Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

GS.Võ Tòng Xuân: ’Hãy cứu nông nghiệp và nông dân’

GS.Võ Tòng Xuân: ’Hãy cứu nông nghiệp và nông dân’
"Nhà nước giao tất cả quyền hành xuất khẩu gạo cho một Vinafood 2 - kiêm luôn Hiệp hội Lương thực VN lũng đoạn thị trường lúa gạo trong nước. Họ không lo xây dựng thương hiệu gạo VN, mà lo cạnh tranh dìm giá lúa thấp nhất để hưởng lợi, mặc cho nông dân... đem lúa cho vịt ăn", GS. Võ Tòng Xuân viết.
Phunutoday.vn khởi đăng bài phân tích của GS.TS Võ Tòng Xuân về thực trạng nông nghiệp VN hiện nay và bàn một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền nông nghiệp.
Bài 1: Độc quyền ép giá nông dân
Tình trạng nông nghiệp VN hôm nay thật không sáng sủa, nông dân tiếp tục là nạn nhân của tình trạng này. Có ý kiến cho rằng phải để đời con của nông dân có trình độ học vấn cao hơn mới nhận thức được vấn đề để hội nhập vào nền kinh tế thị trường. Nhưng thực ra, nông dân chỉ là một trong 3 tác nhân đưa đến tình trạng nông nghiệp bi đát hiện nay: (1) Nhà doanh nghiệp tiêu thụ nông sản; (2) Nhà nước chưa có chiến lược và chính sách cần thiết; (3) Bản thân người nông dân chậm đổi mới trong thời đại hội nhập kinh tế thế giới.

Thứ nhất, nhà doanh nghiệp tiêu thụ nông sản, phần lớn các doanh nghiệp VN không được trang bị kiến thức và kỹ năng kinh doanh nông sản, nên rất thụ động không biết tìm/mở thị trường cho nông sản của mình, không khả năng tổ chức nghiên cứu chế biến nông sản thô (nguyên liệu) thành sản phẩm có giá trị gia tăng có thương hiệu độc đáo để đưa ra thị trường trong nước hoặc quốc tế.

Không có những doanh nhân có kỹ năng chuyên môn và có dũng khí để tổ chức được những vùng sản xuất liên hoàn từ ứng dụng khoa học công nghệ, đến tổ chức nông dân sản xuất theo qui trình tiên tiến (GAP), đến xử lý nguyên liệu, bảo quản và chế biến ra thành phẩm có thương hiệu.

Cả doanh nghiệp và nhà nước đều bỏ rơi nông dân, để mặc họ muốn trồng gì thì trồng, nuôi con gì thì nuôi. Đối nông dân trồng lúa, khi thu hoạch họ lệ thuộc vào thương lái chứ ít có doanh nghiệp nào trực tiếp mua nguyên liệu từ nông dân. Hàng trăm thương lái thu mua lúa với chục giống lúa khác nhau bán lại cho doanh nghiệp chế biến thì làm sao doanh nghiệp có gạo rặc một giống để bán được giá cao?

Thêm vào đó, máy móc thiết bị chế biến chưa hiện đại nên doanh nghiệp khó có thể có sản phẩm có chất lượng cao, nên giá sản phẩm bán ra thấp.

Trong khi đó doanh nghiệp “đầu nậu” độc quyền xuất khẩu gạo không thương hiệu của Việt Nam - Vinafood 2 (Tổng công ty Lương thực miền Nam) đi đấu thầu bán gạo cho nước ngoài đã cam tâm hạ thấp giá gạo VN để dành trúng thầu (thí dụ điển hình Bangkok Post ngày 30/4/2013 đưa tin VinaFood 2 trúng thầu với giá 459,75 USD/tấn gạo 25% tấm, rẻ hơn Thái Lan 108,25 USD/tấn cung cấp gạo cho Philippine từ tháng 7 đến 9/2013) thì nhóm độc quyền này phải hạ giá lúa của nông dân thấp xuống mới mua cung cấp được cho Philippine.

giao-su-Vo-Tong-Xuan-Phunutoday.vn
GS.TS Võ Tòng Xuân (ngồi) đang hướng dẫn cho một kỹ sư người châu Phi về cách trồng lúa.
Đối với trái cây thì cũng tương tự như thế, không doanh nghiệp nào tổ chức với nhà vườn để sản xuất, xử lý và bảo quản trái cây tạo thêm giá trị gia tăng, mà chỉ có thương lái mua gom với giá rẻ mạt mà thôi, không kể gì chất lượng hoa quả.

Thứ hai, Nhà nước chưa có chiến lược và chính sách cần thiết, từ Chính phủ đến Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương dù có chính sách tự do mậu dịch, nhưng trong thực tế lại giao tất cả quyền hành xuất khẩu gạo cho một Vinafood 2 - kiêm luôn Hiệp hội Lương thực VN lũng đoạn thị trường lúa gạo trong nước. Họ không lo xây dựng thương hiệu gạo VN, mà lo cạnh tranh dìm giá lúa thấp nhất để hưởng lợi, mặc cho nông dân “đem lúa cho vịt ăn”.

Chính sách ruộng đất của nhà nước đặt ra chủ yếu để duy trì hiện trạng sản xuất manh mún nhỏ lẻ, trong khi Luật Hợp tác xã Nông nghiệp (HTXNN) hoàn toàn không khuyến khích gì cho nông dân gia nhập Hợp tác như Nghị quyết TW 5, Khóa IX và Nghị quyết TW 26, Khóa X chỉ đạo về kinh tế tập thể và hợp tác hóa nông nghiệp.

Ở Nhật bản, quốc gia có lực lượng nông dân giàu ngang bằng các thành phần khác trong xã hội, Chính phủ dùng HTXNN làm công cụ xóa nghèo cho nông dân, bằng cách bơm tiền tài trợ sản xuất cho nông dân qua HTX của họ. Nếu chúng ta cũng có HTXNN đều khắp, mỗi khi nhà nước muốn giúp nông dân tạm trử lúa thì chỉ rót tiền về HTX ứng trước tiền cho nông dân chi xài, ai nấy giữ lúa của mình, đến khi giá lúa tốt hơn thì họ bán lúa lấy tiền trả lại nợ cho nhà nước.

Nhưng việc đáng tiếc nhất là cho đến nay nhà nước, cụ thể là Bộ NN&PTNT, hành động chỉ theo kiểu chắp vá, thấy hư đâu sửa đấy, bị thương chỗ nào băng bó chỗ đấy, không có một chiến lược dài hạn khả thi một cách đồng bộ có hệ thống. Chờ đến khi nào có bệnh dịch Bộ đề nghị cứu trợ vài ngàn tỷ đồng; khi nông dân kêu ca bán lúa không được, Bộ đề nghị cho doanh nghiệp vay không lãi để mua lúa tạm trử; thấy vài nơi có cánh đồng mẫu lớn để bán thuốc, bán phân cho dễ thì Bộ cũng hô hào xây dựng cánh đồng mẫu lớn; và bây giờ thì đang đề nghị “tái cơ cấu nông nghiệp” trồng cây khác thay cho lúa.

Một chính sách nông nghiệp chỉ biết có cây lúa đã ăn sâu vào xương tủy lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương nhỏ ở nông thôn đã giúp mọi người phá rừng làm lúa, ngăn chận mọi mầm mống đa dạng hóa, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, mãi cho đến năm 2000 mới nới lỏng cho đa dạng hóa nhưng không cụ thể gì cả.

Một yếu kém nữa là trong thực tế mọi chương trình phát triển nông nghiệp, Bộ NN&PTNT khuyến khích mạnh ai nấy làm: anh khuyến nông thì hô hào trồng giống này, nuôi con kia mà không mua; anh bán thuốc, bán phân thì lo hô hào nông dân mua dùng, và nông dân thì mạnh ai nấy lo, trăm người trăm vẻ, khi thu hoạch thì có hàng chục giống, mặc sức cho hàng trăm thương lái ép giá. Trong khi đó thì các công ty lương thực của nhà nước thì lo o bế thương lái không đếm xỉa gì đến nông dân.

Và vì Bộ NN&PTNT cứ làm như thế thì lúa cũng chịu thua, trái cây cũng chịu thua, cà phê cũng chịu thua, cá cũng chịu thua, và do đó nông dân đành bó tay. Không nông sản nào có thương hiệu mạnh được vì chúng đã được sản xuất một cách không đồng bộ, chuỗi giá trị sản xuất bị tháo ra từng khoen không ráp lại được, mạnh anh này lợi dụng anh kia.

Phải chi chúng ta có tầm nhìn toàn vẹn hơn, thấy sự phát triển theo hệ thống đồng bộ theo chuỗi giá trị từ giống cây con cho đến thị trường trên bàn ăn của người tiêu dùng trong nước và thế giới. Thí dụ, đối với mặt hàng gạo, chuỗi giá trị gắn liền giống lúa với đồng ruộng sản xuất, nông dân gắn liền nhau trong HTXNN, cánh đồng mẫu lớn của HTX gắn với doanh nghiệp chế biến gạo có thương hiệu được phân phối trong nước hay xuất khẩu.

Đối với mặt hàng trái cây, chuỗi giá trị bắt đầu từ việc quy hoạch vùng trồng thích hợp với giống cây ăn trái đặc biệt, mọi nông dân trồng cây ăn trái sẽ gắn liền với một trung tâm xử lý và bảo quản trái cây, để khi thu hoạch họ sẽ đưa trái cây về trung tâm bảo quản đưa nhiệt độ trái xuống 5 độ C trước khi đưa vào kho phân loại kích cỡ, đóng gói bao bì và bảo quản ở 5 độ C chờ đến khi bán cho các siêu thị lúc có giá tốt.

Thứ ba, những bất cập trong đời sống của nông dân một phần cũng do chính bản thân người nông dân tạo nên. Nông dân ta chủ yếu là sản xuất nhỏ, manh mún, thích sản xuất tự do, không muốn hợp tác hóa.

Phần lớn bà con nông dân không được học hành từ căn bản mà rất tự hào vì kinh nghiệm thực tế sản xuất của mình, không thấy và hiểu được những cơ sở khoa học của từng lãnh vực sản xuất, cho nên bà con nông dân làm theo ý mình và theo lời quảng cáo hơn là theo khoa học.

Do đó, họ phải tốn kém nhiều, đội giá thành sản xuất lên cao nên không lời thỏa đáng, có khi bị lỗ.

Nếu nông dân chịu khó học hỏi để trở thành nông dân kiểu mới thì họ sẽ sáng suốt hơn trong các quyết định sản xuất, không xa rời HTXNN và chấp nhận thành viên trung thực, thực hiện theo qui trình GAP một cách tự giác trong chuỗi giá trị sản xuất. Được như thế đời sống nông gia sẽ đổi mới ngay.

GS.TS. Nhà giáo Nhân dân Võ Tòng Xuân hiện là Hiệu trưởng trường ĐH Tân Tạo (Long An). Ông sinh năm 1940 tại Ba Chúc, Tri Tôn, An Giang, nguyên là Hiệu trưởng trường ĐH An Giang.

GS. Võ Tòng Xuân chuyên nghiên cứu về lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là lúa nước, với nhiều đóng góp trong việc nghiên cứu cây lúa ở đồng bằng sông Cửu Long, cũng như trong sự nghiệp giáo dục tại vùng này. Ông vinh dự đựơc nhà nước trao tặng rất nhiều danh hiệu cao quý như Anh hùng Lao động (1985), Huân chương Lao động hạng Nhất (1986), Nhà giáo Nhân dân (2000), Huy chương vì giai cấp Nông dân Việt Nam (1994)…
  • GS. Võ Tòng Xuân (Đại học Tân Tạo, Long An, ngày 10/7/2013)
(Phunutoday)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét