của toàn dân). Người ta chơi nhạc ngay trên đường phố, trên các bậc thang, trong công viên, trên xe buýt... Thật là vui. May mà có sự kiện này, nếu không mấy chỗ đó lúc nào cũng vắng hoe.

10. Đối với cư dân ở đây, mọi con đường đều dẫn đến ga Cornavin hoặc sân bay Cointrin nhưng đối với dân ta mọi con đường đều dẫn đến siêu thị Manor, Aligro, Coop, Denner hay các quầy đổi tiền. Dân mình phải tranh thủ mua bán nếu không thì hết giờ ngay. Điều lạ đó là các cửa hàng mở cửa gần trùng với giờ hành chính. Thứ bảy chủ nhật người ta ở nhà để mua bán thì họ cũng nghỉ luôn. Nên thời gian buồn tẻ nhất đối với dân mình khi sang đây đó là sáng thứ 7.có bán thì 10-11h mới mở cửa và 2h chiều là đóng cửa. Dân cư đều ngủ vùi hoặc đi chơi cuối tuần trên núi. Mọi cửa hiệu đều đóng tiệt, . Còn dân ta thì không muốn ở nhà mà cũng chẳng đi được đâu. Nhiều người sang đây được một tuần là nằng nặc đòi về Việt Nam cho vui vẻ.

Đối với riêng mình, thời gian đáng chán đó được sử dụng bằng cách tham gia một chuyến dã ngoại của một gia đình Việt kiều hoặc nhảy tàu đi tới các thành phố khác như Lausane (cách đó 90 km trên mạn bắc) hay Interlaken hoặc thủ đô Bern để thám hiểm.

11. Lần đầu đi sang đó tránh nóng ở Hà Nội thì gặp đợt khí lạnh. Suýt nữa thì chết rét. Giữa mùa hè, nhiệt độ ở thành Turino xuống tới 5 độ. Mình cũng diện khoẻ nên chỉ khoác thêm chiếc áo vest là đủ. Thương thay cho mấy anh chàng "nhọ" ăn vận cứ như sắp đi thám hiểm Nam Cực. Tuy là nằm ở Nam Âu và vào mùa hè nhưng ở đất này mưa xuống là lạnh thấu xương. Thực tế, không bao giờ mình dám tắm nước lạnh ở đây cả. Trời mà cứ hễ nắng một chút là dân chúng đổ ra đường tắm nắng. Màu da đẹp ở đây phải là cháy nắng. Trắng quá là hỏng. Thật ngược đời với ta!!!

Ở thành Turin một tuần, mình đi khắp các hang cùng ngõ hẻm bằng xe buýt. Trên xe, ngoài ông tài xế thì không có một ai kiểm tra nên mình cứ thoải mái đi "chùa". Ở Genève cũng vậy.
Đi chợ trời mua kính, đồ da Ý thích thật !!! Người dân ở đây cũng khá mến khách nếu ta cứ cố gắng nói tiếng Việt thành tiếng ý, ví dụ "chào" thành "ciao" là được. 

Cuối tuần xe buýt lại đưa mình vượt biên giới sang Thuỵ sĩ. Đường đi vượt qua rất nhiều làng mạc trước khi tiến thẳng tới rặng Alps là biên giới tự nhiên giữa 2 nước. Phía dưới chân núi là một màu xanh mướt. Trên lưng chừng núi là một rừng hoa với muôn vàn màu sắc rực rỡ. Trời nắng chói chang nhưng trên đỉnh Mont Blanc (cao 4810,45 mét) vẫn là một màu trắng thanh khiết của tuyết. Chiếc xe cứ lượn qua vòng lại trên đèo rồi chui tọt vào đường hầm xuyên núi dài tới 11,6km. Biên giới Ý-Thuỵ sĩ gặp nhau trong lòng đất tại giữa đường hầm này.


Đỉnh Mont Blanc hơn 4000 mét, quanh năm băng giá và tuyết phủ

Rồi chiếc xe đi mãi xuyên qua vùng nông thôn nước Pháp với rất nhiều cánh đồng nho rồi lại nhập cảnh Thuỵ sĩ. Hồ Lac Le Man hiện ra trước mắt với Jet d'Eau (vòi phun nước khổng lồ) nổi tiếng cao tới 142 m là biểu tượng của thành phố Genève.

12. Thuỵ Sĩ nổi tiếng thế giới với 4 thứ: Đồng hồ, sô-cô-la, kinh doanh tiền và kim loại tốt (để làm đồng hồ, dao và sản phẩm cơ khí cao cấp).

