Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2013

Số liệu về lãi suất thị trường mở (OMO)

Số liệu về lãi suất thị trường mở (OMO)
Lại Trần Mai: Hôm qua có bạn gửi email nhờ tôi chỉ dẫn cách tìm số liệu về lãi suất thị trường mở (OMO) của Việt Nam từ năm 2001 cho đến nay. Bạn đã tìm trên rất nhiều trang web, đã thấy một số số liệu nhưng không đủ để tạo thành chuỗi đáng tin cậy và đủ dài phục vụ việc xây dựng mô hình phân tích, dự báo.
Theo tôi nghĩ cách chọn lãi suất OMO của bạn để nghiên cứu chính sách tiền tệ là rất hay. Đáng tiếc rằng đây là một công cụ rất quan trọng của chính sách tiền tệ nhưng ở nước ta vai trò của nó còn rất thấp. Tháng 7.2000 nghiệp vụ thị trường mở mới bắt đầu được thực hiện ở nước ta, và từ giữa năm 2011 Ngân hàng nhà nước (NHNN) mới bắt đầu quyết tâm từng bước sử dụng lãi suất OMO làm công cụ chủ chốt để điều tiết thị trường. 
Việc sử dụng lãi suất OMO làm công cụ thay cho sử dụng lãi suất cơ bản mang nặng tính hành chính là một quyết định đúng. Thông qua lãi suất OMO, NHNN có thể tác động trực tiếp vào hành vi đi vay và tự cân đối nguồn vốn của các NHTM, tức là tác động trực tiếp đến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng như đến lãi suất cho vay và lãi suất huy động của các NHTM. Tuy nhiên, hiện nay vai trò của lãi suất OMO còn thấp do quy mô thị trường mở chưa lớn.
Tôi đồng ý với bạn là với cách tìm số liệu rải rác qua nhiều trang web như bạn làm thì sẽ không thể có một bộ số liệu đáng tin cậy để làm mô hình. Thứ nhất, đấy không phải là số liệu chính thức phát ra từ cơ quan có thẩm quyền của nhà nước. Thứ hai, hoạt động mua bán trên thị trường mở là rời rạc, trong khi bạn cần lãi suất OMO trung bình của tháng, của quý hoặc cả năm; những số liệu trung bình này chỉ cơ quan có thẩm quyền của nhà nước mới tính được. Thứ ba, nếu lấy số liệu từ nhiều nguồn khác nhau thì thường sẽ bị rối vì có hiện tượng cùng một quý nhưng số liệu của mỗi nguồn lại khác nhau (vì mỗi tác giả ước lượng số trung bình theo một cách khác nhau); do đó nếu tập hợp lại thành chuỗi số thì sẽ không đảm bảo tính đồng nhất của chuỗi...

Theo kinh nghiệm quá khứ của tôi, đối với số liệu tiền tệ của Việt Nam, đặc biệt là số liệu về lãi suất, chỉ có hai nguồn số có thể được sử dụng để làm mô hình. Một là số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và hai là từ Quỹ Tiền tệ quốc tế. Hai nguồn số liệu này đảm bảo được độ chính xác cũng như tính đồng nhất của mọi số liệu trong cùng một chuỗi số thời gian; đây là điều kiện rất cơ bản để xây dựng, ước lượng các phương trình kinh tế lượng. Tính đồng nhất có nghĩa là tất cả các số trong chuỗi phải được xây dựng theo một phương pháp thống nhất, từ khâu thu thập, xử lý, chế xuất và công bố cuối cùng.


Về nguyên tắc số liệu của hai nguồn này phải giống nhau vì NHNN có nghĩa vụ cung cấp định kỳ số liệu tiền tệ và cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam cho IMF và IMF cam kết tôn trọng, sử dụng số liệu do NHNN cung cấp trong hoạt động của mình.


Tuy nhiên, nói vậy nhưng chưa chắc đã phải vậy. Do hệ thống số liệu của Việt Nam còn thô sơ và chưa được xây dựng theo đúng chuẩn mực quốc tế nên bản thân NHNN cũng có vài bộ số liệu khác nhau được sử dụng cho các mục đích khác nhau, đồng thời IMF cũng điều chỉnh số liệu của NHNN cung cấp để có được bộ số phù hợp với tiêu chuẩn thống kê của mình. Tôi đã giải thích chuyện này trong một bài viết cũ ở đây (Trả lời thư bạn đọc về số liệu tiền tệ và lạm phát..).

Nếu không có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với NHNN để xin số liệu lãi suất OMO, bạn có thể liên lạc với Văn phòng IMF để xin. Thông thường để tìm số liệu từ nguồn IMF, tôi vào thẳng trang web IMF.ORG, tìm mục DATA & STATISTICS, rồi đi đến International Financial Statistics (IFS); tiếp đến xem phần Economic Indicators, vào danh mục các nước, tìm ô Việt Nam để xem. Đường dẫn cuối cùng là: http://elibrary-data.imf.org/DataReport.aspx?c=1449311&d=33061&e=169393

Số liệu về tiền tệ của VN trong cuốn sách này như sau:


Bảng trên cho thấy chỉ có hai loại số liệu liên quan đến lãi suất là lãi suất cho vay và lãi suất huy động, không có lãi suất OMO.

Chúng ta có thể cải tiến cách tìm số liệu của IMF bằng cách vào trang Việt Nam của IMF. Theo đường dẫn http://www.imf.org/external/country/VNM/rr/index.htm chúng ta sẽ thấy mục Văn phòng đại diện IMF tại Việt Nam. 

Tìm tiếp sẽ thấy "VIETNAM: Latest Economic and Financial Data Last update: April 2013". Bấm vào đường dẫn này sẽ thấy số liệu cập nhật gần nhất của IMF về tiền tệ, cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam. Dưới đây là bảng số liệu tiền tệ:

Bảng trên trích từ cuốn International Financial Statistics xuất bản hàng tháng và hàng năm của IMF, đều có lưu ở Văn phòng đại diện IMF tại Việt Nam. Các bạn có thể đến tra khảo miễn phí dễ dàng. Để lấy số liệu nhiều tháng, nhiều quý, nhiều năm, bạn phải sử dụng nhiều cuốn IFS này, trước tiên dùng cuốn mới nhất để có chuỗi số liệu mới nhất, sau đó lấy cuốn trước đó 1 tháng (hoặc 1 năm) để bổ sung số, rồi lấy cuốn trước đó 1 tháng nữa (hoặc 1 năm nữa) để tiếp tục bổ sung.

Bảng trên cho chúng ta nhiều số liệu hơn về lãi suất, cụ thể ngoài lãi suất cho vay và lãi suất huy động còn có thêm lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tín phiếu kho bạc. Tuy nhiên vẫn không thấy lãi suất OMO.

Như vậy, trên các sách, trang web chính thức của IMF đều không có số liệu lãi suất OMO. Bạn chỉ còn cách liên hệ trực tiếp (hoặc qua thư) với nhân viên IMF tại Hà Nội để xin. Tôi tin là họ có và đang sử dụng. Tuy nhiên, vì loại số liệu này mới có trong những năm gần đây, nên cách thu thập, xử lý có thể chưa hoàn chỉnh nên họ chưa công bố công khai.


Trên đây là vài suy nghĩ của tôi về cách tìm số liệu tiền tệ Việt Nam. Riêng với lãi suất OMO, để kiếm được bộ số liệu hoàn chỉnh từ năm 2001 đến nay, bạn chỉ có hai con đường là xin NHNN hoặc Văn phòng IMF tại Hà Nội.

Trường hợp quá khó khăn, bạn có thể đi theo con đường thứ 3 là ước lượng xấp xỉ. Cách làm như sau:

1. Qua báo mạng và báo viết, bạn sưu tập được càng nhiều càng tốt số liệu lãi suất OMO đáng tin cậy qua các phiên giao dịch. Các báo đáng tin là báo chuyên ngành kinh tế như Thời báo kinh tế Việt Nam, Thời báo kinh tế Sài Gòn, Thời báo Ngân hàng...

2. Tập hợp lại, tính lãi suất OMO trung bình cho các tháng và cả năm (trung bình đơn giản hoặc trung bình có trọng số).

3. Qua hai bước trên bạn sẽ có một bộ số liệu chưa đầy đủ các lãi suất OMO theo mục tiêu cần tìm, nhưng đối với chuỗi số năm, nếu bạn đã có được ít nhất 8-9 số trong số 12 số cần tìm (12 năm từ 2001 đến 2012), thì bạn sẽ chuyển sang bước tiếp theo.

Trường hợp bạn lấy số liệu theo quý hoặc tháng thì cần thu thập ít nhất 3 phần tư bộ số liệu cần tìm.

4. Bạn tìm chuỗi lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đủ cho cả 12 năm (2001-2012), nếu không được thì tìm chuỗi lãi suất cho vay cho cả 12 năm; điều cuối cùng này chắc chắn làm được.

5. Dựng đồ thị so sánh giữa lãi suất OMO và lãi suất liên ngân hàng (hoặc lãi suất cho vay) xem quan hệ thế nào. Tôi tin rằng chúng có quan hệ chặt với nhau vì lãi suất OMO tác động trực tiếp tới lãi suất liên ngân hàng và gián tiếp cấp 1 tới lãi suất cho vay. Trong trường hợp không thấy quan hệ chặt, tôi tin là phương pháp tính lãi suất OMO trung bình cho các tháng và cả năm của bạn không tốt; bạn nên kiểm tra lại cách làm và tính lại các lãi suất này.

Khi dùng đồ thị so sánh giữa lãi suất OMO và lãi suất liên ngân hàng phát hiện thấy chúng có quan hệ chặt với nhau, bạn sẽ hồi quy tuyến tính hai loại lãi suất này, tức là xây dựng hàm:

Lãi suất OMO = a * Lãi suất liên ngân hàng + b

Lưu ý là dùng hàm tuyến tính chứ không dùng hàm phi tuyến vì hai chỉ tiêu này có quan hệ tỷ lệ thuận trực tiếp với nhau. Nếu cần thì có thể bổ sung biến trễ để phản ánh tác động của quá khứ, của yếu tố tâm lý dự báo.

6. Cuối cùng là sử dụng hàm số trên để nội suy (dự báo quá khứ), sẽ tìm ra các số lãi suất OMO của những năm thiếu. Đây chỉ là những số ước lượng xấp xỉ, không phải số thật đã có của nền kinh tế, nhưng về nguyên tắc chúng phản ánh xấp xỉ đúng thực tiễn đã diễn ra.

Trân trọng cám ơn sự quan tâm của bạn.



1 nhận xét:

  1. Cám ơn bạn Lai Tran Mai về cách nội suy lãi suất Omo. Cách tính này rất hữu ích.

    Trả lờiXóa