Người ta hay bảo rằng "đồng hồ tốt và chính xác nhất thì phải là của Thuỵ sĩ". Sai bét!!! Đồng hồ Nhật và Tàu còn tốt và chính xác hơn. Đồng hồ của Thuỵ sĩ có chất lượng tốt và quan trọng nhất đó là đẹp. Ở đây người ta đưa ra khái niệm về đồng hồ thế này "đồng hồ là một thứ trang sức thời thượng mà chức năng chỉ giờ chỉ là .... thứ yếu" Đấy!!!

Ở VN, khi nói đến đồng hồ xịn người ta thường nói đến Rolex và Rado. Thực ra đó không phải là tất cả và cũng chưa là gì. Xịn ở đây phải là Bucherer, Vacheron Constantin hay Patek Philip cơ. Mỗi chiếc to bằng quả quýt nhưng có giá nhẹ nhàng bằng một chiếc Camry ở VN nặng tới gần 2 tấn. Giá trị gia tăng cho nền kinh tế ở đó mà ra!!! Đặc biệt, vào các cửa hàng đồng hồ xịn thì phải ăn mặc sang trọng, đồng hồ trong đó không bao giờ được niêm yết giá, coi như ai đã đồng ý vào tức là phải chấp nhận có thể mua với bất cứ giá nào.

Đồng hồ xịn ở đây giá phải từ 25 nghìn đô Mỹ trở lên. Loại từ 10 đến 25 nghìn thì trung bình và được niêm yết giá; bạn không cần vào cửa hàng mà chỉ lượn bên ngoài ngắm qua các ô kính là có thể biết giá. Còn loại dưới 10 nghìn đô thì được bán khắp nơi như ở VN bán rau muống.
13. Bạn đã ăn sô-cô-la Thuỵ sĩ chưa??? Nếu trót ăn rồi thì không bao giờ thèm ăn thứ sô-cô-la đồng tiền của Tàu hay các nước nào khác nữa. Quá ngon!!! Mình thích nhất là mua sô cô la trong cửa hàng Mannor, vừa rẻ vừa ngon, chỉ khoảng 80 đô Mỹ 1kg, còn mua ở ngoài đường thì giá phải gấp rưỡi trở lên. Sô cô la chất đống trong cửa hàng Mannor, trước đây đi qua là ghé vào lấy ăn thoải mái, nay kinh tế khó khăn nên người ta không khuyến khích khách hàng nếm thử nữa.

1 góc khu bán sô cô la trong đại siêu thị Mannor nằm giữa trung tâm thành phố

14. Một trong những ngành mang lại nguồn thu lớn cho nước này đó là buôn tiền (dịch vụ ngân hàng). Ông Thuỵ sĩ này rất khôn khi tuyên bố trung lập trong chiến tranh thế giới thứ 2. Hồi đó, ông này ở giữa giữ tiền cho dân Do Thái ở châu Âu và thậm chí cả Đức Quốc xã. Sau đó các nhà buôn Do Thái đó bị Đức quốc xã giết gần hết và Đức quốc xã cũng bị quân Đồng minh giết gần hết. Thế là tiền chẳng được ai nhận nữa. Sau vài chục năm vô thừa nhận những số tiền khổng lồ đó được sung công vào tài sản của Liên bang Thuỵ sĩ. Bở thật !!! Vừa rồi, con cháu của một số nạn nhân Do Thái đã đòi lại tiền của cha ông họ ở ngân hàng UBS. Hình như là thành công!!! Còn bây giờ, ông ấy còn nhận tiền gửi của khối người, như các vị tham nhũng, độc tài ở châu Phi, Trung Đông và khắp nơi trên thế giới. Nhất là bọn Mafia, chỉ cần một thằng trùm nào đó bị thủ tiêu thế là nhà nước Thuỵ sĩ lại có nguồn thu lớn.

15. Dân Thuỵ sĩ nói được khá nhiều thứ tiếng: có 4 ngôn ngữ chính thức được dùng trong 4 vùng trên cả nước, đó là: Pháp, Ý, Đức và Romans (thổ ngữ). Học sinh cấp 1 phải học thêm 1 ngoại ngữ. Lên cấp 2 lại thêm 1 ngoại ngữ nữa. Đến cấp 3 lại tiếp tục thêm 1 nữa. Do vậy học sinh tốt nghiệp phổ thông nói được thêm 3 ngoại ngữ nữa, thông thường là Anh, Tây Ban Nha và 1 thứ tiếng tự chọn mà họ ưa thích, kể cả tiếng Việt. Nhân viên lễ tân khách sạn còn nói được nhiều hơn nữa. Đáng kính nể !!!

Ở đây (Genève), họ nói tiếng Pháp hay như giọng Paris, chỉ một số từ là dùng khác thôi. Nhưng tiếng Đức thì kinh hoàng!!! Cực quê!!! Giả dụ bắt một người Đức vùng Hannover và một người Thuỵ sĩ vùng Bern mà nói chuyện với nhau bằng tiếng Đức thì có lẽ họ trao đổi bằng tiếng Anh hay bút đàm còn dễ hiểu nhau hơn.

16. Có thể nói xã hội Thuỵ sĩ là một sự giao thoa giữa Đức và Pháp, chưa nói đến Ý. Người Thuỵ sĩ có thể ăn chơi và lãng mạn như người Pháp nhưng cũng nghiêm túc, tổ chức và tằn tiện như người Đức. Họ sống rất kín đáo và lặng lẽ, gần như không tiếng động nhưng tinh thần cảnh giác cao độ. Có lần, một nhóm điệp viên Mossad của Israel đang bắt liên lạc trong đêm tối liền bị cảnh sát nước này tóm gọn với sự trợ giúp của tinh thần cảnh giác của các cụ già khó ngủ phải nhìn ra đường. Nhiều chuyện nhất và đáng cay cú nhất cũng là các vị này. Họ chuyên đời báo cảnh sát giao thông đến phạt và cẩu xe của dân ta đỗ bậy trên đường. Có lần, các vị này hùa với tập thể một khu chung cư yêu cầu Ban Quản lý nhà trục xuất ra khỏi đó mấy hộ gia đình ... người Việt vì tội cười nói to và thường xuyên làm ô nhiễm bầu không khí chung do ... quạt chả. Để yên ổn, chắc dân ta chỉ còn cách chui vào rừng hay ra ngoài đảo để hò hét, đùa cợt thoải mái nếu không thì mời bác .... về bót.

17. Một điều có thể gây bất ngờ cho nhiều người đó là tuy là nước trung lập với có 7,8 triệu dân nhưng đây lại là đất nước có tinh thần sẵn sàng chiến đấu rất cao. Tất cả các toà nhà đều phải xây thêm hầm trú bom và một cơ số lương thực, nước uống dùng trong 6 tháng. Tất cả các cầu cống nơi xung yếu đều được cài sẵn mìn. Quân số thường trực khoảng vài chục ngàn được trang bị cực tốt. Trong trường hợp tổng động viên, chỉ trong 24 giờ là có thể hình thành ngay đội quân hơn 1 triệu người. Theo quy định, từng phường xã đều có phiên hiệu đơn vị quân đội. Súng ống được phát và cất sẵn ở nhà. Có khi trong một gia đình, bố là đại uý còn con là thượng sĩ xưng hô với nhau đồng chí cũng nên.

18. Ở nước này có một điều vui nữa, đó là chính phủ có 7 bộ ngành. Cứ mỗi năm, một bộ trưởng lên làm tổng thống; ông này được phép đón một đoàn cấp cao sau đó xuống để ông khác lên thay. Đỡ phải tranh nhau !!!
Đặc biệt xã hội ở Thụy Sĩ dân chủ tới mức tối đa. Từ Trung ương tới phường xã, cái gì cũng trưng cầu ý dân; dân đồng ý thì làm, không thì nghỉ. Thế nên bộ máy chính phủ cực kỳ gọn nhẹ.
Buồn cười nhất là theo dõi các phiên bầu bán lãnh đạo ở đây. Ví dụ 1 vị Bộ trưởng đang yên đang lành thì lại quyết định từ chức, tiếp đó có 18 đảng cử người ra tranh chức. Thế là Quốc hội họp bầu. Đầu tiên là lần lượt các ứng cử viên lên trình bày chương trình hành động của mình. Mọi bản thuyết trình đều được dịch trực tiếp ra 4 thứ tiếng chính thức để các nghị sĩ đại diện cho cả nước nghe (do mỗi nghị sĩ cũng chỉ thạo 1 vài thứ tiếng); rất tốn kém. Tiếp đó là bỏ phiếu loại 1 ứng cử viên. Còn lại 17 vị đi tiếp vào vòng 2 để tìm ra 16 vị. Cứ như thế để chọn ra người cuối cùng. Đúng là dân chủ tuyệt đối.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét